Trần Thị Trinh
K61CLC, Khoa Luật – ĐHQGHN
Tiếp diễn những diễn biến căng thẳng của chiến trang lạnh giữa Mỹ và Liên Bang Xô Viết bằng những cuộc đàm phán vì hòa bình giữa hai bên. Một phần vì không muốn mất đi vị trí cường quốc có tiếng nói trên thế giới trước sự trỗi dậy của các nước trẻ như Trung Quốc, Ấn Độ,… về cả kinh tế cũng như khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Một phần vì muốn hạn chế vũ khí chiến lược, giảm khả năng xảy ra chiến tranh nóng đe dọa đến cả hai bên và sự tồn vong của loài người.
Hai bên đã bắt tay ký kết các hiệp ước “Hiệp ước về hệ thống phòng, chống tên lửa” (gọi tắt là ABM), “Hiệp định tạm thời về một số biện  pháp trong lĩnh vực hạn chế vũ khí tấn công chiến lược” (gọi tắt là SALT-1), “Những nguyên tắc cơ bản về việc hạn chế hơn nữa vũ khí chiến lược tấn công” (21/6/1973) , “Thoả thuận Vladivostok” (24/11/1974),… nhằm tạo điều kiện cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh đã kéo dài.
Từ đó lịch sử phát triển của thế giới bước sang trang mới với sự xuất hiện của các hình thái kinh tế mới trong Cách mạng 4.0 (Industrie 4.0), đặt ra các thách thức trong chính sách quản lý cũng như ngoại giao của mỗi nước.
1. Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
Từ đầu thập kỉ 70, dù còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng xu hướng hoà hoãn đã xuất hiện với những cuộc thương lượng Xô – Mỹ. Ngày 9/11/1972, hai nước Đức đã kí Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức tại Bon. Cùng năm, Liên Xô và Mỹ kí Hiệp ước về hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM) và Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (SALT – 1). Từ đầu thập kỷ 17, Liên Xô và Mỹ tiến hành nhiều cuộc gặp cấp cao thỏa thuận về thủ tiêu tên lửa tầm trung ở châu Âu, cắt giảm vũ khí chiến lược và hạn chế chạy đua vũ trang giữa hai nước. Tháng 12/1989, Mỹ và Liên Xô chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.
Đầu thập kỷ 90, chế độ XHCN tan rã ở các nước Đông Âu và Liên Xô, từ sau năm 1991, tình hình thế giới phát triển theo các xu thế sau:
  • 1. Trật tự thế giới hai cực sụp đổ và hình thành xu hướng đa cực như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc.
  • 2. Sau chiến tranh lạnh, các nước tập trung phát triển kinh tế để xây dựng sức mạnh quốc gia.
  • 3. Sự tan rã của Liên Xô tạo cho Mỹ lợi thế tạm thời.
Không còn đứng trước nguy cơ chiến tranh vũ trang thường trực và dưới các hoạt động nhằm giữ gìn hòa bình và ngăn chặn chiến tranh thế giới  mới của liên hợp quốc, có thể nói các nước trên thế giới dần tập trung vào phát triển kinh tế để nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia trong mối quan hệ quốc tế.
Theo dòng chảy lịch sử, nhân loại tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Description: <a target=

Những yếu tố tạo thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.[1]
Những lợi ích mang lại: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm…; sự phát triển của công nghệ thông tin hướng cong người đến một thế giới kết nối toàn diện, một thế giới “phẳng”.
Tuy nhiên cũng như ba cuộc cách mạng đã diễn ra, máy móc, công nghệ xuất hiện thay thế sức lao động của con người. Sự xuất hiện của robot đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. Trong tương lai, người dân có thể mất việc làm, bởi những lĩnh vực mà công nghệ robot có thể tác động tới trải dài từ dệt may, dịch vụ, giải trí cho đến y tế, giao thông, giáo dục…
Cùng với đó là những vấn đề về nguy cơ bảo mật ngày càng tăng cao. Cách đây 7 năm, mã độc khét tiếng Stuxnet đã cho cả thế giới thấy những nguy cơ có thể xảy ra trong một thế giới kết nối. Một chương trình gián điệp, được cho là Mỹ hậu thuẫn, đã thâm nhập vào nhà máy hạt nhân Natanz của Iran với nhiệm vụ ghi lại thiết kế của hệ thống chịu trách nhiệm kiểm soát máy ly tâm tinh chế uranium nằm sâu dưới lòng đất. Sau khi có sơ đồ chi tiết, hacker tung ra virus tinh xảo để điều khiển hệ thống bị lây nhiễm từ xa. Virus đó đã không bị lộ cho đến khi một lỗi lập trình xảy ra khiến nó lọt ra ngoài cơ sở Natanz vào năm 2010, lây lan trên diện rộng trên Internet và trở nên nổi tiếng với tên gọi Stuxnet. Uớc tính Stuxnet và một phiên bản virus khác là Duqu đã loại bỏ khoảng 1.000 trong số 5.000 máy ly tâm ở Natanz bằng cách kích hoạt và quay chúng ở tốc độ cực cao dẫn đến hỏng hóc.
Một trường hợp khác vào cuối tháng 12/2015, chính phủ Ukraine cho biết tình trạng mất điện liên tục tại quốc gia này có thể là do hacker can thiệp vào hệ thống quản lý điện lưới, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. 
Hay Trong bộ phim Fast & Furious 8  được công chiếu trên toàn thế giới, nhân vật hacker phản diện đã khai thác lỗ hổng phần mềm trang bị trên hàng nghìn xe hơi ở New York (Mỹ) để biến chúng thành “xe ma”, bị điều khiển từ xa gây nên cảnh hỗn loạn trên đường phố mà các chủ xe không thể can thiệp. Giới bảo mật nhận định, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra khi xe không người lái trở nên phổ biến và chạy chung một nền tảng, tương tự Android và iOS trên smartphone hiện nay.[2]
Dù phải đối mặt với các nguy cơ trên nhưng cơ hội phát triển kinh tế sẽ còn lớn hơn cho những quốc gia nhận thức sớm được xu hướng chuyển đổi. Khi đó, việc đào tạo đúng hướng về hành vi nghề nghiệp sẽ mang lại sự chiếm lĩnh cơ hội sớm. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia trong cuộc chạy đua nâng tầm vị thế trên thế giới.
2. Sự trỗi dậy của nền kinh tế áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư:
Theo thống kê của Fortune công bố xếp hạng các công ty hàng đầu thế giới theo doanh thu. Kết quả cho thấy, 43 trong số 100 công ty đứng đầu danh sách hiện nay không có mặt trong 10 năm trước. Những công ty mới nổi như Amazon hay Huawei được mong đợi trong khi các công ty khác như Microsoft hay Apple đáng ngạc nhiên hơn. Trong năm 2008, Apple xếp hạng 337 về doanh thu toàn cầu, và năm 2018 họ đứng ở vị trí thứ 11.[3]

Biểu mẫu bên trái là năm 2008; bên phải là năm 2018[4]
Một số cái tên điển hình nổi tiếng với nền tảng công nghệ trên thế giới kể đến là: Apple, Amazon, Facebook, Microsoft, Twitter,…
Các công ty công nghệ lớn với doanh thu hàng năm cao và ổn định đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của quốc gia nước đó. Điển hình như những quốc gia đi đầu về kinh tế và có tầm ảnh hưởng đến thế giới để dở hữu cho mình những tập đoàn, công ty chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin lớn: Apple, IBM, Microsoft, Intel, Oracle, Dell – Mỹ; Samsung – Hàn Quốc; Panasonic, Toshiba, Sony – Nhật Bản,…
Không chỉ là sự tăng trưởng của những công ty công nghệ đơn thuần đem lại kinh tế cho đất nước mà sự hiện diện của công nghệ còn lan tỏa sâu rộng đối với các lĩnh vực khác như: Trong lĩnh vực Thương mại, dịch vụ, giải trí, robot cũng đã hiện diện ở những vị trí công việc vốn được cho rằng không thể thay thế con người như lễ tân khách sạn, cơ quan, nhà hàng, trung tâm call center…; Trong lĩnh vực Giáo dục, công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học;… tuy nhiên đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì đón đầu được kỹ thuật công nghệ là chìa khóa để làm nên thành công. Mỗi quốc gia đều đề ra các phương hướng, chính sách để phát triển trong cuộc cách mạng này.
Có thể nói đến trường hợp Trung Quốc, nước này đã phát triển bùng nổ trong thập kỷ qua, với công nghệ cũng thay đổi chóng mặt để bắt kịp với các nước phát triển hàng đầu thế giới. Trong đó, với mảng hạ tầng vật lý cho cách mạn công nghiệp 4.0, Trung Quốc thậm chí còn đang đi trước ở một số khía cạnh như hạ tầng băng thông tốc độ cao 5G. Kế hoạch siêu tham vọng “Made in China 2025” của Trung Quốc với mục tiêu xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược vốn là độc quyền của các công ty phương Tây đã trở thành mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ.
Thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia sẽ giúp một nước trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế có cơ hội tiếp thu công nghệ và bí quyết quản lý kinh doanh mà các công ty đa quốc gia đã tích lũy và phát triển qua nhiều năm và bằng những khoản chi phí lớn, đây là một hướng đi cho các nước đang phát triển để học hỏi và nâng cao công nghệ. Không phải FDI chỉ đi theo hướng từ nước phát triển hơn sang nước kém phát triển hơn. Chiều ngược lại thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. Đơn cử Nhật Bản là nước tích cực đầu tư trực tiếp vào Mỹ để khai thác đội ngũ chuyên gia ở Mỹ. Ví dụ, các công ty ô tô của Nhật Bản đã mở các bộ phận thiết kế xe ở Mỹ để sử dụng các chuyên gia người Mỹ. Các công ty máy tính của Nhật Bản cũng vậy. Không chỉ Nhật Bản đầu tư vào Mỹ, các nước công nghiệp khác cũng có chính sách tương tự. Trung Quốc gần đây đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong đó có đầu tư vào Mỹ. Việc công ty đa quốc gia quốc tịch Trung Quốc là Lenovo mua bộ phận sản xuất máy tính xách tay của công ty đa quốc gia mang quốc tịch Mỹ là IBM được xem là một chiến lược để Lenovo tiếp cận công nghệ sản xuất máy tính ưu việt của IBM. Hay việc TLC (Trung Quốc) trong sáp nhập với Thompson (Pháp) thành TCL-Thompson Electronics, việc National Offshore Oil Corporation (Trung Quốc) trong ngành khai thác dầu lửa mua lại Unocal (Mỹ) cũng với chiến lược như vậy.
3. Xung đột mâu thuẫn kinh tế và sự can thiệp của chính phủ:
Tuy nhiên, không phải cuộc bắt tay nào cũng diễn ra êm đềm. Thực tế cho thấy rằng các thương vụ hợp tác làm ăn kinh tế có thể dẫn đến sự đổ vỡ trong ngoại giao giữa các quốc gia. Con đường tiếp thu công nghệ để nắm được chìa khóa thành công trong phát triển kinh tế không chỉ diễn ra công khai theo mối quan hệ win-win mà góc khuất để tăng hiệu quả đôi khi còn là cả một chiến lược dưới sự hậu thuẫn của nhà nước đi ngược lại luật chơi đã thỏa thuận giữa hai bên.
Điển hình có thể kể đến sự kiện ngày 20/12/2018 Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng hình sự đối với hai hacker bị cáo buộc liên quan đến chính phủ Trung Quốc Zhu Hua và Zhang Shilong. Hai bị cáo này được cho là hoạt động theo chỉ thị của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc (MSS), bị buộc tội âm mưu tấn công vào hơn 10 công ty và cơ quan chính phủ ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới.
Description: Mỹ tố Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghệ của hơn 10 nước cho Made in China 2025  - Ảnh 1.

Trung Quốc bị tố ăn cắp bí mật thương mại và công nghệ cho ‘Made in China 2025’. (Ảnh: SCMP)
Theo cáo trạng trình lên tòa án liên bang quận phía Nam New York, một nhóm tin tặc có tên APT10 (Advanced Persistent Threat 10) đã thực hiện các chiến dịch xâm nhập toàn cầu vào hệ thống máy tính ít nhất là từ năm 2006.
Bản cáo trạng cho biết các bị cáo đã đánh cắp dữ liệu từ các công ty ở Mỹ, Brazil, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Anh. Trong khi bản cáo trạng không xác định các công ty cụ thể, các tin tặc được cho là đã xâm phạm mạng lưới của Hewlett Packard Enterprise và IBM, sau đó sử dụng quyền truy cập để hack vào máy tính của khách hàng của những công ty này.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cáo buộc nhân viên nhà nước Trung Quốc ăn cắp thông tin thương mại. Kể từ khi truy tố 5 thành viên quân đội Trung Quốc về tội hack máy tính năm 2014, Mỹ đã nhiều lần khiến Trung Quốc được chú ý do các hoạt động nhắm vào các tập đoàn Mỹ. 
Theo Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Ros Rosstein: “Hơn 90% các cáo buộc phản gián trong 7 năm qua liên quan đến Trung Quốc,. Bên cạnh đó, hơn hai phần ba số vụ liên quan đến trộm cắp bí mật thương mại có kết nối với Trung Quốc.” Rod Rosenstein nói rằng mục tiêu của chiến dịch tin tặc là “thống trị sản xuất trong các ngành công nghiệp chiến lược quan trọng bằng cách ăn cắp ý tưởng từ các quốc gia khác”, và cho biết ngành công nghiệp bị tin tặc nhắm đến tương ứng với những ngành trong lộ trình “Made in China 2025” của Bắc Kinh – con đường để trở thành một siêu cường công nghiệp toàn cầu.
“Khi làm như vậy, Bắc Kinh đã vi phạm cam kết đưa ra năm 2015 khi đồng ý ngừng ăn cắp bí mật thương mại thông qua hack máy tính” Rosenstein nói.
Trong một tuyên bố chung ngày 20/12/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen cho biết hành động của Trung Quốc nhắm vào sở hữu trí tuệ và thông tin kinh doanh nhạy cảm, tạo ra mối đe dọa thực sự đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của các công ty ở Mỹ và thế giới: “Chúng tôi rất mong muốn Trung Quốc tuân thủ cam kết hành động có trách nhiệm trong không gian mạng và nhắc lại rằng Mỹ sẽ có biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích của mình.”[5]
Cùng với Mỹ, Australia và New Zealand, Anh cũng tham gia lên án Bắc Kinh. Các quan chức của các nước tố cáo các cuộc tấn công mạng và kêu gọi Trung Quốc tạm dừng chiến dịch hack toàn cầu.
Tuy nhiên Mark Wu, một giáo sư tại Trường Luật Harvard, người nghiên cứu các vấn đề thương mại quốc tế, cho rằng những lên án chưa đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc. “Mặc dù một số đồng minh cùng với Mỹ tố cáo tội phạm mạng Trung Quốc, nhưng hành động quan trọng hơn lời nói khi áp dụng áp lực” – ông Wu nhận định. “Vẫn còn phải xem các cáo buộc mới này sẽ thúc đẩy các nước khác tiến tới một đường lối cứng rắn hơn chống lại tội phạm kinh tế Trung Quốc như thế nào.” Lời nhận định của chuyên gia nghiên cứu dường như đã dự đoán trước được những hành động cứng rắn trong tương lai đến từ các nước liên quan.
 Tình báo Trung Quốc dùng để đánh cắp công nghệ của Mỹ không chỉ dựa trên các con đường truyền thống mà còn là phi truyền thống. Các con đường khác như: Lôi kéo doanh nghiệp liên doanh chuyển giao công nghệ; Mua lại các công ty Mỹ để có được công nghệ là hai trong nhiều cách thu thập thông tin tình báo phi truyền thống mà Trung Quốc thực hiện.
3.1.Lôi kéo doanh nghiệp liên doanh chuyển giao công nghệ: Doanh nghiệp liên doanh về mặt lý thuyết là quan hệ đối tác: hai công ty làm việc cùng nhau để học hỏi các phương pháp hay nhất của nhau. Nhưng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc, quan hệ đối tác này sẽ trở nên mờ nhạt.
Trong một thời gian dài, nhiều công ty quốc tế đã phàn nàn rằng Chính phủ Trung Quốc yêu cầu họ trao các bí mật thương mại để đổi lấy việc tiếp cận thị trường ở Trung Quốc. Trong một số ngành, Chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép các công ty nước ngoài hoạt động thông qua liên doanh, trong đó phía Trung Quốc phải chiếm đa số để chi phối được tình hình.
Một báo cáo khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Quốc gia Mỹ (NEBR) tiết lộ, công ty Trung Quốc lợi dụng vào mối quan hệ liên doanh để thu được kiến thức kinh doanh phong phú từ các công ty hạt giống nước ngoài, sau đó cho sản xuất sản phẩm tương tự và cạnh tranh với công ty nước ngoài.
Đã có hàng loạt công ty nước ngoài cáo buộc rằng cách liên doanh này chẳng khác nào họ tự huấn luyện cho các đối thủ cạnh tranh với họ trong tương lai. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Thương mại Mỹ – Trung, gần 20% công ty Mỹ ở Trung Quốc cho biết trong quá trình đàm phán với phía Trung Quốc, họ bị yêu cầu chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc. Thomas Holmes, tác giả báo cáo NEBR chia sẻ với kênh Tài chính Yahoo rằng, để theo dõi những trường hợp này rất khó vì các công ty nước ngoài phải giữ im lặng do đã có những thỏa thuận hợp tác với phía Trung Quốc để được tham gia vào thị trường Trung Quốc. Holmes trích dẫn một trường hợp liên quan đến công ty Đức Siemens (SIE.DE), đây cũng là một trong những trường hợp mà Chính phủ Trung Quốc lợi dụng việc liên doanh để lấy cắp thông tin. [6]
3.2. Mua lại các công ty Mỹ: Trong một số trường hợp, Chính phủ Trung Quốc đã công khai chọn mua các công ty nước ngoài để có được các công nghệ quan trọng, thiết bị và nhân viên chủ chốt. Tuy nhiên, nhiều vụ mua lại cuối cùng lại phải qua xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS).
Sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, CFIUS đã tăng cường công tác đánh giá các vụ mua lại của Trung Quốc và từ chối nhiều vụ mua lại trên cơ sở an ninh quốc gia. “Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ 2019” (NDAA) mà Tổng thống Trump ký có hiệu lực vào ngày 13/08/2018 khiến nhiệm vụ của CFIUS được mở rộng, tổ chức này có trách nhiệm đánh giá các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài hoạt động mua bán cổ phiếu và thu mua công ty tại Mỹ, nhằm đảm bảo các giao dịch không gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ. Vào tháng Hai năm nay, Mỹ đã từ chối quỹ đầu tư bán dẫn Hâm Viêm Hồ Bắc (Hubei Xinyan Equity Investment Partnership) của Trung Quốc mua lại công ty Mỹ Xcerra. Mặc dù Xcerra chỉ sản xuất thiết bị kiểm tra chip chứ không phải chính con chip, nhưng thiết bị của Xcerra được các nhà sản xuất chip sử dụng, những doanh nghiệp sản xuất con chip là một phần chuỗi cung ứng của chính phủ và quân đội Mỹ, và do đó CFIUS không thể thông qua thương vụ.[7]
Các hành vi trên của Trung Quốc theo như Mỹ cáo buộc cùng với các sự kiện xảy ra như:
  • Chính sách bảo hộ mậu dịch với mục tiêu “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” cùng với việc ông Trump rút khỏi hoặc yêu cầu đàm phán lại một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Mỹ đã ký kết hoặc đang thực thi.
  • Tình trạng vi phạm bản quyền công nghệ nghiêm trọng ở Trung Quốc do khả năng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ yếu kém của hệ thống pháp luật Trung Quốc
  • Các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc khi không trao cho công ty nước ngoài quyền tiếp cận thị trường nước này một cách tương xứng.
Tất cả những hành vi cản trở thương mại của Trung Quốc đối với các công ty liên doanh công nghệ Mỹ đầu tư vào thị trường Trung Quốc thể hiện tham vọng trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới với chương trình “Made in China 2025” để tạo động lực phát triển ngành công nghệ trọng yếu trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ internet 5G.
Từ những bất đồng về kinh tế, xung đột về lợi ích và những thay đổi trong chính sách ngoại giao giữa hai nước đã dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia thay cho cuộc chiến vũ trang thường diễn ra ở thế kỷ trước.
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 6/7/2018, chính quyền Mỹ đã chính thức tuyên bố áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới 34 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao như người máy, công nghệ thông tin (chip bán dẫn, ổ đĩa máy tính), hàng không vũ trụ, máy in, mô tô… Ngay sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế 25% đối với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ (chủ yếu là các mặt hàng nông sản như đậu tương, cao lương, thịt bò, bông, hải sản…) với tổng giá trị 34 tỷ USD.
Đáp trả lại cùng ngày, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với 545 mặt hàng Mỹ, trên 90% trong số đó là nông sản. Động thái này khiến Đảng Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump gặp rắc rối chính trị tại các bang nông nghiệp Mỹ, những nơi đã giúp ông Trump thắng cử năm 2016 và hiện đang đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 (bầu lại một số ghế thượng nghị sỹ, hạ nghị sỹ và thống đốc bang ở Mỹ). [8]
Trong cuộc chiến này, nhiều bên sẽ tự hỏi cơ quan nào có thẩm quyền đứng ra để hòa giải hay là xét xử tranh chấp thương mại giữa hai bên. Thực tế ngay sau khi Mỹ áp mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm nhập khẩu ngày 23/3/2018, Trung Quốc đã đệ đơn kiện Mỹ tại WTO với cáo buộc Mỹ đã thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại dưới vỏ bọc an ninh quốc gia, vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử và cam kết giảm thuế theo quy định của WTO. Ngày 6/7/2018, ngay sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, Trung Quốc cũng đệ đơn kiện Mỹ lên WTO.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO khó có tác dụng thực sự do các lý do sau: Là nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự ra đời và tồn tại của WTO. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump từng đe dọa rút Mỹ khỏi WTO, thậm chí chỉ thị soạn thảo dự luật để kích hoạt quá trình này. Việc Mỹ rút khỏi WTO sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn cho tổ chức này. WTO là nơi 164 nền kinh tế trên thế giới thỏa thuận về việc thực thi các cam kết hội nhập và giải quyết bất đồng, song tổ chức này hiện đang bất lực trong cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc.[9] Lúc này đây, chỉ có luật chơi thống nhất được giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ mới có thể điều chỉnh được xung đột lợi ích giữa hai quốc gia.
Trong một nghiên cứu mới đây, Bloomberg Economics ước tính rằng 1% trong hoạt động kinh tế toàn cầu được quyết định bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Trung Quốc. Khoảng 4% sản lượng hàng hóa của Trung Quốc được xuất khẩu sang Mỹ, và bất kỳ tác động tiêu cực nào đối với các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng lan rộng khắp các chuỗi cung ứng trong khu vực, đe dọa đến những nền kinh tế như Đài Loan và Hàn Quốc.[10]
Cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ – Trung đang đe dọa đảo ngược sự hồi phục được kỳ vọng của nền kinh tế toàn cầu, thậm chí có thể chấm dứt chuỗi thời gian tăng trưởng đã kéo dài 1 thập kỷ qua nếu xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.. Mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ trên lĩnh vực kinh tế là ví dụ điển hình cho các mối quan hệ ngoại giao kinh tế song phương, đa phương giữa các nước trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra và xuất hiện các hình thái kinh tế mới.
Có thể thấy rằng theo dòng chảy lịch sử, nền kinh tế phát triển theo đồ thị hình sin sựa trên những phát minh vĩ đại của loài người qua từng cuộc cách mạng công nghiệp khác nhau. Chu kỳ của nền kinh tế trong từng cuộc cách mạng có thể gói gọn ở 5 giai đoạn: Hình thành, phát triển, bành trướng, mâu thuẫn, xung đột, kết thúc. Ở thời kỳ này, có thể nói chúng ta đang bước vào giai đoạn mâu thuẫn tiền xung đột. Nếu mâu thuẫn kinh tế không được giải quyết bằng những chính sách hòa bình giữa các quốc gia thì thế giới không thể tránh khỏi cảnh xung đột dưới cách hình thái chiến tranh khác nhau để giải quyết mâu thuẫn, có thể là manh nha cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba mà con người không hề mong đợi. Muốn biết ra sao chúng ta còn phải chờ xem động thái của các “ông lớn” đối với chính sách ngoại giao của mình như thế nào, cũng như là sự tác động của các quốc gia liên quan đối với mâu thuẫn trên bàn đàm phán ra sao, để ghi nhận lại câu trả lời xác đáng nhất cho dòng chảy lịch sử phát triển kinh tế, chính trị của loài người.

[1] Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch MISA, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, https://vnexpress.net/projects/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-la-gi-3571618/index.html
[2] Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch MISA, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, https://vnexpress.net/projects/cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu-la-gi-3571618/index.html
[3] 100 công ty lớn nhất thế giới thay đổi trong 10 năm qua ra sao, https://vietnambiz.vn/infographic-100-cong-ty-lon-nhat-the-gioi-thay-doi-trong-10-nam-qua-ra-sao-108100.htm
[4] 100 công ty lớn nhất thế giới thay đổi trong 10 năm qua ra sao, https://vietnambiz.vn/infographic-100-cong-ty-lon-nhat-the-gioi-thay-doi-trong-10-nam-qua-ra-sao-108100.html
[5] Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), CIA Factbook (Sách dữ kiện thế giới của CIA). (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/);
[6] Những thủ đoạn TQ đánh cắp công nghệ và thông tin cơ mật của Mỹ, https://trithucvn.net/trung-quoc/nhung-thu-doan-tq-danh-cap-cong-nghe-va-thong-tin-co-mat-cua-my.html
[7] Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), CIA Factbook (Sách dữ kiện thế giới của CIA). (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/)
[8] S. Rossman, “What is a Trade War? And Why is Trump Targeting China?” (Chiến tranh thương mại là gì? Vì sao Trump nhắm vào Trung Quốc?). USA Today,  6/4/2018, (https://www.usatoday.com/story/money/nation-now/2018/04/06/trade-war-trump-us-china-tariffs/492616002/);
[9] B.W. Setser, “US-China Trade War: How We Got Here?” (Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Chúng ta đã tiến đến đó như thế nào?), Hội đồng Quan hệ đối ngoại (https://www.cfr.org/blog/us-china-trade-war-how-we-got-here);
[10] Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đe dọa kinh tế toàn cầu như thế nào?, http://vneconomy.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-trung-dang-de-doa-kinh-te-toan-cau-nhu-the-nao-20190516101134023.htm
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:




-----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội