Tài liệu gốc: Kleck, R. E., & Strenta, A. (1980). Perceptions of the impact of negatively valued physical characteristics on social interaction. Journal of Personality and Social Psychology, 39(5), 861.
Tiêu đề: Nhận thức về ảnh hưởng của các đặc trưng vật lý được đánh giá là tiêu cực lên giao tiếp xã hội.
Khái lược (TL;DR): Nghiên cứu này điều tra cách các cá nhân nhận thức những tác động của các đặc điểm thể chất bị coi là tiêu cực trong tương tác xã hội (negatively valued physical characteristics – từ đây sẽ được gọi tắt là ‘đặc điểm tiêu cực’). Kết quả của nghiên cứu là khi các cá nhân tin rằng họ mang một đặc điểm tiêu cực, họ sẽ có xu hướng đánh giá quá cao ảnh hưởng của nó đối với hành vi và cử chỉ của đối phương trong tương tác xã hội, ngay cả khi không có bằng chứng khách quan nào cho một kết luận như vậy. Điều này cho thấy các cá nhân có một sự thiên vị về nhận thức, được thúc đẩy bởi kỳ vọng và lo lắng trước sự kỳ thị đối với bản thân, chứ không phải từ những hành động thực chất của đối phương.
Ngắn gọn hơn thì: sự kỳ thị và áp bức đối với cá nhân hay đoàn thể, trong nhiều trường hợp, có thể là do họ tự hoang tưởng mà nghĩ ra, hoặc cũng có thể do họ bị thuyết phục là như thế; và họ cũng không nhất thiết cần một cơ sở vững chắc nào để tin vào sự tồn tại đó. Và cũng như vậy, ta có thể kết luận: chỉ cần chúng ta tin rằng mình bị phân biệt đối xử, ta sẽ chủ động tìm bằng chứng cho sự phân biệt đó, dẫu cho hiện thực chẳng phải vậy.
Nghiên cứu 1: Nghiên cứu đầu tiên khảo sát cách từng cá nhân nhận thức tác động của các đặc điểm tiêu cực lên tương tác xã hội. Các nữ sinh viên đại học được phân ngẫu nhiên vào một trong ba nhóm: (a) dị ứng, (b) động kinh (epilepsy), hoặc (c) có sẹo trên mặt. Họ được cho biết rằng đối phương (phía tham gia tương tác với họ, và cũng không biết mục đích thật của nghiên cứu này) nghĩ rằng họ mắc phải tình trạng hay bệnh như trên. Sau một cuộc trò chuyện ngắn theo kịch bản được đề xuất bởi phía tổ chức (bên thí nghiệm), từng cá nhân sẽ mô tả hành vi của đối phương, tập trung vào các chi tiết mà cá nhân tin là phản ứng trước tình trạng của họ.
Kết quả cho thấy những cá nhân thuộc nhóm sẹo và động kinh (nhóm bị kỳ thị) đã “nhận thấy” nhiều phản ứng hơn từ đối phương so với nhóm dị ứng (nhóm trung lập). Hơn nữa, loại kỳ thị tương ứng dường như còn ảnh hưởng đến trọng tâm chú ý: nhóm sẹo tập trung vào hành vi quan sát, trong khi nhóm động kinh tập trung vào các dấu hiệu căng thẳng hoặc lo lắng.
Điều này cho thấy mối liên hệ tiềm năng giữa bản chất của sự kỳ thị và các tín hiệu hành vi cụ thể được hiểu là phản ứng. Tuy nhiên, nghiên cứu này không thể loại trừ hoàn toàn các đặc điểm đòi hỏi của thí nghiệm như một lời giải thích thay thế, vì các cá nhân có thể đã phản ứng với những gì họ nghĩ rằng người thí nghiệm muốn thấy. Nói cách khác thì, nhận thức về đặc điểm tiêu cực của cá nhân đã vô hình trung tác động lên hành vi của họ (căng thẳng hơn, rụt rè hơn,…) và điều đó đã có thể tác động lên hành vi của đối phương (vì người trước mặt có vẻ căng thẳng, nên họ sẽ không muốn nhìn chằm chằm vào cá nhân).
Các nghiên cứu tiếp theo sẽ nhắm tới việc giải quyết vấn đề này.
Nghiên cứu 2: Nghiên cứu 2 được thực hiện nhằm giải quyết khả năng rằng các yêu cầu của bên thí nghiệm có thể đã ảnh hưởng đến kết quả của nghiên cứu 1. Trong nghiên cứu này, những người tham gia mới đã đọc hướng dẫn của các nhóm dị ứng - động kinh từ nghiên cứu 1, và trả lời những câu hỏi liên quan tới cách hiểu của họ đối với giả thuyết của bên thí nghiệm, cũng như đưa ra kỳ vọng của riêng họ đối với kết quả của thí nghiệm này. Thêm đó, một bản hướng dẫn thứ ba cũng được tạo ra để thông tri rõ ràng giả thuyết của bên thí nghiệm và cũng để so sánh với hai nhóm trên; từ đó, một nhóm số 3 được thêm vào - nhóm này được gọi là nhóm ‘yêu cầu dị ứng’ (allergy demand, từ dưới sẽ gọi là nhóm yêu cầu).
Mấu chốt của nghiên cứu 2 là không hề có tương tác thực tế - cá nhân không tương tác với đối phương; họ chỉ đơn giản là đọc hướng dẫn và sau đó báo cáo về: (a) điều họ cho rằng bên thí nghiệm đã giả định (về ảnh hưởng của đặc điểm tiêu cực) và (b) tác động mà chính họ dự đoán.
Thiết lập này cho phép tách biệt ảnh hưởng của bên thí nghiệm: nếu người tham gia dự đoán rằng bên thí nghiệm mong đợi một tác động đáng kể, liệu họ có tự báo cáo rằng mình cũng mong đợi một tác động như thế, ngay cả khi không có bất kỳ trải nghiệm tương tác nào không?
Kết quả cho thấy những người trong nhóm yêu cầu dự đoán rằng bên thí nghiệm sẽ có mức kỳ vọng cao (đối với ảnh hưởng của đặc điểm), trong khi bản thân sẽ có kỳ vọng thấp hơn. Sự khác biệt này là rất quan trọng vì nó đặt nền tảng cho Nghiên cứu 3, với mục đích xác định xem liệu yêu cầu của bên thí nghiệm hay là kỳ vọng của cá nhân mới là động lực chính của kết quả từ nghiên cứu 1.
Nghiên cứu 3: Nghiên cứu này kết hợp các nhóm từ nghiên cứu 1 (dị ứng, động kinh, sẹo) với nhóm yêu cầu từ nghiên cứu 2. Mỗi cá nhân tương tác với một cộng sự (cả hai đều không biết về mục đích của nghiên cứu) và sau đó mô tả phản ứng của đối phương, tương tự như nghiên cứu 1.
Nếu kết quả của nghiên cứu 1 bị ảnh hưởng bởi yêu cầu của bên thí nghiệm, thì nhóm yêu cầu trong nghiên cứu 3 này sẽ cho kết quả tương tự nhóm động kinh, vì cả hai nhóm đều giả định rằng bên thí nghiệm trông chờ một tác động lớn từ các đặc điểm kia.
Tuy nhiên, kết quả lại lặp lại y như nghiên cứu 1: Cả hai nhóm động kinh và sẹo đều nhận thấy phản ứng mạnh mẽ hơn từ đối phương so với nhóm dị ứng và nhóm yêu cầu dị ứng. Điều này ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết về kỳ vọng của cá nhân hơn là giả thuyết về đáp ứng yêu cầu của bên thí nghiệm. Nói cách khác, chính nhận thức về tác động của sự kỳ thị, chứ không phải nhận thức về kỳ vọng của bên thí nghiệm, mới là yếu tố quyết định kết quả. Điều này củng cố thêm kết luận rằng chính kỳ vọng của cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến những sai biệt quan sát được trong tương tác xã hội.
Nghiên cứu 4: Nghiên cứu 4 chuyển sang quan điểm của người quan sát thay vì người tham gia. Mục tiêu của nghiên cứu là xem liệu người quan sát có thấy tác động của đặc điểm tiêu cực lên tương tác xã hội giống như những người tham gia (trong các nghiên cứu trước) đã thấy hay không.
Người tham gia xem đoạn video ghi lại các tương tác từ các nhóm sẹo và dị ứng của Nghiên cứu số 1. Tuy nhiên, họ được cung cấp mô tả chính xác hoặc không chính xác về tình trạng được cho là của người trong video: một nửa số người quan sát được cho biết họ đang xem video của một người bị sẹo, nửa còn lại được cho biết họ đang xem video của một người bị dị ứng. Sự này tạo ra hai nhóm: một nhóm có kỳ vọng tương ứng với những cá nhân trong nghiên cứu 1, và một nhóm có kỳ vọng bất tương ứng.
Mặc dù người quan sát có xu hướng thấy tác động lớn hơn trong nhóm sẹo, nhưng hiệu ứng này yếu hơn nhiều so với câu trả lời trực tiếp của cá nhân tham gia (Nghiên cứu 1 và 3). Điều này cho thấy trải nghiệm trực tiếp khi cá nhân tin rằng bản thân bị kỳ thị làm tăng thêm tính thiên vị trong nhận thức.
Hơn nữa, việc người quan sát vẫn thể hiện sự thiên vị ngay cả khi được cung cấp thông tin sai lệch làm suy yếu lập luận về ảnh hưởng của bên nghiên cứu. Nếu hành vi của từng đối phương đối với các nhóm tương ứng trong nghiên cứu 1 thực sự có khác biệt, thì người quan sát được cung cấp thông tin chính xác sẽ nhận thấy sự khác biệt/thay đổi này rõ ràng hơn so với người quan sát được cung cấp thông tin sai lệch.
Việc không có sự khác biệt rõ ràng này cho thấy hành vi của đối phương không khác biệt đáng kể giữa các nhóm, và do đó, kỳ vọng của cá nhân tham gia, chứ không phải hành vi thực tế của đối phương, mới là yếu tố then chốt.
2024/12/03 21:55PM.