Ngày bé, thứ 2 chào cờ đầu tuần nào, đứa bạn thân vẫn thường hay xí chỗ cho tôi lúc xếp hàng. Lớn hơn một tí, đi học thêm, đứa bạn thân cũng xí chỗ để cùng nhau ngồi. Lên đại học, để được chỗ ngồi ưng ý, người đến sớm nhất cũng thường xí chỗ cho cả nhóm. 
Thế là từ thuở thơ ấu cho đến lúc trưởng thành, việc "xí chỗ" đã trở thành thói quen hết sức bình thường đối với chắc không riêng gì tôi đâu nhỉ. Vốn dĩ tôi thấy việc này vô thưởng vô phạt cho đến khi gặp những câu chuyện ngoài lề từ thói quen này.
Từ văn hóa xếp hàng xuất hiện nhiều mánh khóe "xí chỗ".
Tôi và bạn mình có thuê một phòng nhỏ, và hiện đang phải chung nhà vệ sinh với 2 phòng nữa khá là đông dân (khoảng 2-3 người/ phòng). Điều này nhiều khi mang đến sự bất tiện và khó chịu khi tất cả gần chục con người đều sinh hoạt tại một chỗ. Đặc biệt là khi tất cả đều hoạt động tập trung chủ yếu từ 6h tối mỗi ngày. 
Con gái mà, việc dùng nhà vệ sinh lâu là chuyện muôn thuở, chưa kể ở đây có đến 7 người. Chỉ việc tắm rửa, giặt rũ thôi có khi đã đến cả tiếng đồng hồ. Vậy nên việc canh nhà vệ sinh để đến lượt dần trở thành thói quen của mỗi người. Thời gian gần đây tôi để ý, cô bé phòng bên cứ sắp xong là bạn cùng phòng đã sẵn sàng ngoài cửa vào thế chỗ. Vậy là không có cơ hội cho người thứ ba nào cả. 
Thật ra, tôi cũng không quan tâm lắm, dù sao thì tôi cũng không vội. Chỉ là, từ đây tôi mới nhận ra việc "xí chỗ" ngay trong cuộc sống của mình. Còn thứ khiến tôi đặt bút viết về thói quen này là một câu chuyện khác.
Công ty tôi làm mới chuyển đến Toong - IPH. Nơi đây tập trung nhiều công ty vừa và nhỏ, có không gian sinh hoạt chung với vẻ ngoài khá sang - hịn - mịn. Từ một văn phòng với tổ hợp sinh hoạt của riêng mình, bên cạnh sự bỡ ngỡ thì chúng tôi cũng có nhiều e ngại với không gian chung này. Không quá nhiều công ty nhưng nhân viên lại quá đông so với khu ăn uống và nghỉ ngơi. Dùng lò vi sóng xếp hàng, đến rửa bát cũng phải xếp hàng. Khá nhiều hoạt động phải diễn ra trong 90 phút nghỉ ngơi nên khu này trưa nào hầu như cũng như quá tải (trừ thứ 7 vì mỗi công ty tôi làm). Từ đây, tôi cũng nhận ra nhiều phát sinh trong văn hóa xếp hàng, hay cụ thể hơn là thói quen "xí chỗ" của nhiều người.
Thường thì cứ 11h50 là cạnh lò vi sóng đã xếp một hàng dài đồ ăn đợi đến lượt được hâm nóng. Chúng tôi cũng đã quen với điều này. Một hôm bắt gặp một chị gái đang hâm nóng cho cả chục suất ăn, tôi cũng chỉ biết đợi chờ đến lượt. Thế rồi, một chị gái khác có vẻ như không đợi được nữa ra bảo:
- Chị ơi! Đồ của chị xong rồi thì để đến lượt người khác dùng với.
- Chị vẫn đang dùng mà!
- Em thấy cơm của chị đã xong rồi. Còn đồ ở đây, của ai thì đến lượt ra làm chứ xí chỗ kiểu này thì bao giờ mới đến lượt người khác.
Thật sự mà nói, việc đã xếp sẵn đồ ăn đặt chỗ tới lượt cũng chẳng sai. Nhưng trong trường hợp trên thì tôi thấy có phần quá đáng với những người đến sau. Giả sử, một phòng nhỏ tầm chục người, cũng một người ra xí chỗ hâm nóng thức ăn cho tất cả cùng lúc thì cuộc đua này chỉ là ai đến trước và đến sau. Trong văn hóa xếp hàng, thật sự chị gái thứ hai đã chen ngang. Nhưng trong trường hợp này, tôi nghĩ sẽ có nhiều người cũng đồng tình với sự "chen ngang" đó như tôi.
Hôm nay, vừa ra tôi thấy một bàn trống, chỉ có 2 điện thoại trên bàn. Cho rằng ai đó đã xong và đang rửa bát nên để điện thoại đây, tôi ngồi, định xí chỗ cho anh em luôn trong lúc đợi hâm nóng đồ ăn. Đang ngồi thì từ đâu không biết 2 chị gái đi đến ngồi trước mặt bóng gió: "Mình đã để điện thoại ở đây để đi hâm nóng thức ăn rồi mà vẫn có người vào". Tôi đã đợi đây được 5 phút dưới sự chứng kiến của chiếc lò vi sóng này mà nào có thấy 2 chị này. Rõ mùi lươn lẹo nên vốn có thể ra chỗ khác ngồi tạm, tôi ngồi luôn, khỏi nhường. 
Người bệnh xếp dép "xí chỗ" chờ khám bệnh.
Đây là hình ảnh người bệnh xếp dép "xí chỗ" chờ khám tại một bệnh viện tại Hà Nội. Cũng là dùng vật "xí chỗ", nhưng mọi người luôn trực bên cạnh đợi đến lượt. 
Hai cách "xí chỗ" như nhau, nhưng cách hành động lại mang đến cảm nhận văn minh khác nhau.
Tôi vẫn nhớ, có lần gặp cậu em vừa từ khu vệ sinh về, trên đường về có sẵn ghế nằm nghỉ. Tôi bảo:
- Sao không lấy chăn gối ra để đó rồi đi vệ sinh xong quay lại. Đỡ phải vòng về lấy đồ lại đi ra.
- Thôi, ai lại xí chỗ xấu tính thế!
Tôi có phần bất ngờ. Trước đó, tôi vẫn thường hồn nhiên mang chăn gối ra để đó trước, xong việc quay lại tiện nghỉ luôn. Nào ngờ trong suy nghĩ của người khác lại có phần "xấu tính" như vậy. Ngẫm lại, cậu bé nói cũng chẳng sai.
Hằng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp những người đến sớm xí chỗ khám bệnh, người đến sớm xí chỗ mua vé gặp idol,.. Kẻ đến trước, người đến sau xếp hàng ngay ngắn đợi đến lượt. Tất cả đã làm nên văn hóa xếp hàng của người Việt ta. Tuy nhiên, những mánh khóe "xí chỗ" đã tạo nên bất cập trong nét văn hóa này.