MINH GIÁO / MANI GIÁO - MỘT TÔN GIÁO KỲ LẠ
Một tôn giáo kết hợp Hỏa Giáo, Phật Giáo và Cơ Đốc Giáo, từng ảnh hưởng lớn từ Tây sang Đông, nhưng đã biến mất khỏi lịch sử và chỉ còn được nhớ đến trong tác phẩm của Kim Dung. Đó là Mani Giáo.
"Minh giáo nguyên từ nước Ba Tư, tên thật là Ma Ni giáo, truyền vào Trung thổ từ Diên Tải nguyên niên, đời Đường Võ Hậu. Thời đó người Ba Tư tên là Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông Kinh của Minh giáo đến triều, là lần đầu tiên người Trung Quốc biết đến bộ kinh này…. Tới năm Hội Xương thứ ba, triều đình ra lệnh giết giáo đồ, thế lực Minh giáo đại suy…. Để có thể sinh tồn, người trong Minh giáo không thể không hành sự ngụy bí, để rồi chữ Ma trong Ma Ni bị đổi thành Ma, đồng nghĩa với tà ma, người ngoài gọi là ma giáo."
Đoạn văn trên trích từ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký của đại văn hào Kim Dung. Đây là phần giới thiệu về nguồn gốc của Minh giáo, một giáo phái quan trọng trong vũ trụ kiếm hiệp, đồng thời có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện và nhân vật chính Trương Vô Kỵ. Ngoài đời, nó chính là Mani giáo một tôn giáo từng khuynh đảo từ đế chế La Mã ở phương Tây đến Trung Quốc ở phương Đông, trước khi bị lịch sử "bóp nghẹt" đến gần như tuyệt diệt. Đến nỗi mà ngày nay thậm chí phiên bản trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Mani Giáo có khi còn nổi tiếng hơn bản gốc.
Điểm đặc biệt của Mani Giáo là sự dung hòa các yếu tố từ nhiều hệ thống tín ngưỡng khác nhau, bao gồm Hỏa giáo, Phật giáo và Cơ Đốc giáo. Thay vì xung đột, Mani giáo tìm cách kết nối các truyền thống tôn giáo Đông – Tây, tạo nên một hệ thống giáo lý riêng biệt và rất đặc sắc.
Tranh Mani Giáo miêu tả Chúa Jesus ngồi trên đài sen vào thời nhà Minh
Thử tưởng tượng nếu Minh Giáo của Kim Dung mà giống hệt ngoài đời thật, có khi Trương Vô Kỵ không chỉ học Càn Khôn Đại Na Di mà còn bắn "Gia Tô Thánh Chưởng" với sức mạnh được ban từ Thiên Chúa luôn ấy chứ! Haha.
Việc Minh Giáo trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký bị triều đình đàn áp, và phải hoạt động trong bóng tối cũng phản ánh phần nào số phận của Mani giáo trong lịch sử. Tuy từng phát triển mạnh mẽ, nhưng dưới áp lực của chính quyền và các tôn giáo đối lập, Mani giáo dần suy yếu và gần như biến mất.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Mani giáo, từ lịch sử hình thành, giáo lý, đến sự suy tàn của nó qua dòng chảy lịch sử nhé. Bắt đầu thôi.
I. Lịch Sử Hình Thành và Phạm Vi Truyền Giáo của Mani Giáo
1. Sự ra đời và nguồn gốc của Mani giáo
Vào khoảng năm 216 sau Công Nguyên, tại Ba Tư (nay là Iran), một người đàn ông tên Mani cất tiếng khóc chào đời. Không ai lúc đó có thể ngờ rằng đứa trẻ này sau này sẽ tuyên bố mình là sứ giả cuối cùng của nhân loại, mang theo một thông điệp vũ trụ đồ sộ, gom góp tinh hoa từ Hỏa giáo, Phật giáo, và Cơ Đốc giáo để tạo nên một tôn giáo mới: Mani giáo.
Mani tự nhận mình có sứ mệnh hoàn thiện những giáo lý cứu rỗi của các tiên tri trước đó, tạo ra một hệ thống tín ngưỡng có tính tổng hợp cao chưa từng thấy. Mọi giáo lý Mani truyền bá đều xoay quanh cuộc chiến không hồi kết giữa hai thế lực: Ánh sáng – tượng trưng cho sự tốt lành, tinh khiết. Và Bóng tối – đại diện cho cái ác, sự trói buộc của vật chất.
Đức Mani, tranh chì
2. Phát triển và lan truyền của Mani giáo
Không chỉ là một tôn giáo, Mani giáo còn là một phong trào tư tưởng mạnh mẽ, vươn rộng từ Ba Tư đến Đế quốc La Mã, Trung Á, rồi sang tận Trung Quốc. Hãy cùng xem Mani giáo đã "xâm nhập" vào các nền văn minh lớn như thế nào nhé!
Mani giáo ở Ba Tư
Tại quê hương Ba Tư, Mani giáo có khởi đầu vô cùng hoành tráng khi được Hoàng đế Shapur I của triều đại Sassanid chống lưng. Với sự hậu thuẫn này, Mani giáo phát triển rực rỡ và thậm chí còn trở thành tôn giáo chính thức của đế quốc.
Hoàng đế Shapur I
Nhưng cuộc đời vốn không như mơ. Sau khi Shapur I băng hà, Hoàng đế Bahram I lên ngôi kế vị và… quay xe. Bahram không thích Mani giáo, hoặc chí ít là không thích việc nó quá phổ biến. Chưa hết, giới giáo sĩ Hỏa giáo, vốn coi Mani giáo là một mối đe dọa, đã gây áp lực lên Bahram I để loại bỏ Mani. Kết quả? Năm 276, Mani bị bắt giam và tra tấn trong 26 ngày liền. Cuối cùng, ông bị xử tử bằng một phương pháp cực kỳ dã man: bị lột da sống.
Cái chết bi thảm của Mani đánh dấu sự suy thoái dần dần của Mani giáo ở Ba Tư, nhất là khi Hồi giáo trỗi dậy. Đến thế kỷ 10, Mani giáo gần như biến mất khỏi vùng đất này, nhưng vẫn còn lẩn khuất ở Trung Á.
Mani giáo ở La Mã
Thế kỷ 3 Công Nguyên, Mani giáo bước chân vào Đế quốc La Mã, và ngay lập tức lọt vào mắt xanh của nhiều học giả, triết gia và giới trí thức. Đáng ngạc nhiên, phần lớn các tín đồ đầu tiên của Mani Giáo ở La Mã lại có nguồn gốc là những tín đồ Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo, nhất là đối với những ai cảm thấy Do Thái giáo hay Cơ Đốc giáo còn thiếu sót trong việc giải thích sự tồn tại của cái ác.
Theo Cơ Đốc Giáo, Thượng Đế là người tạo ra tất cả mọi sự trên thế gian, bao gồm cả cái ác. Thế nhưng điều đó chẳng phải mâu thuẫn với chính ý tưởng rằng Thượng Đế là đấng toàn thiện hay sao?
Trả lời cho mâu thuẫn đó, Mani giáo mang đến một giải pháp khá logic: "Cái ác là một thực thể độc lập, không phải sản phẩm của Thượng Đế. Nó tồn tại như một phần của vũ trụ." Điều này khiến nhiều tín hữu phương Tây thời đó cảm thấy tư tưởng này… cũng hợp lý đấy chứ!
Một trong những đóng góp lớn nhất của Mani giáo tại phương Tây chính là hệ thống kinh điển và nghi lễ cực kỳ bài bản. Mani không chỉ giảng dạy bằng lời nói, mà còn để lại nhiều văn bản quan trọng như Shabuhragan, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, trở thành nền tảng học thuyết của tôn giáo này.
Mani giáo ở Trung Quốc
Bạn có thể bất ngờ, nhưng Mani giáo đã có một cuộc đời rất thú vị ở Trung Quốc. Vào thế kỷ 7, tức khoảng 400 năm sau khi Mani qua đời, Mani giáo chính thức cập bến Trung Hoa dưới thời Đường Võ Hậu.
Ban đầu, mọi thứ khá suôn sẻ. Nhà Đường cho phép Mani giáo xây chùa ở Trường An với danh hiệu chính thức là "Đại Vân Quang Minh tự". Từ đây, Mani giáo lan rộng khắp Trung Quốc, đặc biệt ở các vùng Kinh Châu, Dương Châu, Hồng Châu…
Nhưng nếu bạn nghĩ câu chuyện sẽ chỉ toàn màu hồng thì… không đâu. Sau thời Đường, nhiều tín đồ Mani giáo bắt đầu tham gia vào các cuộc nổi dậy nông dân, chống lại triều đình nhà Tống. Qua nhiều triều đại, Mani giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật, sau đó nó lụi tàn dần cho tới khi chính thức biến mất khỏi lịch sử Trung Quốc.
Mặc dù vậy, có một thuyết âm mưu khá thú vị: Hoàng đế Chu Nguyên Chương – người sáng lập nhà Minh có thể là một tín đồ Mani giáo bí mật. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn cho rằng ông đặt tên triều đại là "Minh" vì ảnh hưởng của Minh giáo (tên gọi của Mani giáo ở Trung Quốc).
II. Tứ Đại Tiên Tri trong Mani Giáo
Một trong những điểm thú vị nhất của Mani giáo là hệ thống Tứ Đại Tiên Tri – bộ tứ quyền lực mà Mani khẳng định đã được Ánh Sáng chọn mặt gửi vàng để truyền thụ giáo lý cho nhân loại. Những cái tên trong danh sách này không xa lạ với nhiều người: Zoroaster, Đức Phật, Chúa Jesus và tất nhiên, Mani. Ông cho rằng bản thân là người “chốt sổ”, người nhận được giáo lý hoàn thiện nhất từ nay về sau, người sẽ dẫn dắt nhân loại đến con đường cứu rỗi thực sự.
