Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Sau hơn hai năm kể từ khi thật sự bùng phát ở Việt Nam, dịch COVID-19 đã làm thay đổi và có quãng thời gian làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống mọi người. Trong và sau giai đoạn cao điểm của biến cố dịch tễ, những chuyển biến dữ dội có lẽ người dân từ mọi tầng lớp, mọi giới, mọi thành phần đều đã kinh qua. Tuy vậy có thể nói chỉ khi dịch bệnh đã lắng dịu và trở thành một phần cuộc sống như dự báo thì những trầm tích của cơn [can qua] mới dần hiện rõ trong mắt và trong nhận thức của những người trong cuộc. Loạt sự kiện gần đây nhất liên quan đến những học sinh ở độ tuổi người ta hay gọi “ăn chưa no, lo chưa tới” không chỉ là giọt nước tràn ly chẳng thể vớt vào trở lại cũng như cuộc đời các em, mà còn là bề nổi của tảng băng trôi mang tên Hệ quả: hệ quả của chất lượng cuộc sống bị phớt lờ và lầm lạc, trong đó, sức khoẻ tâm lý và tinh thần là một điểm đặc trưng.
Cách đây đã lâu nhưng không quá lâu để những người đương thời có thể quên, giai đoạn khó khăn về mọi mặt kinh tế, xã hội sau những biến chuyển lịch sử khiến những con người ở thời đại đó chỉ ưu tiên cho mục đích sống ăn no, mặc ấm hòng tồn tại qua cơn bĩ cực. Cận thời điểm hiện tại, khi những nhu cầu vật chất, sinh tồn trước kia đã được đáp ứng đủ đầy và đang dần dư thừa, người ta dần hướng đến cuộc sống được ăn ngon, mặc đẹp. Cùng với đó những thiếu thốn về tinh thần trước kia vốn bị vùi lấp nay đã được ngó ngàng tới. Có thể lý giải rằng cuộc mưu sinh trong giai đoạn khốn khó đã chiếm hết thời gian và tâm trí con người ta, những tác nhân kích thích (stimulus) đó đã lấp đầy khả năng mà con người có thể tiếp nhận và đưa ra phản ứng (response) trong mối quan hệ hiển nhiên của chúng, và không còn chỗ cho những nhìn nhận vào khía cạnh tâm lý, tinh thần. Bỏ bê dẫn đến xa lạ, những khái niệm trừu tượng này dần khiến con người mất dần ý niệm thực sự về chúng, hay nếu có biết đến cũng dễ bị lạc lối. Cũng phải thôi, tinh thần, tâm lý là cái chi khi nó chẳng làm ra được Tiền, cũng không mang lại sản phẩm sinh lợi luỹ tiến nào! Vậy thì hà cớ gì phải đầu tư, chăm chút cho nó?
Một trong những đặc trưng của đại dịch là giãn cách xã hội. Giãn cách thì không tụ tập, không tiếp xúc trực tiếp để gặp mặt, kết nối. Những con người phóng khoáng hay kín đáo, cởi mở hay trầm tính đều gần như bị buộc phải ở trong không gian riêng của mình hay cách ly suốt một thời gian dài. Khi đó, một thách thức mới đặt ra với những người trước đây giả thử đã từng thốt lên, bằng lời hay trong tâm trí: “Trời ơi, tôi không thể sống thiếu mạng xã hội được, mà lại phải ở cái nơi không có mạng này!”, “Tôi sẽ chết mất nếu không kết nối với mọi người!” Cảnh tù túng lúc này khiến họ chới với. “Mọi vấn đề của nhân loại đều xuất phát từ việc con người không có khả năng ngồi im lặng một mình trong phòng” (Blaise Pascal). Hoàn cảnh hoá ra lại buộc con người ta phải thích nghi với nó bằng cách này hay cách khác. Trừ những trường hợp đặc thù nghề nghiệp phải ra khỏi nhà để mưu sinh, hầu hết mọi người đều phải dần quen với làm việc, sinh hoạt tại nhà, tự mài mò sử dụng những ứng dụng công nghệ như một điều tất yếu. Thời gian thử thách ấy cũng là cơ hội để mỗi người lùi lại một bước, nhìn nhận lại bản thân, guồng quay cuộc sống xã hội, các mối quan hệ, những điều trước đây trong thế gian vội vã đã bị bỏ qua, phớt lờ hay kìm nén. Và tất nhiên, những con người với những cảm quan khác nhau có cách nhìn nhận, đánh giá và phản ứng khác nhau trong bối cảnh đó. Không phải ai cũng có khả năng suy nghiệm đúng đắn ở cái hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, đặc biệt trong thế giới bị chi phối sâu rộng bởi công nghệ, truyền thông và mạng xã hội, những thứ được dịp béo bở mà nở rộ trong thời giãn cách. Đại dịch tuy dạy cho những người bị ảnh hưởng bởi nó rằng đâu là thiết yếu, những việc nào là tối cần thiết để duy trì cuộc sống mà trước đó nhiều khi bị xem nhẹ vì không hái ra được nhiều tiền, chẳng mang lại sự giàu sang sang chảnh (“giàu” nhưng chưa hẳn đã “sang”, “sang” nhưng lại “chảnh” chứ không “trọng”) hay không hào nhoáng, bắt tai vui mắt như những xu hướng xã hội không ngừng thay áo, nhưng nó không đảm bảo mọi người hiểu được những bài học kia một cách thấu đáo, trong lúc nó còn hoành hành và nhất là khi nó đã dịu đi. Có thể nói chỉ trong vài tháng cao điểm của dịch bệnh, những biến động dữ dội của xã hội đã khái quát những vấn đề trước đó ở mức độ rõ nét nhất. Để rồi khi bước dần ra khỏi cơn bạo bệnh diện rộng, người ta bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề đó, nảy mầm từ cuộc giãn cách kia. Giãn cách xã hội là một đặc trưng của dịch bệnh như đã đề cập, và cũng là một vấn đề thực sự khi không được triển khai hợp lý. Kết nối xã hội là một nhu cầu chính đáng và khi không được đáp ứng hay thay thế, những ức chế từ đó cứ tự nhiên mà được dung dưỡng. Để rồi như thêm một tầng áp lực nữa, những kỳ vọng thành tích từ các bậc sinh thành đã góp thêm một lực đẩy ép chặt sức chịu đựng của những học sinh ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới hơn. Đó là cái độ tuổi chịu ảnh hưởng mãnh liệt từ biến động hormone giới tính trong một cơ thể đang lớn, ăn tưởng chừng như không bao giờ thấy no, cũng là cái tuổi “ẩm ương” bồng bột nghĩ rằng tiềm năng bản thân là vô hạn. Những ngang ngạnh đó khi không được thấu hiểu thông qua lắng nghe, chia sẻ mà cứ bị đè nén quá lâu tất sẽ bộc phát như một quả bóng bơm căng chực nổ. Hậu quả thì đã rồi, nước đã tràn ly, chuông cứ gióng hồi rổn rảng, điều vô cùng đáng nói là cách nhìn nhận vấn đề đó. Trong đó, không thể không nhắc đến sự so sánh khác biệt giữa hai (hay nhiều) thế hệ và cách họ đối mặt với hoàn cảnh khác nhau như thế nào, từ đó phán xét thế hệ hiện tại yếu đuối ra sao. Và tại đây cũng là lúc có thể thôi lan man mà quay ngược trở lại phần trước đoạn dông dài này.
Câu hỏi cần đặt ra có lẽ là: “Chẳng lẽ những con người ở thời đại hỗn mang kia thật sự không màng tới tâm lý, không biết đến cảm xúc sao?” Trong bất cứ thời đại nào, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đã là con người, có phần Con và phần Người, thì tinh thần không thể tách rời khỏi thể chất, khỏi cơ thể vật lý. Thời kỳ gian khó đó buộc người ta phải lăn lộn không ngừng, những nhu cầu về tâm lý, tinh thần vẫn tồn tại đấy thôi như vốn có, nhưng chúng đã bị ghi đè lên bởi những tác nhân kích thích khác được ưu tiên hơn để no cái bụng, ấm cái thân. Bị vùi lấp đến khi con người qua cái tuổi có thể nhìn nhận cởi mở, họ cho rằng nó không quan trọng và được nghiêm trọng hoá lên. Cùng với đó là những bài học đạo lý từ đời xưa thuở Nho giáo còn giữ nền móng vững chắc được những người kinh qua giai đoạn khốn khó tâm niệm và lấy làm điều răn con dạy cháu, cả trong thời đại sau này việc chia sẻ những giáo lý đó, muôn hình vạn trạng, thậm chí còn dễ dàng hơn chỉ với vài thao tác đơn giản trên mạng xã hội. Hệ tư tưởng của cụ Khổng cũng như những bài giảng của cổ nhân là kho tàng đáng tham khảo, hướng con người ta đến những giá trị cốt lõi, tạo sự ổn định cho trật tự xã hội, ít nhất là trước những cuộc cách mạng công nghiệp, khi càng gần tới thời hiện đại chúng càng bộc lộ những hạn chế của mình: khuyên răn con người phải làm gì, mà lại không xét đến những đặc điểm tâm lý, sinh lý và thể chất của từng cá nhân mà từ đó giúp họ nhận ra con đường của riêng mình để thực hiện điều được răn dạy. Bình đẳng là cho rằng mọi người sinh ra đều có xuất phát điểm như nhau. Công bằng là nhận ra với những cá nhân không có điểm xuất phát bằng nhau, thì cần tạo điều kiện cho mỗi người san bằng khác biệt đó mà có thể phát huy khả năng để đạt đến cùng một cái đích ngang bằng.
Những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vượt bậc đang rút ngắn chu kỳ phát triển của nó. Từ vài chục năm để một thành tựu có thể được áp dụng rộng rãi, thì gần đây số năm đó chỉ cần đếm trên đầu ngón tay. Tốc độ phát triển chóng mặt đòi hỏi đại chúng phải thích ứng với cuộc sống mà công nghệ đang ra sức chi phối, những vấn đề tồn tại tưởng như sẽ được giải quyết, thực ra trong sự tiến bộ không ngừng, vấn đề mới cứ theo dòng chảy đó mà nảy sinh, tinh vi hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn trước. Những ẩn ức tâm lý kia giờ phát lộ, chúng chẳng phải khái niệm gì đến nỗi mới mẻ, xa lạ, chỉ là đã bị chôn vùi bởi thời gian. Và chúng cần được định danh thoả đáng để từ đó con người có thể nhận diện được điều mình phải đối mặt, trừu tượng, nhưng có thể mường tượng, đối mặt được. Biết nhận diện những thứ vô hình nhưng tác động hiện hữu không phải là nhu nhược, yếu đuối, mà là bản lĩnh đối diện với chúng, không hổ thẹn. Cũng không vì thế mà vin vào những nguỵ khoa học để chìm đắm rồi bị nuốt chửng bởi thứ vô hình sinh ra từ chính bản thân chủ thể. Đừng cầu xin cuộc sống sẽ dễ dàng. Hãy cầu xin bản thân đủ bản lĩnh, mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn.
Lại nói đến những người bước ra từ thời kỳ gian khó kia. Khi về già, và vừa đến ngưỡng của thời hiện đại, có lẽ chỉ mong hai điều cho tâm trí: đủ cởi mở để đón nhận những điều mới mẻ, và đủ tỉnh táo để chắt lọc những điều ấy. Trong một cuộc sống mà người hành khất 4.0 có thể đăng số tài khoản của mình lên công khai và người từ thiện có thể bố thí online, những khái niệm mới như EQ đang dường như được sử dụng như một công cụ để một nhóm các cá nhân này dán nhãn những kẻ khác không thông thạo nó, trong thời đại thế giới phẳng nơi kiến thức không của riêng ai nhưng hiểu biết là thứ mà kẻ có người không,...đạt được hạnh phúc, bình yên đôi khi chỉ mỗi bản thân mình tìm được, có thể là đích đến hoặc hành trình, hoặc ở những trạm dừng chân trên con đường thiên lý vô định.