Ảnh bởi
Mikhail Vasilyev
trên
Unsplash
Dịch từ bài viết của Britt Peterson đăng trên tạp chí Nautilus ngày 28.4.2016
Chín năm trước, khi mình nhận nuôi Lucas từ một tổ chức giải cứu động vật ở Washington D.C, lúc đó tên cậu chàng là Puck. “Tại cậu chàng tinh quái lắm”, người nuôi tạm bảo vậy (Puck là tên một chàng tiên ranh ma trong tác phẩm Giấc mộng đêm hè của Shakespeare) . Mặc dù đã thay tên đổi họ, nhưng cái nết của cu cậu y hệt như cái tên cũ. Khác hẳn ông anh trai Tip, một chú mèo xám chân trắng với tính cách trầm tĩnh ngọt ngào như chú lừa Eeyore trong truyện về gấu Pooh, Lucas là một cục than nhiệt huyết, một sát thủ thực thụ với ngón chân, vỏ chăn và đồ đạc trên bàn. Cậu ấy làm đồng hồ báo thức của mình mỗi sáng bằng cách gạt lược, chai khử mùi và hộp khuyên tai của mình xuống đất cho đến khi mình nhấc mông khỏi giường và cho cậu ấy một bữa no nê.
Chú lừa Eeyore
Chú lừa Eeyore
Bốn năm về trước, mình và chồng có em bé. Lucas lúc đó không còn là sinh vật tí hon quan trọng nhất nhà nữa, vậy nên cậu chàng nằm thù lù trên nóc cây cào móng cả ngày và u sầu ngắm thế gian. Khi Lucas muốn được ai đó chú ý, biểu hiện của cậu ấy có phần hơi hung hăng. Cục than đen Lucas sẽ phá giấc ngủ của chúng mình lúc 4h thay vì 7h sáng. Kể cả khi bọn mình đã đóng cửa phòng, cậu ấy vẫn sẽ cố húc cái thân béo 6 kí lô vào chân cửa. Trong giờ ăn Lucas sẽ ngấu nghiến phần của chính mình thật nhanh rồi tranh ăn với Tip. Cậu chàng còn tè ra thảm phòng khách và phòng em bé, và cậu ấy cũng đối xử với Tip một cách đanh đá hơn xưa.
Thế là mình đặt lịch với một nhà chuyên gia về hành vi động vật, và sau 5 tháng không có tiến triển, mình hẹn thêm cả bác sĩ thú y. Bác sĩ nói Lucas có biểu hiện của chứng lo âu (anxiety) và đề nghị cho Lucas uống fluoxetine, một dạng tương tự như thuốc chống trầm cảm ở người nhưng mà dành cho động vật. Mặc dù mình cảm thấy thất vọng và thương hại lẫn lộn dành cho Lucas, mình thấy được chút gì đó đồng cảm với tình cảnh của cậu ấy. Hơn một thập kỷ trước, trong suốt sáu tháng đại học, mình bị hoảng loạn (panic attack) mỗi ngày. Mình được chẩn đoán tương tự như chú mèo của mình - rối loạn hoảng sợ (panic disorder) - và được kê một loại thuốc tương tự.
Hơn 50 năm trước, nhà hành vi học B.F. Skinner đã viết, "Cảm xúc là ví dụ tuyệt vời cho những nguyên nhân hư cấu mà chúng ta thường gán cho hành vi." Đối với động vật, những sinh vật không thể mô tả cảm xúc bằng lời, cảm xúc của chúng bền vững hơn con người. Những cơn hoảng loạn của mình như một con rắn lo âu đang tự ăn đuôi vậy: mình đang bị hoảng loạn trên tàu điện ngầm sao? Hay là ngay lúc này, ngay ở lớp tiếng Anh? Thật khó để tưởng tượng một con chuột hay con mèo suy ngẫm về sự ám ảnh đó. Như Kierkegaard đã viết trong quyển The Concept of Anxiety, "sự lo âu không có ở động vật, chính vì bản chất động vật không đủ tư cách để sở hữu linh hồn."
