Mình làm gì với rác mỗi ngày? (Phần 1)
Cách mình phân loại và xửa lí rác hàng ngày để Trái Đất của tụi mình xinh đẹp hơnnn
4 năm kể từ ngày thực hành sống xanh, mình đã thay đổi rất nhiều.\

Từ cô gái nổi giận đùng đùng khi nhìn thấy người ta xả rác bừa bãi, dễ dàng khóc uất ức khi đọc tin một con voi bị lạm dụng đến chết hay một con rùa bị nilon kẹt rách cổ, ghét cả thế giới đến mức đổi tên instagram thành "rbhatestheworld", mình của ngày hôm nay đã không còn khó chịu với cốc nhựa ở quán cà phê hay đống túi nilon bảy sắc cầu vồng của người đi chợ.
Mình mất nhiều năm để chấp nhận rằng rác và nhựa không thể biến mất khỏi thế giới này, không phải tất cả mọi người đều xấu khi không quan tâm đến Trái đất, và mình càng không thể sống cả đời trong bực bội với những điều mình không thể thay đổi.
Thay vào đó, mình tìm cách thích nghi với nó, chỉ làm tốt nhất có thể mà không đòi hỏi phải lí tưởng hoá cuộc sống phải hoàn toàn màu xanh. nếu bạn cũng đang loay hoay, hoặc đơn giản là từng đặt câu hỏi cho lượng rác mình thải ra mỗi ngày, mong bài viết này hữu ích với bạn.
Cùng bắt đầu nhé!
Phần 1: Rác có thể tái chế/tái sử dụng
1. Túi nilon, bọc chống sốc
Bạn sẽ bất ngờ vì những thứ này đối với chúng mình vô dụng nhưng đối với những người bán hàng lại rất cần thiết.
Mình thường tìm thấy những người xin túi nilon/bọc chống sốc trên các hội nhóm sống xanh như Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh, Đi chợ không rác, GRAC Tặng đồ & Cộng đồng sống xanh,.. và rất nhiều group khác.
Bạn chỉ cần gõ keyword "xin túi nilon, bọc chống sốc" là xuất hiện những người đó liền à. Lúc này bạn sẽ cần thêm chút thời gian để tìm những người ở gần hoặc tiện di chuyển để cho/tặng. Cũng đừng lo lắng về khoảng cách bởi thường người đi xin sẽ chủ động đến lấy nè.

Một xấp túi nilon mình gấp gọn để cho/tặng
Trong trường hợp bạn lười tìm kiếm, mình có giữ một số contact từng liên lạc tại đây: Facebook Nguyễn Ánh, Thái Thanh Vân, Phuong Nguyen
2. Quần áo cũ
Gọi quần áo là rác thì hơi sai, nhưng nếu bạn không sử dụng nữa, cũng chẳng biết cho ai và chuẩn bị quẳng nó vào thùng rác thì mình có vài gợi ý sau đây.
2.1. Quần áo còn đẹp, còn mặc được
- Nếu nó thuộc loại kiểu cách, váy vóc đồ, sexy diêm dúa đồ, khó mặc phổ thông, bạn có thể đem đi ký gửi (nhờ bên thứ 3 bán hộ) thay vì từ thiện. Thực tế cho thấy những đồ này đem đi từ thiện toàn bị vứt đi không à, vì người nghèo họ cũng không mặc được style của mình. Mình đã thử hình thức ký gửi 1 năm trở lại đây, số lượng bán được không quá nhiều nhưng ít ra nó đã được về tay một ai đó cần nó hơn mình.
Gợi ý nơi ký gửi cho bạn (ở Hà Nội): Glammie - Tủ Đồ Kí Gửi, Urban Circular Space

Một event tuần hoàn zất đáng yêu tại UCS
- Nếu nó thuộc loại basic, ai cũng mặc được, bạn hãy đem đi quyên góp nhé từ thiện nhé. Nhưng hãy chọn những địa chỉ thực sự uy tín, tránh trường hợp đồ không đến tay người cần bạn nha.
Gợi ý đơn vị quyên góp (ở Hà Nội): E2K
2.2. Quần áo cũ, hư hỏng đến nỗi không mặc được
Người không mặc được, nhưng các em chó mèo lại rất cần nè. Mình thường đem đến cho các trạm cứu hộ chó mèo, trạm sẽ dùng để lót ổ cho các em, đặc biệt vào mùa đông thì nhu cầu lót ổ lại càng cao. Các em ở trạm cứu hộ cũng hay đau ốm, bệnh tật, nên lót ổ sẽ phải thay liên tục. Vậy nên đừng vội vứt quần áo xấu xí đi nhé!

Mí em mèo mình lụm trên fanpage Hanoi Pet Adoption
Gợi ý nơi nhận quần áo cho chó mèo: Trạm cứu hộ chó mèo Hà Nội, Hanoi Pet Adoption, Animal Care Thụy Khuê.
3. Rác bếp: vỏ rau củ quả
Dành cho những bạn đêm mê trồng trọt và nhà nhiều cây cối, hãy ủ rác bếp làm phân bón hữu cơ. Tác dụng thì tuyệt cà là vời luôn mà thao tác cũng rất đơn giản. Bạn cần đầu tư cỡ 100-200k ban đầu cho một chiếc thùng ủ rác bếp và một lại men vi sinh bất kỳ, tìm mua trên Shopee rất nhiều, họ bán cả combo luôn.
Sau khi có dụng cụ, bạn chỉ cẩn cho rác vào thùng, rắc một ít bột/men vi sinh lên trên rồi đợi một tuần sau là có phân bón hữu cơ siêu bổ dưỡng cho cây rồi. (Yên tâm không khó, họ còn tặng kèm sách hướng dẫn rất chi tiết nữa cơ)

Hình minh hoạ siêu nét từ Google
Mình từng làm, rất thành công, nhưng thất bại ở chỗ nhà chỉ có 3 cái cây mà ủ ra cả chai phân hữu cơ chẳng biết cho ai dùng. Nên bạn hãy tìm nguồn cung cho thành phẩm kẻo lãng phí công sức nha.
4. Chai nhựa, bìa carton, giấy vụn
Đây là loại rác mình thích nhất vì xử lí dễ ợt. Mình cứ gom lại rồi cho/tặng các cô đồng nát thôi. Mình thường xếp gọn và đặt cạnh xe rác (không bỏ vào xe rác vì sẽ bị lẫn với rác khác) rồi các cô đồng nát sẽ tự tìm đến. Hoặc chính các cô chú lao công cũng sẽ thu gom những loại rác này. Nói chung đối với chúng mình đó là rác, nhưng với các cô chú lại là kế sinh nhai, nên mình rất happy khi gom được chút ít cho cô chú kiếm thêm thu nhập.

Chiếc hình cô đồng nát mình lựa trên mạng thuiii
Lưu ý: Bạn hãy kiểm tra xem chai nhựa đó có tái chế được không nhé. Các cô chú chỉ lấy đúng loại tái chế được thôi. Những chai nước giải khát, nước khoáng thì đa số là tái chế được này (ký hiệu nhựa số 1,2,3,4,6,7). Còn lại, những chai trà sữa, nước ép,... đều là nhựa không tái sử dụng được hết nhen.
Vậy còn những chai nhựa, cốc nhựa không tái chế được thì sao?
Cách thứ nhất là tận dụng để làm hũ đựng đồ hoặc trồng cây. Mình đã trồng được kha khá cây thuỷ sinh trong những chiếc cốc này đó, nhưng thực tế là không thể tận dùng toàn bộ được. Vậy nên phải tìm đến cách số 2: xử lí rác đúng cách tại nhà máy.
Mình để dành cách số 2 này cho Phần 2, vì phần 1 đã đủ dài và nhiều thông tin quá rồi. Cảm ơn bạn đã đọc đến đây, cảm ơn bạn vì đã quan tâm đến rác, đến mẹ Trái đất của chúng ta.
Hẹn gặp các bạn ở Phần 2: "Xử lí rác không thể tái sử dụng" nhé!

Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này