Trần Thị Trinh
K61CLC, Khoa Luật – ĐHQGHN
“Thắng làm vua, thua làm giặc” Vua là danh xưng chỉ người tạo ra luật lệ cho một vùng đất được công nhận lãnh thổ và các quyền lợi của một quốc gia. “Thắng” ở đây là trong từng loại cuộc chiến khác nhau qua từng giai đoạn lịch sử phát triển của loài người. Nhưng nhìn chung lại nhân tố quyết định cao nhất cũng như có vai trò then chốt trong giai đoạn phát động cuộc chiến tranh chính là yếu tố kinh tế. Nói rộng ra là mức độ giàu có về của cải chiếm giữ của con người là tác nhân dẫn đến mâu thuẫn và xung đột lẫ nhau để giải quyết mâu thuẫn. Như thế thì kinh tế tác động như thế nào đến việc hình thành các quy tắc ứng xử giữa các chủ thể trong cộng đồng hay tương quan giữa cộng đồng với nhau? Bài viết cung cấp cái nhìn khách quan của tác giả theo chiều dọc lịch sử của nền kinh tế thế giới đặt dưới góc nhìn của luật học.
Từ lịch sử xa xưa của nhân loại, xuất phát từ mục đích nâng cao hiệu quả tích trữ thành quả sản xuất và nâng cao hiệu suất săn bắn cũng như hái lượm mà con người dần xích lại gần nhau hình thành lên những bộ tộc, thị lạc. Từ đó xuất hiện thủ lĩnh, người đứng đầu. Hình thái manh nha của nhà nước thông qua việc cầm quyền.
Sự bão hòa về số lượng cộng đồng dân cư trên cùng một lãnh thổ địa lý dẫn đến sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến cạnh tranh giữa các cộng đồng. Lẽ tất nhiên mạnh thắng yếu thua. Mạnh ở đây sơ khai là về con người, của cải vật chất, thời kỳ đó sức mạnh cơ bắp chính là của cải lớn nhất để quyết định thắng thua. Thắng thì được đất đai, con người lại càng củng cố sức mạnh của kẻ thắng trận, bành trướng để đàn áp, xâm chiếm của cải, đất đai của những kẻ thua trận. Các hình thức kinh tế thời điểm đó dừng lại ở phạm vi nhỏ với từng cộng đồng, dân cư tách biệt. Chưa có điểm nổi bật ngoài những phát minh nhằm mục đích chính để phục vụ nhu cầu cơ bản của con người là ăn, ở (phát minh ra lửa để chuyển từ ăn sống sang nấu chín thực phẩm”.
Theo dòng thời gian phát triển, dần dần bước qua các cuộc cách mạng lớn về kinh tế với cuộc cách mạng 1.0 (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19) với việc cơ giới hóa đưa sức mạnh máy móc vào sản xuất, năng suất lao dộng tăng gấp 40 lần so với lao động tương đương bằng chân tay. Cuộc cách mạng 2.0(cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) với dây chuyền sản xuất hàng loạt – áp dụng nguyên lý quản trị của F.W.Taylor nhằm nâng cao hơn nữa hiệu suất lao động tạo ra sản phẩm, tăng giá trị sản xuất kinh tế lên con số hàng nghìn lần. Giai đoạn cách mạng công nghiệp 3.0 (cuối thế kỷ 20) với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, tạo nên một thế giới kết nối. Hiệu suất lao động dần được đánh giá dựa trên sức mạnh của máy móc và mạng lưới truyền tải thông tin. Năng suất lao động tạo ra sản phẩm đã tăng lên hàng bội số theo cấp số nhân. Giai đoạn hiện tại khái niệm công nghiệp 4.0 (Đầu thế kỷ 21) đã dược lan rộng và phổ biến trên thế giới, được nhiều quốc gia thừa nhận trong đó có Việt Nam. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Từng hành động, thông tin, biểu cảm của con người trong thế giới thực đều có thể mã hóa thành dữ liệu để lưu trữ và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Nhân tố con người cũng là nhân tố chủ chốt tạo nên mọi thứ mà con người nhận diện được và sử dụng cho mục đích của chính con người. Nắm được yếu tố con người càng rõ thì năng suất lao động được tạo ra càng tăng, thời điểm này năng suất lao động có thể lên đến hàng lũy thừa.
Đi theo dòng chảy của các cuộc cách mạng công nghiệp lớn và được công nhận trên thế giới là sự hình thành nên những hình thái kinh tế đặc trưng.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 1.0 với cuộc cách mạng động cơ hơi nước, đưa máy móc vào thay thế sức lao động của con người, giúp công việc ngành dệt may phụ thuộc vào sức nước chảy và việc đặt các nhà máy cạnh các dòng sông không còn là vấn đề phải suy nghĩ của nền kinh tế. Sản phẩm được tăng cả về số lượng và chất lượng khi vị trí nhà máy sản xuất được linh hoạt.  Trong thời gian này, ngành luyện kim cũng có những bước tiến lớn. Bước tiến của ngành giao thông vận tải đánh dấu bằng sự ra đời của chiếc đầu máy xe lửa đầu tiên chạy bằng hơi nước vào năm 1804.[1] Hệ thống đường sắt  giúp cho việc di chuyển thuận lợi, giao lưu thương mại. Những nước nắm trong tay các phương thức sản xuất mới hiệu quả có nền kinh tế phát triển, vươn lên dẫn đầu thế giới về kinh tế. Anh là nước tiên phong trong việc phát minh và nắm giữ công cụ sản xuất kinh tế. Vươn lên dẫn đầu và định hướng các nước trong khu vực, xâm lấn và mở rộng thuộc địa. Thời kỳ này việc những người Anh mang công nghệ kỹ thuật đến khai thác vùng đất mới không vấp phải sự phản đối cũng như lên án của thế giới. Đơn giản vì họ là một nước giàu về kinh tế. Còn có một niềm tự hào “Mặt trời không bao giờ lặn trên đế chế Anh” là lời ca tụng của người dân về sự lãnh đạo xuất sắc của Nữ hoàng Victoria. Khi này, luật lệ do những người mạnh nắm giữ và nghiễm nhiên trở thành “sự đúng đắn” trong một thời gian dài. Chỉ đến khi có sự mâu thuẫn trong thuộc địa giữa những nước tư bản trẻ và các nước tư bản già dẫn đến chiến tranh thế giới nhằm phân chia lại thuộc địa (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất).
Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 1, vào những năm cuối 10 của thế kỷ 20 các nước thua trận không những bị chiếm mất một phần lãnh thổ, mà còn phải đền bù phí tổn thất cho các nước thắng trận. Thế chiến 1 kết thúc cũng là lúc mở màn cho thế lực phát xít kên ngôi trong bôi cảnh xã hội bất ổn. Những nước thắng trận như Anh và Pháp thì thiệt hại về người và của, mất hẳn vị trí cường quốc. Mỹ nhờ lợi dụng việc bán vũ khí cho cả hai bên  đã vươn lên vị trí dẫn dầu trên thế giới. Ngoài sức mạnh tàn phá nhân mạng, kinh tế, vật chất, chiến tranh thế giới lần thứ nhất còn gây hãi hùng lâu dài về tâm lý cho cả châu Âu gây ra một thế hệ bị mất mát của châu Âu. Chính cuộc chiến này làm cho châu Âu tụt hậu và mất đi vai trò lãnh đạo văn minh nhân loại mà nó đã đảm đương trong hơn 300 năm qua và dần dần vai trò đó chuyển sang bên kia đại dương cho Hoa Kỳ. Chiến tranh gây ra sự thay đổi rất lớn trong bản đồ chính trị châu Âu. Cuộc chiến dẫn đến sự sụp đổ của bốn đế quốc Nga (1917), Đức (1918), Áo – Hung (1918), Ottoman (1923) với các triều đình quân chủ hàng trăm năm bị suy đổ trong đó hai cường quốc Áo – Hung và Ottoman bị phân rã và mất hẳn vai trò cường quốc. Hai đế quốc Đức, Nga bị cắt xén lãnh thổ và bị kiềm chế với tình cảm dân tộc nước lớn bị tổn thương sâu sắc và đó là đất đai rất tốt cho tư tưởng phục thù để dẫn đến một thế chiến mới. Rất nhiều các nước nhỏ xuất hiện từ sự phân rã của các đế quốc và từ sự phân chia mang tính chủ quan, quan liêu của các cường quốc thắng trận dẫn đến các mâu thuẫn lộn xộn gây mất ổn định thế giới sau này.
Chiến tranh này cho thấy rõ mâu thuẫn ghê gớm của hệ thống thuộc địa một nguyên nhân của đại chiến thế giới, tuy rằng sau chiến tranh nó còn tiếp tục tồn tại theo quán tính nhưng sau Thế chiến II, nó bị tất cả các nước, cả thuộc địa và cả một số chủ thuộc địa cùng tìm cách phá bỏ.
Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng ngay lập tức đem lại những thay đổi về hệ thống chính trị tại các nước châu Âu. Tại Đức, nền quân chủ bị lật đổ, Cộng hòa Weimar ra đời. Tuy nhiên nền cộng hòa này cũng sớm đối mặt liên tục với những khó khăn chồng chất về kinh tế và xã hội, và tồn tại được 15 năm trước khi Adolf Hitler lên nắm quyền. Một trong những ảnh hưởng lâu dài nhất của Chiến tranh thế giới thứ nhất là sự ra đời của Liên Bang Xô Viết. Chiến tranh đã làm cho người dân Nga lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh này đã đẩy Nga vào cuộc Cách mạng tháng Mười với sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Điều đó khiến cho các nước phương Tây vô cùng lo sợ và đề phòng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, làm nảy sinh những mối nghi ngờ liên tục lẫn nhau giữa các nước này và Liên Xô gần như suốt cả thế kỷ XX. Thế chiến I kết thúc cũng là sự mở màn cho thế lực phát xít lên ngôi tại nhiều nước trong bối cảnh xã hội bất ổn như tại Ý và Đức. Như vậy châu Âu sau cuộc chiến đã có sự chia rẽ rõ rệt về mặt chính trị giữa các thế lực cộng sản, phát xít và phương Tây, tạo bệ phóng cho một cuộc thế chiến mới.
Không phải lo nỗi lo hồi phục đất nước, nước Mỹ hùng mạnh về kinh tế là nơi bắt nguồn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Ở Hoa Kỳ, Cách mạng công nghiệp lần hai gắn liền với quá trình điện khí hóa mà những nhà tiên phong là Nikola Tesla, Thomas Alva Edison, George Westinghouse và sự áp dụng quản lý dựa trên cơ sở khoa học bởi Frederick Winslow Taylor. Nọi dung quản lý khoa học dựa theo các nguyên tắc sau:
– Xác định một cách khoa học khối lượng công việc hàng ngày của công nhân với các thao tác và thời gian cần thiết để bố trí quy trình công nghệ phù hợp (chia nhỏ các phần việc) và xây dựng định mức cho từng phần việc. Định mức được xây dựng qua thực nghiệm (bấm giờ từng động tác).
– Lựa chọn công nhân thành thạo từng việc, thay cho công nhân “vạn năng” (biết nhiều việc song không thành thục). Các thao tác được tiêu chuẩn hóa cùng với các thiết bị, công cụ, vật liệu cũng được tiêu chuẩn hóa và môi trường làm việc thuận lợi. Mỗi công nhân được gắn chặt với một vị trí làm việc theo nguyên tắc chuyên môn hóa cao độ.
– Thực hiện chế độ trả lương (tiền công) theo số lượng sản phẩm (hợp lệ về chất lượng) và chế độ thưởng vượt định mức nhằm khuyến khích nỗ lực của công nhân.
–  Phân chia công việc quản lý, phân biệt từng cấp quản lý. Cấp cao tập trung vào chức năng hoạch định, tổ chức và phát triển kinh doanh, còn cấp dưới làm chức năng điều hành cụ thể. Thực hiện sơ đồ tổ chức theo chức năng và theo trực tuyến; tổ chức sản xuất theo dây chuyền liên tục.”
Với các nội dung nói trên, năng suất lao động tăng vượt bậc, giá thành thấp; kết quả cuối cùng là lợi nhuận cao để cả chủ và thợ đều có thu nhập cao. Qua các nguyên tắc kể trên, có thể rút ra các tư tưởng chính của thuyết Taylor là: tối ưu hóa quá trình sản xuất (qua hợp lý hóa lao động, xây dựng định mức lao động); tiêu chuẩn hóa phương pháp thao tác và điều kiện tác nghiệp; phân công chuyên môn hóa (đối với lao động của công nhân và đối với các chức năng quản lý); và cuối cùng là tư tưởng “con người kinh tế” (qua trả lương theo số lượng sản phẩm để kích thích tăng năng suất và hiệu quả sản xuất). Từ những tư tưởng đó, đã mở ra cuộc cải cách về quản lý doanh nghiệp, tạo được bước tiến dài theo hướng quản lý một cách khoa học trong thế kỷ XX cùng với những thành tựu lớn trong ngành chế tạo máy.
Người ta cũng nêu lên mặt trái của thuyết này. Trước hết, với định mức lao động thường rất cao đòi hỏi công nhân phải làm việc cật lực. Hơn nữa, người thợ bị gắn chặt với dây chuyền sản xuất tới mức biến thành những “công cụ biết nói”, bị méo mó về tâm – sinh lý, và như vậy là thiếu tính nhân bản. Từ đó, đã từng có ý kiến cho rằng thuyết này đã né tránh, dung hòa đấu tranh giai cấp mang tính cách mạng. Tuy nhiên, tương tự nhiều thành tựu khác của khoa học – kỹ thuật, vấn đề là ở người sử dụng với mục đích nào. Chính vì thế, trong khi Lênin phê phán đó là “khoa học vắt mồ hôi công nhân”, ông vẫn đánh giá rất cao như một phương pháp tổ chức lao động tạo được năng suất cao, cần được vận dụng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong đó điều kiện lao động được cải thiện và lợi nhuận từ lao động thặng dư được sử dụng để nâng cao mức sống vật chất, tinh thần toàn xã hội.[2]
Chính hình thái kinh tế mới làm xuất hiện khái niệm chủ nghĩa tư bản với sự nắm quyền lực và tư liệu sản xuất của tầng lớp tư sản. Các công ty độc quyền phát triển mạnh làm lũng loạn đến bộ máy nhà nước.
Bên kia bờ Đại Tây Dương Đế chế Đức thay thế Anh quốc trở thành quốc gia dẫn đầu Châu Âu về công nghiệp. Có được vị trí này là nhờ các yếu tố:
– Đức tiến hành công nghiệp hóa sau Anh, nên đúc rút những kinh nghiệm của nước Anh, tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền của và công sức. Cũng nhờ đi sau, Đức sử dụng những công nghệ mới nhất, trong khi đó, người Anh vẫn sử dụng những công nghệ đắt đỏ và lạc hậu, họ không thể (có thể cả không muốn) áp dụng những thành quả từ chính quá trình phát triển của họ.
– Trong lĩnh vực nghiên cứu và khoa học, người Đức đầu tư lớn hơn Anh.
–  Hệ thống cartel kiểu Đức – liên minh độc quyền tập trung ở mức độ rất cao cho phép sử dụng hiệu quả nguồn tư bản linh động.
– Một số tin rằng bồi thường chiến phí từ Pháp sau khi đánh bại nước này trong Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871 đã cung cấp vốn đầu tư cần thiết để cho phép đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như đường xe lửa. Điều này cung cấp một thị trường rộng lớn cho các cải tiến sản phẩm thép và giao thông vận tải ngay khi hoàn thành. Sự sáp nhập vùng Alsace-Lorraine cũng mang lại cho nước Đức một số nhà máy lớn.
Nước Đức dưới sự lãnh đạo của Hitle đã có những phát triển vượt bậc về kinh tế, trở thành cường quốc tại Châu Âu. Chính sự trỗi dậy mạnh mẽ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai làm cho lòng tin của người Đức vào sự lãnh đạo của Hitle là tuyệt đối và là cái nôi nuôi dưỡng tốt cho chủ nghĩa phát xít được tạo ra bởi Hitle.
Ở phương Đông, Đầu thập niên 1920, công cuộc công nghiệp hóa của Nhật Bản đã chuyển sang giai đoạn thay thế nhập khẩu hàng thứ cấp. Chủ nghĩa tư bản nhà nước phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu công nghiệp thời kỳ này được xem là “nhân tạo” do có sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ. Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước, tiếp tục trợ cấp và giới thiệu những công nghệ tiên tiến của thế giới cho các ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Nhờ những chính sách này, mức độ tập trung sản xuất đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt thấy rõ qua sự phát triển của các zaibatsu. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ hai, công nghiệp nặng của Nhật Bản đã thu hút tới 40% tổng số lao động và đóng góp 50% vào sản lượng công nghiệp của đất nước. Nhật Bản đã phát triển được các công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ trong các lĩnh vực đóng tàu, chế tạo máy bay. Có thể coi Nhật là cường quốc kinh tế thế giới tại Châu Á thời kỳ bấy giờ. Phát triển kinh tế nhưng diện tích lãnh thổ hạn chế, tài nguyên nghèo nàn dẫn đến tham vọng mở rộng lãnh thổ đất nước và đánh chiếm thêm thuộc địa.
Miền bắc Á và Âu, vào giữa thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh đặt ra yêu cầu bức thiết phải có hệ thống lý luận khoa học với tư cách là vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Trong hoàn cành đó, chủ nghĩa Mác ra đời, về sau được Lênin phát triển và trở thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin chi rõ muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải lập ra đảng cộng sản. Sự ra đời của đảng cộng sản là yêu cầu khách quan đáp ứng cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống áp bức, bóc lột. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848) xác định: những người cộng sản luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào; là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở các nước; họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả của phong trào vô sản. Những nhiệm vụ chủ yếu có tính quy luật mà chính đảng của giai cấp công nhân cần thực hiện là: tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân để thực hiện mục đích giành lấy chính quyền và xây dựng xã hội mới. Đảng phải luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, mọi chiến lực, sách lược của Đảng đều luôn xuất phát từ lợi ích của giai cấp công nhân. Nhưng, Đảng phải đại biểu cho quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động. Bởi vì giai cấp công nhân chỉ có thể giải phóng được mình nếu đồng thời giải phóng cho các tầng lớp nhân dân lao động khác trong xã hội.
Với các cách phát triển kinh tế dưới các chế độ nhà nước khác nhau: Chế độ tư bản, Chế độ phát xít, chế độ xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó là tham vọng phân chia lại địa lý thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã tạo ra song ngầm mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới lúc bấy giờ.
Và lẽ tất yếu khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã nổ ra. Nguyên nhân sâu xa là do sự chệnh lệch trình độ phát triển giữa các nước tư bản, dẫn đến những mâu thuẫn về thuộc địa, thị trường; Việc tổ chức và phân chia thế giới theo hệ thống Véc-xai – Oa-sinh-tơn không còn phù hợp nữa. Đưa đến một cuộc chiến tranh mới để phân chia lại thế giới. Nguyên nhân trực tiếp là Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã làm những mâu thuẫn trở nên sâu sắc dẫn tới việc lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít với ý đồ gây chiến tranh để phân chia lại thế giới.Thủ phạm gây chiến là phát xít Đức, Nhật Bản Italia. Nhưng các cường quốc phương Tây lại dung túng, nhượng bộ, tạo điều kiện cho phát xít gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.”
Có thể nói thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 là thời kỳ mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia được giải quyết bằng xung đột vũ trang. Không có Liên hợp quốc hay bất kỳ tổ chức gìn giữ hòa bình thế giới nào được thành lập thời đó để giải quyết vấn đề giữa các nước lớn với nhau. Luật lệ thế giới vào thời kỳ này được thiết lập bởi những người thắng trân trong các cuộc chiến. “Sự phát triển kinh tế, mâu thuẫn xung đột lợi ích, chiến tranh giữa các nước có mâu thuẫn” như một vòng tròn không bao giờ kết thúc. Chính yếu tố kinh tế quyết định vị thế của kẻ mạnh trong cuộc chơi ngay từ đầu, cả ở giai cấp cầm quyền trong nội bộ quốc gia cũng như vị thế giữa các quốc qia trong bối cảnh quan hệ quốc tế. Và sau mỗi cuộc chiến tranh, sự phát triển kinh tế cũng được coi như là một phương tiện đánh giá sức mạnh trỗi dậy của các nước thua trận, hay là vị thế đàn áp của các nước thắng trận.
Bước vào vòng lặp thứ qua của “Sự phát triển kinh tế, mâu thuẫn xung đột lợi ích, chiến tranh giữa các nước có mâu thuẫn” là giai đoạn những năm cuối thế kỷ 20. Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chiến tranh thế giới thứ II làm thay đổi căn bản tư duy chính trị quốc tế của các cường quốc trên thế giới. Sau cuộc chiến này, nhiều quốc gia từ bỏ tư duy bá quyền, dùng sức mạnh để xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác. Quan hệ quốc tế từ dựa trên sức mạnh, “cá lớn nuốt cá bé”, chuyển sang quan hệ bình đẳng, cùng tồn tại hòa bình. Đồng thời ngay sau chiến tranh, phe Đồng Minh đã bị rạn nứt khi có xung đột về hệ tư tưởng. Mỗi phía đã giành một khu vực khác nhau trong các lãnh thổ phe Trục. Tại châu Âu, mỗi phía liên minh với nhau trong khu vực ảnh hưởng. Về phía tây, các nước Mỹ, Anh và Pháp đã lập ra Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phía đông, Liên Xô lập ra liên minh với các nước Đông Âu khác bằng Hiệp ước Warszawa. Xung đột giữa hai phe sau này là một trong những hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Hầu hết các quốc gia đã theo phía này hay phía kia trong chiến tranh. Một số quốc gia theo cả hai phía vào các thời điểm khác nhau. Mọi lục địa có người ở, trừ Nam Mỹ, đều có chiến sự. Ngay cả các nước trung lập cũng bị ảnh hưởng sâu sắc trong chiến tranh và sau chiến tranh. Trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, sự tiến triển rất nhanh chóng vì chiến trường có nhu cầu cải tiến kỹ thuật. Diễn tiến này có rất rõ trong các lĩnh vực kỹ thuật quân sự, từ máy bay đến xe cộ và máy tính. Chiến tranh thế giới thứ hai đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh giữa một số nước để khai thác năng lượng nguyên tử và phát triển vũ khí hạt nhân. Lần đầu tiên, con người nắm được trong tay mình một thứ vũ khí có thể hủy diệt cả nhân loại và thế giới. Nước Mỹ thắng cuộc trong cạnh tranh này và đã sử dụng vũ khí nguyên tử lần đầu tiên trên thế giới để tạo ra ưu thế trong việc phân chia thế giới sau chiến tranh. Nhưng sau khi Liên Xô cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, loài người lại đứng trước một nguy cơ tiềm ẩn cực kỳ đáng sợ bởi hai siêu cường này luôn nằm trong sự đối đầu với nhau.
Bước vào giai đoạn hậu chiến tranh thế giới lần thứ hai là cuộc chạy đua giữa hai cực trên thế giới dẫn đầu là Mỹ và Liên Xô. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 với cuộc chiến kinh tế và vũ trang giữa hai nước. Trong suốt những năm 50, cả hai bên đều cố gắng vươn lên giành ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt là việc chế tạo các phương tiện để đưa vũ khí hạt nhân  đến đích nhanh và chính xác nhất. Thành tựu kinh tế thời gian này không phải thể hiện qua mức độ đời sống của người dân hay những thành tựu phục vụ cho nhu cầu thường nhật của con người trong cuộc sống mà là những thành tựu về vũ khí và các công nghệ để phục vụ quân sự.
Về phương tiện phóng vũ khí hạt nhân: Từ những năm 50 trở đi cùng với việc nâng cao số lượng, chất lượng của vũ khí hạt nhân cả hai nước đều tìm ra phương tiện hiện đại nhất để đưa vũ khí hạt nhân đến các mục tiêu với thời gian và độ chính xác cao nhất. Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất. Sự kiện này chứng  tỏ Liên Xô vượt lên trước Mỹ trong việc chế tạo một loại tên lửa có thể mang một vật nào đó vượt khỏi trái đất vào khoảng không vũ trụ. Loại này có sức đẩy hơn 11km/s để từ đó nó có thể lao xuống bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất. Trước việc Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ đưa I.R.Gagarin bay vào vũ trụ và trở về Trái đất an toàn vào ngày 12/04/1961. Mỹ đã quyết định đáp trả khi nghiên cứu và phát minh ra thành tựu internet. “Tiền thân của mạng Internet ngày nay là mạng ARPANET. Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển ARPA thuộc bộ quốc phòng Mỹ liên kết 4 địa điểm đầu tiên vào tháng 7 năm 1969 bao gồm: Viện nghiên cứu Stanford, Đại học California, Los Angeles, Đại học Utah và Đại học California, Santa Barbara. Đó chính là mạng liên khu vực (Wide Area Network – WAN) đầu tiên được xây dựng. Thuật ngữ “Internet” xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1974. Lúc đó mạng vẫn được gọi là ARPANET. Năm 1983, giao thức TCP/IP chính thức được coi như một chuẩn đối với ngành quân sự Mỹ và tất cả các máy tính nối với ARPANET phải sử dụng chuẩn mới này. Năm 1984, ARPANET được chia ra thành hai phần: phần thứ nhất vẫn được gọi là ARPANET, dành cho việc nghiên cứu và phát triển; phần thứ hai được gọi là MILNET, là mạng dùng cho các mục đích quân sự. Mốc lịch sử quan trọng của Internet được xác lập vào giữa thập niên 1980 khi tổ chức khoa học quốc gia Mỹ NSF thành lập mạng liên kết các trung tâm máy tính lớn với nhau gọi là NSFNET. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ ARPANET sang NSFNET và do đó sau gần 20 năm hoạt động, ARPANET không còn hiệu quả đã ngừng hoạt động vào khoảng năm 1990. Sự hình thành mạng xương sống của NSFNET và những mạng vùng khác đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Internet. Tới năm 1995, NSFNET thu lại thành một mạng nghiên cứu còn Internet thì vẫn tiếp tục phát triển. Với khả năng kết nối mở như vậy, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, mạng của các mạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực thương mại, chính trị, quân sự, nghiên cứu, giáo dục, văn hoá, xã hội… Cũng từ đó, các dịch vụ trên Internet không ngừng phát triển tạo ra cho nhân loại một thời kỳ mới: kỷ nguyên thương mại điện tử trên Internet.
Những thành tựu về kỹ thuật để phục vụ cho cuộc chạy đua vũ trang giữa hai siêu cường quốc một mặt là hệ quả tốt cho việc sáng tạo ra những thành tựu vĩ đại phục vụ cho đời sống con người. Khi hai cường quốc tiêu tốn quá nhiều giá trị kinh tế vào chạy đua vũ trang nhưng đủ giá trị kinh tế được tạo ra từ lao động sản xuất dẫn đến suy kiệt về kinh tế cho chính quốc. Việc tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ (3.000 tỉ đô la) trong cuộc chạy đua vũ trang đã giúp Mỹ giành được ưu thế, đẩy Liên Xô vào sự suy thoái đến khủng hoảng nhưng mặt khác cũng gây ra những thiệt hại to lớn cho chính nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ suy thoái: ngân sách thâm hụt, nợ nước ngoài tăng. Năm 1988, Mỹ nợ nước ngoài 530 tỉ USD, đến năm 1989 con số đó tăng lên 663,75 tỉ. Địa vị Mỹ trên trường quốc tế bị Nhật Bản và CHLB Đức cạnh tranh gay gắt. Bối cảnh đó làm xuất hiện những dấu hiệu mới mang tính hoà dịu trong quan hệ Xô- Mĩ. Tuy nhiên về cơ bản không khí đối đầu giữa hai bên vẫn nặng nề.[3]
Không muốn mất đi vị trí cường quốc có tiếng nói trên thế giới trước sự trỗi dậy của các nước trẻ như Trung Quốc, Ấn Độ,… về cả kinh tế cũng như khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, những năm 70 đã có những thương lượng Xô Mỹ nhằm hạn chế vũ khí chiến lược, giảm khả năng xảy ra chiến tranh nóng đe dọa đến cả hai bên và sự tồn vong của loài người. Hai bên đã bắt tay ký kết các hiệp ước “Hiệp ước về hệ thống phòng, chống tên lửa” (gọi tắt là ABM), “Hiệp định tạm thời về một số biện  pháp trong lĩnh vực hạn chế vũ khí tấn công chiến lược” (gọi tắt là SALT-1), “Những nguyên tắc cơ bản về việc hạn chế hơn nữa vũ khí chiến lược tấn công” (21/6/1973) , “Thoả thuận Vladivostok” (24/11/1974),…
*Còn tiếp*
[1] Lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, https://chungta.vn/cong-nghe/lich-su-cac-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-1113034.html
[2] F.W.Taylor, Tổng quan về lý thuyết quản lý – thuyết quản lý khoa học http://domi.org.vn/tin-nghien-cuu/tong-quan-ve-ly-thuyet-quan-ly-thuyet-quan-ly-khoa-hoc-cua-fwtaylor.2732.html
[3] Nguyễn Thị Hồng Vân, Vài nét về cuộc chạy đua vũ trang của Liên Xô và Mỹ trong chiến tranh lạnh, https://chuyen-qb.com/web/tochuyenmon/su-gd/thuvien/1594-vai-net-ve-cuoc-chay-dua-vu-trang-cua-lien-xo-va-my-trong-chien-tranh-lanh
-----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội