Ole Gunnar Solskjær
Ole Gunnar Solskjær
Tác giả: Abdel Rahman El Beheri | Medium
Trans: Louis Ng | QRVN
Link gốc:
______________________________
Ole Gunnar Solskjær đã đảm nhiệm vị trí huấn luyện viên (HLV) dài hạn của Manchester United trong hơn 2 năm qua. Tuy vậy, còn rất nhiều cổ động viên cùng với các nhà báo, vẫn tranh cãi với nhau về “phong cách chơi” hay “triết lý” của ông. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét điều đó và khám phá xem những thuật ngữ này có tầm quan trọng như thế nào; nó có thực sự ý nghĩa trong kế hoạch lâu dài hay không; sự vắng mặt hoặc hiện diện của chúng liệu có đảm bảo cho những danh hiệu hay một sự nghiệp huấn luyện thành công hay không.
DISCLAIMER: ĐÂY SẼ LÀ MỘT BÀI VIẾT NẶNG THÔNG TIN VÀ CHỨA NHIỀU SỰ THẬT LỊCH SỬ, VỀ NHỮNG HLV VÀ ĐỘI BÓNG ĐÃ ĐẾN RỒI ĐI QUA THẾ GIỚI BÓNG ĐÁ, NHẰM GIẢI THÍCH NHỮNG THUẬT NGỮ VÀ NHỮNG LUẬN ĐIỆU ĐỒNG TÌNH/PHẢN ĐỐI VỀ NHỮNG THUẬT NGỮ ĐÓ. NẾU BẠN CÓ THỂ ĐỌC ĐẾN CUỐI BÀI VIẾT, XIN CẢM ƠN NỖ LỰC VÀ SỰ KIÊN NHẪN CỦA BẠN.
Kể từ khi Ole Gunnar Solskjær lên nắm quyền, câu hỏi đã hiện ra sừng sững trước mắt chúng ta đến tận ngày hôm nay là, Solskjær muốn Manchester United chơi như thế nào. Để trả lời câu hỏi đơn giản này, bạn phải biết được Solskjær là ai, ai đã có sức ảnh hưởng đối với ông, triết lý nào đã được ông theo đuổi trên con đường huấn luyện của mình và nó đến từ đâu!
Solskjær đã dành 15 năm tại Manchester United với tư cách là một cầu thủ, một HLV đội một, và một HLV đội dự bị. Do đó, có thể khẳng định rằng Solskjær chịu sự ảnh hưởng từ câu lạc bộ mà ông đã gắn bó trong một phần ba cuộc đời của mình... MU và Sir Alex Ferguson đã nuôi lớn và tác động đến tận cốt lõi của ông.
Nhiều HLV đã chịu ảnh hưởng to lớn từ CLB nuôi dưỡng họ và HLV mà họ phục vụ nhiều nhất. Pep Guardiola, Johan Cruyff, Jürgen Klopp, Thomas Tuchel, Antonio Conte, Diego Simeone, và Mauricio Pochettino, tất cả đều có tác động từ những HVL mà họ làm việc/chơi bóng dưới trướng, hoặc từ những ý tưởng thịnh hành vào khoảng thời gian mà họ bắt đầu học hỏi. Họ đều là hình mẫu của riêng mình, nhưng cũng đều theo đuổi những khuôn mẫu/ý tưởng trước đó. Một vài người trong số họ chỉ đưa những ý tưởng này đi xa hơn và chỉnh sửa chúng một chút. Điều này cũng tương tự đối với Ole Gunnar Solskjær.
Hãy lấy ví dụ, Pep Guardiola. Về những phẩm chất thiên tài của mình, nhiều nguyên tắc và ý tưởng của ông được lấy từ những gì đã được dạy cho ông tại Barcelona dưới thời Johan Cruyff. Tất nhiên, Guardiola đã sửa đổi và bổ sung một chút ý tưởng của Cruyff về Bóng đá tổng lực (Total football) và sự thao túng không gian (manipulation of space). Nhưng Cruyff lấy những ý tưởng đó từ đâu? Cruyff đã dành phần lớn sự nghiệp thi đấu của mình dưới thời Rinus Michaels, một trong những HLV có ảnh hưởng nhất của Ajax và Barcelona trong những năm 60-70.
Cụm từ "Bóng đá tổng lực"— thứ đã tạo ra sản phẩm là lối bóng đá dựa trên sự kiểm soát bóng — bắt nguồn từ Michaels. Giờ đây, nó là thương hiệu của Ajax và Barcelona. Michaels tin vào tuổi trẻ. Ông và Cruyff đã cách mạng hóa học viện De Toekomst của Ajax và La Masia của Barcelona để trở thành những học viện mà chúng ta thấy ngày nay. Do đó, khi nghiên cứu Michaels và Cruyff, bạn sẽ thấy Guardiola ở họ và ngược lại. Triết lý của Guardiola là một minh chứng hiện đại cho triết lý của họ. Mặc dù vậy, Guardiola không thực sự tin tưởng vào tuổi trẻ đến thế - nếu bạn phân tích cách tiếp cận của ông ấy thời hậu Barcelona.
Tương tự, Jürgen Klopp, triết lý của ông ấy được áp dụng từ hai người Đức, Jürgen Klinsmann & Ralf Rangnick, những người đã đưa lối chơi pressing theo hệ thống (hay còn gọi là Gegenpressing), vào bóng đá Đức vào đầu và cuối những năm 90. Cả hai đều có những người đi trước mà họ đã tiếp thu ý tưởng.
Điều này cũng tương tự với Ole Gunnar Solskjær. Ông đã từng gắn bó với sự giảng dạy của Sir Alex Ferguson và câu lạc bộ bóng đá Manchester United. Xu hướng của ông ấy hình thành là một lẽ tự nhiên.
"Tôi đã ở cùng với ông ấy trong vòng 15 năm. Vì vậy, rõ ràng là ông ấy đã ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn bất cứ ai khác."
“Tất cả những gì tôi đã học được, tôi đều mang ơn ông ấy [Sir Alex Ferguson]. Nếu tôi không học hỏi từ ông ấy, tôi sẽ không trở thành một huấn luyện viên”. Solskjær nói
Vậy nên, nếu Ole bị ảnh hưởng bởi MU và Sir Alex, ông phải có một lối chơi tương tự, nếu không muốn nói là cùng một phong cách bóng đá. Điều này đúng, và sai. Sao lại thế được? Đây là lúc chúng ta cần phân biệt giữa “triết lý” và “phong cách chơi”.
Triết lý trong bóng đá là gì?
Bản thân từ này chỉ đi vào những trang sách nói về bóng đá sau khi Louis Van Gaal đề cập đến nó trong một cuộc họp báo, khi ông còn là huấn luyện viên của Manchester United.
“Triết lý của tôi gắn kết các cầu thủ với quá trình huấn luyện và trong sự nghiệp của mình, tôi đã có rất nhiều cầu thủ bị cuốn hút bởi triết lý đó,” ông nói.
Khi các nhà báo hỏi LVG xem triết lý của ông chỉ gói gọn trong một “phong cách chơi” hay một “tâm lý” cụ thể, LVG đã nhanh chóng trả lời như sau:
“Đó không chỉ là một lối chơi, đó là cách chúng tôi đối xử với các cầu thủ, cách chúng tôi xây dựng các buổi tập, cách chúng tôi tiến hành phục hồi chức năng, rất nhiều thứ… Nhưng một trong những điều quan trọng nhất là tôi coi các cầu thủ không chỉ là cầu thủ bóng đá mà còn là một con người.”
Trong thực tế, thuật ngữ "Triết lý" nên được chia thành hai điều. Một, "Niềm tin và lý tưởng", và hai, "Triết lý về phong cách". Triết lý về niềm tin và lý tưởng, trong một câu lạc bộ hoặc theo nghĩa huấn luyện, là các nguyên tắc và giá trị mà một người hoặc một tổ chức (CLB bóng đá) hoạt động. Theo nghĩa kinh doanh, nó là mô hình kinh doanh của công ty.
Ví dụ, một công ty có triết lý là phải bán (các) dòng sản phẩm với mức giá thấp nhất. Đó là phương châm của họ. Mọi thứ trong công ty đó từ trên xuống dưới đều hoạt động để cung cấp những sản phẩm rẻ nhất. Hãy nghĩ về những dollar store (tạm dịch: cửa hàng 1 đô) như một ví dụ. Apple, một ví dụ khác, phương châm của họ là “nghĩ khác biệt”. Mọi thứ mà Apple cố gắng làm với các sản phẩm của họ, đều mang sẵn khẩu hiệu này qua từng kết cấu của công ty. Vì vậy, về cơ bản, triết lý về niềm tin là một ý tưởng trừu tượng dẫn lối CLB hoặc hành động của HLV.
“Triết lý, đối với một câu lạc bộ bóng đá, là một cái gì đó mang tính nội tại mà nhờ vào đó lịch sử của câu lạc bộ được xây dựng lên và câu lạc bộ được biết đến trong suốt quá trình tồn tại của nó. Đó là những gì họ tin tưởng. Đó là lý do, là cách mà họ vận hành."
Điều còn thiếu trong lập luận của LVG là một CLB cũng có thể có một triết lý, hay “một cách hoạt động hoặc điều hành”, như HLV Gary Neville lập luận rằng nếu triết lý của HLV và của câu lạc bộ không phù hợp với nhau, cảm giác bối rối và xa lạ, đôi khi thậm chí là xích mích, sẽ xảy ra giữa HLV, cầu thủ và CLB. Nhiều người đồng ý với suy nghĩ đó.
Công bằng mà nói với Neville và những người đã từng sát cánh cùng ông, đây chính xác là những thứ mà Manchester United đã thể hiện trong giai đoạn trước khi Solskjær cập bến.
Gary Neville: “Câu lạc bộ đã lạc lối và mất đi bản sắc. Tôi không còn nhận ra Manchester United nữa."
Sau đó, ông còn nói thêm như sau: "Một câu lạc bộ không nên vi phạm triết lý của mình chỉ vì một cá nhân." đề cập đến HLV đã mãn nhiệm, Jose Mourinho.
Đó là một khái niệm quyến rũ đối với các fandom. Một HLV được thuê với triết lý đi ngược lại nền tảng, lý tưởng và niềm tin của câu lạc bộ sẽ bị họ từ chối, một cách vô tình. Không phải là ác ý, mà là theo bản năng. Giống như một con ký sinh trùng trong cơ thể bạn mà hệ thống miễn dịch của bạn đã chống lại.
Tôi tin rằng đây chỉ là một vế của một phương trình. Triết lý của câu lạc bộ có thể được thay đổi, nếu tất cả các bên đồng ý - bao gồm cả người hâm mộ. Mọi khía cạnh của CLB phải được kéo theo cùng một hướng để một dự án nhất định hoạt động. Một cách khác để thay đổi triết lý của câu lạc bộ là nếu nó được mua lại bởi Tập đoàn Abu Dhabi United. HLV cũng có thể thay đổi triết lý của câu lạc bộ nhưng đây sẽ là một cuộc thảo luận khác sau này.
Ô kê, nếu Solskjær và MU có cùng thứ triết lý... Vậy thì triết lý của họ là gì? Bản sắc của họ là gì?
