Mạn đàm về Karen Carpenter - Ngày Xưa Cũ Yêu Dấu
The Carpenters có một chỗ đứng đặc biệt trong tim tôi. Ngay từ bé, chị gái tôi đã luôn bật những bài hát nổi tiếng nhất của nhóm như...
The Carpenters có một chỗ đứng đặc biệt trong tim tôi. Ngay từ bé, chị gái tôi đã luôn bật những bài hát nổi tiếng nhất của nhóm như Close To You, Top of The World hay Yesterday Once More. Những giai điệu mà tôi nghe là nhận ra ngay, trước cả khi biết về cặp đôi hai anh em của thập niên 70 người Mỹ này, như thể chúng đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Và rồi thế là, chỉ đợi một giai đoạn nào đó trong cuộc đời này, ùa về trong dòng chảy cảm xúc của giọng ca vượt mọi thời đại Karen Carpenter.
Từ khi mới bắt đầu nghe nhạc đến nay (cũng cỡ độ hơn 18 năm gì đó) tôi chưa bao giờ thật sự có sự mê đắm quyến luyến với một ca sĩ nào như là với Karen Carpenter.
Giọng hát của Karen đích thị là của một tiên nữ giáng trần, không thể dùng một từ ngữ nào có thể miêu tả chính xác hơn. Bà không hề cố gồng mình để ngân những nốt cao chót vót như là Celine Dion hay Mariah Carey. Đơn giản, giọng của Karen chạy thẳng vào tim người nghe một cách chân thành, đằm thắm, chẳng mảy may một chút cố gắng hay giả tạo nào. Giọng của Karen như một người bạn đồng hành qua những nẻo đường đơn độc mà cay đắng bị người phụ, tình phụ. Như một cái ôm an ủi bừng sáng, ôm trọn lấy ta sau một ngày đầy rẫy là sự thất vọng trong toàn bộ lòng yêu thương vô điều kiện của một người phụ nữ vừa trải đời mà, một cách thần kỳ, chưa bị mất đi sự thánh thót và niềm hi vọng.
The Carpenters ra đời vào thập niên 1970, thời đại đáng lẽ là sự bùng nổ các ban nhạc mang tính phản văn hóa, phá cách như Led Zeppelin, Queen hay Ramones; anh em nhà Carpenters, với phong thái hoàn toàn sạch sẽ, gọn gàng và còn có phần như đại diện cho thế hệ những năm 50 bấu víu vào những truyền thống công giáo hơn là nhạc dành cho những con người trẻ, là một làn gió mới mẻ của thập kỷ bấp bênh ấy. Như thể họ đã đi ngược và một phần nào đó, “phản” lại cả phong trào phản văn hóa vậy.
Hit đầu tiên đưa tên tuổi của Carpenters lên tầm đỉnh cao là “Close To You”. Bản tình ca ngọt ngào của Burt Bacharach và Hal David, chỉ được nâng lên một tầm cao mới qua giọng hát của Karen và cách trình bày của Richard. Cảm xúc của người con gái trong một tình yêu chớm nở thật đỗi mãnh liệt, diệu kỳ và đầy hứa hẹn làm sao khi gặp được người trong mộng tỏa ra bao nhiêu là ánh sao trời, những chú chim luôn hót rộn vang tạo nên một bản hòa ca về nhân vật trữ tình hoàn hảo một cách không tưởng trong đôi mắt ngây dại của người con gái.
Ở một thái cực khác, mỗi khi “Yesterday Once More” được bật lên tại một quán cafe nào đó trong những buổi dạo chơi ở đất Hà Thành, tôi lại co rúm người lại như một cậu bé, được vỗ về dìu dắt qua từng giai điệu thanh thoát gợi tả những ký ức, kỷ niệm sâu thẳm nhất bên trong tôi. Đó là nỗi nhung nhớ về những người đã đến và đi qua cuộc đời, những lần khờ dại có và cả những khoảnh khắc hạnh phúc tột đỉnh nhất mà tôi từng trải qua.
