MÙA ỔI - KHI NHỮNG KÝ ỨC CUỐI CÙNG BỊ DẬP TẮT...
Có lẽ chẳng cần thêm mỹ từ nào để ca ngợi sự thành công của tác phẩm ấy, vì đã có quá nhiều giấy mực viết về “Mùa ổi” của đạo diễn...
Có lẽ chẳng cần thêm mỹ từ nào để ca ngợi sự thành công của tác phẩm ấy, vì đã có quá nhiều giấy mực viết về “Mùa ổi” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, về những giải thưởng mà nó đạt được, về những giá trị cảm xúc mà nó đem lại,…Nhưng, tạm xếp lại những thông điệp về tình cảm gia đình, tình cảm anh em, về lòng trắc ẩn mà “Mùa ổi” mang lại, có lẽ thứ duy nhất còn đọng lại trong chúng ta, là một sự ám ảnh day dứt, niềm tiếc nuối và xót xa cho nhân vật chính.
“Nhớ cái lần dọn đi, tưởng đi đâu một vài ngày. Thế rồi…không về nữa…”
Hòa - người đàn ông trung niên nhưng thần trí mãi mãi ở lại tuổi 13 do một lần ngã từ trên cây ổi vườn nhà xuống, tất cả những ký ức và kỷ niệm của ông được gói lại vuông vức trong khuôn viên ngôi nhà cũ của gia đình, và tất nhiên, không thể thiếu cây ổi cứ đến mùa là sai trĩu quả. Dù ngôi nhà ấy đã được bán đi, nhưng ông Hòa vẫn luôn cho rằng đó là căn nhà của mình, ông vẫn ngày ngày đến ngắm nhìn cái cơ ngơi mà gia đình ông đã một thời sở hữu, ngắm nhìn cây ổi thời thơ ấu, và đôi khi, ông lén trèo cổng vào nhà để hái ổi.
Ông Hòa có già đi, nhưng tâm hồn ông thì vẫn mãi là tâm hồn của một đứa trẻ con. Bằng việc làm mẫu vẽ cho sinh viên trường Mỹ Thuật, ông kiếm được một ít tiền sống qua ngày, người ta nói rằng chỉ có ông mới ngồi im lâu được đến như thế, vì trong đầu ông chẳng nghĩ gì. Hàng xóm thấy ông lành, nên sai ông đủ thứ, từ việc chung như dọn nhà vệ sinh cho khu tập thể, đến việc riêng như mua hộ mớ rau, con cá, đổ hộ thùng rác,… họ đều đẩy cho ông Hòa làm hộ. Đương nhiên, ông chẳng bao giờ từ chối.
Có lẽ cú ngã từ trên cây ổi cùng những ký ức rất hồn nhiên, rất nguyên sơ về một thời đã qua đã làm cho ông Hòa miễn nhiễm với những biến thiên của thời cuộc. Ông như bị mắc kẹt lại trong quá khứ với những mơ mộng thời con trẻ, chẳng âu lo, chẳng toan tính, trong khi ngoài kia, mọi người đang hối hả và tất bật lo toan cho cuộc sống với đủ những mưu chước, đủ những hằn học, ganh ghét và đố kỵ lẫn nhau. Ông Hòa vẫn hiền lành, vẫn chất phác hiện lên với đủ những phẩm chất tốt đẹp nhất của một người Hà Nội trong những ngày xưa cũ, phải chăng những ký ức tươi đẹp ngày nào vẫn luôn hiện hữu và truyền đến ông một thái độ sống, một động lực sống mãnh liệt đến thế ?
Những tưởng cuộc đời ông Hòa sẽ bình bình an an, sẽ vui vẻ, sẽ yên lành vì ông chẳng hại đến ai. Nhưng không, người ta vẫn nghi ông là người xấu, nghi ông ăn trộm, bắt ông đi kiểm tra y tế, rồi đè nghiến ông ra để tiêm vào người những mũi thuốc an thần liều cao. Ông Hòa tỉnh lại, nhưng ký ức của ông thì đã theo những dòng thuốc trong mũi tiêm mà nhòe nhoẹt đi hết.
Hàng ngày ông Hòa vẫn hay nhắc đi nhắc lại những ký ức về ngôi nhà cũ, về gia đình, về cây ổi, về những lần ông được bố sai lấy nước đi tưới cây,…đến mức người em gái thảo hiền đến thế, bao dung thế cũng phải nổi cáu. Nhưng giờ đây, ông chỉ im lặng, chỉ đứng nhìn, thậm chí đến lúc người em gái hoảng sợ, phải bươn bả chạy xuống chợ mua những quả ổi lên nhà, dúi vào tay, đôi mắt ông vẫn đờ đẫn như rơi vào một khoảng không xa xôi nào đó.
“Trời ơi, anh quên hết rồi sao ??? “
Câu hỏi nghẹn ngào vừa dứt, những quả ổi trên tay người em gái rơi xuống, cũng là lúc mọi người ta nhận ra rằng, chẳng còn ông Hòa 13 tuổi nào nữa, giờ đây là ông Hòa của hiện tại với ký ức là một xấp giấy trắng, chẳng còn gì lưu lại, ông Hòa đứng chết trân nhìn ra cửa sổ với đôi mắt vô hồn. Với lòng ích kỷ, sự nhỏ nhen, người ta đã cướp đi động lực sống của ông, cướp đi những gì đẹp nhất của cuộc đời ông, dập tắt nốt những vẻ đẹp còn sót lại trong phẩm chất của một người Hà Nội, vốn lúc ấy chỉ còn le lói ngắc ngoải.
Một cái kết không thể đau đớn và ám ảnh hơn, người ta đốn hạ cây ổi một thời để lấy đường cho ô tô vào nhà, tiếng máy cưa vang lên như tiếng bom dội vào những hoài niệm, và làm nó nổ tan tành. Cây ổi đổ xuống cũng tựa như hình ảnh cây si bị cơn bão đánh bật gốc trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải, nhưng khác với cây si được người ta kéo lên và mọc lại những mầm xanh, cây ổi chết là sự kết thúc, sự ra đi của một thời tươi đẹp. Chế độ xã hội còn nhiều bất cập với những sai lầm đã hủy hoại đi sự lương thiện, sự bao dung và lòng vị tha trong phẩm chất của một lớp người Hà Nội thời xưa cũ, thay vào đó là những toan tính hèn mọn và ích kỷ để thỏa mãn bản thân mình.
Ngôi nhà cũ không còn người ở, bao ký ức về một thời vàng son đã bị lãng quên, những người thiện lương một cách bản năng, nguyên sơ như ông Hòa cũng dần dần lùi về phía sau để nhường chỗ cho một lớp người mới, với những tính cách mới hợp với vòng xoay xô bồ và vội vàng của cuộc sống. Tấm màn đen kết thúc bộ phim hiện lên một cách đầy tiếc nuối, chắc hẳn ở giây phút ấy, chúng ta đều ấp ủ một mong muốn rằng, một ngày nào đó tại chỗ cây ổi bị chặt kia, sẽ lại mọc lên một mầm xanh…
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất