Mất bao lâu để mình nói lời chia tay nhau?
Nếu gọi việc kết thúc một mối quan hệ là chia tay thì bạn đã chia tay bao nhiêu lần? Các mối quan hệ ở đây có thể là mối quan hệ yêu...
Nếu gọi việc kết thúc một mối quan hệ là chia tay thì bạn đã chia tay bao nhiêu lần? Các mối quan hệ ở đây có thể là mối quan hệ yêu đương, bạn bè và cả mối quan hệ không có tên gọi cụ thể. Bạn thường là người chủ động nói hay nghe lời chia tay từ đối phương?
Mình không phải là một người yêu quá nhiều (vì thực ra mình cũng còn trẻ mỏ nông nổi) nhưng đã chia tay không biết bao nhiêu lần trong hai mấy năm ngắn ngủi của cuộc đời.
Mình mất 3 tháng để hoàn toàn chấm dứt với người luôn xem mình là mục đích sống.
Mình mất 1 tuần để nói lời chia tay với bạn mà mình yêu thầm cả năm.
Mình mất 1 buổi tối và hai bát bingsu để chia tay với người luôn tin rằng không sống nổi nếu thiếu mình.
Mình cũng chỉ mất có vài ngày để chia tay với đứa bạn mà mình ngỡ sẽ đi cạnh nhau cả đời.
Có những mối quan hệ sau khi chia tay một thời gian, soi chiếu, phát triển thành một phiên bản mới có thể dung hòa, chúng mình kết nối lại. Có thể gương vỡ sẽ không thể lành nhưng chúng mình biết cách dán keo để nó trông ổn ổn. Sau những lần chia tay đó, mình nhận ra chẳng có một thời gian nhất định nào để bạn đi từ ý định muốn chia tay thành lời nói chia tay cả. Ngày trước mình thấy trên mạng người ta hay bảo, để đi quãng đường đó, phụ nữ sẽ mất nhiều thời gian hơn đàn ông. Phụ nữ sẽ thử nhiều cơ hội, sẽ xem xét còn đàn ông thì không. Mình thấy đó là một nhận định không sai nhưng hơi phiến diện vì có những ý định chia tay, mình mất rất lâu để nói thành lời nhưng có những ý định thì phút mốt. Mình nhận thấy điểm chung là để đến được lúc thốt thành lời thì thực ra ý định chia tay đã nhen nhóm vốn phải được nhen nhóm bên trong mình rồi, nó cứ thế lớn dần lên và tốc độ lớn lên tỉ lệ thuận với việc bản thân thất vọng như thế nào về mối quan hệ đó. Điểm bắt đầu của ý định chia tay thực tình bé xíu như một hạt cát giữa biển tâm trí nhưng nếu sự thất vọng lớn và đôi khi là đột ngột, đả kích giá trị mà mình ưu tiên vun vén thời điểm đó thì nó sẽ to đùng lên như một khối đá khổng lồ. Mình nói vậy để biết rằng: Nếu là người ngoài cuộc, không phải câu chuyện nào bạn nhìn vào cũng có thể thản nhiên nói: Chia tay đi! (haizz, mình rất không thích các content kiểu thái độ với con bạn thân khuyên bỏ người yêu 5 lần 7 lượt không được =)).
Phần lớn việc chia tay phụ thuộc rất nhiều vào giá trị mà người ấy theo đuổi, bồi đắp ở thời điểm đó. Nhiều trường hợp ý định chia tay bên trong mình nó lớn cực kỳ chậm, nhiều lúc dường như tan biến vì sự thất vọng đó nằm trong ranh giới chấp nhận được và nó không thực sự phá hủy giá trị ưu tiên của mình. Mình thường nói đùa, việc chọn ở lại một mối quan hệ không chỉ phụ thuộc vào việc mình yêu thương người đó như thế nào, họ đã làm gì với mình mà là ở việc: Họ còn có thể giúp mình điều gì hay nói đúng hơn là vun vén giá trị ưu tiên nào? Nghe thì thật thực dụng, nhưng chúng ta đúng là thực dụng thế. Thậm chí nhiều lúc mình thấy mọi người nói đàn ông bạc tình chứ mình thấy cách yêu mang năng lượng nam tính có chút nhất quán hơn, rõ ràng hơn, ít toan tính hơn, dù không phải là tất cả.
Vậy thường mình mất bao lâu để nói lời chia tay?
Mình là đứa thường chủ động làm điều đó vì mình không bao giờ chịu nổi ưu tiên của bản thân bị đả kích nặng nề. Nhưng thật sự thì không có khoảng thời gian cụ thể nào cả nhưng có một số dấu mốc để mình xác định: À đến lúc làm điều đó rồi. Thường thì giá trị mà mình đặc biệt ưu tiên trong mọi hoàn cảnh là sự kết nối. Trong chuyện tình cảm thì mỗi người có một ngôn ngữ tình yêu khác nhau, mình không lấy tiêu chí của mình ra để áp đặt nhưng gần như 4-5 năm đổ lại đây, dù vô thức hay có ý thức, mình đều ưu tiên sự kết nối.
- Lời chia tay sẽ được nói ra khi mình thấy một mình trong mối quan hệ hai người hoặc 3-4 người (như một nhóm bạn chẳng hạn). Một mình không phải là bản thân bị bỏ rơi. Một mình ở đây là không dám chia sẻ những buồn vui với người đó một cách vô tư. Định khoe một thành quả mình hết sức tự hào, mình tần ngần dự đoán phản ứng của họ. 90% mình tin họ sẽ thờ ơ, khen cho có hoặc không thực sự chú tâm vào lời mình nói. Định gọi khi gặp sự cố, khóc khi thấy buồn, mình lo lắng không biết họ có thấy phiền, có nói mình làm quá? Đó là lúc mình thấy sự kết nối bị vứt xó. Nhiều khi đó là vấn đề của mình nhưng đa số là do trải nghiệm đó xuất hiện quá nhiều lần trong mối quan hệ đến mức não mình tự hình thành nếp nhăn, tự khái quát hóa: Mình làm A, họ sẽ thể hiện thái độ B.
- Thêm nữa, mình sẽ kết thúc mối quan hệ một cách quyết đoán nếu trên 3 lần người đó thể hiện là không thèm bận tâm đến cảm xúc của mình dù mình đã nói rất rõ ràng. Mình nói mình không thích bị bỏ lại hoặc ăn một mình, lần sau họ vẫn không mảy may nhớ đó là nỗi sợ mình chưa kịp xử lý. Mình nói mình thực sự cảm thấy rất buồn và mỗi khi buồn mình không thể mở miệng, họ chỉ cần ở đó thôi, chẳng cần làm gì cả, lần sau họ vẫn đóng sầm cửa để mặc mình. Có thể với người khác chỉ cần 1 lần như vậy là đủ thấy cảm xúc và nhu cầu không được hiểu, không được kết nối nhưng mình thích định lượng, mình quy ước là 3 lần. Lần 1, lần 2 mình hiểu chuyện gì cũng có thời gian. Nhưng lần 3 thì mình hiểu mình đã dành thời gian cho sai người. Mình đánh giá rất cao sự thay đổi trong mối quan hệ dù ít ỏi. Bản chất tính cách thì vẫn thế thôi nhưng đối phương thật lòng không muốn mình buồn và thất vọng, họ sẽ có cách hành xử để vẫn là chính mình mà không làm đau đối phương.
Nói chung mình nhận thấy cứ trên 3 lần như vậy, mình chuyển mối quan hệ từ thân về xã giao, từ xã giao thành "mất tích" ngay (nhưng thường thì phải thân mình mới mong cầu sự kết nối). Những người như vậy thì vốn dĩ mình không là cái đinh gỉ gì trong họ dù bên ngoài có chăm bẵm, thân cận thế nào đi chăng nữa. Nhưng người như vậy nếu bạn có chuyện buồn họ cũng không bận tâm, nếu bạn có chuyện vui họ cũng không để ý. Và nếu khi họ vui hay buồn, bạn cũng không phải là người họ thật lòng muốn san sẻ. Đó là lúc mình biết lời chia tay nên được nói ra. Nó cần để mình buông bỏ và dành thời gian chăm sóc nguồn năng lượng của chính mình và họ cũng vậy. Mình thì không nghĩ mối quan hệ nào là độc hại, mình tin tất cả đều là tấm gương để chúng ta liên tục soi chiếu các giá trị mà mình lựa chọn theo đuổi, tập trung vun trồng để tạo nên kho báu của bản thân. Đa phần mình cắt đứt mối quan hệ nhưng không hề gây thù oán hay kiểu cạch mặt. Mỗi lần chia tay mình cũng khóc lóc nhưng mình luôn ghim lại: À thời điểm này mình đã chọn bộ giá trị A, để xem một thời gian nữa, mình có tiếp tục giữ nó không hay phát triển một bộ giá trị khác cao hơn?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất