Carpenters: tìm kiếm hạnh phúc cho Karen
Tôi vẫn nhớ những chiếc đĩa than, quay chậm chậm như điệu nhạc, trên cái máy nghe nhạc cũ kỹ của ông nội để lại. Tiếng đàn harp vút...
Tôi vẫn nhớ những chiếc đĩa than, quay chậm chậm như điệu nhạc, trên cái máy nghe nhạc cũ kỹ của ông nội để lại. Tiếng đàn harp vút nhẹ mở đầu, trên nền dàn dây là câu intro bằng kèn oboe bước vào êm ái theo giai điệu mấy nốt đầu của câu hát rồi biến tấu trở thành khúc intro buồn thảm. Rồi mọi thứ dừng lại, để tiếng kèn cor trầm được nối bằng đàn bass gảy lệch nhịp tiếng hi-hat của bộ trống, tạo một không gian mịt mờ.
Giọng hát của Karen Carpenter cất lên buồn đến tê người...
“Long ago, and, oh, so far away…”
***
Ngày xưa, có cô bé Karen sinh ra trong một gia đình đầy hạnh phúc yêu thương. Cô có người anh trai Richard lớn hơn cô 3 tuổi.
Richard Carpenter vốn sớm bộc lộ tài năng âm nhạc thần đồng từ bé, khi anh thuần thục trên chiếc đàn piano mà được bố mẹ mua tặng. Còn tuổi thơ của Karen chỉ quan tâm đến ballet và nhảy tap dancing. Mãi đến năm 14 tuổi, khi đã học cấp ba, Karen mới đòi vào lớp ngoại khoá nhạc để trốn môn thể dục, lúc đó cô mới khám phá tình yêu âm nhạc của mình.
Karen Carpenter quyết định chọn bộ trống vì không thích cái đàn chuông mà giáo viên nhạc định dạy cho cô. Gia đình nhà Carpenters dĩ nhiên là ủng hộ đam mê âm nhạc mới của cô con gái như với cậu con trai Richard trước đây. Căn nhà dần dà được dọn chỗ cho bộ trống Ludwig mà Ringo Starr và Joe Morello - hai nghệ sĩ trống ở hai thể loại Rock và Jazz mà cô yêu thích.
Mọi người có lẽ cũng không ngờ Karen nhanh chóng và lặng lẽ tập thuần thục không chỉ các câu dồn trống phức tạp mà còn đánh được các nhịp khó nhằn như 5/4. Tình cờ thời gian tập trống cũng là lúc khả năng ca hát của Karen được phát hiện. Có một lần khi người thày bảo cô thử hát thấp xuống một quãng tám, cả thày và cô nhận ra một chất giọng thiên phú, trầm ấm và vô cùng tình cảm của Karen.
Cả gia đình Carpenters thấy vậy mới động viên hai anh em cùng nhau phát triển âm nhạc và sau một thời gian, chúng ta có bộ đôi Carpenters.
Mọi thứ dường như dồn hết cho Richard, với vai trò sáng tác, hòa âm, sản xuất, chưa kể còn chơi piano, và chỉ dành phần cho em gái Karen đảm nhiệm “mỗi” việc hát và đánh trống, cả khi thu âm và lúc diễn.
Giữa lúc thế giới đang đắm chìm trong nhạc Psychedelic Rock đầu thập niên 70s, không ngạc nhiên khi kiểu nhạc Pop mang âm hưởng Jazz nhẹ nhàng ngọt ngào của Carpenters bị chìm nghỉm trong thứ âm nhạc mạnh mẽ ồn ào của cây guitar điện. May mắn là album đầu tay của hai anh em, Offering/Ticket To Ride, dù không thành công nhưng hãng đĩa vẫn không bỏ cuộc trước hai người.
Làm theo lời khuyên của hãng đĩa tập trung vào sản xuất ca khúc hit, hai anh em nhà Carpenters sau đó tìm được thành công với bản hit đầu tiên “They Long To Be (Close To You)” và rồi nối tiếp biết bao ca khúc nhẹ nhàng mang hơi hướng Pop Rock đi vào lòng người nghe nhạc giữa những ca khúc vẫn mang màu sắc Jazz mà hai anh em kiên trì theo đuổi.
Và trong phòng thu, Karen ngày càng bộc lộ khả năng âm nhạc thiên phú hóa ra không kém gì ông anh, nhất là trong việc tạo màu sắc cho nhạc của Carpenters bằng khả năng chơi trống siêu đẳng của cô. Ở bài “Yesterday Once More”, vì Richard không ưng ý lắm phần nửa đầu nên anh muốn thu âm lại, gồm cả trống. Mọi người đều quan ngại vì Karen sẽ phải đánh mà không có click track. Nhưng khi ghép hai nửa lại, không một ai nhận ra sự cắt ghép bởi phần tempo không lệch một li nào của Karen. Karen Carpenter có lẽ là nghệ sĩ nữ chơi trống tiên phong của âm nhạc hiện đại, một nghề mà ở thập niên 60s hay 70s (và có lẽ đến tận giờ) vẫn thường được mặc định là dành cho đàn ông.
Trong bài “All I Can Do”, Karen đánh nhịp 5/4 hoàn hảo với đủ các kỹ thuật giữ nhịp, dồn trống, phối hợp tay chân điêu luyện ngang một nghệ sĩ trống Jazz thực thụ. Và quan trọng là cô vừa đánh vừa hát cả bè chính và lúc bè phụ vừa hay vừa hoàn hảo giữa nhịp độ của tay chân và cao độ của giọng hát.
Chưa kể, cô còn làm được điều đó ngay cả khi diễn live trên sân khấu. Ca khúc “Ticket To Ride” mà Carpenters cover lại của The Beatles được hai anh em diễn tại Úc năm 1972 không những giữ được tiếng hát trong trẻo ấm cúng và tình cảm như thu âm, thậm chí còn hay hơn, mà còn có được sự dìu dắt nhịp điệu chậm lại chút ít ở một số đoạn để kéo cảm xúc bài hát về cùng giai điệu. Cảm giác như tiếng trống của Karen như đang hát giống cô.
Và hình ảnh tuyệt đẹp trên sân khấu không chỉ là một cô gái có khuôn mặt thanh tú, mà là nụ cười hạnh phúc thực sự. Nụ cười đó và tiếng hát của Karen đã hút hồn bao nhiêu thế hệ người nghe nhạc.
Tôi bỗng nhận ra rằng đó là quãng thời gian đẹp nhất của Karen, khi cô được làm điều mình thích, được vừa đánh trống và được hát cùng người thân của mình. Hóa ra, cuộc đời của Karen giống như giai điệu và linh hồn của ca khúc “Superstar” vậy: đó là hai mặt đối lập của thực tại giống như âm sắc cực buồn của đoạn verse và âm sắc tươi sáng hơn của điệp khúc.
Ở thời kỳ đầu khi hai anh em nhà Carpenters mới có được thành công, những gì diễn ra trong các chuyến lưu diễn, các cuộc biểu diễn được Karen hoà mình trong âm nhạc là quãng đời hạnh phúc nhất của cô như khúc điệp khúc trong “Superstar” vậy.
“Don't you remember, you told me you loved me baby?
You said you'd be coming back this way again baby
Baby, baby, baby, baby, oh baby
I love you, I really do”
Mặc dầu phần điệp khúc đổi tông giọng trưởng và nhịp điệu tươi vui, thì ẩn dấu trong đó là phần lời và nỗi buồn sâu thẳm trong giọng hát của Karen.
Người ta nói cô hát hay nhất ở quãng trầm và trung, bởi tiếng cô dầy, có độ rung, giữ nhả hơi cực hay và một cái hồn không mấy diva nào sau này có thể tạo lại được. Cái hồn đó nằm từ đáy lòng và nỗi niềm mà những bài vui như “Top Of The World” khi nghe Karen hát vẫn có một sự trắc ẩn. Không gian âm thanh buồn u ám ở những khúc verse của “Superstar” thể hiện rõ nhất những gì phía sau sân khấu của Karen.
***
Từ nhỏ, sự quan tâm của gia đình, đặc biệt là người mẹ đã dành riêng cho ông anh Richard. Mong muốn rằng tài năng thiên bẩm của Richard sẽ được vun đắp và những người khác trong gia đình như Karen được dạy bảo là làm tốt nhất việc hỗ trợ cho người anh trai.
Tài năng của Richard sau này được tận dụng tuyệt đối trong kỹ thuật dàn dựng nhạc điêu luyện của anh khiến cho nhiều ca khúc cover lại của nhóm lại thành bản hay nhất và vượt xa ca khúc gốc. Những ai cover lại bài “Superstar” của Carpenters đều không thể không chơi lại đoạn intro bằng kèn oboe đầy day dứt mà Richard nghĩ ra.
Thế nhưng, cách phối âm kỹ thuật và phức tạp của Richard lại thiếu một cá tính gây ấn tượng cho người nghe. Đúng là có ít bài của Carpenters tạo được dấu ấn về phần nhạc như “Superstar”, và rồi thứ mọi người nhớ đến Carpenters hóa ra lại là tiếng hát hay đến tê người của Karen.
Hình ảnh dễ thương của người con gái mảnh khảnh không hề mất đi dù Karen luôn phải hơi khòm người đánh trống lúc diễn. Ngược lại, sức hấp dẫn từ thần thái, nụ cười, tiếng trống có hồn, và trên tất cả là giọng hát truyền cảm và chắc hẳn là dễ nhận ra nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại dường như sẽ còn đọng lại mãi với người hâm mộ.
***
Ở album đầu hai anh em nhà Carpenters còn thay nhau hát chính. Dần dà, sự ưu ái của khán giả đã đẩy Karen lên vị trí hát chính. Không ai quan tâm đến Richard, nãy đã trở thành vai phụ.
Chỉ có bà mẹ vẫn muốn cả thế giới nhận ra tài năng của cậu con cưng. Bà muốn người ta đặt chiếc gương trên sân khấu để phản chiếu rõ những ngón đàn của Richard. Karen cũng vậy, cô vẫn ủng hộ hết mình vì Richard trong các cuộc phỏng vấn, tự nhận mình là tay trống biết hát và là “lead sister” thay vì “leader” vì cô muốn cả thế giới biết được công lao lớn mà Richard mang tới cho Carpenters.
Nhưng có ai quan tâm đâu, họ đến để xem Karen biểu diễn và nghe cô hát. Lấy cớ để chiều lòng khán giả, Richard và ban quản lý ép Karen bỏ việc đánh trống để chỉ cầm mic hát cho người ta dễ nhìn thấy cô hơn, mà không quan tâm rằng Karen hóa ra có một nỗi sợ đứng trên sân khấu. Việc ngồi sau bộ trống lâu nay hóa ra khiến cô vẫn cảm thấy tự tin và phiêu hơn, và với trình độ siêu đẳng của mình, Karen như vừa dạo chơi với bộ trống vừa hát. Nay khi bị ép buộc đứng lên hát, niềm hạnh phúc đã biến mất, thay vào đó là một sự trầm lắng vì thiếu đi cá tính và sức sống của cô gái, người đáng ra có thể đi vào lịch sử nhạc Rock n Roll với khả năng chơi trống và hát của mình.
Đám người kia thì dường như tìm ra thêm được cách để thu hút khán giả, khi âm nhạc của Carpenters ngày càng chậm lại và buồn, cùng với hình ảnh một cô gái có ánh mắt buồn xa xăm đứng hát bên cây đàn Piano. Không hiểu có ai thực sự màng đến lý do đằng sau đôi mắt xa xăm đó không.
Sự kiểm soát của Richard càng ngày càng leo thang khi Karen không bao giờ biết trước lịch thu âm hay biểu diễn. Mọi thứ đều được Richard sắp đặt. Còn Karen vẫn chấp nhận và tuân theo mọi thứ như một cái nếp mà cô được mẹ dạy từ bé: hỗ trợ cho sự thành công của ông anh.
Đỉnh điểm là khi Karen thu âm một album solo riêng với sự hợp tác của nhà sản xuất Phil Ramone với mong muốn thử nghiệm âm nhạc mới cho riêng mình. Sau khi đĩa nhạc hoàn thành, cả Richard và một số lãnh đạo của hãng đĩa phản đối việc phát hành đĩa nhạc này với lý do là chất lượng âm nhạc chán bất chấp ước mơ nhỏ nhoi và số tiền mà Karen đã bỏ ra để có một sản phẩm âm nhạc theo định hướng của riêng cô.
Richard Carpenter hẳn trong thâm tâm không muốn mất quyền kiểm soát vì lo ngại cô em gái trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Người mẹ cũng vậy. Karen đồng ý không phát hành album solo đó. Nhưng cô đã khóc rất nhiều. Và cô vẫn quay lại với Richard để tiếp tục thu âm và hỗ trợ cho sự nghiệp âm nhạc của gia đình Carpenters.
***
Hôm nay tôi ngồi nghe đĩa solo cùng tên của Karen Carpenter. Vẫn giọng ca ngọt ngào không lẫn vào đâu được của Karen. Kể cả cô có thay đổi chút âm nhạc so với nhạc Carpenters dưới sự dẫn dắt của Richard, đĩa nhạc Karen Carpenter này nghe vẫn hay và tình.
Phải đến năm 1996, album này mới được phát hành, nghĩa là 13 năm sau khi Karen từ giã thế giới. Trước khi ra đi, Karen còn gọi cho Phil Ramone tâm sự rằng cô vẫn rất hài lòng với album này và mong mỏi một ngày có thể phát hành nó.
Karen chết năm 32 tuổi, vì cơ thể cô quá đuối sức trước căn bệnh biếng ăn, không rõ có phải là hậu quả của việc bị mất quyền kiểm soát trong cuộc sống.
Cho tới giờ, người yêu nhạc và cả các nhà phê bình vẫn phải công nhạc của Carpenters có sức hấp dẫn vô hạn. Bất chấp hình ảnh “sạch sẽ” có phần sến sẩm và âm thanh được sản xuất có phần an toàn, giọng hát của Karen vẫn mãi có sức hút chạm được tới trái tim của người nghe và khiến những nhà phê bình luôn phải đặt Carpenters vào nhánh của nhạc pop rock chứ không phải pop đơn thuần.
***
Người ta bảo Karen ra đi ở tuổi 32 là quá sớm nhưng tôi nghĩ phần lớn trong cô đã chết từ trước đó rất lâu, từ cái ngày người ta cướp đi bộ trống và đẩy cô ra trước ánh sáng. Karen không được chơi trống trong thu âm và biểu diễn, không được tham gia phần sáng tạo nghệ thuật cho âm nhạc của Carpenters, cô cũng không được phát hành album solo đầy tâm huyết của mình.
Được xem những màn biểu diễn của Karen từ thời cô được tung hoành cùng bộ trống trên sân khấu, tôi mới thấy nụ cười rộng đến mang tai đầy hạnh phúc của Karen là hình ảnh đẹp nhất.
Và ngôi đền của những tay trống Rock n Roll tài năng nhất đã mãi thiếu mất tên một người phụ nữ tuyệt vời.
Hẹn gặp lại!
Kroon
Đọc các bài viết khác của EmoodziK ở link sau
Âm nhạc
/am-nhac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất