Lương tri và tình bạn trong Chiến tranh Việt Nam
Những thành viên của Hệ phái Tin lành Mennonite vẫn luôn từ chối tham gia chiến tranh trong gần 500 năm qua. Lớn lên trong một cộng...
Những thành viên của Hệ phái Tin lành Mennonite vẫn luôn từ chối tham gia chiến tranh trong gần 500 năm qua. Lớn lên trong một cộng đồng Mennonite nhỏ nằm ở Thung lũng Shenandoah của Virginia, nơi mọi người đã từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự kể từ thời Nội chiến, trở thành một người phản đối có lương tri chống Chiến tranh Việt Nam dường như là một lựa chọn dễ dàng đối với tôi.
Tuy nhiên, vẫn còn một quyết định khó khăn hơn: Vậy đâu sẽ là nơi tôi thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế của mình? Giống như 170.000 thanh niên trong thời chiến, tôi buộc phải phục vụ đất nước. Nhiều người trong số chúng tôi đã làm việc tại các bệnh viện hoặc trường học. Bản thân tôi, vào năm 1966, đã chọn Ủy ban Trung ương Mennonite ở Tam Kỳ, Nam Việt Nam, vùng đất nằm ngay giữa chiến trường.
Tam Kỳ là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam, một thị xã nhỏ nằm khoảng chín dặm về phía bắc Chu Lai – nơi sau này trở thành căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ. Thị xã Tam Kỳ và căn cứ Chu Lai nằm ở phía bắc Việt Nam Cộng hoà, tại khu vực được gọi là Quân đoàn I, nơi thường xuyên xảy ra đối đầu nhất trong chiến tranh Việt Nam.
Công việc tại Tam Kỳ – dạy tiếng Anh cho học sinh trung học phổ thông người Việt, đồng thời tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho trẻ em tị nạn – đã cho tôi một cái nhìn tường tận đáng ngạc nhiên về cuộc chiến, một góc nhìn thách thức mọi thành kiến của tôi, về cả người Mỹ lẫn người Việt Nam. Lớn lên trong một cộng đồng nhỏ, nơi mọi người tôi biết đều là tín đồ Mennonite, tôi vẫn luôn cho rằng lính Mỹ ở Việt Nam đơn thuần là kẻ ác, giống như những kẻ hay bắt nạt thỉnh thoảng xuất hiện tại các sân chơi của trẻ em Mennonite. Tôi đã rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng những người lính tôi gặp ở Việt Nam trong thập niên 1960 đều tốt bụng và tử tế (thật ra, bất chấp sự thiếu hụt nhân lực của quân đội, những cá nhân có tiền sử chống xã hội hoặc có hồ sơ tội phạm đều bị cấm ghi danh nhập ngũ). Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên khi gặp được vô vàn các cậu G.I. là người da đen, hoặc nói giọng miền Nam.
Sau này, khi trở nên thân thiết hơn với một vài người Việt Nam đang chiến đấu chống lại Mỹ, tôi cũng ngạc nhiên không kém khi biết rằng họ cũng là những người tốt bụng, thiện lương. Thế thì vì cớ gì những chàng trai trẻ tốt bụng từ Mỹ và Việt Nam lại giết hại nhau trong cuộc chiến này?
Người tốt vẫn sẽ giết những người tốt khác nếu họ sợ đối phương, và tin rằng kẻ thù hoàn toàn xấu xa. “Ác quỷ hóa” kẻ thù thường xảy ra do thành kiến. Quân Mỹ bị người Việt Nam gọi là “bọn đế quốc,” và ai nấy đều tin rằng đế quốc là những người nước ngoài đến từ các nước giàu có, chuyên ăn cắp tài nguyên của các nước yếu hơn, bắt đàn ông ở nước họ làm lính bù nhìn, và lấy phụ nữ ở nước họ làm vợ lẽ. Ta chẳng nên tốn sức lý luận với đế quốc, bởi điều duy nhất chúng tin là sức mạnh của nòng súng.
Mặt khác, các chiến binh Mặt trận Giải phóng Dân tộc Miền Nam Việt Nam được lính G.I. gọi là VC – viết tắt của từ Việt Cộng – và mọi người Mỹ đều cho rằng Việt Cộng hủy hoại tôn giáo và gia đình. Ta cũng đừng tốn thời gian lý luận với Cộng sản, bởi điều duy nhất họ tin là quân sự có thể giải quyết tất cả.
Tôi là người Mennonite đầu tiên được gửi đến Tam Kỳ vào cuối năm 1966, khi khu này đã tràn ngập dân tị nạn từ những vùng chiến sự gần đó. Khi vừa đặt chân đến nơi, tôi được hướng dẫn ngắn gọn bởi một sĩ quan CIA, người cho tôi hay rằng Tam Kỳ phần lớn an toàn. Người Mỹ kiểm soát gần một dặm lãnh thổ bao quanh phía đông và phía tây thị xã. Tuyến đường số 1, đi qua khu trung tâm, ban ngày cũng nằm dưới sự kiểm soát của quân Mỹ ở phía bắc và phía nam Tam Kỳ, dù rằng vào buổi tối nó lại do Việt Cộng kiểm soát.
Vị sĩ quan cũng nêu cực kỳ rõ ràng chi tiết những hình thức tra tấn khác nhau mà Việt Cộng sẽ dùng để tra tấn nếu tôi không may bị họ bắt. Cứ sau vài tháng, lính Việt Cộng lại tiến vào Tam Kỳ đương lúc nửa đêm, thế nên anh ấy quả quyết rằng tôi nên ở lại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID.) – khu phức hợp có tường cao bao quanh, được bảo vệ bởi các bãi mìn, hàng rào kẽm gai và được canh phòng cẩn thận suốt ngày đêm.
Sau một vài đêm ở lại USAID, tôi nhận ra rằng trên cương vị một người Mennonite đến giúp đỡ người Việt, tôi không thể cứ sống trong một khu vực được bảo vệ mà bất cứ người Việt nào cũng sẽ bị đuổi ra vào lúc chiều tà, ngoại trừ các cô gái điếm, và người Mỹ ở bên trong cũng không được phép ra ngoài vào buổi tối. Tôi sớm được ủng hộ bởi một người bạn theo chủ nghĩa hòa bình khác, và chúng tôi may mắn tìm thấy một ngôi nhà gỗ nhỏ bên kia đường, đối diện trường trung học Công giáo, nơi chúng tôi dạy tiếng Anh.
Bác gái lớn tuổi người Việt cho chúng tôi thuê nhà nói rằng, “Nhà này chỉ có một bức tường độ bốn thước bao quanh sân, nhưng nếu hai anh làm thêm một cái cổng thép tốt, gắn vài cuộn kẽm gai trên đỉnh, rồi sắm lấy một khẩu súng máy nòng 50 đặt ngay ở sân trước, thì dù Việt Cộng có tới, hai chú vẫn đủ sức cầm cự tới khi Thủy quân Lục chiến đến đây giải cứu.” Tôi cố gắng giải thích với bà chủ nhà, rằng là những người theo chủ nghĩa hòa bình, chúng tôi từ chối tất cả vũ khí, thậm chí cả những bức tường bảo vệ. Hai chúng tôi đã không bao giờ trang bị kẽm gai hay cổng thép cho bức tường ấy. Mấu chốt của phòng thủ là chúng tôi hoàn toàn không có vũ khí, cũng không có cách nào để tự vệ. Chúng tôi chào đón tất cả mọi người vào nhà mình, nhưng mọi thứ vũ khí đều bị nghiêm cấm.
Người ta thường giết chóc để bảo vệ bản thân mình. Khi mối đe dọa từ kẻ địch được loại bỏ, ai nấy đều thở phào và sẵn sàng làm quen với nhau, thậm chí trở thành bạn bè thân thiết. Trong ba năm tôi làm việc tại Việt Nam, Việt Cộng đã ghé Tam Kỳ tầm một chục lần. Mỗi lần họ đều tấn công vào ba khu vũ trang hạng nặng mà người Mỹ sinh sống: USAID, CIA và MACV (Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam). Còn ngôi nhà gỗ nhỏ của chúng tôi, nơi duy nhất có người Mỹ sinh sống ở Tam Kỳ nhưng không được vũ trang bảo vệ, lại chẳng hề bị tổn hại.
Quân đội Mỹ đã đến Quảng Nam từ trước, và Tam Kỳ đã chứa rất nhiều người tị nạn khi tôi đến. Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu những người tị nạn này cần gì và cố gắng giúp đỡ họ.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi biết rằng các bậc cha mẹ tị nạn đặt việc giáo dục con cái thành ưu tiên hàng đầu của họ. Cuộc chiến của Mỹ đã phá hủy các trường học ở vùng nông thôn nơi họ trốn chạy, và khi tôi đến Tam Kỳ, con cái họ đã nghỉ học được hai năm. Tôi nhận ra mình không được trang bị đầy đủ để dạy bọn trẻ tị nạn cách đọc và viết ngôn ngữ của chúng, bởi chính tôi cũng còn đang học nói tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi đã dùng đến các mối quan hệ của mình tại trường trung học địa phương, nơi tôi đang dạy tiếng Anh đồng thời cũng học thêm tiếng Việt, để tuyển học sinh cấp ba làm tình nguyện viên dạy cho trẻ em tị nạn cách đọc và viết ngôn ngữ của chúng.
Chương trình trong các trại tị nạn cũng đi từ những bước nhỏ, thầy và trò học trong những căn nhà mượn được vào cuối tuần hay các kỳ nghỉ hè. Chúng tôi cẩn thận chọn các văn bản không chứa nội dung tuyên truyền của cả hai bên. Ủy ban Trung ương Mennonite tặng cho bọn trẻ sách, vở và bút chì, trong khi các em học sinh trung học tình nguyện làm giáo viên. Chương trình ngày một lớn mạnh và chẳng mấy chốc những ngôi làng gần Tam Kỳ cũng xin chúng tôi đem lớp học đến chỗ họ. Yêu cầu của chúng tôi là bất kỳ ngôi làng nào muốn có một lớp học xóa mù chữ trong cộng đồng của mình đều phải cung cấp một phòng học và bảng phấn để các em tình nguyện viên đến dạy cho con cái họ.
Nhiều ngôi làng gần đó được dân địa phương gọi là làng “xôi đậu.” “Xôi đậu” trong tiếng Việt chỉ món ăn từ gạo nếp và đậu, nhưng ở đây là tiếng lóng chỉ những nơi mà chính quyền Sài Gòn kiểm soát vào ban ngày còn Việt Cộng kiểm soát vào ban đêm. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh một trưởng làng xôi đậu, người đã khẩn thiết nài xin chúng tôi lập ngay một lớp học xóa mù chữ trong làng của mình. Tôi đã lùng sục khắp các trường cấp ba ở Tam Kỳ nhưng không thể tìm được tình nguyện viên mới để mở lớp. Vị trưởng làng tuyệt vọng: “Tôi sẽ bảo vệ bất kỳ giáo viên nào đến làng của mình và đảm bảo rằng người ấy sẽ không bị áp làm lính ở bất cứ phe nào cả. Chúng tôi cần giáo viên nhiều hơn cần lính chiến.”
Sau khi hoàn thành cam kết ba năm phục vụ vào năm 1969, tôi trở về Mỹ, đi học cao học, kết hôn và tiếp tục cuộc đời mình. Sáu năm trước, Nguyen Van Muoi, cậu học sinh cấp ba mà tôi quen biết nhờ chương trình xóa mù chữ ở Tam Kỳ, đã di cư sang Mỹ và liên lạc với tôi.
Muoi đã học xong đại học, rồi kết hôn trong thời chiến, và trở lại Tam Kỳ với tư cách là một giáo viên trung học vào năm 1975, khi chiến tranh kết thúc. Cậu có rất nhiều câu chuyện để kể, nhưng tiết lộ đáng kinh ngạc nhất với tôi, là một trong những người bạn thân nhất của tôi, một nghệ sĩ địa phương tên là Le Dinh Sung, có một người anh trai mà chúng tôi chưa từng biết đến – người anh này là sĩ quan cao cấp của miền Bắc. Khi chính quyền mới được thành lập ở tỉnh Quảng Nam, anh trai của Sung được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao, và vị trưởng ban giáo dục mới ở Tam Kỳ không ai khác chính là người bạn nghệ sĩ của tôi, Le Dinh Sung.
Tình yêu và sự thật là những công cụ mạnh mẽ, cho phép các mối quan hệ có thể vượt qua quốc tịch, chủng tộc và ý thức hệ, đưa kẻ thù lại gần với nhau như những người bạn.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất