Đối với mình thì Thiền niệm là phương pháp thiền dễ hiểu và dễ thực hiện nhất. Trong thời gian đầu khi tìm hiểu về thiền, mình đã may mắn được tiếp cận phương pháp này và tạo bước đệm cho việc thực hành các phương pháp thiền khác như Vipassana. Thực tế thì mình thiền niệm không được đều đặn lắm nhưng sau khi thực hành thiền niệm được một năm mình mới bắt đầu học Vipassana. Quen với việc thiền niệm là nền tảng giúp mình kéo sự chú tâm về hơi thở rất nhanh và đi vào định dễ dàng hơn.
Bản chất của thiền là kéo sự chú tâm (tâm trí) - vốn hay vẩn vơ lang thang nghĩ chuyện nay qua chuyện khác về một điểm neo trên người, để từ đó nhận biết các vấn đề bên trong và chuyển hóa chúng. Nếu như thiền Anapana lấy điểm neo là hơi thở, thiền Vipassana lấy điểm neo là cảm giác, cảm xúc và các ý nghĩ nổi lên thì thiền niệm lấy các câu chú (mantra) làm điểm neo chính.
Có thể bạn chưa bao giờ nghe đến thiền niệm nhưng chắc hẳn đã quen với hình ảnh phật tử hoặc các thiền sư tay lần tràng hạt, miệng niệm: Nam mô a di đà Phật hoặc Lành thay lành thay (Sadhu, Sadhu,...). Đó chính là một hình thức thiền niệm. Ngoài các câu trên, nếu bạn đã từng biết đến các bài thiền cân bằng luân xa (luân xa không có đóng/ mở mà chỉ có cân bằng hoặc mất cân bằng nhé), bạn cũng có thể đã nghe nói về các âm ứng với mỗi luân xa. Ví dụ, âm "Lam" giúp cân bằng luân xa 1; âm "Vam", "Ram", "Yam", "Ham", "Om", "Ang" lần lượt cho luân xa 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Mỗi luân xa điều phối các năng lượng khác nhau, các vấn đề khác nhau trong cuộc sống và khi cân bằng chúng giúp chúng ta an lạc hơn, hòa hợp hơn với mọi người và cuộc sống. Mình cũng thường thiền cân bằng 7 luân xa với các âm thanh trên kết hợp mantra tương ứng. Nếu bạn quan tâm, bạn có thể tham khảo chuỗi bài về Luân xa của cô Lê Đỗ Quỳnh Hương ở video sau đây. Cô có hướng dẫn đầy đủ và chi tiết về các luân xa, vị trí, ý nghĩa cách cân bằng để bạn thực hiện an toàn tại nhà. Bật mí là giọng cô Hương siêu siêu ấm áp và nhẹ nhàng nên thỉnh thoảng mình cũng dùng clip tổng hợp - đoạn cô hướng dẫn bài thiền hoàn chỉnh để thiền luôn. Miệng vừa niệm, tai vừa nghe cô đọc mà người thấy nhẹ bẫng đi và lòng đầy an ổn. Chuỗi này của cô Hương ít nổi tiếng hơn chuỗi về Nhân số học nhưng với mình lại là chuỗi có ích nhất. Không biết bao nhiêu cơn đau đầu và nặng nề của mình đã được thổi bay nhờ phương pháp thiền này. Các bạn đã đọc đến đây thì thực sự nên nghe thử giọng cô một lần, mê luôn đấy ^^. Vừa ngủ vừa nghe cũng được vì trước cô là MC nên đọc đúng cái giọng kiểu Như chưa hề có cuộc chia ly ngày xửa ngày xưa.
Nói chung, thiền niệm là việc lặp đi lặp lại một câu chú hoặc âm thanh nào đó giúp giải phóng các căng thẳng tâm trí và tạo ra các rung động tích cực, an vui cho người thực hành.
Vì vậy, ngoài việc giải phóng các lo âu, các vòng lặp thì thiền niệm chú mang đến trạng thái "định tâm" (tâm trí ổn định, vững chãi) và các rung động tốt đẹp. Khi đó, chúng ta có thể hạn chế được những sự vật, sự việc không phù hợp xảy đến, thậm chí có thể hóa giải và thu hút những điều tích cực cho bản thân và gia đình. Mấu chốt của thiền niệm là LÀM SAO ĐỂ DUY TRÌ ĐỀU ĐẶN VÀ KIÊN TRÌ. Ví dụ với thiền niệm thiên thần thì cần ít nhất 5 ngày, mỗi ngày 5-10 phút.
Mình có nói chuyện với các bạn theo Thiên Chúa Giáo thì các bạn cũng nói là bên các bạn ấy cũng hay đọc Kinh để xá tội, tìm về với sự nhẹ nhõm, an lạc bên trong. Bác mình là Phật tử cũng hay đọc Kinh và nghe chú đại bi tiếng Phạn. Mấy lần mình chán chán, nghe thử cũng thấy rất thư thái, nhanh chóng lấy lại được sự bình tâm. Mà không hiểu sao mỗi lần nghe Chú đại bi mình đều thấy rất vui, vừa nghe vừa hát theo được í. Giống ngày xưa xem VTV1 có phim Bài Ca Sơ Đông gì đó mình cũng lẩm bẩm theo. Mình sẽ gắn link bài chú trên Youtube ở đây cho bạn nào quan tâm nha. Nghe hay cực.

Bên cạnh các câu chú thuộc các tôn giáo khác nhau thì mình cũng muốn giới thiệu một số câu từ mà bạn có thể áp dụng khi thực hiện phương pháp này như sau:
Lời khẳng định tích cực (Positive Affirmation)
Nếu đã từng đọc The Magic hoặc các sách về Law of Attraction (Luật hấp dẫn) chắc bạn cũng nghe về định nghĩa này rồi. Nó đơn giản là bạn lặp đi lặp lại một câu nói để gieo nó vào tiềm thức của mình thôi. Mình biết là nhiều bạn khi mới biết đến thiền không đơn giản chỉ là thiền hay biết về trung đạo. Đa số tìm đến thiền vì mục đích nào đó. Các lời này tốt nhất không nên nói những ước muốn hay mong cầu gì, bạn chỉ đơn giản gieo vào ý thức mình những suy nghĩ như: Tôi khỏe mạnh, tôi xứng đáng với những điều tốt đẹp, tôi tự tin, tôi có một tâm trí sáng suốt,... Liên tục lặp đi lặp lại những lời đó trong đầu hoặc nói thành lời sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc cải thiện các vấn đề liên quan đến niềm tin với bản thân, giảm sự căng thẳng,...
Niệm âm thanh thiên thần
Mình đã từng có một bài viết về thiền niệm thiên thần và cho rằng đó là một phương pháp thiền lười ở đây. Mình gọi nó là thiền lười vì chỉ với hơn 72 âm thanh được mã hóa, nếu bạn lặp đi lặp lại đủ sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống. Bạn hát nghêu ngao khi rửa bát, bạn lẩm bẩm đọc hoặc tự nhủ trước khi ngủ, bạn tải âm thanh về nghe,... đều được. Tất cả đều giúp tạo ra các rung động và cân bằng cho lĩnh vực mà bạn muốn. Mình thì thích phương pháp này hơn cả. Mỗi lần cảm thấy căng thẳng, mình niệm thiên thần số 1, gặp các vấn đề khi học tập thi cử (đợt mình thi IELTS), mình thiền thiên thần 21 - Nelkhael để giúp tập trung hơn. Lần nào cũng vậy, chỉ sau 3 4 ngày là mình đã thấy có thay đổi. Nếu bạn quan tâm và cần hỗ trợ thực hành thì có thể tham khảo Online Workshop: 28 ngày kết nối & thiền niệm thiên thần ở đây. Mỗi tuần sẽ có 1 buổi chia sẻ chung và bài tập để thực hành giúp bạn gọi tên các vấn đề, chọn âm thanh phù hợp và follow-up giải đáp khi thực hành để tránh bỏ dở hoặc làm sai nè.
Fact nhỏ: Theo mình biết thì các bạn theo Thiên Chúa Giáo thì cũng có kinh cầu 7 tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel, Uriel, Raphael, Selaphiel, Raguel và Jedudiel. Các bạn theo đạo Phật thì có khấn niệm Bắc đẩu Thất tinh - Liêm Trinh, Tham Lang, Cự Môn, Lộc Tồn, Văn Khúc, Vũ Khúc và Phá Quân.
Có bạn so sánh thiền niệm như một dạng ám thị. Mình thấy cũng đúng nhưng cũng không hẳn. Thiền niệm đơn giản vẫn là thiền, cốt yếu giữ sự chút tâm, không quá mong cầu, không quá kì vọng. Các âm niệm hay các lời nói tốt nhất nên giữ ở sự cân bằng, bạn niệm và nói vì bạn hướng tới sự an lạc, bạn tin điều đó có thể xảy ra với mình chứ không vì bạn thèm khát chúng.
Đến bây giờ thì hàng tuần mình vẫn chọn một âm thanh thiên thần để niệm, tối những hôm cảm thấy chán, hụt hẫng hoặc mệt mệt thì thiền cân bằng 7 luân xa hoặc nghe Chú đại bi. Nói thật là nhiều lúc mệt vật ra không có sức thiền Vipassana dù rất muốn. :<
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^