Lý An (Ang Lee) không phải là đạo diễn tôi yêu thích nhất. Phim của Lý An không mang đến cho tôi kiểu cảm xúc như khi xem phim của Joe Wright, dù Lý An cũng làm ra những bộ phim đẹp, tỉ mỉ và thành thật (như Life of Pi, Ngọa hổ tàng long, Sắc giới, Brokeback mountain).
Nhưng ông lại là người đầu tiên tôi nghĩ tới mỗi khi cảm thấy hoang mang, chấp chới, nản lòng trong cuộc đời này, mỗi khi tự ti vì người khác bảo mình rằng “Khó đấy, chắc gì đã làm được”, mỗi khi ai đó tò mò đến tận cùng những dự định cá nhân của tôi và nhìn nó bằng cặp mắt ngờ vực, và ngay cả khi tôi dần mất niềm tin vào chính giấc mơ của mình. Mỗi khi ấy, tôi lại thấy như ông đang đứng ở đâu đó trên một ngọn tháp màu xanh, mỉm cười, ánh mắt sáng hiền lành, và vẫy tay, miệng nói một thứ tiếng mà do quá xa nên tôi chỉ đọc được khẩu hình: “Cứ đi tiếp đi, đừng nản, sắp tới nơi rồi.” Chắc Lý An lúc đó nói tiếng Anh, chứ tôi sao hiểu được tiếng Đài?
Từ năm học phổ thông, Lý An đã ôm lấy giấc mộng “hoang đường”: làm điện ảnh. Đó là thứ mơ ước mà khi bạn nói ra, người ta sẽ chẳng nói gì với bạn vì họ nghĩ bạn sẽ chẳng đi đến đâu, và cho rằng rồi bạn sẽ lại quay về với kinh tế, luật, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, kế toán…Vốn là một chàng trai nhút nhát, hiền lành, nhưng Lý An biết rằng, với sân khấu, phim ảnh, ông có được sự tự tin và mong muốn được làm một điều gì đó. Cái gọi là tự tin khi làm điều mình thích, và giỏi, đôi khi thật mong manh trước ánh mắt nghi hoặc của người đời, nhưng chính là điều có thể giữ một người vững vàng đi trên hành trình của họ mãi về sau. 
Nhưng khi ấy Lý An cũng chưa rõ mình sẽ làm điện ảnh. Ông thi trượt đại học hai lần, sau này vào học một trường nghệ thuật của Đài Loan. Năm 24 tuổi, ông lại sang Mỹ tiếp tục học về điện ảnh, rồi liên tiếp 6 năm sau khi ra trường chịu cảnh thất nghiệp với các kịch bản phim bị trả về liên tục. Những tháng năm sau này, khi thành công liên tiếp tới với các bộ phim: Pushing hands – Thôi thủ, The wedding banquet – Hỉ yến, Eat drink man woman - Ẩm thực nam nữ, Crouching tiger, hidden dragon - Ngọa hổ tàng long, Sense and sensibility – Lý trí và tình cảm, Brokeback mountain, là  sự đền đáp xứng đáng cho tháng năm dài đằng đẵng chờ đợi và không ngừng nỗ lực của Lý An.
Vậy đấy, mỗi khi tôi nản lòng trên con đường tìm kho báu của mình, như cậu bé Santiago nghi rằng chẳng có kim tự tháp nào hết, trở về với lũ cừu là an toàn nhất, tôi lại nghĩ đến Lý An, đến hai lần ông thi trượt đại học, đạp xe ra bãi biển để rồi cậu em trai hốt hoảng đi tìm anh, đến bãi biển mà chỉ thấy xe không thấy người đâu. Tôi nghĩ đến tháng năm ông ở Mỹ chờ đợi cho một vận may, một cơ hội, ngày ngày nấu ăn, bế con ra bậu cửa ngồi đợi vợ đi làm về. Tôi nghĩ đến Lý An lén đi học về máy tính đế phụ giúp gia đình, rồi quẳng ngay tập giáo trình đi khi nghe vợ nói: Thế anh quên mơ ước làm phim rồi à? Người đàn ông ấy sống trong ánh mắt e dè của người đời: Đàn ông để vợ đi kiếm tiền, mình ở nhà chăm con, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa sạch bóng. 
Tôi nghĩ đến bà Lâm Huệ Gia, người phụ nữ giản dị luôn mặc vest đen đi cùng chồng đến lễ trao giải, sự kiện điện ảnh. Bà không ăn mặc cầu kì, cũng chẳng tỏ vẻ ngôi sao khi đi cạnh chồng – đạo diễn lừng danh thế giới với 3 giải Oscar và hàng loạt giải thưởng điện ảnh danh giá. Người phụ nữ ấy đã luôn tin rằng, chỉ cần một cái tài là một người có thể sống tốt. Và bà tin vào giấc mơ và tài năng của chồng mình. Niềm tin vào một giấc mơ, đôi khi còn mong manh hơn cả chính giấc mơ ấy. Nếu không có vợ mình, có lẽ Lý An cũng khó vượt qua tháng năm khó khăn cho một giấc mộng điện ảnh.
Ai cũng có một giấc mộng trong đời, nhưng có phải ai cũng đi được đến tận cùng với nó? Vậy là mỗi lần nản lòng trong đời, tôi đều nghĩ đến Lý An. Mỗi lần chuẩn bị chê bai ai đó trong đời, tôi lại nghĩ đến bà Huệ Gia. Luôn luôn tin tưởng vào giấc mơ của mình không phải điều dễ dàng, tin vào giấc mơ của người khác lại là điều khó hơn. Làm thế nào để biết giấc mộng hoang đường của mình có thành hiện thực hay không? Chỉ có cách là dấn thân vào nó và đi đến cùng. Thất bại hay thành công, chỉ có mình mới biết được. Còn người khác, họ không có quyền với giấc mơ, dù là hoang đường nhất, của chính bạn. Bạn tôi từng bảo, hồi cấp 3 mỗi lần cong lưng đạp xe trên đường với nhau, nó nhớ nhất câu của tôi nói với nó (mà thậm chí tôi còn chẳng nhớ tôi đã nói): “Đường dài cứ đi rồi sẽ tới nơi”, thế là nó có động lực mà gò chân đạp thêm vài trăm mét nữa.
“Rừng tối đen và sâu thẳm
Nhưng tôi còn một lời hứa
Và còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ
Và còn hàng dặm dài phải đi trước khi ngủ”
                                                (Robert Frost)