Nếu bạn hỏi bất kỳ cổ động viên nào sinh ra ở Manchester đã chứng kiến thời kỳ vĩ đại của Sir Matt Busby hay Sir Alex Ferguson, họ sẽ nói với bạn:
“Triết lý của câu lạc bộ chúng tôi là tin tưởng vào sức trẻ trong khi chơi thứ bóng đá tấn công hấp dẫn, tốc độ, nhanh nhẹn với những cầu thủ chạy cánh cùng một hàng tiền vệ mạnh mẽ, và một thái độ không bao giờ bỏ cuộc."
Đối với Manchester United, đó là cách họ thi đấu bất chấp sự non trẻ từ những đứa trẻ của Busby hay Fergie. Tin tưởng vào những cầu thủ trẻ và những tài năng cây nhà lá vườn đã, đang và có lẽ sẽ luôn là trụ cột trong bản sắc của Quỷ Đỏ.
“Tôi cho rằng giấc mơ của mọi HLV là xây dựng một đội bóng bằng cách huấn luyện các cầu thủ trẻ từ 15 đến 17 tuổi. Đó là lý do tại sao tôi bắt đầu một chương trình đào tạo trẻ. Bạn có thể nhận được sự trung thành từ họ và cả sự lâu bền nữa. Nếu họ đủ tốt, thì họ đã đủ lớn”. Sir Matt Busby
Trụ cột thứ hai của triết lý đó là bóng đá tấn công. Tuy nhiên, thật thú vị, ở đây, tấn công không có nghĩa là phong cách bóng đá mà nó ám chỉ United là những người dẫn đầu hoặc người đầu tiên dám làm. Câu lạc bộ tự hào là những kẻ dẫn đầu trong nền bóng đá Anh. Câu lạc bộ Anh duy nhất giành được cú ăn 3 nổi tiếng. Câu lạc bộ Anh đầu tiên vô địch cúp châu Âu - bây giờ được đặt tên là Champions League.
Tôi biết bây giờ có thể một số người đang nói: "Chờ một chút, bác đang cố gắng nói rằng United không phải lúc nào cũng chơi thứ bóng đá tấn công?"
Không. Những gì tôi đang nói là mặc dù thực tế là các đội United luôn dựa trên lối chơi tấn công của họ, nhưng họ đã luôn thích nghi. Đó không phải con đường một chiều.
Một lời nói dối được nói ra cả ngàn lần sẽ trở thành sự thật đối với người nghe. Tuy nhiên, nó vẫn là một lời nói dối. Chúng tôi không thể giải thích cách Sir Matt thích nghi khi đối mặt với các đối thủ khác nhau. Mặt khác, Sir Alex đã thích nghi rất nhiều trong thời gian ở United. Đôi khi, ông chơi thứ bóng đá phòng ngự. Chúng ta sẽ thảo luận thêm về vấn đề này trong phần phong cách chơi bóng.
United đã luôn sử dụng "các tiền vệ cánh và một hàng tiền vệ mạnh mẽ". Đây không thực sự là những đặc điểm của triết lý mà có liên quan nhiều hơn đến các nguyên tắc chơi bóng.
Cuối cùng, thái độ không bao giờ bỏ cuộc. Đây không phải là đặc điểm riêng của United nhưng hai trong số những khoảnh khắc quyết định nhất trong lịch sử của Manchester United đến vào những thời khắc cuối cùng của các trận chung kết Cúp Châu Âu. United đã kiên trì và chiến đấu đến cùng để giành chiến thắng. Cụm từ đó đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, một từ đồng nghĩa với "cầu thủ Manchester United" kể từ đó. Nó được khắc sâu trong triết lý của câu lạc bộ đến nỗi - cho đến ngày nay - tất cả các cầu thủ trẻ triển vọng ở United đều đề cập đến cụm từ đó khi được hỏi về những gì một cầu thủ cần phải có để trở thành một cầu thủ của Manchester United.
Về cơ bản, đây là triết lý về niềm tin và lý tưởng của Ole Gunnar Solskjær. A) tin tưởng vào sức trẻ của United. B) chơi thứ bóng đá tấn công nhưng thích ứng khi cần thiết, và C) một thái độ không bao giờ từ bỏ - hãy cống hiến hết mình vì màu áo. Nếu bạn theo dõi mọi thứ Solskjær đã làm ở United kể từ khi nắm quyền, bạn sẽ nhận thấy rằng ba nguyên tắc này là cốt lõi của những gì ông ấy đang cố gắng đạt được. Ngay cả khi một số người CHƯA tin rằng ông đang chơi thứ bóng đá tấn công.
Tiếp theo, chúng ta sẽ nói về "Triết lý chơi" hoặc "phong cách chơi". Đúng, “Phong cách chơi”thuộc về tất cả triết lý bao trùm lên một câu lạc bộ hoặc triết lý của một HLV. Vì vậy, chúng tôi sẽ coi phong cách chơi là triết lý chơi.
"Triết lý chơi bóng" là gì?
Chúng ta đã nói rằng Solskjær chơi thứ "bóng đá tấn công và thích nghi" nhưng nó là gì? Khi nói về Guardiola và Klopp, chúng ta đề cập đến một phong cách (Kiểm soát bóng, Gegenpressing, v.v.) nhưng lại không như vậy khi nói về Ole. Ta chỉ nói đó là "bóng đá tấn công". Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này sau. Trước tiên, hãy xác định “Triết lý chơi” là gì và xem nó đến từ đâu.
Triết lý chơi bóng, gần giống như niềm tin và lý tưởng - thường là - đến từ phong cách mà HLV đã được nuôi dưỡng, phong cách mà ông ấy từng chơi khi còn là một cầu thủ. Tuy nhiên, bản thân những phong cách hay triết lý này bắt nguồn từ một cuộc tranh luận lâu đời trong thế giới bóng đá từ những năm 50 và 60, có thể sớm hơn, về cách tiếp cận lý tưởng của môn thể thao đồng đội này.
Cuộc tranh luận đó đã làm nảy sinh hai bên, một bên tin rằng đội bóng phải có hệ thống và hiệu quả trong khi bên kia ủng hộ chủ nghĩa cá nhân, sự bộc phát và những trick - xét cho cùng thì trận đấu cũng chỉ để giải trí. Ngoài ra, còn có một bộ phận khác coi chiến thắng là tất cả những gì quan trọng, phương châm của họ là kết quả nói thay cho màn trình diễn trên sân. Trong khi, hai bên đầu tiên tranh cãi về "Vẻ đẹp" và "Hệ thống", mục tiêu luôn là thứ bóng đá tốt nhất có thể. Tuy nhiên, nhóm cuối cùng được gắn mác Anti-football. Nó xấu xí và bạo lực.
Tập trung vào hai yếu tố đầu tiên, hãy nghĩ về vẻ đẹp và sự hiệu quả như hai đầu cán cân trong đó một đầu là đội bóng theo chủ nghĩa cá nhân và đầu kia là đội bóng chơi theo hệ thống. Cả hai đều đã thành công trong suốt lịch sử. Các đội tuyển của Brazil trong những năm 50 và đầu những năm 60 đều thiên về sự bùng nổ cá nhân.
"Sự khác biệt giữa nền bóng đá Anh và Brazil là, người Anh nghĩ đến bóng đá như một môn thể thao, trong khi người Brazil nghĩ đến nó như một một trò chơi vậy. Người Brazil muốn cầu thủ phải nhanh hơn trái bóng trong khi điều ngược lại sẽ đúng đối với người Anh. Cầu thủ người Anh sẽ suy nghĩ trước khi xử lý bóng, trong khi người Brazil sẽ ứng biến với nó." Một tác phẩm của Gazeta năm 1949.
Feola, huấn luyện viên của Brazil năm 1958, dựa vào khả năng tấn công cá nhân của Garrincha. Garrincha thường được theo kèm bởi 2-3 cầu thủ đội bạn. Điều tương tự cũng xảy ra với Pelé nhưng Garrincha là người đi bóng của cả đội. Feola nói: “Chiến thuật và phong cách không phù hợp với những cầu thủ này." Lối đá của họ chỉ đơn giản là mê hoặc.
Điều này không có nghĩa là các đội bóng này không có phong cách hoặc chiến thuật. Họ có nhưng sự tự do mà các cầu thủ sở hữu - được làm những điều mình giỏi - lớn hơn rất nhiều so với bất cứ hệ thống hiện đại nào. Các đội bóng này sẽ chuẩn bị và cân bằng đội hình với dàn nhân sự có được để thực hiện những nhiệm vụ cần thiết. Tuy nhiên, họ không bao giờ có hệ thống rõ ràng. Các cầu thủ đã giải quyết các vấn đề gặp phải trên sân bằng cách ứng biến chứ không phải theo một bài đã được tập luyện trước đó.
"Hãy nhớ đường chuyền đầu tiên phải dành cho Garrincha." Pele nói với Didi - một tiền vệ ở đội tuyển quốc gia Brazil.
“Điều mà đội bóng này cần là những cầu thủ tuyệt vời. Những cầu thủ thông minh. Hãy bắt đầu với điều đó và xem nó đưa chúng ta đến đâu.” Zagallo nói trước World Cup 1970, năm Brazil lên ngôi vô địch.
Ở phía bên kia cán cân, một cách tiếp cận hoàn toàn dựa theo hệ thống. Một trong những HLV thể hiện điều này nhiều nhất là Louis Van Gaal.
“Bóng đá là môn thể thao đồng đội và các thành viên trong đội phụ thuộc vào nhau, thực hiện những nhiệm vụ cơ bản đơn giản của mình. Nếu một cầu thủ không làm theo thì cả đội sẽ gặp rắc rối. Điều này chỉ có thể đạt được khi có kỷ luật trong và ngoài sân cỏ.” Van Gaal nói.
Mặc dù đã thành công rực rỡ với Ajax vào đầu những năm 90 và Barcelona vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000, bóng đá của Van Gaal vẫn bị coi là quá máy móc, quá kỷ luật và cứng nhắc. Phiên bản Bóng đá tổng lực của ông bị chỉ trích nặng nề vì nó không cho phép nhiều đất diễn cho sự sáng tạo của những cá nhân. Nó khác với Michels và Cruyff.
Khi chiến thuật và phong cách phát triển xuyên suốt những năm 60, 70 và 80, ngày càng nhiều những HLV cố gắng trở thành người đứng giữa hai cán cân. Đó là một lối chơi cân bằng giữa hệ thống và cá nhân. Tất nhiên, nó phụ thuộc vào cách một HLV nhất định nhìn nhận trận đấu cũng như niềm tin và lý tưởng của họ. Quan điểm của HLV sẽ xác định liệu đội bóng sẽ thiên nhiều hơn về sự bùng nổ và sáng tạo của cá nhân hay một cách tiếp cận có hệ thống với rải rác những khoảnh khắc tỏa sáng.
Hai đội bóng được cho là đã tìm ra sự cân bằng hoàn hảo: AC Milan của Arrigo Sacchi vào cuối những năm 80 và Barcelona của Pep Guardiola năm 2009–12. Một hệ thống kỷ luật không làm mất đi sự xuất sắc của các cầu thủ. Tất nhiên, cả hai HLV đều cần những cầu thủ vô cùng tài năng, kỹ thuật và tinh thần thép để có thể đạt được điều này. Một số người gọi nó là Bóng đá hoàn mỹ.
Trong trường hợp bạn vẫn còn thắc mắc thành tích lịch sử của MU nghiêng về phía bên nào, thì Sir Alex và Solskjær đã luôn phát biểu công khai: "Tôi muốn những cầu thủ thể hiện mình."
Điều này không có nghĩa là họ không có hệ thống và khuôn khổ cho các cầu thủ, không có nghĩa là không có chiến thuật nào được áp dụng cho các trận đấu khác nhau và các thời điểm khác nhau. Nó chỉ là không quá kiểu cách và mang nặng tính hệ thống.
Ví dụ như Man City của Guardiola. Đội bóng của Guardiola dựa vào thứ gọi là Lối chơi định hướng vị trí(positional play) - một hệ thống mà trong đó các cầu thủ phải chiếm giữ một vị trí nhất định so với những cầu thủ khác và có những tình huống hoán đổi vị trí. Manchester United không áp dụng những nguyên tắc tương tự. Chúng lỏng lẻo hơn.
Nói chung, trong bóng đá ngày nay, không còn sự phụ thuộc hoàn toàn vào các cá nhân cũng như sự phức tạp quá mức của một phương pháp hoàn toàn tự động và mang tính hệ thống. Nếu có, chúng sẽ được coi là những ví dụ điển hình.
"Trong mọi môn thể thao đồng đội, bí quyết là phải áp đảo một bên sân để đối phương phải dồn quân số sang đối phó. Bạn áp đảo một bên sân, thu hút họ, do đó phần sân bên kia của họ sẽ trở nên yếu ớt. Và khi đã hoàn thành việc đó, ta sẽ tấn công và ghi bàn từ phía bên kia. Đó là lý do tại sao bạn phải chuyền trái bóng, nhưng chỉ khi bạn thực hiện nó với một ý định rõ ràng. Nó chỉ để áp đảo đối thủ, lôi kéo họ và sau đó tấn công họ với những cú đánh vỗ mặt. Đấy là cách những trận trấn đấu của chúng tôi nên diễn ra. Chẳng liên quan gì đến tiki-taka cả." - Pep
"Đối với tôi, đó là cách sử dụng không gian. Tôi coi bóng đá như một khoảng "không-thời gian". Nếu Messi đang ở trong một khoảng không gian mà không có ai trấn giữ, anh ấy sẽ có thời gian để suy nghĩ. Sau đó mọi thứ sẽ trở nên rất nguy hiểm. Nếu anh ta không có đủ không gian hoặc thời gian, anh ta cần phải thử thách bản thân. Anh ta có thể làm điều đó, đối đầu với ba, thậm chí bốn đối thủ, nhưng nó trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, tôi coi bóng đá là một mối quan hệ “không-thời gian”. Sẽ có những người chơi phản công, tấn công nhanh, gì cũng được. Bạn có thể đặt tên cho chúng tùy thích. Nhưng tôi lại thích nói thế này hơn: 'Nhìn vào khoảng không gian đó đi', hay 'không gian ở đó', 'không gian ở đây này'. Đừng cố đến và chiếm lấy quả bóng. Hãy chiếm lấy không gian, và chúng tôi sẽ đưa bóng đến chỗ bạn." - Xavi Hernandez
Như bạn đã thấy từ những lời của Guardiola, mọi suy nghĩ của ông đều là về hệ thống và sự áp đảo trên sân, thứ có thể tạo ra khoảng trống cho các cầu thủ thông qua sự kiên nhẫn trong build-up, chuyền bóng, và việc chiếm lĩnh được những vùng không gian cần thiết. Điều này sẽ tạo ra thời gian và không gian để các cầu thủ suy nghĩ và đưa ra quyết định nhằm mục đích ghi bàn. Đây là thứ ta gọi là Bóng đá dựa trên sự kiểm soát bóng (Possession based football). Nó ủng hộ nhiều hơn khía cạnh hệ thống của cuộc tranh luận đã được thảo luận trước đó.
Đây là khái niệm hiện đang phổ biến trong cách hiểu về chiến thuật và bóng đá hiện đại. Dù vậy, ở khía cạnh phòng ngự, điều này đã tồn tại từ những năm 50 với Catenaccio của những người Italia - tiền thân của chiến thuật "Dựng xe bus", một khối low-block với chiến thuật phản công được người Ý tạo ra để chống lại những đội bóng có sức mạnh tấn công và sự bùng nổ cá nhân quá lớn. Ở thời điểm hiện tại, các đội bóng mạnh nhất tạo ra khoảng trống để tấn công một cách có hệ thống trong khi không để lộ bất cứ khoảng trống nào cho đối thủ.
Còn về phía bên kia của cuộc tranh luận, chắc bạn đang thắc mắc? Có phải họ đang trở nên ít phổ biến hơn và bị đào thải khỏi nền bóng đá? Không. Họ vẫn còn rất phổ biến ở đây.
“Bạn có thể tranh cãi về đội hình, chiến thuật và hệ thống đến khi nào cũng được, nhưng với tôi bóng đá về cơ bản là về các cầu thủ. Cho dù đó là 4–4–2, 4–2–3–1, 4–3–3, những con số đó không phải là "beautiful game" theo quan điểm của tôi. Nó chỉ có 10% liên quan đến đội hình, chiến thuật còn 90% còn lại là về các cầu thủ. Nếu bạn có những con người tốt nhất, bạn muốn họ chơi như thế nào cũng được." - Harry Redknapp
Khi Thierry Henry bị sa thải khỏi Monaco sau 3 tháng, Wenger đã nói về những khó khăn khi thực hiện triết lý và bảo vệ cầu thủ cũ của mình.
“Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các cầu thủ, chất lượng của câu lạc bộ và chất lượng của sự tự tin mà chúng tôi có được.” Wenger nói.
Arsène Wenger, một trong những nhà cách mạng vĩ đại của thế giới bóng đá, luôn là người ủng hộ việc các để cầu thủ tự suy nghĩ thay vì áp dụng các phương pháp tiếp cận về mặt hệ thống. Đó là sự học hỏi độc lập từ phía cầu thủ và nó giúp nâng cao khả năng tư duy nhạy bén.
Một người hâm mộ hiện đại sẽ nói: Wenger ủng hộ việc phụ thuộc vào "sự xuất sắc của cá nhân", điều này không hoàn toàn đúng hay công bằng. Có rất nhiều ví dụ về các đội bóng dựa vào việc để các cầu thủ thể hiện tài năng của họ bằng cách cho họ tự do ứng biến.
Ví dụ, cú ăn ba của Luis Enrique với Barca vào mùa 14/15. Đội bóng của Enrique ít phức tạp và ít tính hệ thống, chiến thuật hơn rất nhiều so với Barcelona của Guardiola vào năm 2009, nhưng không một nhà phân tích nào có thể nói với bạn rằng họ kém hiệu quả hơn Barcelona của Guardiola cả. Có một sự nghi ngờ nghiêm túc rằng nếu Enrique áp dụng một phương pháp chọn vị trí toàn diện hơn, nó sẽ không thành công đến như vậy. Ý tưởng đơn giản là để bộ ba tiền đạo xuất sắc nhất thế giới (Messi, Suarez, Neymar) di chuyển tự do và tự thích nghi với nó, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, hiệu quả và khó đoán.
Hai ví dụ khác là Zinedine Zidane giành 3 chức vô địch C1 với Real Madrid và Didier Deschamps vô địch WC 2018 với tuyển Pháp. Cả hai đều để những cầu thủ tài năng của họ làm việc của họ nhiều hơn là họ thực sự triển khai một hệ thống chiến thuật phức tạp. Nhiều nhà phân tích chiến thuật vẫn còn nghi ngờ rằng liệu bản thân Deschamps và Zidane có kỹ chiến thuật tốt không, hay chỉ dựa vào chất lượng cá nhân, điều cũng không hẳn là tệ. Đôi khi, việc để những tài năng chơi bóng tự do như vậy cũng là một điều thông minh. Cả hai đều có những khuôn khổ và ý tưởng cơ bản, và phần còn lại sẽ được những cầu thủ giải quyết.
Như bạn có thể thấy, Bóng đá là cuộc chiến của những ý tưởng và người ta không nên bôi bác quan điểm rằng các cầu thủ đủ thông minh để giải quyết các vấn đề của riêng họ trên sân cỏ. Nhiều người khuyến khích nó, nhiều người khác thì phản đối nhưng có một điều chắc chắn là nó vẫn còn hiệu quả trong quá trình đạt được mục tiêu.
Vậy, "triết lý chơi bóng" của Ole và MU là gì?
Đến giờ, chúng ta đã đề cập đến 2 trong số những triết lý bóng đá, đó là Bóng đá tổng lực (hoặc Bóng đá dựa trên sự kiếm soát bóng) và Gegenpressing. Có hai triết lý nổi bật khác; Bóng đá Trực diện và Bóng đá Phản công. Cả hai đều đã và đang liên quan mật thiết với những đội bóng màu đỏ thành Manchester.
Trong khi nhiều đội bóng được thảo luận trong bài viết này có phong cách bóng đá mà họ theo đuổi, thì Manchester United thì không. Họ đã thích nghi với thời đại và với đối thủ. Quỷ Đỏ đã có những thời điểm họ chơi thứ bóng đá dựa trên sự kiểm soát bóng và những lần khác là thứ bóng đá trực diện, và những lần khác, nơi họ hoàn toàn là một đội bóng phản công dựa vào việc ngăn chặn đối thủ rồi tấn công. Nhiều cổ động viên cho rằng MU năm 07/08 là đội bóng vĩ đại nhất dưới triều đại SAF mặc dù không đạt được cùng thành tích với cú ăn ba năm 99. Tuy nhiên, đặc điểm nổi trội nhất của đội bóng năm đó lại là khả năng phản công.
Tuy nhiên, tựu chung lại, nếu có một thuật ngữ để mô tả cách United tiếp cận với những trận đấu, nó sẽ là "trực diện". Nó không trực diện như những pha phất bóng dài của những đội bóng thuần Anh - như những người Anh hay thường nói là "phất thẳng quả bóng lên cho những số 9 to khỏe". Trực diện, ở đây, nói đến thái độ trong cách tấn công và kiểm soát thế trận. Những đội bóng theo đuổi lối chơi kiếm soát bóng thường sẽ cầm bóng một cách bình tĩnh. MU lại muốn tấn công theo chiều dọc sân một cách nhanh gọn nhất có thể. MU luôn tấn công dựa vào những cầu thủ tốc độ (thường là các cầu thủ bám biên) và những tiền đạo đa năng để kết liễu đối phương ngay khi họ vừa mất bóng.
Vào những năm đầu thập niên 90, Catona (số 10), Kanchelskis (số 9 không truyền thống), Giggs và Sharp (tiền vệ cánh), là bộ tứ tấn công tốc độ trong sơ đồ 442/4231. SAF dựa vào tốc độ và phẩm chất cá nhân của họ để tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình. Dù họ giành được bóng ở vị trí nào, mục tiêu luôn là tấn công nhanh bằng cách đưa bóng cho Cantona hoặc một trong các tiền vệ cánh (Giggs hoặc Sharp).
