Disclamer: Bài viết mang nhiều quan điểm cá nhân, các trích dẫn mình sẽ cố gắng chèn link. Bài viết không mang tính chất bôi nhọ cá nhân, tổ chức nào mà chỉ mang tính xây dựng và bàn luận về vấn đề cách mà các mạng xã hội, cụ thể là Facebook, đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình như thế nào.

Câu chuyện mình mua tủ lạnh

Nếu bạn đang muốn mua một cái tủ lạnh, hãy bật Facebook lên và thì thầm vào microphone của bạn mấy câu kiểu như: "Tôi muốn mua tủ lạnh", "Tủ lạnh rẻ"... Không lâu đâu, khi quay trở lại với newsfeed của mình, bạn sẽ nhận được hàng tá quảng cáo về chiếc tủ lạnh mà có thể ngày mai sẽ nằm trong căn bếp của bạn hoặc một người bạn nào đó trong friendlist của bạn. Mình không hoang đường. Phòng mình trong mùa covid19 này quyết định đầu tư một cái tủ lạnh mới. Sau vài lời chuyện trò thì thật sự chúng mình đã tìm thấy một cái tủ lạnh ưng ý, nhờ quảng cáo trên facebook. Và thú vị hơn là mình đã nói "đã mua tủ lạnh rồi" cho điện thoại nghe thì lượng quảng cáo tủ lạnh gần như bằng 0, tất nhiên là thay thế bằng một quảng cáo khác. [1] 

Nhờ đâu mà facebook "hay ho" đến vậy?

Đối với các cỗ máy khổng lồ của facebook, chúng ta ta chỉ là các vector chỉ toàn số mà thôi. Vì thế, mình nghĩ chúng ta nên bỏ câu đùa về việc Facebook thuê người nghe lén cuộc nói chuyện của mình đi mà phải nhìn nhận thực tế rằng các trí thông minh nhân tạo ngày càng thông minh hơn. Ngoài một phần công lớn của các nghiên cứu trong lĩnh vực học máy thì một phần rất lớn là nhờ việc bạn và những người xung quanh bạn ngày càng tỏ ra bàng quan với việc cung cấp quá nhiều thông tin cho các công ty như Facebook).
Về cách mà Facebook theo dõi bạn, nói đúng hơn là xử lý các thông tin bạn cung cấp cho họ: Các bài đăng bạn viết, like, và share; quyền truy cập micro của điện thoại rồi (thật ra bạn cũng không thể chắc chắn rằng Mic của mình có đang bật hay không nếu không can thiệp sâu hơn cái nút 'Cho phép truy cập'); thậm chí mình từng đọc về việc Facebook có giữ công nghệ theo dõi mắt người dùng, và ai mà biết được chúng ta có đang được "sử dụng" công nghệ này hay không. Và mình nhấn mạnh là nó không mới, chỉ là ngày càng tốt hơn mà thôi, và tốt hơn nhờ công lớn của việc cung cấp dữ liệu cá nhân. Không biết những người than phiền về việc các nhà nước đang cố gắng kiểm soát công dân của họ thông qua việc kiểm soát các dữ liệu cá nhân mà lại cung cấp đến cả thẻ chứng minh nhân dân cho Facebook thì họ nghĩ gì nhỉ (yeah, vẫn là có những người bạn quanh mình)?
CEO Mark Zuckerberg - 1 trong 4 sinh viên Harvard trong kí túc xá của họ.                                  [PHOTOGRAPH BY DAVID PAUL MORRIS — BLOOMBERG VIA GETTY IMAGES]

Sẽ không quá nếu nói mình đang bị Facebook thao túng

Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của công nghệ đã thay đổi cuộc sống của loài người ra sao trong 50 năm qua. Có một thực tế rằng từ khi con người biết lưu trữ thông tin khoảng 5000 năm trước thì những thông tin ấy đang dược lưu trữ và dễ dàng được tìm thấy trên một nền tảng mới được phát triển trong vòng 50 năm qua, Internet. Và mình là tín đồ của Internet, thậm chí mình sẵn sàng cho phép các công ty quảng cáo lấy được thông tin cá nhân để đổi lại việc nhắn tin dễ dàng cho bạn bè thay vì gửi bưu điện; nói chuyện trực tiếp (qua màn hình) với một người; cập nhật và duy trì sự hiểu biết về các mối quan hệ của mình, gần như là tất cả, trừ ông bà mình... cho đến khi:

Mình nhận ra cảm xúc, tư duy, thậm chí là các mối quan hệ của mình đang được chính Facebook, Instagram điều khiển (mình từng lướt fb và instagram đến 1/3 thời gian của một ngày vì rảnh rỗi hoặc vì mình nghiện).  
"If you pay attention, you might find yourself checking your phone at the slightest feeling of boredom, purely out of habit. Programmers work very hard behind the screens to keep you doing exactly that (Haynes, 2018)"
Công việc của các lập trình viên, người thiết kế... là cố gắng níu giữ chúng ta lại màn hình newsfeed càng lâu càng tốt. Và họ, tất nhiên, tận dụng tối đa cơ chế sản sinh Dopamine của não bộ. Hoocmon hạnh phúc này được sinh ra khi ta chiến thắng, được ai đó khen thưởng, xem porn, have sex, hay đại loại là các tình huống cho ta sự hạnh phúc. Và dĩ nhiên, Dopamine gây nghiện, ai mà không thích hạnh phúc, thoả mãn thì chắc sẽ "miễn nghiện". Và việc của công ty X là cho ta thật nhiều Dopamine khi ta dùng sản phẩm của họ: một social-network, một mạng xã hội ảnh, một ứng dụng chat... cứ thay nhau đập vào mặt ta các thông tin, văn hoá phẩm cách thụ động. Dần dần ta bị phụ thuộc. Con người cũng đang dần dành ít thời gian để tập trung hơn, dễ chán hơn trước đây rất nhiều (bạn có thể tìm đọc). Và mình Từ người dùng tự do gia nhập, thành một người bị thao túng vì ngày càng cung cấp nhiều thông tin cho họ (một cách thụ động).
(mình xin phép không bàn kĩ thêm nữa vì thiếu chuyên môn, bạn có thể đọc [2] để hiểu thêm).

Và mình đã tưởng tượng ra mình là một kẻ bị thôi miên bởi Facebook, làm những điều họ muốn. Tất nhiên sẽ không có ai thì thầm vào tai mình việc mình cần làm nhưng các ám thị, các cung màu, các thông tin, quảng cáo mà facebook đưa ra trên bảng tin của mình là người làm việc đó. Và thậm chí các mối quan hệ của mình đã bị facebook thao túng bằng cách cung cấp các phương thức giữ gìn chúng một cách tiện nghi, miễn phí để rồi đến khi mình muốn thoát khỏi facebook thì sẽ trở thành một người thường xuyên "tối cổ", lạnh nhạt với bạn bè và kinh khủng hơn cả là cảm giác bị đẩy ra khỏi một cộng đồng (từ xưa đến nay việc bị đẩy ra khỏi cộng đồng luôn là điều ám ảnh với không chỉ chúng ta mà còn rất nhiều động vật khác)... 
Vì sự "tiện nghi" mà mình mất dần đi bản năng kết bạn, làm bạn, mất đi bản năng giao tiếp mặt đối mặt. Nhắn tin, video call không hoàn toàn truyền đạt được tất cả các thông tin bao gồm cả cảm xúc, câu từ, và tích cách của chúng ta so với phương thức nói chuyện mặt đối mặt [3]. Cách thức mà cha mẹ mình, ông bà mình đã tìm đến nhau và cưới nhau.

Không chỉ thế, vấn nạn tin giả, tin tiêu cực lan truyền ngày càng nhanh, tính ẩn danh làm nó dễ trở nên có cảm giác trung thực hơn, man rợ hơn. Tin giả, tin tiêu cực không hẳn là do Facebook làm nhưng cách mà họ giải quyết nó với tiềm lực trí tuệ của họ thật khiến mình phát bực. Mọi người có thể tìm hiểu vụ kiện mới đây và sự tẩy chay của người dân Úc về việc cứu các tờ báo chính thống trên nền tảng mạng xã hội này để thấy nhiều khía cạnh hơn.

Kết bài: nhưng mình không khuyên mọi người bỏ Facebook

Trên đây là một trong số các ý niệm của mình đối với Facebook và các sản phẩm của công ty này. Mình đã không sử dụng Facebook và Instagram trên điện thoại và cố định lại giờ mở trên máy tính với hi vọng một ngày nào đó mình chỉ vào ứng dụng này khi cần thiệt. Nói đúng hơn, mình đang cai nghiện Dopamine. Có cảm giác như mình đang hiểu được tâm trạng của chú mình khi cai nghiện thuốc lá vào những ngày đầu.

Việc bỏ facebook hay hạn chế sử dụng nó hay không là quyền của bạn. Mình cũng không thích khuyên ai làm cái gì cả, nhất là thứ mình chưa làm được như thế này. Mình chỉ đang cố gắng nói cho mọi người những điều như thế này, để mỗi ngày chúng ta ý thức được và hành xử với nhau không phải bởi vì bị sự thao túng của ai khác. Hoặc là giảm bớt cái nhìn tiêu cực về xã hội vì hàng tá tin cướp giật, hành hung, tai nạn liên tục được cập nhật. Thực tế thì chúng đã giảm đi rất nhiều so với trước đây, chỉ là phương thức thông tin lan truyền trên mạng xã hội ngày càng nhanh, càng rộng.

Chúng ta đang được sống trong một xã hội có thể nói là tuyệt nhất trong suốt lịch sử loài người. Facebook cũng góp phần không nhỏ cho sự sung túc này. Nhưng mình nghĩ mình cần nghiêm khắc hơn với sự "miễn phí" này. Nếu bạn có hứng thú, sao không thử theo dõi hành vi của mình hàng ngày khi và sau khi sử dụng mạng xã hội. Hi vọng bạn sẽ là một người không bị các dấu hiệu như mình.


Cảm ơn mọi người đã đọc. Chúc mọi người một ngày tốt lành! 
sotf.
p/s: Em/Mình rất xin lỗi nếu có lỗi chính tả trong bài này. Em/Mình sẽ sửa, mong các bạn và anh chị góp ý.

[1] Chuyện của mình nên mình cũng không biết làm sao để cam đoan nữa, đành nhờ bạn thử trải nghiệm. Android thì tốt còn iOS thì mình không chắc.

[2] Haynes, T. (May 1, 2018). Dopamine, Smartphones & You: A battle for your time. Science in the News. Last access: June 12, 2021:
Bạn nên xóa Facebook. Và đây là lí do
Last access: June 12, 2021
How Does Spotify Know You So Well? 
Last access: June 12, 2021
[5]
Facebook holds eye-tracking technology patents, but denies using them...for now
Last access: June 12, 2021