Mỗi tiếng “sha la la la”, “wo wo wo” vẫn tỏa sáng như ngày nào, chúng nhấc bổng tôi lên cao vút và đặt lại xuống mặt đất để lại một phong vị đong đầy, nhộn nhịp, phấn khởi như đêm 30 (Đó chắc hẳn cũng là lý do tại sao cứ đến dịp năm mới, lễ Tết, người Việt mình hay bật ABBA và Carpenters lên ^^). Niềm phấn khích cũng để lại cho ta những cảm xúc lẫn lộn sau bữa tiệc tàn; một dư âm nào đó, một cảm giác thật trống vắng và hụt hẫng. Tiếng Anh, họ gọi nó là “bittersweetness”, “false nostalgia” (cụm từ dành cho những ai “dở dở ương ương”, tự dưng đi hoài niệm một khoảng thời-không gian chưa từng thực sự trải qua) người Việt mình hay dùng từ “da diết”, song vẫn không thể lột tả hết được thứ cảm xúc vô hình “mãi không với tới” được ấy: như khi ta trở về nhà sau một chuyến đi dài cùng những người anh em bạn bè chí cốt; hay đơn giản là khi ta hoàn thành xong một cuốn sách, một series phim tuyệt vời mà ta đã đặt trọn sự gắn bó vào.
Còn với “Top of the World”, chỉ có thể diễn tả bằng đúng cặp từ: “Đỉnh cao”. Đỉnh cao bởi vì nhạc quá hay và vì...đúng là Karen đang ở trên đỉnh cao mọi thứ thật. Không còn bất cứ sự lo nghĩ nào khi Karen cất tiếng ca và thế giới trở nên sáng bừng lên. Mọi xúc cảm và giác quan trở nên thật đỗi dạt dào, thi vị và sung túc. Bài hát như một tia nắng ban mai chiếu thẳng vào tâm hồn ta mỗi khi lạc lối trên đường đời, thứ thanh sắc của trời tươi đẹp đẽ đến mức có cảm giác như một phần nào đó trong ta được thanh tẩy.
Ít ai biết được rằng, Karen Carpenter cũng là một tay trống nữ được đánh giá rất cao của giới âm nhạc và còn được huyền thoại Buddy Rich liệt vào những tay trống nhạc pop mà ông yêu thích nhất trong một cuộc phỏng vấn với giới báo chí.
Bạo bẽo thay, cả cuộc đời của Karen bị bao trùm bởi sự cô độc và cay đắng, đau đáu luôn tìm một nửa kia của mình. Cay đắng vì trên con đường sự nghiệp tài năng bị phủ nhận bởi chính cha mẹ và người thân thích, cô độc vì trên tình trường bà luôn gặp phải những thứ tình yêu “nhựa đường”, tình yêu giả dối, thứ tình cảm như khiến một phần nào đó trong Karen chết dần chết mòn hàng ngày cả về thể xác lẫn cả tinh thần.
Nếu bạn nghe thật kỹ lời lẽ những ca khúc và đọc tiểu sử của Karen, lại có một nét buồn rầu. Không, nó cực kỳ chua chát và cay đắng, khi nhận ra một con người tuyệt vời như Karen lại có thể chịu đựng, trải qua quá nhiều thăng trầm và rồi rời xa thế nhân đột ngột ở độ tuổi 32.
Ở giữa độ tuổi thanh xuân và chót vót trên cùng của sự nghiệp của mình, Karen đã phải chống chọi với căn bệnh quái ác - anorexia (hội chứng biến ăn). Từ năm 1972 trở đi, lúc đó bà mới ở độ tuổi 22, sau nhiều những bình luận ác ý về thân hình cơ thể bản thân, Karen đã quyết định giảm cân và ăn uống không điều độ, mặc cho những lời khuyến cáo từ các bác sĩ. Bà tự ý giảm cân một cách đột ngột qua từng năm tháng; việc ăn uống đối với Karen trở nên khổ sở, vì phần lớn các bữa ăn trong ngày Karen chỉ giả vờ ăn cho có lệ chứ không hề thật sự hấp thụ một tí dưỡng chất nào!
Phảng phất đâu đó nỗi đau khổ tuyệt vọng, dễ có thể được thấu cảm khi Karen chuyển tông với các giai điệu có tính gai góc và nghiêm túc hơn như “Superstar”, “Crescent Noon” hay “Rainy Days And Mondays”.
Nỗi niềm cô đơn của người đàn ông trong “Solitaire” (sáng tàc bởi Neil Sedaka và Phil Cody) được bộ đôi Karen và Richard thổi hồn vào một cách truyền cảm và sâu lắng, tạo một sự đồng cảm đối với tất cả những ai đã quá đỗi hờ hững, vô tình hay cố tình, với những người mình yêu thương. Nhân vật chính trong bài hát rốt cuộc cũng chỉ giữ lấy những tâm tư tình cảm cho riêng bản thân mình mà chẳng hề có sự sẻ chia, đồng cảm; cũng như trò bài Solitaire, anh chơi một trò chơi cơ độc, trò chơi chỉ dành cho một người mà thôi.
“And keeping to himself he plays the game
Without her love it always ends the same
While life goes on around him everywhere
He's playing solitaire”
“Superstar” bộc bạch sự chứa chất đầy nỗi oán hận của một người phụ nữ đã mất đi mọi thứ mà cô tin tưởng, trải qua những cuộc tình phụ bạc và nửa vời để lại chỉ còn là niềm cô độc ở tâm thế. “I Need To Be Love”, tuyệt phẩm mà chính Karen tự nhận là sáng tác tuyệt vời nhất của nhóm, lại càng củng cố đào sâu thêm vết thương sâu hoắm này.
“I used to say, no promises
Let's keep it simple
But freedom only helps you say goodbye
It took a while for me to learn
That nothin' comes for free
The price I've paid is high enough for me”
Let's keep it simple
But freedom only helps you say goodbye
It took a while for me to learn
That nothin' comes for free
The price I've paid is high enough for me”
“Tôi từng bảo, không có kỳ vọng nào
Hãy giữ cho mọi chuyện thật giản đơn
Nhưng tự do tự tại chỉ khiến ta dễ nói lời tạm biệt hơn
Phải lâu thật lâu, tôi mới hiểu rằng
Ở đời không ai cho không cái gì
Cái giá mà tôi phải trả quá cao so với tôi”
Hãy giữ cho mọi chuyện thật giản đơn
Nhưng tự do tự tại chỉ khiến ta dễ nói lời tạm biệt hơn
Phải lâu thật lâu, tôi mới hiểu rằng
Ở đời không ai cho không cái gì
Cái giá mà tôi phải trả quá cao so với tôi”
Karen qua đời vào tháng Hai năm 1983 vì suy tim. Cân nặng của bà vào những giây phút cuối đời chỉ vỏn vẹn 48kg. Đã suýt soát gần bốn thập kỷ kể từ cái chết của Karen - một trong những mất mát đau đớn nhất của lịch sử làng âm nhạc thế giới.
Thân xác của bà nay đã không còn - song, điều mà các fan hâm mộ của Karen biết rõ ràng và chắc như đinh đóng cột, đó là tâm hồn vĩnh cửu của Karen vẫn sống mãi trong nhịp đập con tim những người yêu cái đẹp của âm nhạc và hội họa, trong các giai điệu mà bà đã để lại cho thế nhân, trong từng tiếng ““sha la la la” và “wo wo wo” ta cất lên để tưởng nhớ một tượng đài bất diệt ngàn năm có một của dòng nhạc pop.
R.I.P Karen Carpenter (1950 - 1983). You were too precious a soul for this mad world.
Minh Tu Le
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất