1. Hồi tiểu học, tôi từng ngồi cùng bàn với thằng B và thằng Sỹ, hay là Sĩ nhỉ, kệ, không nhớ nữa, dù sao cũng đọc giống nhau mà. Thằng tạm gọi là Sỹ ấy da đen như trâu, hay xé cái lớp giấy lót trong của cặp sách ra để nhai. Cái loại giấy bìa tái chế có màu nâu nhạt gặp nước là mục ngay ấy. Tôi không để ý xem nó sẽ nuốt vào hay nhả ra, chỉ nhớ nó hay có kiểu nhai giấy như thế, trông bẩn tưởi kinh. Nó khoe hôm nào được 9 với 10 thì sẽ được mẹ nó thưởng 500. Nói luôn là vào những năm cuối thế kỉ 20 ấy, 500 đồng với lũ nhóc chúng tôi là to lắm luôn, ví dụ một cái bánh đa nhỡ nhỡ chỉ tốn 300 đồng thôi đủ cho mấy đứa chia nhau nhai nhồm nhoàm ngon nghẻ. Nhưng thằng Sỹ học dốt bỏ mie đi được, mấy khi được điểm cao đâu, cứ khoe vậy thôi. Cái tên nói lên tất cả.
Thằng B thì chúa nghịch trong lớp, nghịch hết cấp, cô nào cũng kêu nó nghịch, chữ viết cẩu thả, học cũng dốt. Nhưng tôi nhớ cô Hằng thực tập người Ninh Bình lại rất khoái chơi trò con quay làm bằng quả bưởi con con cắm cái que vào giữa với thằng B ấy. Có lần cái Hoa hái được quả khế có 11 cạnh mang tới lớp, giấu dưới hộc bàn để ra chơi bọn tôi cùng ăn thì ôi thôi, giữa giờ, cái Hoa mới lay lay tôi ngoảnh xuống thấy thằng B chống quyển vở trên mặt bàn rồi khom người giấu cái mặt nó sau đó, tay cầm quả khế chấm chấm muối, ngấu nghiến ăn, cái thằng mặt giặc.
Tôi còn học cùng một thằng em họ của mẹ tôi, phải gọi là cậu nhưng tôi bắt chước các anh chị gọi nó là chú, dù hồi đi học gọi mày xưng tao. T nhìn giống bà nội nó, hay đỏ mặt, có nghịch nhưng không đáng kể, chỉ là a dua a còng theo mấy thằng khác ra cái vẻ con trai chút thôi. Có lần nó trơ trẽn chép bài đặt câu với từ "trân trọng" của tôi. Cụ thể câu ấy tôi đặt là: Trong các đám cưới thường treo biển chữ "trân trọng kính mời". Thế là nó chép y chang, tôi thấy tức lắm nhưng chỉ lườm nó một cái chứ không chửi đánh. Nể thằng chú lắm mới nhịn đấy.
2. Lên cấp 2, tôi nhớ từng ngồi cùng thằng Song ở bàn cuối, rồi kì sau chuyển lên bàn đầu cùng thằng H. Mấy thằng cá biệt cứ hay được xếp bàn cuối hoặc bàn đầu, có lẽ thầy cô muốn giữ chúng gần nhất trong tầm tay hoặc đẩy chúng ra xa nhất cho khuất mắt. Thằng Song hơn bọn tôi 2 tuổi vì nó bị đúp. Cô giáo từng đọc tên nó là Soong, cả lũ cười hô hô. Có lần nó đắc tội gì đó, thầy giáo vặn vẹo hỏi nó con nhà ai, nó nói tên mẹ nó, thầy hỏi tên bố, nó đột nhiên sụt sùi: bố em chết rồi. Thầy giáo kì thật. Song nó không học tới hết lớp 9 thì phải, nó bỏ ngang chừng, sau đi đâu chả biết.
Thằng H có khuôn mặt bầu bĩnh, lông mi dài, cong tỡn lên như được chuốt vậy, mắt nó cũng tròn và lúc nào cũng ươn ướt như mắt con chó con. Tôi thấy mắt nó cữ đĩ thõa kiểu gì ấy. Hay nghe thấy nó nói và viết ra mấy từ rất tục tĩu, đã thế lại chăm ngồi sổ đầu bài. Cứ cuối tuần sinh hoạt lớp là nó bị cô gọi đứng dậy kể lại " thành tích" trong tuần. Nhà nó có quán cháo lòng, hồi ấy. Nó chỉ học cùng tôi hết lớp 6 thì bỏ, hình như nó không lên nổi lớp. Chả biết sau đó nó đi đâu nữa. Gần như không gặp lại.
Lớp 7, lớp tôi nhận một thằng từ lớp khác chuyển qua, tên là H, thường được gọi là H cẩu. Thằng đó người nhỏ thó, thề hồi đó nhìn cái mặt chuột kẹp của nó tôi chỉ muốn tặng ngay cho quả đấm, tại trông nó bướng với gợi đòn khủng khiếp, vừa vào lớp mới đã ghè thằng Long đánh nhau. Nhớ hôm ấy tan học, nó chạy liền một mạch về nhà, kiếm một cái gậy to rồi đứng sẵn ở đầu ngõ chặn thằng kia đạp xe về qua. Lần khác thì nó nhờ một anh trong xóm cao to xông vào tận trường trong giờ ra chơi để "xử" hộ nó vẫn cái thằng Long kia. Khi mẹ nó được mời lên uống nước chè với giáo viên nhờ "công trạng" của ông con trai, tôi nhớ như in dáng vẻ của bà ấy, tay cầm cái roi là một cành cây tươi (chắc mới bẻ được trên đường), mặt hằm hằm, xăm xăm bước tới cửa sau lớp học, hỏi rất thản nhiên: thằng H nhà tao đâu? Mẹ nào con nấy là có thật, rất giỏi trong khoản vũ trang gậy gộc.
3. Lên cấp 3, cả ba năm đều ngồi bàn cuối cạnh mấy đứa con gái, không thằng nào đủ ấn tượng sâu sắc để kể cả. À có một năm ngồi cùng bàn với thằng Quyền, nó học giỏi vật lý, hay viết tắt chữ 'cảm ứng từ' là c ứ t nên bọn tôi đặt luôn cho nó nghệ danh Quyền cứt. Tốt nghiệp xong cũng không gặp lại.
4.
Thằng B đi bơi cùng mấy thằng khác rồi một mình chết đuối đầu năm lớp 7, lúc đó còn chưa cả khai giảng.
Thằng H mi cong đi phụ vữa, chiều hôm ấy về chuẩn bị đi ăn cưới, mới xuống chỗ hồ nước rửa chân tay, bị ngã chết dấp lúc xẩm tối. Nhớ lúc ấy tôi chưa tốt nghiệp, thì là trước 23 tuổi.
Chú T tôi năm 25 tuổi tai nạn chết lúc đang đi xe máy về nhà sau khi đi ăn uống với đồng nghiệp, nghe kể có uống rượu. Lúc ấy vừa mới thử việc xong.
Thằng H cẩu chết sau chú T vài ba năm gì đó. Cô cùng xóm kể, lúc chú T đang được mai táng, nó chỉ vào đám đông nơi nghĩa địa xa xa và bảo với cô kia là: cái thằng T đấy học cùng cháu. Lần nọ, nó đang ở đám cưới thì nghe tin một thằng bạn đi oánh nhau bị thương, nó cùng một thằng khác chở bạn đi cấp cứu, thế quái nào trên đường đi bệnh viện thì chính nó bị tai nạn cụt cả đầu. Và chính nó cũng sắp cưới vào thời điểm ấy.
Mấy thằng còn lại đã có vợ, có con, thấy cũng nhà cao cửa rộng. Thằng Quyền cứt hình như làm kĩ sư xây dựng ở trỏng, không rõ đã có cảm ứng từ với chàng trai cô gái nào chưa.
Còn bọn cấp 3, ơn giời, tất cả chúng nó đều còn lành lặn và khỏe mạnh.
5. Nghĩ lại lũ đó, không vui không buồn, không nỡ cười, không dám khóc. Thời gian đã khiến những khuôn mặt trẻ con ấy lu mờ lắm rồi. Sâu bọ với vi trùng chắc đã chén xong những bữa tiệc no nê. Đất cát cũng mấy phen chuyển mình. Thứ còn lại là xương xẩu và ký ức, vài mảnh. Hóa ra mỗi người đều có con đường của riêng mình, để đi, để bay, để trơn trượt, để lướt trên đó. Khi mấy thằng mãn kiếp người rồi hóa ra cái gì, tới giờ này tôi tắc tịt chả biết được, thì chúng tôi cũng đã lớn lên nhiều và đang già đi.
Tôi có thể ngồi đây và nghĩ ra ti tỉ những giả thiết kiểu, nếu chiều nắng hôm đó thằng B không đi bơi, nếu chiều tà đó thằng H mi cong cứ thế đi thẳng về nhà mới rửa chân tay, chú T tối đó không uống rượu, thằng H cẩu không được báo tin về thằng bạn kia, ăn cưới xong thì về nhà ngủ vắt lưỡi tới sáng, vậy là bọn nó có thể sống thêm một chút nữa. Rồi thì sao? À thì tôi sẽ thấy được an ủi phần nào, rằng biết đâu bánh xe sinh tử sẽ chệch đi một chút, để ai đó sẽ còn sống tới giờ... Có lẽ do tôi còn ôm định kiến về cái chết, nghĩ nó là mất mát, là tối tăm và đau đớn lắm. Chịu thôi, không có kinh nghiệm.
Vậy khi nào người ta chết, liệu ngay từ khi thành hình hài một con người, ai ai trong chúng ta cũng đều được số phận định sẵn cho thời điểm để chết? Có nhiều người tất nhiên không tin là có số phận được định trước, họ tin hơn vào ý chí của chính họ. Thông qua ý chí đó, họ đưa ra những lựa chọn, mà cũng dần dà định hình nên số phận cho riêng bản thân mỗi người.
Bọn kia chết trẻ, chết trẻ tức là mọi thứ còn đang dang dở, người ở lại sẽ thở dài hơn, tiếc nuối hơn cho bọn nó. Kì thực những đứa còn sống chúng tôi đây cũng đang sống một đời dở dang và có thể đi theo bọn nó bất cứ lúc nào, ai mà biết được. Nhưng có thực là bọn chúng không còn nữa? Tôi nhớ tới câu chuyện về đám mây, dòng sông, và cây kem nghe từ Làng Mai. Tôi nhớ cả câu chuyện trong phim hoạt hình Coco. Chết là một khái niệm vô cùng tương đối, cũng như xác thân con người chúng ta. Tôi tin những suy nghĩ kiểu này về mấy thằng con trai kia trong đầu tôi hay trong đầu người thân của bọn nó, đang giữ chúng còn tiếp tục tồn tại trên đời, dưới dạng vô tướng vô ảnh nhưng quả thực là chúng vẫn hiện hữu, bằng niềm tin, bằng cảm giác. Mây vẫn trôi và mưa sẽ còn rơi xuống, ngọn gió thổi xuyên tàng cây, mang theo những lời thầm thì vọng về từ quá khứ. Ngay đây thôi.
Có những điều nhỏ nhặt chúng ta để lại đằng sau mình, những khoảnh khắc của cuộc sống neo lại giữa những lớp bụi thời gian. Ta có thể cố quên chúng đi, nhưng những điều nhỏ nhoi tưởng như vô nghĩa ấy nối với nhau thành một sợi dây ràng buộc ta với quá khứ. (Người Trộm Bóng)