Tại sao bạn lại lại đi thực tập? Đi thực tập để làm gì? Liệu có phải là vì nhiều bạn bè xung quanh đều đã và đang đi làm và bản thân vì thế nên cũng cần bắt kịp? Hoặc chúng ta cũng không biết làm gì có ích với khoảng thời gian ngoài giờ học? Hay vì giờ mà không làm thì sau sẽ thiếu kinh nghiệm và hoang mang khi ra trường?
Thông thường, chúng ta sẽ dành ít nhất từ 3 tới 6 tháng cho công việc thực tập, vậy làm như thế nào để có thể khiến thời gian đó trở nên có giá trị và ý nghĩa với việc phát triển của bạn? Sau hơn 1 năm đi làm, đây là góc nhìn cá nhân về cách chuẩn bị cho một kỳ thực tập hiệu quả.
*Lưu ý: Bài viết này không dành cho người đã có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, vì người viết định hướng theo truyền thông nên các ví dụ trong bài có thể thiên về ngành này, nhưng bạn cũng có thể áp dụng qua nhiều ngành khác nhau.

Internship Reflection - Suy tư về trải nghiệm thực tập

Reflection là việc ngồi lại và suy nghĩ, phân tích về những gì bản thân đã trải trải, cảm nhận hoặc quan sát để từ đó tìm ra ý nghĩa hoặc phát triển tư duy cá nhân. Việc này có thể áp dụng vào bất kỳ hoạt động nào, từ việc học (thông qua yêu cầu viết learning reflection của khóa học) và tự suy tư về công việc, cuộc sống. Thường thì ở Việt Nam, internship reflection sẽ xuất hiện trong đời bạn theo dạng "báo cáo thực tập" hoặc "nhật ký thực tập".
Một cốc trà để bắt đầu câu chuyện


Spoiler: Nếu mà đây là kỳ thực tập chính thức trị giá 10 tín chỉ thì công bằng mà nói, chắc tôi "trượt" rồi.



Vì quyết định đi thực tập từ sớm, tôi chưa có cơ hội nhận đượng hướng dẫn reflection từ giảng viên, vì vậy, tôi đã thực hiện internship reflection bằng việc tổng hợp hướng dẫn từ nhiều trường đại học trên thế giới. Tôi đã rất hào hứng ngồi xuống để bắt đầu nhìn lại những trải nghiệm của cá nhân và sự thay đổi trong thời gian vừa qua, chỉ để nhận ra rằng bản thân đã trượt ngay câu hỏi đầu tiên: Nhìn lại những mục tiêu bạn đã đặt ra cho trải nghiệm thực tập này.
Khi bắt đầu công việc hiện tại, tôi đã chỉ nghĩ là mình cần phải đi thực tập để có thêm kinh nghiệm làm việc thật sự, để không bị bạn bè bỏ lại phía sau trên hành trình tìm kiếm công việc. Và trong sự hấp tấp đó, tôi đã quên đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn dành cho bản thân. 
Tất nhiên, trong thời gian ngắn, việc đó có thể không dẫn đến vấn đề gì cả vì sự thật là khi bắt đầu công việc mới mỗi người sẽ có một khoảng thời gian "bị lag" lúc đầu, và vượt qua được là đã tốt rồi. Tuy nhiên đến những dấu mốc thay đổi, phát triển (như quyết định nghỉ việc chẳng hạn?), việc không có mục tiêu cụ thể (có thể được coi là các tiêu chí để cân nhắc, đánh giá) chắc chắn sẽ ảnh hưởng.
Vì vậy, tôi sẽ dành những phần dưới đây của bài viết này để nói về việc xác định mục tiêu cho một "kỳ thực tập có mục đích". 

Đầu tiên là tại sao?

Nằm xuống để nghĩ: What the f*** have I done?

Nếu sau phần trên bạn vẫn còn cảm thấy hơi mơ hồ về lí do và động lực đằng sau việc cần phải xác định mục tiêu cho kỳ thực tập thì tôi sẽ giải thích ngay đây thôi. Tôi cho rằng có hai lí do chính như sau:

- Để có định hướng và trở nên có mục đích hơn với những hoạt động chúng ta thực hiện. Việc này sẽ giúp bạn xác định được những công việc sẽ có ảnh hưởng tới định hướng phát triển cá nhân (và những công việc không có ích lắm) để xây dựng danh sách ưu tiên và sự tập trung phù hợp. Bên cạnh đó, việc có một số mục tiêu rõ ràng cũng là mỏ neo để mỗi lúc hoang mang, bối rối và khó khăn (như khi bắt đầu tại một môi trường mới với công việc lạ hay khi gặp áp lực với quá nhiều việc và chỉ muốn bỏ hết xừ đi), bạn sẽ nhớ lại lí do tại sao bắt đầu và có thêm sức mạnh vượt qua.
- Để tăng tốc độ phát triển của bản thân qua việc suy tư và nhận ra những điểm cần phát huy, cần cải thiện. Việc có những mục tiêu cụ thể sẽ giúp bạn và tôi có một bộ khung nhất định cho việc tự suy (reflection) hàng tuần, hàng tháng. Việc nhìn lại thường xuyên sẽ giúp chúng ta nhận ra và thay đổi nhanh hơn, thay vì để hàng tháng trời trôi qua và khi nhìn lại, bản thân bỗng chợt ngơ khác vì không biết "What the f*** have I done? :D" (như tôi đã từng).

Một hướng dẫn đơn giản để đặt mục tiêu cho kỳ thực tập

Nói về chuyện đặt mục tiêu thì tôi cho rằng nhiều bạn cũng nghe đến mô hình SMART rồi nhỉ?  Vậy nên trong bài viết này tôi sẽ không nói về việc "làm như thế nào" mà sẽ tập trung vào việc đưa ra một số ý tưởng hỗ trợ quá trình "bão não" của chúng ta.
Tôi cho rằng có tổng cộng 5 nhóm mục tiêu chính có thể cân nhắc và phân loại trong quá trình định hướng cho kỳ thực tập, bao gồm: Tài chính, Công việc, Kỹ Năng, Công ty & Ngành, Tư duy & Tính cách cá nhân.

Tài chính 

Sự thật là không phải ai cũng có quyền lựa chọn thoải mái khi cân nhắc và lựa chọn "kỳ thực tập" vì mỗi người đều có những vấn đề khác cần phải lo. Vì vậy nên tôi để tài chính là một mục tiêu và yếu tố cần cân nhắc ở đây.
Tuy nhiên, từ trải nghiệm cá nhân và quan sát bạn bè, tôi thấy vị trí thực tập thường được đánh giá là cơ hội để bạn học việc là chính trước khi mang tới giá trị cho công ty, tổ chức (dù không chắc là thực sự phạm vi công việc thực hiện có đúng chỉ là để "học cách làm" thôi không). Vì vậy tôi nghĩ rằng kì vọng và mục tiêu về tài chính sẽ khó ở mức cao (trừ một số chương trình hoặc công ty đặc biệt). Hoặc có thể do đó là đặc điểm của ngành tôi đang theo đuổi mà vị trí thực tập sinh sẽ thường nhận phụ cấp trong khoảng 1 triệu 5 tới 3 triệu. 

Công việc

Viết lại các mục tiêu: 1, 2, 3, 4
Thực tập là làm thật. Vì vậy đây là cơ hội để chúng ta tìm hiểu về công việc thực tế sẽ như thế nào (chứ không gói gọn hiểu biết bản thân trong những trang sách) và có thông tin để cân nhắc định hướng sau này vì mỗi ngành sẽ có hàng tá hướng đi khác nhau. Nếu đây là thời điểm quá sớm để bạn xác định bản thân thích gì, ít nhất chúng ta cũng nên đặt mục tiêu là xác định mình không thích gì, nhỉ?
Nhóm mục tiêu thứ 2 này sẽ bao gồm quan sát, tìm hiểu và tích lũy về cách làm việc, những kiến thức cần thiết và kỹ năng cần thiết cho công việc. Một số mục tiêu cụ thể (hơn một chút chứ chưa smart, và áp dụng vào ngành tôi đang đi thực tập nhé) mà bạn có thể đặt ra bao gồm:
- Học về những công việc hàng ngày tại bộ phận, và quá trình thực hiện (execution process) và nhận biết những kỹ năng cần thiết
- Quan sát để học về quy trình làm việc của bộ phận X tại agencyHọc về quy trình hoặc cách làm việc làm việc giữa agency và client
- Học những kiến thức cần để thực hiện tại vị trí X - Một lưu ý nhỏ thì để tối đa hóa việc học, thử cân nhắc kết hợp giữa công việc thực hiện tại công ty và học các khóa học, tham gia sự kiện bên ngoài. Với mức thực tập sinh thì không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận các công việc/bộ phận khác nhau hoặc được thực hiện các phần việc làm đa dạng

Kỹ năng

Tôi cho rằng kỹ năng có nhiều cách phân loại, có thể là hard/technical skills (kỹ năng cứng, kỹ năng kỹ thuật) và soft skills (kỹ năng mềm), hoặc non-transferabletransferable skills (những kỹ năng không thể và có thể chuyển đổi giữa các công việc khác nhau). Vì vậy tôi tạm tách mục này thành một nhóm để rõ ràng và không giống như mục trên, phần này sẽ tập trung nhiều hơn vào định hướng "phát triển" kỹ năng. Một số ví dụ có thể là:
- Học quy trình planning và nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ, khách hàng
- Xây dựng kỹ năng để có thể định hướng các loại kế hoạch khác nhau, ví dụ như kế hoạch phát triển sản phẩm, kế hoạch CSR,...
- Phát triển khả năng giao tiếp, bao gồm việc viết và trao đổi thông qua lời nói - Điều này có thể được xác định cụ thể hơn, ví dụ như xây dựng kỹ năng viết nội dung, thiết kế,...
- Xây dựng kỹ năng xã hội (interpersonal skills) để phù hợp với môi trường công sở

Công ty và Ngành

Tôi nhận ra là mình phù hợp với không gian mở hơn cubicle
Kỳ thực tập cũng là thời gian để ta tìm hiểu về những cơ hội nghề nghiệp hiện tại và tương lai trong công ty, trong ngành. Đây cũng là thời gian để khám phá và đánh giá liệu công ty có là nơi phù hợp để phát triển và gắn bó lâu dài không hoặc xác định những nước đi tiếp theo. Một số mục tiêu phù hợp có thể bao gồm:

- Hiểu bộ máy và mối quan hệ, cách làm việc giữa client và agency
- Quan sát và hiểu, cảm nhận cách mà các phần công việc cụ thể được phân bổ và thực hiện trong công ty, tổ chức
- Nắm bắt cơ hội networking với những người trong công ty, trong ngành
- Hiểu về đặc điểm, môi trường của ngành và những yêu cầu, luật lệ (nếu có)

Tư duy và tính cách/thái độ của cá nhân (mindset & attitude) 

Và tất nhiên, tham gia vào một kỳ thực tập cũng là một cơ hội để ta học và rèn luyện cho tư duy của bản thân hoặc định hướng cho tính cách để có thể trở nên phù hợp và thích ứng với sự phát triển trong tương lai hoặc trong quá trình làm việc. Một số mục tiêu thuộc nhóm cuối cùng này có thể là:
- Trở nên bền bỉ và có tư duy, thái độ cởi mở hơn (trước yêu cầu cao của sếp và sự khó tính của khách hàng?)
- Trở nên chuyên nghiệp và có trách nghiệm hơn trong công việc và cách hành xử tại môi trường công sở

Takeaway Coffee

Tóm lại là, tôi nghĩ rằng việc thực hiện hoạt động suy tư - phản tư (reflection) là điều quan trọng trong quá trình chúng ta phát triển tư duy, suy nghĩa. Điều này có thể áp dụng được trong cả việc học và đi làm. Một trong những điều kiện để có thể ngồi xuống, nhìn lại trải nghiệm một cách hiệu quả là việc cần xác định được những mục tiêu cụ thể khi bắt đầu, và tôi cho rằng có 5 nhóm chính gồm Tài chính, Công việc, Kỹ Năng, Công ty & Ngành, Tư duy & Tính cách cá nhân.
Nếu bạn đã qua giai đoạn hoang mang này thì chúc mừng! Nếu bạn vẫn đang cảm thấy mơ hồ một chút, tôi hi vọng bài viết này mang lại vài ý tưởng tốt.