Tứ vị tiên tri, mỗi người một phong cách, một hệ tư tưởng, nhưng khi kết hợp lại thì thành một bức tranh tổng thể về cuộc chiến giữa Ánh sáng và Bóng tối – một cuộc chiến không chỉ diễn ra giữa các thế lực thần thánh mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách của tâm hồn con người.
Tranh Trung Quốc mô tả Tứ Đại Tiên Tri (từ trái qua): Đức Zoroaster, Đức Mani, Đức Phật, Đức Jesus
1. Đức Zoroaster (Zarathustra): Người khai sinh nhị nguyên
Zoroaster (hoặc Zarathustra) là người sáng lập Hỏa giáo, một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, từ khoảng 2000 năm trước công nguyên ở vùng Iran ngày nay. Hỏa giáo dạy về Ánh sáng (Ahura Mazda, vị thần của sự thiện) và Bóng tối (Angra Mainyu, vị thần của sự ác), hai thế lực đối nghịch không ngừng chiến đấu trong vũ trụ.
Mani giáo thừa hưởng mạnh mẽ quan niệm nhị nguyên này từ Hỏa Giáo. Mani cho rằng Ánh sáng (tốt lành) và Bóng tối (xấu xa) không chỉ là những khái niệm trừu tượng mà là những thế lực có sự tồn tại vật chất trong vũ trụ. Mani giáo cũng nhận thức rõ sự đối đầu không ngừng giữa hai lực lượng này, qua đó dạy cho tín đồ cách để chiến đấu và bảo vệ lương tâm và linh hồn khỏi sự ảnh hưởng của bóng tối.
Tuy nhiên, Mani giáo không chỉ kế thừa giáo lý của Zoroaster mà còn hoàn thiện thêm thông qua việc mở rộng phạm vi của cuộc chiến giữa Ánh sáng và Bóng tối bằng cách cá nhân hoá nó. Mani cho rằng cuộc chiến này không chỉ diễn ra giữa các thế lực thần linh mà quan trọng là còn trong mỗi con người.
2. Đức Phật: Người Mang Đến Con Đường Giải Thoát
Đức Phật, người sáng lập Phật giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến Mani giáo, đặc biệt trong việc giải thích về khổ hạnh và sự giải thoát để đạt được giác ngộ. Phật giáo dạy rằng con người bị mắc kẹt trong vòng luân hồi do sự tham ái và mong muốn vật chất. Những con đường giải thoát khỏi khổ đau và đạt Niết Bàn được Phật giáo chỉ ra là thông qua Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Mani giáo cũng mê mẩn ý tưởng này, đặc biệt là về việc giải thoát khỏi sự giam cầm trong luân hồi. Tuy nhiên, Mani giáo có khác biệt với Phật Giáo ở việc giải thích lý do tại sao con người phải chịu đựng cuộc đời bể khổ: đó là vì linh hồn bị bẫy trong cơ thể vật chất, vốn là kết quả của cuộc chiến giữa Ánh sáng và Bóng tối. Tương tự như Phật giáo, Mani giáo khuyến khích tín đồ tu hành khổ hạnh, từ bỏ những dục vọng thế gian và tìm con đường trở về với Ánh sáng.
3. Chúa Jesus: Người Cứu Rỗi Ánh Sáng
Jesus, biểu tượng của lòng từ bi và cứu rỗi trong Cơ Đốc giáo, tất nhiên không thể thiếu trong bộ sưu tập vĩ nhân của Mani giáo. Nhưng nếu bạn nghĩ rằng Mani giáo coi Jesus là Đấng Cứu Thế như trong Cơ Đốc giáo thì… không hẳn. Họ vẫn xem Jesus là một sứ giả của Ánh sáng, nhưng cách họ hiểu về sự hi sinh của Ngài lại rất khác.
Theo Mani giáo, việc Jesus bị đóng đinh không đơn thuần là một sự kiện lịch sử mà là một biểu tượng. Họ không tin rằng linh hồn của Chúa Jesus thực sự chịu đau đớn trên thập giá, bởi vì thân xác vật chất vốn chỉ là thứ tạm bợ, không đáng quan tâm. Thay vào đó, họ diễn giải rằng, không phải chỉ có Chúa Jesus, mà tất cả chúng ta đều đang bị "đóng đinh" vào cơ thể phàm trần, một “thập giá” vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, đày đoạ sinh linh trong đau khổ đời đời. Chúng ta bị mắc kẹt trong thế giới vật chất và chưa thể trở về với Ánh sáng. Điều mà Jesus cố gắng dạy nhân loại chính là cách thoát khỏi sự giam cầm này.
Mani giáo cũng vay mượn từ Cơ Đốc giáo ý tưởng về Ngày Khải Huyền, sự Giáng Lâm của Đấng Messiah, và Trời Mới Đất Mới. Theo Mani Giáo, một đấng cứu rỗi sẽ giáng lâm trong tương lai và hướng dẫn tất cả linh hồn con người vẫn còn đang bị giam cầm trong vật chất để đưa họ đến trạng thái giải thoát đời đời.
Chúa Jesus của Mani Giáo, tranh vẽ Trung Quốc thế kỷ 10
Một điểm thú vị, đó là ý tưởng này, khi giao thoa với Phật Giáo ở thời nhà Đường, đã tạo ra thuyết "Phật Di Lặc giáng sinh tịnh thổ". Theo quan điểm của Phật Giáo, Phật Di Lặc là một vị Phật chưa được sinh ra. Sau khi giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni dần suy tàn ở thời đại mạt pháp, Di Lặc sẽ hạ sinh vào thế giới này, giác ngộ thành Phật và tiếp tục giảng dạy chánh pháp, tạo ra thời đại chúng sinh hạnh phúc dưới giáo pháp của ngài. Như vậy theo Mani Giáo nhà Đường thì Phật Di Lặc chính là Đấng Messiah đã được tiên tri.
Năm 690, nữ hoàng Võ Tắc Thiên tự xưng là "Phật Di Lặc hóa thân", lấy danh nghĩa này xây dựng và thống trị triều Võ Chu (690-705), ngụy tạo ra kinh điển có tên là Đại Vân kinh, ra chiếu lập những chùa Đại Vân ở khắp Trung Hoa. Ngoài ra có rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và tôn giáo, đứng lên dưới danh nghĩa “Phật Di Lặc giáng sinh cứu thế” – và rất nhiều trong số này chịu ảnh hưởng từ Minh giáo/Mani giáo, điển hình là Khởi nghĩa Bạch Liên giáo thời nhà Nguyên: tuyên bố Di Lặc giáng sinh, tiêu diệt tà ma (chính quyền), cứu dân lầm than. Còn có Hoàng Cân khởi nghĩa, hay Khởi nghĩa của Phương Lạp, Chu Nguyên Chương (những người từng liên hệ Minh giáo) – đều có yếu tố khải huyền, tin vào sự thay đổi thời đại do một vị cứu thế mang lại.
4. Đấng Mani: Người Cứu Rỗi Cuối Cùng
Đến đây chắc bạn đã đoán được, Mani chính là nhân vật trung tâm, người tổng hợp và "cập nhật" tất cả những gì tinh hoa nhất từ ba tôn giáo lớn trên. Nếu Zoroaster định nghĩa cuộc chiến thiện – ác, Phật giáo chỉ ra con đường giải thoát, và Jesus đưa ra thông điệp cứu rỗi, thì Mani gom tất cả lại, sắp xếp thành một hệ thống hoàn chỉnh và tuyên bố: "Đây mới là chân lý toàn diện."
Mani tự nhận mình là sứ giả cuối cùng của Ánh sáng, được Đấng Cha Vinh Hiển, người đứng đầu thế giới ánh sáng, chọn để truyền đạt giáo lý cuối cùng. Theo Mani, chỉ khi con người thực sự hiểu rằng cuộc chiến giữa Ánh sáng và Bóng tối diễn ra trong chính tâm hồn mình, thì họ mới có thể tìm được con đường giải thoát.
Và thế là, một tôn giáo "tổng hợp" ra đời – nơi mà tư tưởng của ba vị thánh nhân đi trước được xâu chuỗi lại một cách tinh tế, tạo nên một bức tranh hoành tráng về cuộc chiến vĩnh cửu giữa ánh sáng và bóng tối.
III. Thuyết Sáng Thế và Vũ Trụ Quan của Mani Giáo
Tranh Trung Quốc mô tả Thế Giới Ánh Sáng, nơi Cha Vinh Hiển ngồi chính giữa hàng trên cùng. Tứ Đại Tiên Tri bên phải
Thuyết sáng thế và vũ trụ quan là một trong những đặc điểm nổi bật và quan trọng nhất trong Mani giáo. Tại Trung Quốc, Mani giáo từng được truyền bá dưới tên gọi Minh giáo, và học giả khi xưa tóm tắt giáo lý cốt lõi của nó bằng bốn chữ: “Nhị tông, Tam tế”.
1, “Nhị tông”: Ánh sáng và Bóng tối không đội trời chung
Theo tư tưởng Mani giáo, vũ trụ từ thuở ban sơ đã được chia thành hai miền hoàn toàn tách biệt: một bên là Thế giới Ánh sáng – thanh khiết, trong trẻo, đầy chân lý và bình an, bên kia là Thế giới Bóng tối – nơi cư ngụ của hỗn loạn, dục vọng, hủy diệt và dối trá.
Không có khởi nguyên nào trước đó. Cả hai tồn tại sẵn, không do ai tạo ra. Và đáng tiếc thay, trong một khoảnh khắc định mệnh, bóng tối nhìn thấy ánh sáng. Từ đó, nó khởi tâm chiếm hữu – và cũng chính từ đó, mọi bi kịch của thế giới bắt đầu.
Trong cái nhìn của Mani, con người chính là nơi hai thế lực ấy gặp nhau. Linh hồn mỗi người vốn thuộc về ánh sáng, nhưng thân xác lại được đúc từ bóng tối. Sự hiện diện của con người không đơn thuần là một “tai nạn sinh học”, mà là một mảnh chiến trường, một bàn cờ của hai thế lực, nơi ánh sáng tìm đường trở về, còn bóng tối thì tìm cách giữ lại.
2, “Tam tế”: Ba lần sáng thế
Sáng thế thứ nhất: Bóng tối tấn công
Trong buổi đầu của thời gian, khi ánh sáng và bóng tối vẫn còn là hai miền riêng biệt, Vương quốc Bóng tối bỗng trỗi dậy với tham vọng chiếm lấy những gì nó không có – sự tinh khôi và trật tự của ánh sáng. Không chờ bị đánh phủ đầu, Đấng Cha Vinh Hiển, đứng đầu ánh sáng, quyết định đối phó bằng cách phái xuống một thực thể thiêng liêng: Người Nguyên Thủy.
Người này mang theo năm yếu tố tinh túy – lửa, nước, đất, gió và Aether (tạm hiểu là Không gian) – để làm vũ khí chiến đấu. Thế nhưng, ông thất trận. Và điều đáng buồn là: khi ánh sáng bị đánh bại và bị nuốt chửng bởi bóng tối, thì thế giới vật chất xuất hiện.
Nói cách khác: cái mà ta gọi là “thế giới” – đất, đá, thân xác, thức ăn, khổ đau, cả ham muốn và chết chóc – chỉ là sản phẩm phụ của một cuộc chiến thất bại.
Sáng thế thứ hai: Cứu hộ linh hồn và thiết lập vũ trụ
Không chấp nhận để ánh sáng bị giam mãi trong vật chất, Cha Vinh Hiển tiếp tục kế hoạch giải cứu. Lần này, các vị thần ánh sáng không trực tiếp chiến đấu nữa, mà lựa chọn một chiến lược khác: tạo ra một vũ trụ mới, có trật tự, có tầng lớp – để từ đó, dẫn lối ánh sáng thoát ra từng chút một.
Thế giới chúng ta đang sống chính là sản phẩm của lần sáng thế này.
Trong hệ thống đó, 12 tầng trời và 5 tầng đất được tạo nên. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao không phải để soi đường hay làm cảnh, mà là những mảnh ánh sáng còn sót lại, được các thần ánh sáng sắp xếp lại như cánh cửa thoát hiểm cho linh hồn.
Linh hồn con người được tách ra từ Người Nguyên Thủy, tiếp tục bị trói buộc trong thân xác làm từ vật chất tối tăm. Và kể từ đó, mỗi người đều sống trong một cuộc tranh giành âm thầm: một bên là linh hồn mong được giải thoát, bên kia là xác thịt níu kéo xuống.
Sáng thế thứ ba: Ánh sáng trở về
Lần sáng thế thứ ba là giai đoạn cuối cùng, và là sự hoàn tất của toàn bộ kế hoạch giải cứu ánh sáng. Theo tiên tri của Mani giáo, đến một lúc nào đó, khi tất cả ánh sáng trong con người được thanh lọc và giải phóng, thì:
Thế giới vật chất sẽ bị hủy diệt hoàn toàn
Ánh sáng trở về nguồn gốc vĩnh hằng
Bóng tối bị giam trong một cõi riêng biệt – không thể trỗi dậy
Đây không phải là một "thiên đường" như các tôn giáo khác mô tả, mà là một trật tự cuối cùng, nơi mọi ánh sáng được thu hồi, mọi bóng tối bị khóa lại, và vĩnh viễn không còn giao tranh.
3, Con Người và Luân Hồi
Trong Mani giáo, con người không chỉ sống trong một thế giới vật chất mà còn bị giam cầm trong luân hồi vô tận. Linh hồn con người được cho là đã từng thuộc về Ánh sáng nhưng bị bóng tối cuốn vào vật chất, và từ đó phải trải qua một chu kỳ sinh - chết - tái sinh không ngừng. Mục tiêu của con người là vượt qua luân hồi và giải thoát linh hồn khỏi sự giam cầm của thế giới vật chất.
Chỉ những người công chính mới có thể đạt được giải thoát, qua đó quay trở về với Ánh sáng. Sự khổ hạnh, tu hành, và cải thiện đạo đức là những yếu tố quan trọng trong việc đạt được giải thoát linh hồn, đồng thời chiến đấu với các thế lực xấu và tội lỗi.
IV. Phương pháp tu tập và Hệ thống chức sắc trong Mani Giáo
Mani giáo không chỉ dừng lại ở những lý thuyết vũ trụ với ánh sáng và bóng tối mà còn kèm theo một “cẩm nang tu hành” rất chi tiết. Những người muốn thoát khỏi “ngục giam vật chất” thì phải tập theo những phương pháp tu tập khổ hạnh, chấp nhận sống một cuộc đời không có những thứ dư thừa – như ăn uống sang trọng hay thói quen hưởng thụ vật chất. Cứ tưởng tượng, tu hành trong Mani giáo như một cuộc thi marathon, nhưng không phải để chạy nhanh mà là từ bỏ càng nhiều thói quen vật chất càng tốt.
1. Hệ Thống Chức Sắc – Các cấp bậc tôn giáo trong Mani giáo
Để giữ cho mọi thứ không rối loạn, Mani giáo xây dựng một hệ thống giáo hội khá chặt chẽ, với các chức sắc có vai trò quan trọng, giống như trong các hệ thống tôn giáo lớn khác. Không phải ai muốn làm giáo chủ cũng được đâu, mà phải được tuyển chọn rất kỹ lưỡng.
Giáo Chủ (Sahib): Người “cầm cân nảy mực” của Mani giáo
Giáo chủ trong Mani giáo được xem là tối cao trong giáo hội, có nhiệm vụ truyền bá giáo lý và giữ mối liên kết vững chắc giữa Ánh sáng và Bóng tối. Để làm được điều này, giáo chủ phải là người hiểu rõ thuyết nhị nguyên – biết rõ đâu là thiện, đâu là ác, và quan trọng nhất là phải hướng dẫn tín đồ làm sao để giải thoát linh hồn khỏi ảnh hưởng của vật chất và bóng tối.
Công việc của giáo chủ không dễ dàng chút nào. Không những phải chỉ dẫn mọi người, mà còn phải quản lý toàn bộ quy trình tu hành, phải làm sao để tín đồ không lạc bước trong cuộc chiến vĩ đại giữa ánh sáng và bóng tối.
Các tín đồ
Tín đồ Mani giáo được chia thành nhiều cấp bậc khác nhau. Từ những người vừa mới bắt đầu “thử nghiệm” với giáo lý, cho đến các giáo sĩ chuyên sâu với nhiệm vụ tu hành nghiêm ngặt và giảng dạy giáo lý. Tín đồ phải sống khổ hạnh, từ bỏ dục vọng vật chất, tập trung vào việc nâng cao đời sống tinh thần, tìm kiếm ánh sáng bên trong mình.
Tuy thế còn một tầng lớp tín đồ thứ 3, chiếm số lượng lớn nhất trong tôn giáo này, đó là các tín đồ bình dân, hay gọi theo cách của người Việt là “tu tại gia”. Họ có thể học kinh sách, họ có thể cầu nguyện, họ có thể thực hành tế lễ. Nhưng họ sẽ không đi quá sâu vào giáo lý, không thực hành nghi thức quá nghiêm túc. Họ có thể ăn chay và thực hành khổ hạnh, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Tầng lớp tín đồ này thực ra học hỏi phần nào từ Phật Giáo.
2. Cốt lõi tu hành của Mani giáo
Khổ hạnh và từ bỏ dục vọng vật chất
Một trong những nguyên lý quan trọng nhất trong Mani giáo chính là khổ hạnh. Điều này có nghĩa là, nếu bạn muốn linh hồn mình được giải thoát, bạn phải từ bỏ dục vọng vật chất – thứ mà Mani giáo coi là những ràng buộc của thế giới vật chất lên linh hồn, những “cái đinh” trên cây thánh giá. Họ phải học cách gỡ những cái đinh ấy ra khỏi mình. Các tín đồ phải ăn chay, không uống rượu, và không tham gia vào những thói quen vật chất. Đối với họ, đây là “cuộc chiến” cam go nhất, bởi vì không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn chính mình cả.
Cầu nguyện và nghi thức tôn giáo
Cầu nguyện và các nghi thức tôn giáo là công cụ để tín đồ kết nối với Ánh sáng. Tín đồ phải cầu nguyện hằng ngày, bảy ngày một tuần, để thức tỉnh linh hồn và nhờ các thiên thần của Ánh sáng giúp đỡ trong cuộc chiến với bóng tối. Cái này có phần giống với Hồi Giáo, mặc dù Mani Giáo không trực tiếp liên hệ với tôn giáo này.
Ngoài ra, nghi thức rửa tội và thánh lễ cũng rất quan trọng. Các tín đồ tham gia vào những nghi lễ này, vừa để thanh tẩy linh hồn, vừa để duy trì sự thanh tịnh trong suốt quá trình tu hành. Tất nhiên, những nghi lễ này được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các giáo sĩ, người có nhiệm vụ dẫn dắt tín đồ vượt qua những thử thách của thế giới vật chất.
Tu hành tịnh cư – Lẩn tránh cám dỗ thế gian
Một phương pháp cực kỳ khắc nghiệt trong Mani giáo mà thường chỉ có các bậc chức sắc cao mới thực hành nghiêm ngặt, là tu hành tịnh cư. Tín đồ phải sống tách biệt khỏi xã hội, xa rời những cám dỗ vật chất, để tập trung vào việc tu dưỡng tâm linh. Trong các tu viện Mani giáo, tín đồ sống trong sự tĩnh lặng tuyệt đối, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài khi thực sự cần thiết.
Vì sao lại tĩnh cư? Bởi vì chỉ khi tránh được những cám dỗ của thế gian, con người mới có thể tập trung hoàn toàn vào việc giải thoát linh hồn, và có thể tiến gần hơn tới ánh sáng.
3. Các nghi lễ và lễ hội
Bên cạnh các phương pháp tu tập cá nhân, Mani giáo cũng tổ chức nhiều nghi lễ và lễ hội đặc biệt, có sự tham gia của nhiều tín đồ, để tôn thờ Ánh sáng và nhắc nhở tín đồ rằng hành trình giải thoát linh hồn là một cuộc hành trình gian nan nhưng đầy ý nghĩa.
Một trong những nghi lễ quan trọng là Lễ hội Ánh sáng, nơi tín đồ tụ họp, cầu nguyện, và tẩy rửa linh hồn. Đối với họ, đây không chỉ là dịp để vui chơi, mà là cơ hội để khẳng định lại mục tiêu sống của mình.
Ngoài ra, Mani giáo còn tổ chức các buổi cầu nguyện chung vào các ngày lễ đặc biệt trong năm, chẳng hạn như Ngày Sinh của Mani, hoặc các ngày kỷ niệm lịch sử tôn giáo của Mani giáo. Những buổi lễ này không chỉ là dịp để tưởng nhớ những vị tiên tri vĩ đại, mà còn là cơ hội để tăng cường niềm tin và gắn kết cộng đồng tín đồ.
4. Học giáo lý
Mani giáo không chỉ chú trọng đến tu hành, mà còn rất coi trọng giáo dục. Để trở thành một giáo sĩ trong Mani giáo, các tín đồ phải trải qua một quá trình học tập nghiêm ngặt về giáo lý, về Ánh sáng và Bóng tối, về cách tu hành và giải thoát linh hồn.
Tín đồ không chỉ học lý thuyết suông mà còn phải thực hành những nguyên lý đó trong cuộc sống hàng ngày. Học hỏi là một phần của việc tu dưỡng, vì trong Mani giáo, phải hiểu rõ lý thuyết thì mới có thể thực hành sao cho đúng được.
V. Sự Sụp Đổ của Mani Giáo
Tưởng như với ảnh hưởng của mình, Mani giáo có thể đứng ngang hàng với các tôn giáo lớn khác, nhưng câu chuyện của Mani giáo lại là một chuỗi thăng trầm không kém phần bi kịch. Sự kết hợp giữa Hỏa giáo, Phật giáo, và Cơ Đốc giáo đã tạo ra một tín lý nhị nguyên mạnh mẽ, nhưng cuối cùng, Mani giáo vẫn phải đối mặt với sự sụp đổ và gần như biến mất khỏi lịch sử.
Tại sao lại như vậy? Đó không chỉ là sự đàn áp từ các triều đại chính trị, mà còn là những cuộc chia rẽ nội bộ, thay đổi trong các thế lực tôn giáo, và cả sự chuyển mình của xã hội.
1. Sự Bức Hại ở Ba Tư
Mani giáo từng có một khoảng thời gian vàng son dưới sự bảo trợ của hoàng đế Shapur I của Đế quốc Sassanid. Được xem là "tiên tri cuối cùng của Ánh sáng", Mani giáo được coi là tôn giáo chính thức của đế quốc, lan rộng khắp vùng đất Ba Tư. Thời kỳ này, mọi tín đồ Mani giáo đều có thể tự hào vì sống trong một xã hội mà giáo lý của họ được tôn trọng, thậm chí quyền lực chính trị cũng đồng hành.
Nhưng, cái gì lên cũng sẽ xuống. Sau cái chết của Shapur I vào năm 272 sau Công Nguyên, Mani giáo bắt đầu gặp khó khăn. Hoàng đế Bahram I lên ngôi và không lâu sau đó, ông ra tay đàn áp tôn giáo này. Mani giáo không còn là đồng minh của đế quốc, mà bỗng chốc trở thành mối đe dọa đối với quyền lực của triều đình.
Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, và vào năm 276, Mani bị bắt, bị hành hạ và chết trong cảnh bi thảm. Ông bị kết tội là kẻ mê tín, kỳ dị – một cái kết quá đau đớn cho một người từng được coi là người truyền đạt ánh sáng. Cái chết của Mani chính là dấu chấm hết cho sự ổn định ban đầu của Mani giáo.
Sau khi Mani qua đời, tôn giáo này không còn một vị lãnh đạo mạnh mẽ để duy trì sự thống nhất và chỉ đạo. Các tín đồ tiếp tục truyền bá giáo lý của Mani, nhưng thiếu người cầm cờ, nên tôn giáo dần trở nên lạc hướng và yếu ớt. Dù vậy, Mani giáo vẫn lặng lẽ tồn tại, nhưng không thể có được sức ảnh hưởng mạnh mẽ như trước.
2. Sự Đàn Áp Dưới Đế Quốc La Mã
Sau cái chết của Mani, Đế quốc La Mã trở thành một trong những đối thủ đáng gờm nhất đối với Mani giáo. Dưới hoàng đế Diocletian vào cuối thế kỷ thứ 3, Mani giáo bị coi là dị giáo, và vì thế, không có chỗ đứng trong đế quốc này. Các tín đồ bị bức hại, phải sống ẩn danh, và các nghi thức tôn giáo của họ bị cấm đoán. Truy lùng, bắt bớ, và hành quyết – đó là thực tế mà người theo Mani giáo phải đối mặt mỗi ngày.
Dù có vài nhóm tín đồ nhỏ lẻ tiếp tục duy trì niềm tin trong bóng tối, nhưng sự đàn áp tàn bạo từ Đế quốc La Mã đã làm suy yếu tổ chức Mani giáo đến mức không thể hoạt động công khai. Những giáo sĩ và lãnh đạo giáo hội không còn được phép giảng dạy tự do, và Mani giáo chỉ còn là bóng dáng của một tôn giáo đã mất đi sự tôn trọng của các quyền lực chính trị.
3. Bị đặt ngoài vòng pháp luật ở Trung Quốc
Thông qua Con đường Tơ Lụa, Mani giáo du nhập vào Trung Quốc và được gọi là Minh giáo (tôn giáo của ánh sáng). Tuy nhiên, sự phát triển của Mani giáo ở Trung Quốc không hề bằng phẳng, mà gặp phải những khó khăn lớn.
Một trong những lý do lớn khiến Mani giáo bị đàn áp tại Trung Quốc là vì tôn giáo này thường đứng về phía các cuộc nổi dậy nông dân. Các tín đồ của Mani giáo, đặc biệt là trong giai đoạn sau khi Đế quốc Sassanid sụp đổ, thường ủng hộ các cuộc nổi dậy nông dân chống lại các triều đại phong kiến. Điều này đã khiến Mani giáo trở thành mối đe dọa đối với các thế lực cầm quyền trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nơi quyền lực của các hoàng đế và quý tộc được bảo vệ bằng mọi giá.
Những cuộc nổi dậy nông dân này không chỉ phản ánh những bất mãn xã hội, mà còn là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối trong lòng xã hội Trung Quốc. Mani giáo, vì thế, đã trở thành một yếu tố kích động, và vì vậy bị quản lý chặt chẽ và đàn áp. Sự hòa nhập của Mani giáo vào các phong trào nông dân khiến các tín đồ của tôn giáo này bị chỉ trích và xua đuổi từ những triều đại cai trị, đặc biệt là khi Đạo giáo và Phật giáo bắt đầu chiếm ưu thế.
Dù vậy, trong suốt các thế kỷ sau, Mani giáo bị lấn át bởi những tôn giáo này, và các tín đồ dần chuyển sang Đạo giáo hoặc Phật giáo. Mani giáo không thể cạnh tranh với những tôn giáo đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng dân Trung Hoa, và tôn giáo này chìm vào quên lãng.
4. Sự Phân Tán và Hòa Nhập Vào Các Tôn Giáo Khác
Sự sụp đổ của Mani giáo không chỉ đến từ sự đàn áp từ bên ngoài, mà còn từ chính sự phân rã nội bộ. Sau khi Mani qua đời, không có ai đủ mạnh để dẫn dắt cộng đồng tín đồ, và như vậy, Mani giáo bắt đầu chia rẽ. Những nhóm nhỏ bắt đầu không đồng nhất về giáo lý, mỗi nhóm giải thích giáo lý theo cách riêng, dẫn đến sự phân mảnh.
Ngoài sự phân tách, nhiều tín đồ Mani giáo bắt đầu hoán đổi tín ngưỡng để hòa nhập vào xã hội hoặc làm cho cuộc sống dễ dàng hơn. Cơ Đốc giáo và Hồi giáo đều có những yếu tố tương đồng với Mani giáo, vì thế không ít tín đồ Mani giáo đã chọn gia nhập các tôn giáo lớn này, hoặc giảm bớt hoạt động tôn giáo công khai.
Dần dần, Mani giáo bị lãng quên. Không còn được duy trì bởi các tín đồ công khai, không còn được giảng dạy bởi các giáo sĩ có ảnh hưởng, và nhất là khi các tín đồ chính thức chuyển sang các tôn giáo khác, Mani giáo gần như biến mất khỏi mặt đất. Tôn giáo này trôi dần vào quên lãng, và cuối cùng chỉ còn tồn tại dưới dạng một dòng chú thích trong sách lịch sử.

Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này