Sự chuyển đổi này là thương hiệu của United và với những cá nhân có được, họ là một tập thể đáng sợ. Điều tương tự cũng đúng với đội hình năm 98/99. Họ có những phẩm chất kỹ thuật tốt hơn, thực hiện nhiều đường chuyền, nhiều quả tạt trong những trận đấu hơn, với Andy Cole và Dwight Yorke là hai poacher (T/N: Poacher là mẫu tiền đạo cắm cổ điển, chỉ có nhiệm vụ tìm khoảng trống và sút bóng). Tuy nhiên, sự trực diện trong lối chơi và những pha phản công là thứ họ chưa từng mất đi. Thử nghĩ về những quả tạt của Beckham và những pha đi bóng của Giggs ngay khi họ vừa nhận bóng đi.
5 năm sau, SAF chiêu mộ Carlos Queiroz để giúp ông thống trị đấu trường châu Âu. Một cuộc tái thiết đội hình và chiến thuật đã diễn ra. United đổi mới hệ thống của họ, từ 442→4231 khi cầm bóng, sang 442→433 khi cầm bóng. Hệ thống 433 đã được Jose Mourinho mang đến những trận đấu ở Anh, qua đó ông đã thống trị PL từ năm 2004 đến năm 2006. Tuy nhiên, lối chơi và những nguyên tắc cơ bản, hay bạn có thể gọi là "Máu Quỷ" vẫn không thay đổi.
Trên thực tế, những đặc điểm đó đã được nâng cấp với bộ ba ch ết người Ronaldo, Rooney, Tevez và một hàng thủ vững chắc phía sau họ. Manchester United năm 07/08 là đội bóng phản công tuyệt vời - điều này dường như lại là một điều tiêu cực dưới thời Solskjær, thật kỳ lạ.
“Chúng tôi luôn thiết lập hàng phòng ngự để đánh chặn bóng và sau đó tiến thẳng về phía trước. Bẻ gãy các tuyến của đối thủ. Chúng tôi có Rooney ở trên, cùng với Ronaldo, Park, và Nani. Mục đích là để phá vỡ các tuyến của đối thủ càng nhanh càng tốt. Luôn luôn có khoảng trống để có thể tấn công." Rene Meulensteen cho biết
“Nghe đây Rene, khi tôi nhắm mắt lại và tôi muốn hình dung Manchester United ở thời kỳ đỉnh cao nhất, tôi muốn thấy những nguyên tắc chơi sau đây từ khía cạnh tấn công: Tốc độ, sức mạnh, sự trực diện và khó đoán.” SAF đã nói với Rene Meulensteen sau khi ông được tuyển làm HLV ở đội một.
4 nguyên tắc mà SAF đã mô tả cho Rene, đó là những điểm nổi bật trong triết lý chơi bóng của Manchester United. Chúng cũng là những yêu cầu chính trong định nghĩa về bóng đá phản công và bóng đá trực diện.
“Tôi đã luôn theo dõi những trận đấu. Tôi đã có một ý tưởng rõ ràng về việc United sẽ trông như thế nào. Tôi đã từng là một phần của MU và tôi muốn quay trở lại truyền thống tấn công của đội bóng. Thứ bóng đá tấn công nhanh, giàu tốc độ, sức mạnh và cá tính. Và đó là những gì chúng tôi đang làm. Tôi có thể thấy được thành quả của chúng. Những hạt giống chúng tôi gieo đang bắt đầu nảy nở." Solskjær nói
“Đối với tôi, đó là thứ bóng đá tấn công tốc độ, trôi chảy với mục đích rõ ràng. Và khi chúng tôi giành được nó [quả bóng], sẽ không cần phải giữ nó hay đưa nó lùi về phía thủ môn, nếu có cơ hội để xuyên nó qua các lớp của đối thủ." Solskjær sau chiến thắng 2-1 tại Etihad vào tháng 12 năm 2019.
Từ những phát ngôn của Solskjær, bạn có thể thấy triết lý chơi bóng của ông là gì và nó đến từ đâu. Ngoài ra, đến giờ bạn cũng có thể biết ông đang theo đuổi trường phái bóng đá nào (trong cuộc tranh luận ở trên). Ông thích chủ nghĩa cá nhân, sự bùng nổ và khó đoán, giống như SAF và Manchester United.
Trong khi các đội bóng hàng đầu châu Âu sử dụng lối chơi định hướng vị trí và duy trì quyền kiểm soát bóng để tạo ra khoảng trống và khai thác nó, MU và Solsa sẽ khiến cho đối thủ phải làm việc vất vả bằng cách "dụ" họ lại gần rồi sau đó tận dụng những khoảng trống họ đã để lộ ra. Đây là lý do tại sao United lại chơi tốt khi bị ép sân. Đây là những gì Solskjær nói khi được hỏi về cách đội bóng của ông tạo ra khoảng trống:
"Có rất nhiều cách tạo ra nó (khoảng trống). Đôi lúc tôi sẽ có những cuộc nói chuyện - đặc biệt là với bố tôi, ông ấy nói rằng: 'Well, sao con không để họ lại gần đi? Cứ để họ dồn tới rồi ép sân đi?"
Vì vậy, trong một số trận đấu mà bạn chịu áp lực lớn và phải nhường quyền kiểm soát bóng cho đội bạn - khoảng trống sẽ được tạo ra. Nhưng đối với chúng tôi, các cầu thủ luôn muốn có được bóng. Vì vậy, trái bóng cần phải được di chuyển liên tục: bạn phải kéo trái bóng đi thật nhanh, phải luân chuyển trái bóng thật tốt, phải biết đưa ra quyết định khi nào thì nên giữ bóng, khi nào nên mạo hiểm với nó." Ole nói với Carl Anka từ The Athletic.
Như đã đề cập trước đó, các đội bóng như Barcelona và Ajax dưới thời Guardiola và Cruyff đã sử dụng không gian một cách có hệ thống để tận dụng tốt nhất khả năng của các cầu thủ. Trong khi đó, đối với Manchester United và Solskjær, họ sử dụng các cầu thủ để tạo ra khoảng trống hoặc thao túng đối thủ bằng cách lôi kéo/dụ dỗ họ để tạo ra chúng. Dù khá khác biệt trong cách tiếp cận trận đấu, nhưng tựu chung lại họ đều hướng tới một mục đích - k h o ả n g t r ố n g. Guardiola tập trung vào hệ thống trong khi cách tiếp cận của Solskjær tập trung vào các cầu thủ và bản năng cũng như khả năng ứng biến của họ.
Giờ hãy nghĩ về một vài bàn thắng MU đã ghi được trong hai mùa giải 19/20 và 20/21 dưới thời Ole. Bàn thằng thứ 3 trong chuyến hành quân đến sân của Sheffield United mùa vừa rồi là một ví dụ điển hình của lối đá trực diện. Bàn thứ 2 trên sân khách của Leicester vào tháng 12/2020 hay bàn thứ 3 vào lưới Watford năm 2020 của Mason (Greenwood) nữa. Đây đều là những bàn thắng mang đủ những phẩm chất: Tốc độ, sức mạnh, sự trực diện và khó đoán. Hay có thể kể đến bàn thằng từ tình huống phản công trong trận đấu trên sân khách của City năm 2019, 2 bàn thắng đầu tiên trong chiến thắng trước Liverpool trong khuôn khổ FA Cup năm 2021...
Một số bạn có thể đang nghĩ, có phải Solskjær chỉ biết dựa vào sự xuất sắc của cá nhân, thì câu trả lời của tôi cho bạn sẽ là - Không. Cả hai cách tiếp cận theo hệ thống hoặc cá nhân đều dựa trên khả năng cá nhân của các cầu thủ ở một mức độ nào đó. Ngoài ra, bằng cách nghĩ đó, bạn đang đánh giá thấp thời gian và nỗ lực để huấn luyện các cầu thủ làm việc với tốc độ cao - đây là điều mà bóng đá phản công và trực diện đòi hỏi. Đó là một thứ tư duy bóng đá thứ hai tràn đầy sức sống.
"Có những HLV thật đáng kinh ngạc, dù họ không có những cầu thủ, không có những CLB lớn thế này. Tôi là một HLV giỏi, nhưng không phải giỏi nhất. Cho tôi một đội bóng không giống Manchester City và không có những cầu thủ này, tôi sẽ không thể giành chiến thắng.” Guardiola nói.
Kết luận
Chẳng có ích gì khi chọn bên này hơn bên kia (của cuộc tranh luận nói trên) hay nói rằng triết lý của Manchester United và Solskjær không có giá trị. Cả hai bên của cuộc tranh luận đều có những ưu và khuyết điểm riêng và đều đã có những thành công trong lịch sử. Sẽ rất thuận lợi nếu sở hữu một chiến lược được hoạch định trước có thể giúp các đội bóng đánh bại đối thủ một cách "theo bài". Hay việc cho phép các cá nhân tự do lựa chọn, đổi mới và để bản năng kiểm soát cũng là một điều thuận lợi không kém. Cả hai quan điểm này cùng hướng tới một mục đích, đó là giúp HLV có sẵn trong tay những quân bài chất lượng nhất. Một vài người cho rằng, sự tự do của các cầu thủ sẽ tạo ra nhiều sự sáng tạo, khó đoán hơn, từ đó khiến trận đấu trở nên kịch tích hơn. Tuy nhiên, có những cầu thủ sẽ thích thú hơn với việc biết được mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào và cảm nhận được sự đảm bảo của hệ thống.
Như tôi đã nói trước đó, không nên bôi bác quan điểm rằng các cầu thủ đủ thông minh để có thể giải quyết các vấn đề của chính họ trên sân cỏ. Không có người chiến thắng ở đây. Đó là ưu tiên của những ý tưởng đã được thử nghiệm và chứng minh.
Cuối cùng, Manchester United đã có một triết lý và lối suy nghĩ được xây dựng từ những năm 1950 và họ đã thành công với nó dưới thời Sir Alex và Sir Matt. Solskjær chỉ đơn thuần áp dụng triết lý của CLB và những con người đã nuôi dưỡng ông mà thôi. Ông đã thành công với lối suy nghĩ đó tại CLB Molde, Na Uy. Đương nhiên chúng tôi không nói rằng Ole hoàn toàn chỉ là một bản copy. Ông cũng có những chi tiết, những chiến thuật của riêng mình. Chỉ đơn thuần là triết lý, nguyên tắc của ông và CLB giống nhau.
Có một điều chắc chắn là MU đang ngày càng giống với MU trong tâm trí của nhiều người. Triết lý của cả huấn luyện viên và đội bóng đều phù hợp với nhau, và CLB đang có một quỹ đạo đi lên.
Liệu điều này có đảm bảo mang lại thành công cho United và Ole? Chả ai biết cả. Những gì chúng ta biết chắc là CLB đang tiến lên phía trước. Và hướng đi này của CLB đã từng giúp họ mang về sân Old Trafford biết bao thành công vang dội trong lịch sử. Ai dám nói rằng điều này sẽ không tái hiện nữa?