Phần hình ảnh của Bundesliga không bao giờ làm bạn thất vọng.
Trong năm 2020 đã diễn ra 3 trận Der Klassiker, và mình đã (thức đêm) xem cả 3 trận đấu đó. Nhờ sự theo dõi liên tục này, mình đã có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng, những điểm mạnh, điểm yếu và thay đổi theo thời gian của họ.
Mình đã từng viết bài phân tích về trận đấu lượt về Bundesliga mùa trước (Dortmund thua Bayern 0-1), và sẽ dựa vào mạch phân tích này để nói về “trận kinh điển” mới nhất. Mình sẽ không nhắc nhiều đến trận tranh Siêu cúp Đức 2020; mình đã không viết về nó, vì một lý do mà ai xem trận đấu sẽ thấy rõ: các cầu thủ 2 đội thực sự quá mệt mỏi ở giai đoạn đó với cường độ thi đấu 3 ngày một trận (thậm chí dày hơn với Bayern), ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng chuyên môn. Trận tranh DFB Cup ấy khác hẳn với 2 trận Der Klassiker kia cũng như những trận Der Klassiker trong hoàn cảnh thông thường, tựa như một nhánh của dòng thời gian gốc và chẳng ảnh hưởng gì đến dòng thời gian gốc cả.
Trở lại với cuộc đối đầu giữa Dortmund và Bayern tại vòng 7 Bundesliga 2020/21, mình sẽ phân tích nó theo 3 phần: Một, những sự điều chỉnh đáng khen của Dortmund; Hai, lý do Bayern vẫn thắng thuyết phục bất chấp đối thủ tiến bộ; và Ba, những gì còn đọng lại và điều gì đang chờ đợi phía trước.

Dortmund đáng khen
Trước khi nói đến những điều đáng khen của Dortmund, mình mong các bạn có thể kiên nhẫn đọc thêm một phần khác. 
Ở đó, mình sẽ nói về cái toàn cục của trận đấu. Mình viết điều này trước khi phân tích những gì Dortmund đã làm tốt để tránh cho các bạn bị thiên kiến nhận thức rằng đội bóng áo vàng đã chơi rất hay và thất bại chỉ là đáng tiếc (chứ không phải thua tâm phục như mình khẳng định).
Mình không phải là fan của phim truyền hình, thậm chí mình còn khá tin vào câu nói: “..., phim truyền hình chỉ dành cho kẻ thất bại” (Trong dấu 3 chấm hình như là game online, câu này lâu quá rồi không nhắc mình không nhớ chính xác. Thấy bảo là của Bill Gates, mình cứ tin là vậy nhưng tất nhiên là chẳng biết thế nào). Tuy nhiên, vì ảnh hưởng gia đình nên thỉnh thoảng mình cũng coi phim của VFC trên giờ vàng VTV, và phải nói là phim nào của VFC thì cũng mang lại một cảm giác cho mình một cảm giác cực kỳ, cực kỳ bức bối. Cảm giác ấy được gói gọn trong một từ:
Bất lực.
Bất lực đến cùng cực.
Như chân tay mồm miệng bị khống chế hết, biết rõ, hiểu rõ mọi thứ đấy mà chẳng thể làm gì - tất nhiên đấy là khi bạn đồng cảm với nhân vật chính diện.
Và xem Dortmund đá với Bayern, cảm giác cũng hệt như vậy.
Bất lực.
Bất lực đến cùng cực.

Hãy cùng nhìn lại 4 lần gặp nhau gần nhất của Dortmund và Bayern. 
Ngày 10/11/2019, Bayern Munich hủy diệt Dortmund với tỷ số 4-0. Ngày 26/05/2020, Dortmund thua Bayern 0-1. Ngày 01/10, Bayern thắng Dortmund 3-2. Ngày 08/11, Dortmund thua Bayern 2-3.
Nếu nhìn vào tỷ số, bạn có thể nhận định như BLV Khắc Cường, người đã bình luận trực tiếp trận Der Klasskier trên sóng của VTV: Dortmund đã tiến bộ rất nhiều, để từ việc bị thua 0-4 tiến đến những lần gần nhất chạm trán chỉ để thua sát nút. Nhưng thực tế thì lại khác xa.
Trong tất cả những cuộc đối đầu với Bayern gần đây - mốc ‘’gần đây’’ là từ khi HLV Hansi Flick lên nắm quyền tại Alianz, Dortmund luôn là đội thất thế hoàn toàn. Từ từng cá nhân trên sân cho đến lối chơi tập thể, họ luôn luôn bị lấn lướt.
Nếu Dortmund chủ động chơi phủ đầu, ngọn lửa của họ sẽ nhanh chóng bị dập tắt, để nhường chỗ cho ‘’nhà vua’’ phô diễn. Nếu Dortmund chủ động phòng ngự, các cầu thủ tấn công sắc bén của Bayern sẽ di chuyển, phối hợp đầy biến ảo để tạo ra khoảng trống, xé nát hệ thống tường thành. Và thảm họa nhất: nếu Dortmund thích đôi công, Bayern sẽ cho họ thấy tấn công thực sự là như thế nào.
Trong tất cả những trận Der Klassiker mình nhắc tới, dù Dortmund đá sân nhà hay sân khách, dù Bayern thiếu vắng bất cứ ai, các nhà đương kim vô địch nước Đức vẫn sẽ áp đảo về số cơ hội - số cú dứt điểm nguy hiểm của họ luôn nhiều hơn Vàng Đen tính theo cấp số nhân! 
Lấy ngay ví dụ ở trận kinh điển gần nhất, Bayern có 2 bàn thắng không được công nhận vì Robert ‘Lewangoalski’ việt vị với những khoảng cách sít sao mà chỉ VAR mới phát hiện được. Bên cạnh họng pháo người Ba Lan liên tiếp nã đạn, những Thomas Muller, Serge Gnabry, Leon Goretzka, Kingsley Coman cũng đều có cơ hội dứt điểm trong tư thế thuận lợi hướng về phía cầu môn của Roman Burki – Coman thậm chí còn có 1 lần đưa bóng dội cột dọc.
Lewy có 2 lần ăn mừng hụt khi ghi bàn vào lưới đội bóng cũ.
Bên phía Dortmund, 2 tiền đạo Reus và Haaland họa hoằn mới có một cú sút được coi là cơ hội, chưa nói đến các cầu thủ thi đấu thấp hơn. Nếu bạn nghĩ pha đá phạt của David Alaba không bị đổi hướng dẫn đến bàn san hòa tỷ số thì Dortmund đã có kết quả khả quan hơn, mình tin rằng bạn nên nghĩ lại. Không thể khẳng định 100% về một giả thiết, nhưng rất có khả năng là dù bị dẫn trước sau hiệp 1, Bayern với cách chơi tấn công ‘’khủng bố’’ vẫn sẽ vươn lên, vẫn sẽ giành 3 điểm xứng đáng. Những phân tích cụ thể về Bayern, mình sẽ nói ở phần sau.
--
Trở lại với những tiến bộ của Dortmund.
Phải nói thật là khi xem Dortmund hiện tại thi đấu, mình luôn có cảm giác Lucien Favre là một chiến lược gia quá an toàn, quá bảo thủ, ít thay đổi dẫn đến cản trở sự tiến bộ. Nhưng có lẽ mình cũng chỉ là một kẻ bị thiên kiến nhận thức. Trận đấu này với Bayern, Dortmund đã thực sự thay đổi, và chắc chắn đây là bộ mặt sáng sủa nhất khi đối đấu với Bayern của Dortmund trong năm 2020.
Mọi đội bóng khi chơi với Bayern Munich của Hansi Flick đều sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề chính yếu: Số một, phòng ngự ra sao khi đối thủ tấn công quá toàn diện. Số 2, tấn công ra sao khi không có nhiều bóng để chơi, bởi đối thủ cầm bóng quá nhiều, pressing quá hay.
Cảm giác bất lực đến chính từ việc giải phương trình 2 ẩn này – vô vọng trên cả 2 mặt trận tấn công và phòng ngự là cảm giác ức chế nhất khi đá bóng. Nhưng khác với những bài kiểm tra trước, Lucien Favre, giống như một học sinh được ôn tập tốt hơn, suýt chút nữa đã giải thành công nan đề bằng cách áp dụng hợp lý những công thức sẵn có, rút kinh nghiệm từ các sai lầm đã qua, cộng thêm việc phát huy tốt điểm mạnh của những đồ dùng học tập - các cầu thủ.
Sơ đồ phòng ngự của Dortmund
Tiếng còi khai cuộc vừa cất lên, người xem đã cảm nhận được sự thay đổi trong cách tiếp cận trận đấu của Lucien Favre. Không, thay đổi thậm chí đã đến từ trước đó, từ 11 con người đá chính.
Favre nhận ra hàng thủ 3 người không phải là ý hay khi đối đầu Bayern, ông đưa vào sân đội hình 4 hậu vệ. Những cái tên đá chính hồi tháng 5 là Dahoud, Brandt hay Thorgan Hazard bị thay thế khá bất ngờ bởi lần lượt Axel Witsel, Gio Reyna và Marco Reus, cộng thêm Jadon Sancho đã trở lại. Các cái tên mới, sơ đồ 4-2-3-1 chắc chắn hơn thay vì 3-4-3 phòng khoáng chính là cái ‘’nhu’’ đúng lúc của Favre: từ bỏ lối chơi pressing, tấn công phủ đầu đối thủ (đã được chứng minh là không hiệu quả), chuyển sang che lấp những điểm yếu của mình và hạn chế điểm mạnh của địch.
Thay vì ào ạt dồn lên để có cú sút đầu tiên chỉ sau 30 giây như hồi tháng 5, các cầu thủ áo vàng chậm rãi nhập cuộc (Lewandowski bên phía Bayern mới là người có cú sút đầu tiên trong phút thứ 1). Nếu là một khán giả quen thuộc của Bundesliga, các bạn hẳn cũng sẽ không còn xa lạ với biểu đồ về vị trí trung bình thực tế (average positions) thường được đơn vị sản xuất hình ảnh trình chiếu vào phút thứ 15 của các trận đấu. Mình nhắc đến chi tiết này, bởi nếu so sánh 2 biểu đồ của Dortmund ở trận đấu hồi tháng 5 và trận đấu vừa qua, sự khác biệt rất rõ sẽ được nhìn thấy.
Tháng 5. khi thi đấu với 3 hậu vệ, defensive line của Dortmund được đẩy lên rất cao, cả 3 tuyến cũng có xu hướng tập trung thành một khối ở trung lộ để phối hợp tấn công, bất chấp nguy cơ dính đòn hồi mã thương thường trực. Đây là cách vận hành giống hệt với Bayern Munich, và kết quả như thế nào ta đã rõ: Hùm Xám với những cầu thủ đẳng cấp hơn, ăn ý hơn đã dễ dàng bẻ gãy Dortmund trong cuộc tranh chấp với số đông vô cùng quyết liệt ở trung tuyến.
Nửa năm sau, Lucien Favre đã học được bài học xương máu. 15 phút thi đấu đầu tiên, vị trí trung bình của cặp trung vệ Mats Hummels – Manuel Akanji không vượt quá vòng cấm địa là bao. Dortmund cũng không còn liều lĩnh chơi bóng ngắn tuần tự từ sân nhà tịnh tiến dần lên như trước - họ đã biết Bayern có thể pressing ‘’rát’’đến như thế nào.
Favre chỉ đạo Hummels và Meunier tung ra nhiều hơn những đường chuyền dài vượt tuyến lên cho Sancho và Haaland để tận dụng tốc độ và khả năng xử lý độc lập của 2 ngôi sao trẻ. Quyết định của Favre đặc biệt đúng đắn với Hummels và Meunier, bởi 2 cầu thủ này chuyền dài chính xác tựa như những quarterback đỉnh cao của NFL vậy.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho mọi đối thủ khi chơi với Bayern. Mùa trước, tứ kết UEFA Champions League, Barca đã vụn vỡ khi cố gắng triển khai bóng ngắn từ thủ môn Ter Stegen - Bayern liên tục cướp được bóng của họ và ép các sai số xuất hiện. Đến trận chung kết UCL 2019/20, Paris Saint-Germain đã không mắc lại cùng một sai lầm đó. Họ chơi bóng theo cái cách mà Lucien Favre sau này áp dụng: chủ động phòng ngự, phất bóng dài lên nhanh nhất có thể cho các ngôi sao là Neymar và Mbappe tự xử lý.
Nếu PSG có Neymar và Mbappe, Dortmund có Sancho và Haaland. Ngoài việc được ‘’bơm bóng’’ như đã nói, bộ đôi này cũng được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự khi Favre từ bỏ cách pressing ngay từ vòng cấm đối thủ. 
Sancho, Haaland tập trung hoàn toàn vào nhiệm vụ đứng cắm và ‘’săn’’ cơ hội, 2 mục tiêu của Man United đã hoàn thành rất xuất sắc vai trò của mình dẫu cho cơ hội ít ỏi. Cộng thêm một số bài miếng khác như cách di chuyển rộng để kết nối tuyến của Marco Reus, những pha leo biên đúng thời điểm và rất chất lượng của Guerreiro hay Meunier (đặc biệt nổi bật là Guerreiro, cầu thủ đã có 2 đường kiến tạo tuyệt vời), Dortmund đã làm giảm đi rất nhiều cảm giác bất lực mà những ai cổ vũ họ vốn luôn phải chịu đựng trước Bayern, ít nhất là trên mặt trận tấn công.
Chứng kiến màn thể hiện của những cái tên kể trên, tất cả đều phải ghi nhận sự đúng đắn của Lucien Favre trong lựa chọn nhân sự. Julian Brandt, Thorgan Hazard hay Dahoud, Emre Can dự bị không phải vì kém chất lượng, mà là bởi họ không phù hợp bằng các cầu thủ khác trong yêu cầu chuyên môn của trận đấu cụ thể.
Brandt, Hazard sáng tạo và hiệu quả trong tấn công hơn hẳn Gio Reyna, nhưng làm sao có được nhiệt tình để tham gia phòng ngự thay cho cả 2 đồng đội Sancho và Haaland như cầu thủ người Mỹ? (Chỉ đến khi Reyna, Sancho ‘’hết pin’’, 2 người đàn anh mới được thay vào.) Can hay Dahoud biết cách lên tham gia tấn công, nhưng về chuyển trạng thái, về khả năng đánh chặn, họ hãy còn phải học hỏi Axel Witsel và Thomas Delaney.
Gio Reyna không phải cái tên nổi bật nhất, nhưng chắc chắn là vô cùng đáng khen.
Tóm lại, Lucien Favre đã hoàn toàn chinh phục được khán giả hâm mộ với những điều chỉnh nhân sự và sơ đồ; và với một người đánh giá màn trình diễn của Dortmund dựa trên một tiêu chí tiên quyết là sức mạnh khủng khiếp của Bayern như mình, thì những gì Favre thực hiện đã là hay nhất có thể. Ông xứng đáng với một lời khen ngợi thay vì thêm những chỉ trích chỉ dựa trên kết quả.
Chính những thay đổi về nhân sự và con người phù hợp của Favre dường như còn mang lại một điều cực kỳ quan trọng: tinh thần thi đấu của các cầu thủ đã tự tin hơn rất nhiều. Mình sẽ tiếp tục so sánh với trận đấu hồi tháng 5 để làm nổi bật vấn đề này.
Đầu tiên, hãy nhắc tới 2 ngôi sao lớn nhất của Dortmund: Erling Haaland và Jadon Sancho, những người đã được phục vụ nhiều nhất trong cách chơi mà Favre xây dựng cho trận Der Klassiker.
Nửa năm trước, phải nói là mình rất thất vọng khi xem Erling Haaland thi đấu – nếu không nhầm thì đó là lần đầu tiên mình coi Haaland thi đấu 90 phút. Ngoài cú sút ngay trong 30 giây đầu, Haaland thật vô hại. Tất nhiên, anh đói bóng khi đội nhà bị áp đảo, nhưng khi đó mình đã kỳ vọng nhiều nên thất vọng cũng không để đâu cho hết.
Tháng 11, Haaland đã mở mắt cho mình. Kỹ thuật, tốc độ, khả năng tì đè - tất cả đều được Haaland phô diễn, hợp thành một ‘’combo’’ chết chóc mà bất cứ hàng thủ nào cũng đều phải sợ hãi. Không gì khác, chính việc Dortmund chuyển hẳn sang chơi phản công với nhiều đường bóng dài đã đem đến cho ‘’quái thú Na Uy’’ nhiều cơ hội, nhưng cần nhớ rằng những tình huống tấn công như thế đều là những pha nhận bóng rất khó và Haaland luôn biết cách xử lý hiệu quả nhất có thể.
Boateng bị Haaland ''đì'' chết, có lẽ đó là lý do khiến trung vệ của Bayern bị rút ra.
Mình đã phải sởn gai ốc khi chứng kiến 1 tình huống: Haaland nhận bóng cách khung thành khoảng 20 mét, ngay lập tức Jerome Boateng ập đến tì đè cướp bóng. Haaland vừa đẩy bóng lững thững về phía cầu môn, vừa che chắn trung vệ người Đức mạnh mẽ, kín kẽ đến nỗi Boateng mỗi lần lao vào như đâm phải một tấm khiên của cảnh sát chống bạo động. Neuer đã khép góc gần khi Haaland tiến đến sát cầu môn, tưởng như cơ hội đã hết. Ấy thế nhưng ở một góc cực hẹp - từ rìa khu vực 5m50, bên tay phải của Neuer, Haaland vung chân tung một cú sút mu cực mạnh, đưa bóng găm thẳng vào phía ngoài điểm nối của cầu môn.
Bạn có tưởng tượng được không, phải là một cầu thủ cực kỳ mạnh mẽ, đồng thời cũng phải có kỹ thuật tuyệt hảo như thế nào mới có thể sút được một quả bóng lên cao đến thế, chính xác đến thế, từ một khoảng cách rất gần và góc sút cực hẹp. Đáng tiếc đây lại là pha bóng mà Haaland đã việt vị (tiếng còi của trọng tài cất lên muộn), nên có lẽ trong các highlights sẽ không lưu lại.
Tương tự như Haaland, Sancho đã có màn trình diễn rất đáng đồng tiền bát gạo. Thường phải nhận bóng khó trong khi bị 2-3 cầu thủ Bayern quây ráp, tuyển thủ Anh vẫn luôn thể hiện sự điềm tĩnh đến đáng kinh ngạc.
Sancho khống chế bóng gọn gàng, dẫn bóng thanh thoát giữa trùng vây đặc biệt hiệu quả - không quá nhanh, không quá chậm, không quá rườm rà mà cũng chẳng vội vã. Để rồi chỉ trong một tích tắc thoát được sự sự kiềm tỏa, anh sẽ tung ra một cú vẩy bóng chọc khe chết người cho Haaland hay mở bóng tạo không gian tấn công mới về cánh đối diện.
Mình là một fan của Liverpool, và phải nói rằng khi xem Haaland và Sancho thi đấu trận này, mình đã phải cảm thấy các đối thủ ở EPL của Man United thật may mắn khi MU không tất tay đưa về 2 cầu thủ này. Nhược bằng chỉ 1 trong 2 con quái vật này đến Old Trafford thôi, mình dám tin rằng không hàng phòng ngự nào ở EPL có thể cản Man U ghi bàn.
Mình thấy có bài báo nói ''Sancho giờ không còn đáng giá 120 triệu'', Sancho đang khủng hoảng,... Nhưng trong trận đấu cụ thể với Bayern, mình đánh giá rất cao những gì Sancho đã thể hiện.
Không chỉ Haaland và Sancho, các cầu thủ khác của Dortmund cũng đã lột xác hoàn toàn so với những gì họ thể hiện 6 tháng trước.
Hàng thủ dù vẫn còn những sai sót nhưng hầu như đã đảm bảo được sự chắc chắn, hạn chế rất nhiều những pha phản công của Bayern, phần lớn chính là nhờ Favre cho phép những Burki, Hummels, Akanji, Witsel tập trung nhiều hơn vào việc bảo vệ cầu môn thay vì chủ động phát triển bóng.
Trên hàng công, nửa năm trước các cầu thủ áo vàng không có lấy nổi một pha phối hợp ngắn nào ra hồn trên phần sân của Bayern; cứ không quá 4 đường chuyền là họ bị cướp bóng hoặc chuyền hỏng. Nguyên nhân là cách pressing của Bayern quá tốt, còn các cầu thủ Dortmund di chuyển không đủ ăn ý và chủ động, cảm tưởng như họ cũng bị khớp trước đối thủ.
Lần này thì mọi chuyện đã khác. Phút 68, bên cánh phải theo hướng tấn công của Dortmund, các học trò của Favre liên tiếp đan bóng qua lại, bất chấp việc Lucas Hednandez, Leon Goretzka và cả Serge Gnabry liên tục tranh cướp. Không hoảng loạn, không sai sót, không vội vã, Marco Reus cùng đồng đội bình tĩnh phối hợp ngắn rất ‘’cửa trên’’, khiến các cầu thủ áo đỏ phải bám đuôi trong vô vọng - điều vốn cực kỳ hiếm thấy với Bayern Munich.
Đường phối hợp đó có lẽ phải chạm đến mốc 15 đường chuyền. Những ví dụ như thế cho thấy Favre đã giúp các học trò thoải mái hơn rất nhiều trước Bayern, mang lại sự cân bằng nhất định cho trận đấu mà chúng ta đều biết trước là Dortmund sẽ bị lấn lướt.
Một lần nữa, xin khẳng định Lucien Favre đã làm tất cả những gì có thể với những con bài ông có trong tay. Các học trò của nhà cầm quân người Thụy Sĩ cũng đã chơi với toàn bộ khả năng của mình, có những người còn xuất thần như Guerreiro - một hậu vệ cánh đóng góp 2 đường chuyền thành bàn.
Ấy thế nhưng Dortmund vẫn thua. Bởi đơn giản, đối thủ của họ vẫn ở trên một bậc.
Shout out to Lucien Favre, dù ông là kẻ bại trận!
Bayern quá mạnh
Trong phần này, xin nói trước rằng không phải mình đang cố gắng đề cao Bayern, mà chỉ phân tích khách quan nhất dựa trên thực tế.
Thực tế đầu tiên cần nhìn nhận là Bayern đã bước vào trận đấu với lực lượng bị sứt mẻ. Benjamin Pavard, Alphonso Davies chấn thương, Hansi Flick phải để tân binh mùa hè Bouna Sarr còn non kinh nghiệm vào thi đấu.
Niklas Sule đang tự cách ly, David Alaba vẫn phải đá trung vệ, Jerome Boateng thì không còn ở đẳng cấp của nhà vô địch World Cup. Hiệp 1 chưa kết thúc, đến lượt Joshua Kimmich rời sân sớm vì chấn thương. Không phải nói thì các bạn cũng biết, Kimmich hiện tại là trái tim của Bayern Munich, và người vào thay anh, Corentin Tolisso không thể so sánh về đẳng cấp.
Phía bên kia chiến tuyến, Dortmund có đầy đủ binh hùng tướng mạnh. Ấy thế mà Bayern vẫn thắng, thắng thuyết phục. Chỉ nói như vậy cũng đủ hiểu chênh lệch giữa 2 bên.
Chênh lệch ấy xuất phát từ thực tế tiếp theo: hệ thống của Bayern hiện tại quá tốt. Trong cả tấn công lẫn phòng ngự, Hùm Xám đều vận hành (đủ) trơn tru để đẩy đối thủ vào thế khó.
Hãy nói về phòng ngự trước hết. Đây chính là nơi mà một Bayern thường ngày hoàn hảo lại gặp một chút vấn đề.
Cùng với Boateng, Bouna Sarr là măt xích yếu nhất nơi hàng thủ Bayern.
Cách chơi phản công với bóng dài của Dortmund phần nào khiến đặc sản pressing toàn sân của Bayern giảm hiệu quả, dẫn đến nhiều cơ hội ghi bàn hơn cho đội chủ nhà. Bạn có thể thấy vị trí của Bouna Sarr và Jerome Boateng bị khoét rất thường xuyên bởi Guerreiro. Sarr cũng mắc những lỗi như một quả đánh đầu phá bóng không dứt khoát về phía Neuer, suýt chút nữa bị cướp bóng, trong khi sự chậm chạp của Boateng giống như miếng mồi ngon cho sức trẻ của Haaland. Bàn mở tỷ số của Dortmund cũng được thực hiện ở vị trí mà Sarr và Boateng án ngữ.
Bên cạnh Sarr và Boateng, Alaba và Javi Martinez vào sân thay người cũng không có sở trường đá trung vệ. Họ rõ ràng đã mắc lỗi ở tình huống ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống 2-3 của Erling Haaland.
Sai lầm là có thật bên cánh phải nơi hàng thủ Bayern, nhưng ngoài 2 bàn thua ra, họ cũng không cho đối thủ khai thác nhiều hơn. Neuer một lần nữa thể hiện bản lĩnh sweeper-keeper hay đến đáng kinh ngạc. Không dưới 3 lần những đường chuyền dài của Dortmund tưởng như sẽ đến chân các cầu thủ tấn công trong thế trống trải lại bị thủ thành 34 tuổi cắt đứt.
Trong một thế trận mà Dortmund không có nhiều cơ hội, chỉ cần như thế cũng là đủ để khiến nỗ lực của đội chủ nhà tuyệt vọng như ‘’đi vào lòng đất’’. Vậy là Bayern có vấn đề, nhưng họ lại thừa sức giải quyết nó một cách không quá vất vả.
Sơ đồ phòng ngự của Bayern (tất nhiên là sơ đồ này không thể cho bạn thấy đẳng cấp sweeper-keeper của Neuer khủng khiếp tới mức nào) 
Chuyển sang mặt trận tấn công, không còn gì phải nghi ngờ về đẳng cấp khác biệt của Bayern ở khía cạnh này. Không có Kimmich trong hơn nửa thời gian không khiến hàng công Bayern yếu đi, thậm chí sau khi Kimmch rời sân, Bayern còn tấn công hay hơn trước đó.
Bộ tứ Lewandowski – Coman – Muller – Gnabry (cùng với Leroy Sane vào sân sau) quá khó để theo kèm. Họ liên tục di chuyển ở những vị trí khác hoàn toàn với sơ đồ xuất phát, hoán đổi vai trò thường xuyên khiến bộ đôi hậu vệ xoay trở khá chậm chạp Hummels – Akanji không biết đâu mà lần.
Kingsley Coman là một chân chạy cánh, nhưng thường xuyên đột kích vào vòng cấm đầy bất ngờ. Không dưới 2 lần tuyển thủ quốc gia Pháp có cơ hội đánh đầu trong vòng cấm Dortmund. Không biết bạn có thấy kịch bản này quen thuộc không? Ở trận chung kết UEFA Champions League mùa trước, chính Coman là người đã đánh đầu tung lưới PSG, mang về cho cá nhân anh danh hiệu MVP của trận đấu.
Muller như thường lệ vẫn là Raumdeuter, nơi nào cần anh đến lấp khoảng trống và tạo đường tấn công, nơi đó sẽ có anh. Gnabry là người ít thay đổi vị trí nhất trong bộ tứ, nhưng không hề có chuyện anh bám biên thuần. Trong các tình huống phản công, cựu cầu thủ Arsenal rất hay bó vào trong, vị trí mà đáng ra thuộc về Lewandowski.
Quả đá phạt thành bàn của Alaba chính xuất phát từ việc Gnabry bị phạm lỗi khi đang sút bóng trước vòng cấm. Trong trận, anh còn một cú sút khác khiến Burki phải vất vả cản phá cũng ở vị trí tương tự.
Sau tất cả, xuất sắc nhất vẫn sẽ là Robert Lewandowski. Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu mùa trước tiếp tục khiến tất cả phải trầm trồ với khả năng di chuyển, kỹ thuật 5 sao và tài làm bàn thượng hạng.
Mình có ấn tượng đặc biệt với một pha phản công, Lewy nhận bóng ở giữa sân, cách cầu môn khoảng 35 mét. Thay vì trả bóng cho một đồng đội rồi di chuyển đến vị trí nguy hiểm để nhận bóng, chân sút này lại tung ra một đường chọc khe chuẩn xác đến từng milimet vào vòng cấm cho Coman băng lên dứt điểm bên cánh phải. Lẽ thường, tác giả của một đường chọc khe như thế phải là một playmaker thượng thừa cỡ như Mesut Ozil hay Kevin De Bruyne, thay vì một chân sút chuyên phá lưới như Lewandowski.
Và đừng quên cũng chính Lewy là người kiến tạo cho Leroy Sane lập công. Cầu thủ mang áo số 10 cũng chứng tỏ sự đa năng trong tất cả các vai trò tấn công của mình. Chạy cánh, kiến tạo, di chuyển hút người, tự mình,... tất cả đều được cựu cầu thủ Schalke thực hiện ngọt sắc, xứng đáng với danh hiệu ''siêu dự bị'' (super-sub) mà trang chủ Bayern dành cho anh.
Cú sút thành bàn đáng 10 điểm của Leroy Sane.
Ở tuyến giữa, Leon Goretzka, Kimmich (trong khoảng 37 phút có mặt trên sân) và Tolisso cũng đóng vai trò nhất định trên mặt trận tấn công ở khâu cầm giữ và tịnh tiến bóng. Tuy nhiên, như đã nói, việc Dortmund đá bóng dài, hạn chế triển khai bóng qua giữa sân khiến các tiền vệ của Bayern - vốn mạnh nhất trong việc gây sức ép, thu hồi bóng ở giữa sân - bị thu hẹp về mặt vai trò. 
Điều này càng làm nổi bật sự hiệu quả của các cây săn bàn từ Munich: các tiền vệ cầm ít bóng hơn, nhưng 4 tiền đạo của Bayern không vì thế mà loay hoay khó xử, trái lại sẵn sàng tự đảm đương mọi nhiệm vụ như triển khai bóng, kiến tạo hướng về cầu môn đối phương. Dám khẳng định trên thế giới hiện tại, rất hiếm hàng công có những khả năng tương tự.
Nói thêm một chút về cách tấn công của Bayern, với thế trận cửa trên, họ vẫn luôn tịnh tiến bóng từ khung gỗ, qua hàng hậu vệ, lên giữa sân rồi hướng về phía vòng cấm đối diện. Trong một hệ thống vận hành như thế, ngay cả các cầu thủ yếu nhất là Boateng và Sarr, hay mới vào thay người như Tolisso đều không hề bỡ ngỡ, lung túng. Họ dễ dàng tham gia vào các pha phối hợp, bắt nhịp cực tốt bằng những nỗ lực di chuyển có ý đồ không ngừng nghỉ.
Về khía cạnh này, tân binh Bouna Sarr hoàn toàn khác hẳn so với khi phòng ngự. Tự tin cầm bóng, chuyền ngắn - chạy chỗ, anh gợi nhắc chúng ta đến sự hòa nhập thần tốc của Alphonso Davies năm ngoái. Tất nhiên, đẳng cấp hiện tại của Sarr chưa thể so sánh với ngôi sao người Canada, nhưng những tín hiệu ban đầu này vẫn hứa hẹn nhiều điều tích cực phía trước.
Các cầu thủ trên sân có thể tỏa sáng nhờ công sức không nhỏ của Hansi Flick. 
Đó chính là sự khác biệt của Bayern Munich dưới bàn tay Hansi Flick. Cựu HLV Hofenheim có những ngôi sao luôn biết phải làm gì trên sân, nhưng không để mặc cho họ lúc thì thăng hoa tới tận mây xanh, khi lại tấu hài cỡ rạp xiếc trung ương như những gì đang diễn ra tại Man United. Thay vào đó, ông thiết lập một hệ thống hoàn hảo, chính xác đến từng chi tiết như một cỗ máy công nghiệp Đức khét tiếng. Mỗi ngôi sao là một mắt xích, nhưng họ không vận hành nó theo một cách máy móc, trái lại là dung toàn bộ điểm mạnh của mình một cách phù hợp để cỗ máy chạy thật tuyệt hảo. 
So sánh thêm một chút, đấy cũng là cái hơn của Flick so với đồng nghiệp Zidane. Cả 2 cùng sở hữu dàn sao khủng, nhưng một người biết đặt dấu ấn của mình một cách rõ nét lên cách dàn sao ấy vận hành, một người thì đang ngày càng bất lực.
Công thần sầu, thủ oai vệ. Chơi bóng như thế này, Bayern Munich rất khó bị đánh bại, thậm chí, họ còn khó có thể chơi ở thế cửa dưới dù đối phương có là ai.
Vĩ thanh
Vậy là ở cả 2 đầu sân, từ Neuer trong khung gỗ (và ngoài vòng cấm) cho đến Lewandowski cùng 3 vệ tinh, Bayern đều đảm bảo được sự chính xác đủ giúp họ chiến thắng. Dortmund - với chiến pháp hiệu quả của Lucien Favre - đã thành công trong việc hạn chế tuyến giữa của Munich cũng như khai thác rất chính xác điểm yếu nơi bộ đôi Sarr – Boateng, song như thế vẫn là chưa đủ.
Giải pháp bóng dài của Dortmund bị Neuer với khả năng đọc tình huống - chọn vị trí – ra vào quá siêu đẳng khống chế phần nhiều. Hàng thủ Dortmund nửa năm trước mong manh vì hở cánh, cộng thêm sự chậm chạp của bộ 3 Hummels – Akanji – Piszczek nay vẫn không thể nhanh nhẹn hoặc tinh quái hơn để bắt bài các tiền đạo áo đỏ. Dẫu cho Bayern có những bất lợi, thắng lợi nghiêng về phía ‘’nhà vua’’ vẫn là vô cùng xứng đáng.
Trận Der Klassiker thứ 128 trong lịch sử (thật ra cái tên này mới xuất hiện từ năm 2013, khi Bayern và Dortmund gặp nhau ở trận chung kết UEFA Champions League) đã kết thúc với kết quả không bất ngờ, và những gì nó mở ra có lẽ cũng khó lòng khác biệt. Dortmund - và các đối thủ khác - có thể nhen lên hy vọng đánh bại Bayern (một Bayern ở điều kiện tương-đối-bình-thường, không phải là tập thể cạn pin khi bị Hoffenheim đánh bại 4-1 ở vòng 2) khi chứng kiến đấu pháp của Lucien Favre đã phát huy hiệu quả trên thực địa.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng chiến thắng vẫn thuộc về Bayern, ngay cả khi nhiều ngôi sao này không góp mặt. Mùa đông tới đây, Bayern hoàn toàn có thể sẽ bổ sung một trung vệ đẳng cấp thay thế Jerome Boateng đã sa sút và Alaba chuẩn bị ra đi. Sang đến giai đoạn lượt về, các ngôi sao đang chấn thương như Alphons Davies sẽ trở lại, trả cho Bayern sức mạnh hủy diệt như vốn có. Đến lúc ấy thì hy vọng lật đổ Hùm Xám khỏi ngai vàng nước Đức sẽ thật mong manh, đấy là nếu nó có tồn tại,…
Tựu trung lại, vẫn phải khẳng định rằng trận cầu Dortmund – Bayern ở vòng 7 Bundesliga 2020/21 là một trận đấu thực sự chất lượng, hoàn toàn đáng xem ngay cả khi bạn là fan trung lập phải hy sinh giấc ngủ. Thôi thì tạm bỏ qua những lo lắng về sự thống trị của Bayern ở đấu trường quốc nội, ta hãy cảm ơn Chúa vì vẫn còn có những trận bóng đỉnh cao như thế này để theo dõi, khi mà thế giới vốn đã có quả đủ vấn đề đau đầu.