Ngôi nhà khi xây phải cần móng, tương tự vậy, bộ máy nhà nước khi muốn vận hành phải cần một nền tảng làm bệ đỡ. Không ai có thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của học thuyết chính trị trong việc xây dựng cấu trúc bộ máy nhà nước. Về bản chất, mỗi bộ máy nhà nước của từng giai đoạn, thời kì trong lịch sử đều dựa vào một học thuyết để hoàn thiện bộ máy. Triết học Mác phân chia xã hội từ mở đầu đến kết thúc, từ thấp đến cao, thành 5 gian đoạn, đó là: (1) Xã hội nguyên thuỷ à (2) xã hội chiếm hữu nô lệ à (3) xã hội phong kiến à (4) xã hội tư bản à (5) xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Tương ứng với các giai đoạn xã hội này đều có từng bộ máy cai trị riêng biệt, phù hợp với bối cảnh của loài người (loại trừ xã hội nguyên thuỷ). Điều đó, càng chứng minh cho ta thấy, mối liên hệ giữa xã hội và bộ máy cai trị là cực kỳ quan trọng. Nếu bộ máy muốn cai trị xã hội một cách ổn định, nó phải hiểu xã hội. Cùng với đó, các học thuyết về tư tưởng chính trị - xã hội của các nhà tư tưởng nảy nở để giải thích hoạt động của xã hội. Về mặt đó, các nhà cầm quyền lợi dụng khôn khéo các học thuyết đó lắp ráp vào bộ máy cai trị của mình sử dụng làm phương châm cho hành động cầm quyền một cách ổn định và chiến lược. Ở phương Đông, giai đoạn phong kiến Trung Quốc, ta thấy rõ sự thay đổi học thuyết cầm quyền từ Pháp gia thời nhà Tần đến Nho giáo thời nhà Hán để giúp duy trì ngôi vị Thiên Tử, triều đại và đồng thời định hình, dẫn dắt xã hội đó.
Ở Tây phương, thời kì Khai sáng, học thuyết Tam quyền phân lập của Montesquieu trở thành một biểu tượng, “bản thiết kế” cho một mô hình nhà nước phù hợp với chế độ dân chủ. Nơi ấy, nhà nước hoạt động dựa trên lợi ích chung của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và tự bản thân nó giám sát chính mình thông qua cơ chế “Check & Balance”. Giá trị của học thuyết xây dựng mô hình nhà nước này ở thời điểm đó và cho đến ngày nay vẫn được công nhận là mô hình cốt lõi trong xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân. Từ những lý do ấy, mình thực hiện bài viết này nhằm cung cấp thông tin giá trị về sự ra đời của học thuyết tam quyền phân lập và cấu trúc của nó
nguồn ảnh: amazon.com
nguồn ảnh: amazon.com
Montesquies suy nghĩ gì...
C. de Montesquieu (1689 – 1755) là nhà tư tưởng chính trị, bình luận xã hội có tiếng trong thời kỳ Khai sáng của nước Pháp những năm cuối thế kỷ XVII. Chính thời kỳ Khai sáng đã thúc đẩy một cảm giác chinh phục đầy mới lạ xứng đáng với ham muốn trỗi dậy của các nhà tri thức ở Châu Âu. Thời kỳ này mở màn cho một kỷ nguyên các phát minh ý tưởng nở rộ lớn nhất ở “trời Âu” sau hàng thế kỉ sống trong “đêm trường trung cổ”, thời ấy mọi tư tưởng bị khống chế và buộc phải tuân theo việc nghiên cứu và học tập các giáo lý kinh thánh Thiên Chúa. Bối cảnh mới mẻ này khơi gợi cho Montesquieu rất nhiều sinh khí và tâm huyết, cung cấp một vùng đất mới để thử nghiệm và phát triển các ý tưởng.
Thời gian ấy, Montesquieu viết nhiều học thuyết chính trị có nổi bật có mờ nhạt trong sự nghiệp. Trong đó, thành tựu lớn nhất mà đã làm tên tuổi ông vang danh chính là nghiên cứu học thuyết phân quyền nhà nước còn được gọi là học thuyết “Tam quyền phân lập”. Học thuyết này trở thành nguyên tắc xây dựng thể chế chính trị phù hợp với tính chất dân mà minh chứng gần nhất là đáp ứng cho cuộc cách mạng Pháp năm 1799 và sau đó vẫn tiếp tục được các quốc gia dân chủ hiện đại ngày nay áp dụng, tiêu biểu là Mỹ. Bởi, giá trị cốt lõi sâu thẳm trong tư tưởng này xuất phát từ quyền con người nên nó vẫn tiếp tục khẳng định giá trị nhân quyền sâu sắc trong cách thức xây dựng mô hình nhà nước.
Theo Montesquieu, bản chất của phát minh này đến từ góc nhìn của ông trong việc tìm lời giải cho câu hỏi cốt lõi, làm thế nào thể bảo vệ quyền tự do của con người? Montesquieu nhận định quyền tự do của con người luôn “có thể bị tước đoạt bởi chính nhà nước và sự lạm dụng quyền lực của người cầm quyền”. Tiếp tục triển khai tư duy, ông tự hỏi vậy làm thế nào để hạn chế sự lạm quyền của nhà nước và người cầm quyền? Từ câu hỏi này, câu trả lời là bằng cách thức phân quyền, kiềm chế và đối trọng các nhánh quyền lực trong nhà nước. Điều này cũng đồng nghĩa trả lời cho câu hỏi cốt lõi là “phân quyền nhà nước” à hạn chế “lạm quyền” à bảo vệ quyền tự do con người.
Trước hết, mình với các bạn cần thống nhất một số lý luận cơ bản để hiểu đúng về lý thuyết của Montesquieu đó là: quyền tự do, bộ máy nhà nước.
Đầu tiên, quyền tự do ta cần hiểu là, mỗi cá nhân đều có thể làm điều mình muốn nhưng không được đụng chạm đến quyền tự do của cá nhân khác. Bạn là ai, sống trong hoàn cảnh, luật lệ nào đều có quyền tự do trong mọi hành động, suy nghĩ nhưng mấu chốt là quyền tự do của bạn không xâm phạm tới tự do của người khác. Rất khó có thể phân biệt rạch ròi trong việc xâm hại đối với quyền tự do của mỗi người, nó vẫn mở rộng và tiếp tục phát triển để đi tới hướng giá trị bảo vệ cuối cùng. Nhờ vậy, luật pháp hình thành để duy trì và bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân, tránh để cá nhân này vi phạm quyền tự do của cá nhân khác. Đó là lí do quan trọng giúp nhà nước pháp quyền ra đời với ý nghĩa luật pháp đứng trên tất cả để soi xét sự đúng và sai trong tự do của con người. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là dù nhà nước pháp quyền hay nhà nước dân chủ nào đi chăng nữa thì chúng vẫn có thể bị tha hoá và khi quyền lực nhà nước quá lớn sẽ đe dọa đến quyền lực của dân chúng, cụ thể là quyền tự do cá nhân. Do đó, như Montesquieu, nhà nước cần có sự phân quyền trong cấu trúc của nó để kiểm soát và hạn chế sự lạm quyền bằng cách phân chia quyền lực bắt nguồn từ việc bảo vệ quyền tự do của mỗi người.
Tiếp theo, bộ máy nhà nước là sự đảm bảo có mặt của ba nhánh quyền lực, lập pháp – hành pháp – tư pháp, có nhiệm vụ và chức năng riêng biệt để duy trì hoạt động của nhà nước. Lập pháp đảm nhận nhiệm vụ làm luật và ban hành luật, xây dựng hành lang pháp lý để phát triển các chính sách và đặc biệt là nơi đại diện ý chí chung tối thượng của nhân dân. Hành pháp có nhiệm vụ thực thi, giải thích luật từ nhánh lập pháp ban hành. Về tư pháp, có chức năng giám sát các luật được thực thi và xét xử các bản án thực hiện sai với pháp luật đã công bố. Nhìn chung, ba nhánh quyền lực đó kết hợp với nhau và đảm nhận chức năng của riêng mình, chúng hình thành trọn vẹn bộ máy nhà nước. Ngoài ra, Montesquieu cũng nhấn mạnh sự độc lập của bộ máy nhà nước nhất thiết phải được tách bạch ra khỏi ảnh hưởng của tôn giáo. Montesquieu nhìn sâu hơn vào vấn đề trong bộ máy nhà nước, giữa vai trò của ba nhánh quyền lực, chúng chưa thật sự có sự ràng buộc chặt chẽ để tránh xa khỏi sự tha hoá và căn bệnh lạm quyền. Điều này vấn đề nan giải mà Montesquieu cần giải thích và cuối cùng sau bao ngày tháng nghiên cứu miệt mài, ông đã trả lời và chứng minh rằng, phải phân quyền nó, kiềm chế nó bởi các nhánh quyền lực đối lập.
Tựu trung lại, những suy tư về nhân quyền đã thôi thúc mạnh mẽ học thuyết của Montesquieu ra đời nhằm giải đáp nan đề của hoàn cảnh xã hội thời kì ông sống nói riêng và tầm nhìn nhân quyền của thế giới nói chung. Suy nghĩ của Montesquieu không chỉ là nhu cầu của một mình bản thân ông mà hơn cả nó còn đại diện cho nhu cầu của ý chí chung toàn vẹn của loài người, để đòi hỏi thứ quyền vốn tự nhiên mà xa xỉ, thứ đó là quyền tự do.
Cấu trúc học thuyết tam quyền phân lập
Nội dung mô hình tam quyền phân lập được Montesquieu thiết kế như sau:
Về cơ cấu:
(1) Quyền lập pháp – quyền ban hành, sửa đổi và hủy bỏ luật. Quyền lập pháp đại diện và phản ánh ý chí chung của nhân dân;
(2) Quyền hành pháp – quyền đảm bảo an ninh quốc gia, đối nội và đối ngoại, v.v.., trong khuôn khổ quy định của pháp luật;
(3) Quyền tư pháp – quyền trừng phạt và phân xử tranh chấp của nhân dân.
Về nguyên tắc:
(1) Ba quyền trên phải biệt lập và thuộc về ba cơ quan khác nhau nắm giữ;
(2) Xác lập quyền ngăn chặn (hay “ngăn cản”) của mỗi cơ quan quyền lực đối với các cơ quan còn lại. Tức là Quốc hội, Chính phủ và cơ quan Tư pháp một mặt phải hoạt động trong phạm vi thẩm quyền của mình và không được lấn sân sang hoạt động của các cơ quan quyền lực khác. Mặt khác, chúng có quyền phủ quyết (veto) của cơ quan quyền lực còn lại nếu thấy dấu hiệu phạm luật (vi hiến) và đi ngược lại với quyền lợi chung của quốc gia hoặc với lợi ích chung của nhân dân;
(3) Dân chúng phải được quyền lựa chọn những người đại diện cho mình tham gia và cơ quan lập pháp thông qua bầu cử. Vì chỉ như vậy các quyết định của nhà nước mới không đi ngược lại với quyền lợi của người dân.
Thêm vào đó, Montesquieu còn bổ sung thêm một số điều kiện bổ sung sau:
(1) hình thành các tổ chức trung gian có quyền tự trị nhất định (ông gọi là những tổ chức tự quản), làm cầu nối giữa các cơ quan quyền lực nhà nước với các công dân. Ở Việt Nam, cơ chế này chính là tổ chức chính trị xã hội đảm bảo nơi trung gian phản hồi hai chiều từ phía nhà nước và nhân dân.
(2) Quân đội trong tay cơ quan hành pháp phải mang tính nhân dân. Với ông, khái niệm “tính nhân dân” của quân đội không đơn thuần là về “thành phần quân nhân”, mà chính là nguyên tắc quân đội phải trung thành, bảo vệ ý chí và lợi ích chung của nhân dân. Ngày nay, ta thấy rõ ở Mỹ, quân đội không thuộc nhánh quyền lực nào mà phục vụ quyền lực của người dân. Các Đảng ở Mỹ không được phép chi phối quân đội và có chăng cương vị tổng thống đứng ra chỉ là đại diện ý chí chung của nhân dân thông qua bỏ phiếu, vì vậy quân đội phải phục tùng theo mệnh lệnh tối thượng đó.
nguồn ảnh: gocnhin24h.com
nguồn ảnh: gocnhin24h.com
Tóm lại, học thuyết phân quyền của Montesquieu là một trong những học thuyết quan trọng và có ý nghĩa trong việc xây dựng thể chế chính trị của các quốc gia hiện nay. Ý nghĩa cốt lõi của tư tưởng phân quyền là xây dựng một nhà nước pháp quyền với ba nhánh quyền lực nhằm kiểm soát và đối trọng lẫn nhau để hạn chế sự độc tài và lạm quyền của chính quyền. Từ đó, quyền tự do chính đáng của người dân được bảo vệ, không một cá nhân hay một cơ quan quyền lực nào được phép vi phạm quyền tự do.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Montesquieu (Hoàng Thanh Đạm dịch): Bàn về Tinh thần pháp luật, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018.
2.      Lưu Minh Văn: Giáo trình Lịch sử học thuyết chính trị, Nxb ĐHQG, Hà Nội, 2019.
3.      Nguyễn Ngọc Chí, (2010), “Phân loại tản quyền, phân cấp, phân quyền”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 26 (2010) 250 – 258.