Trên thực tế, khái niệm lo âu ở động vật là thứ mà khoa học đã phải vật lộn trong một thời gian dài. Và trong khi định nghĩa của chúng ta về sự lo âu khi nói đến động vật có thể vẫn còn mờ nhạt, nó ngày càng rõ nét hơn theo thời gian. Quá trình này đã dạy chúng ta nhiều điều về cảm xúc của chính mình và tiếp tục chỉ cho chúng ta nhiều hơn về nhận thức của động vật. Cuối cùng, nó cũng dạy mình rất nhiều về mối quan hệ của mình với Lucas.
“Với hầu hết tất cả các loài động vật, ngay cả với loài chim, nỗi sợ hãi khiến cơ thể run rẩy,” Darwin đã viết trong cuốn sách xuất bản năm 1872 của ông, The Expression of the Emotions in Animals and Man. Ngày nay, với sự hiểu biết sâu sắc hơn về nền tảng của nỗi sợ hãi bên dưới vỏ não, chúng ta biết hệ thống não bộ ở các loài động vật có vú mang nhiều nét tương đồng đến mức nào.
Khi một mối đe dọa xảy ra, phản ứng chạy-hay-chiến được kích hoạt bởi hạch hạnh nhân, sau đó di chuyển đến vùng dưới đồi, từ đó gửi tín hiệu đến các tuyến hóc môn, giải phóng adrenaline. Hầu hết bộ não của các loài động vật có vú cũng có biểu hiện tương tự: vùng dưới đồi và hạch hạnh nhân nhỏ xíu của chuột phản ứng với căng thẳng giống như chúng ta vậy. Và bất kỳ ai nuôi chó mèo nào cũng biết rằng các biểu hiện chạy-hay-chiến ở động vật rất phong phú, phức tạp, đôi khi lại theo vài khuôn mẫu nhất định (chó luôn mút chân và tru lên khi trời bão), đôi khi dựa trên tính khí hoặc di truyền, đôi khi lại bất ngờ bộc phát giống như sự lo âu của con người.
Các nhà hành vi thú y không lo lắng nhiều về việc liệu lo âu có phải là một thuật ngữ hợp lý cho những cảm xúc của động vật hay cách chẩn đoán lo âu cho chúng. Katherine A. Houpt, giáo sư danh dự về y học hành vi tại Đại học Cornell cho rằng việc này không quá khó khăn. Các bác sĩ thú y nhìn vào biểu hiện bên ngoài: con vật có giật mình nhanh chóng hay bị khó ngủ không? Liệu một con mèo đang ở trong tư thế sợ hãi có giống như nhà hành vi học Emily Levine gọi là “tư thế ổ bánh thịt”? Bằng những cách thức quan sát này, sự lo âu tồn tại rất phổ biến ở vương quốc động vật, cả ở thú cưng và phần còn lại.
Trong cuốn sách của mình là Animal Madness, nhà sử học về khoa học Laurel Braitman đã trích dẫn một nghiên cứu của một công ty dược phẩm lớn, Eli Lilly and Company, nói rằng 17% số cún cưng ở Mỹ mắc chứng lo âu chia ly. Braitman cũng mô tả những con khỉ đột lo âu, những con bonobo không chịu ăn một bữa nào cho đến khi chúng trải qua một loạt các hành vi giống như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, những con gà lo âu được cho Prozac để bình tĩnh giúp thịt của chúng ngon hơn, hay việc tự làm đau bản thân và hành vi hung hãn của hải mã và sư tử biển tại những công viên giải trí như SeaWorld.
Để giúp giảm bớt các triệu chứng, chúng ta đã cho động vật uống thuốc trong nhiều thập kỷ. Bắt đầu từ những năm 1970, các loài động vật bị nuôi nhốt ngày càng bị bắt uống nhiều thuốc hơn, từ gấu bắc cực, đến những chú chim cánh cụt không hợp thời tiết ở Anh, cho đến các loài động vật biển có vú ở SeaWorld. Việc này đã dấy lên một vụ bê bối năm 2014 sau khi các tài liệu của tòa án do Buzzfeed thu được cho thấy các bác sĩ đã chuốc những con cá voi sát thủ với benzodiazepines, một dạng thuốc chống lo âu bao gồm Xanax và Valium. Một vài con chó dò mìn ở Afghanistan được chẩn đoán mắc PTSD đã được cho dùng Xanax, cũng như các phương pháp điều trị khác. Ngày nay, vật nuôi đang sử dụng thuốc chống trầm cảm và thuốc chống lo âu nhiều đến mức ngành công nghiệp này đã trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô.
Cho động vật uống thuốc của con người không chỉ là sự ái kỷ của con người. Chúng ta biết rằng những loại thuốc này có tác dụng đối với động vật vì ban đầu thuốc đã được thử nghiệm trên động vật. Sự tương đồng cơ bản giữa não của động vật có vú và các kiểu hành vi lo âu và trầm cảm đã biến khỉ, chó, mèo, chuột thành những đối tượng thay thế con người trong thử nghiệm thuốc thần kinh bắt đầu với thuốc an thần vào những năm 1900 và tiếp tục vào những năm 60 cho đến ngày nay với những loại thuốc mà người ta tin rằng sẽ cải thiện các triệu chứng trầm cảm và lo âu bằng cách tăng mức độ của một chất dẫn truyền thần kinh gọi là serotonin.
Các phương pháp kích thích hoặc đo lường sự căng thẳng ở động vật thí nghiệm để nghiên cứu các loại thuốc này là vô tận, sáng tạo và phải đi kèm với cảnh báo nếu bản thân bạn là một người dễ bị xúc động. Trong “bài kiểm tra bắt buộc bơi”, những con chuột bị buộc phải bơi trong các bể hình trụ để kiểm tra khả năng phục hồi của chúng khi đối mặt với thất bại. Một số "mô hình lo âu ở động vật" tạo ra các tình huống đặc biệt căng thẳng đối với động vật, như không gian mở hay là đi trên một cấu trúc đòi hỏi sự thăng bằng như là đi bộ trên dây.
Trong một thí nghiệm căng thẳng mãn tính, những con chuột bị trói, lắc, cách ly, giữ dưới máy sấy tóc nóng, để dưới ánh đèn sáng qua đêm hoặc lồng nghiêng một góc 45 độ. Cuối cùng - và cũng giống như con người sống trong tình trạng căng thẳng kinh niên - những con chuột trở nên lo âu nghiêm trọng và không còn hứng thú với hành vi khám phá, giống như những thanh thiếu niên chán nản nằm trên giường trốn tránh cuộc đời.
Có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu các bài kiểm tra căng thẳng và mô hình lo âu của động vật có đủ tương đồng với sự lo âu của con người hay không, để quyết định các nghiên cứu trên động vật về các loại thuốc thần kinh có đáng tin cậy hay không. Thậm chí, những thử nghiệm nhẹ nhàng hơn dường như vẫn giống với việc vả vào mặt con người cho đến khi người đó ngã xuống một vũng nước run rẩy, hơn là tái hiện sự phức tạp của các yếu tố di truyền và môi trường, điều tạo ra chứng rối loạn lo âu ở người.
Các nhà nghiên cứu hiếm khi sử dụng từ “lo âu” để mô tả những gì động vật cảm thấy. Các nghiên cứu thường mô tả “các triệu chứng giống kiểu lo âu” và tập trung vào hành vi hơn là cảm xúc, biểu hiện bên ngoài của cảm xúc hơn là chính bản thân cảm xúc đó. Thực tế là thuốc chống lo âu làm dịu các triệu chứng này ở động vật cho thấy động vật sở hữu vài điểm chung với các triệu chứng mà chúng ta gọi là lo âu ở người. Nhưng chúng có phải là một nỗi sợ có điều kiện hay một cái gì đó hoàn toàn khác? Và con người chúng ta có bao giờ thực sự biết được không?
Joseph LeDoux, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại Đại học New York, đồng thời là tác giả của The Emotional Brain, đã thực hiện một số nghiên cứu vô cùng quan trọng về chứng rối loạn lo âu. “Động vật có trạng thái tinh thần không? Chúng tôi không biết, và chúng tôi không thể biết chắc chắn,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí BrainWorld vào năm 2012. Với LeDoux, những quan sát về hành vi không đủ để gán nhãn “lo âu” khi chúng ta không thể truy cập được vào bản chất cảm giác của động vật. Nó có thể là cảm xúc, nó cũng có thể chỉ là một phản ứng tự động với mối nguy, và khi không có bất kỳ cách nào đi vào tâm trí động vật thì chúng ta không thể đánh giá được.
Nhưng Jaak Panksepp, một nhà thần kinh học tại Đại học Thú y thuộc Đại học Bang Washington, không đồng ý. Nổi tiếng với các nghiên cứu chứng minh rằng những con chuột bị cù thực sự có “cười” bằng những tiếng kêu the thé mà tai người không thể nghe thấy, Panksepp nghiên cứu các hệ thống cảm xúc không điều kiện tiềm ẩn phía dưới. Nỗi sợ hãi, hay là nỗi sợ hãi bản năng, không phải nỗi sợ hãi được tạo ra trong phòng thí nghiệm bởi những cú sốc điện lặp đi lặp lại. Sử dụng kích thích sâu vào hạch hạnh nhân, vùng dưới đồi và vùng chất xám quanh não giữa của động vật — tương tự như trung tâm của hệ thống sợ hãi ở người — Panksepp có thể kích hoạt những nỗi sợ hãi bản năng này và sau đó quan sát cách phản ứng của động vật. Ông ấy phát hiện ra rằng việc kích hoạt phản ứng sợ hãi khiến động vật không chỉ chuyển sang chế độ chiến-hay-chạy điển hình mà còn cố gắng ngăn chặn trải nghiệm sợ hãi đó — để tắt đi nỗi kinh hoàng trong não chúng. Những người bị kích thích sâu ở vùng não này đã trải qua nỗi sợ hãi hiện sinh, và họ mô tả cảm xúc của mình(theo các nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách The Archeology of Mind năm 2012 của Panksepp) như "tôi sợ đến chết" và "cảm giác không chắc chắn như đi vào một đường hầm dài và tối tăm”. Theo Panksepp, chuột có khả năng gặp phải những trải nghiệm tồi tệ tương tự.
Tất nhiên, sợ hãi không giống như lo âu. Trong khi sợ hãi là một cảm xúc được ưu tiên, lo âu phức tạp hơn nhiều. “Đó là điều mà bạn đang suy ngẫm, sự đối mặt của bạn với thế giới xung quanh, những người đang đối xử tệ với bạn,” Panksepp nói. "Chúng ta không thể nhìn vào suy nghĩ của một con vật - không có phương pháp cho điều đó." Tuy nhiên, Panksepp cho biết, ông nghi ngờ động vật có sở hữu "những lo âu chu đáo" của riêng chúng. “Cá nhân tôi tin rằng chúng làm vậy bởi vì chúng có vùng não trên đủ lớn, vùng mà kiểm soát suy nghĩ của con người về những ý tưởng sinh tồn cơ bản.”
Các nhà khoa học khác đồng ý, cả về sự khó khăn trong việc xác định sự lo âu của động vật và khả năng tồn tại của nó. Lori Marino là một nhà khoa học thần kinh tại Đại học Emory và hiện là giám đốc điều hành của Trung tâm Vận động cho Động vật Kimmela. Cô ấy nói rằng “Sự lo âu của các loài động vật nhận được nhiều tranh cãi hơn vì nó có một thành phần mà nỗi sợ hãi không có: thành phần đó là thời gian”. Ý thức về bản thân tồn tại cùng thời gian là điều cơ bản của sự lo âu. Bạn lo âu về tương lai — mình sẽ ở đâu ngày mai, trong ba tuần, trong một tháng? Bạn gặm nhấm những hối tiếc trong quá khứ.
Từ lâu, hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng con người là loài duy nhất có khái niệm về dòng thời gian đang trôi đi. Nhưng các nghiên cứu gần đây về chim giẻ cùi phương Tây và chim giẻ cùi Âu Á đã cho thấy những chúng tiên liệu trước nhu cầu kiếm ăn sau này ngay cả khi những nhu cầu đó khác với nhu cầu hiện tại. Một nghiên cứu năm 2013 cho rằng tinh tinh và đười ươi trong vườn thú có thể có ký ức giống như con người — rằng một gợi ý duy nhất có thể kích hoạt một loạt các sự kiện được ghi nhớ, giống như cách xảy ra ở con người.
Chưa thể cho rằng mối quan hệ phức tạp hơn với thời gian tương đương với một tập hợp các cảm xúc xung quanh những người được ghi nhớ — mặc dù một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng lợn tham gia vào “hành vi tránh né”, chùn chân và ủn ỉn khi tiên liệu một việc làm tiêu cực trong tương lai. Dù sao thì việc này có nảy sinh ra một số khả năng hấp dẫn.
Marino nói: “Tôi nghĩ bạn có thể nói rằng nhiều loài động vật có ý thức về thời gian. Có thể không chính xác tinh vi như ở người, nhưng tôi nghĩ chúng có thể đoán trước được điều gì đó, chúng biết rằng điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai, dù chỉ là vài phút hoặc vài giờ hoặc vài ngày. Động vật không thể tồn tại nếu cứ mãi sợ hãi, mà không cảm thấy lo âu về những gì có thể xảy ra hoặc tự mình tiên liệu nó dù có sơ khai thế nào".
Đối với mình, việc gán cho Lucas là một chú mèo lo âu đã thay đổi cách tôi nghĩ về hành vi của cậu chàng. Mình đã coi Lucas như kẻ thù: phá giấc ngủ, tè vào thảm, bắt nạt mình và mấy con mèo khác. Bây giờ cậu ấy cũng chẳng khác gì mình về mặt lo âu, là một người bạn đồng cảnh ngộ. Một số người có thể cho rằng mình đang nhân hoá Lucas. Khi mình trở nên thấu hiểu hơn với các tế bào thần kinh của Lucas, mình bắt đầu nhận thấy vai trò của chính mình với chúng.
Ít nhất, sự lo âu của động vật thường do con người gây ra - từ việc chúng ta phá hủy môi trường sống của chúng đến việc chúng ta thèm ăn thịt chúng đến việc chúng ta giam cầm chúng trong vườn thú. Nhưng chúng ta thường gây ra sự lo âu cho những động vật đã tiến hóa để sống bên cạnh chúng ta, những con vật chúng ta yêu thương mãnh liệt nhất và coi như những người bạn đồng hành, bằng cách áp đặt nhu cầu của chúng ta và phớt lờ nhu cầu của chúng. Chó và mèo đều cần được kích thích và vận động nhiều, trong khi chúng ta thì sống ở các thành phố và đi làm cả ngày. Mèo thích được vuốt má và cằm; nhưng chúng ta lại ôm và âu yếm chúng như những con thú nhồi bông, ngay cả khi chúng không thích điều đó.
Khi mình lo lắng cho Lucas, mình cũng bắt đầu nghĩ về những nhu cầu của cậu ấy nhiều hơn. Mình chơi với cậu ấy thường xuyên hơn và cho cậu ấy ăn nhiều bữa với khẩu phần ít hơn. Các bữa ăn và buổi chơi giúp cậu ấy vui lên cũng hiệu quả y như thuốc chống trầm cảm. Cậu ấy cũng không cần uống thuốc chống trầm cảm nữa. Cậu ấy không còn đánh thức chúng mình vào nửa đêm và tè lên thảm. Khoa học có thể chỉ đang hiểu được một phần nhỏ liệu Lucas có đang lo âu hay chỉ hành động giống như lo âu. Cuối cùng, mình thấy việc định nghĩa sự lo âu một cách rộng mở đã giúp mình nhận ra mối liên hệ và trách nhiệm của bản thân trong bất cứ cách nào mà lo âu có thể tồn tại đối với Lucas.