Từ trước đến nay, chuyện tuế toái vốn là lẽ sống trên gian trần. Trong đó, đói nghèo- hay nghèo kinh tế chính là một trong những cơn bão lòng thiết tha nhất. Không chỉ với một đôi người, nó còn là nỗi ám ảnh nặng trĩu của toàn bộ nhân sinh. 
"một năm đói kém"- cụm từ quen thuộc này tưởng chừng như chỉ là sự cảm thán riêng dành cho một sự kiện hoặc mốc thời điểm cố định nào đó, nhưng nếu nghĩ xa rộng ra, nó lại chính là biểu ngữ truyền thừa thế hệ
  Thực tế, không chỉ năm 2019, hay 2020, đối với nhân loại mà nói, dường như năm nào cũng là năm đói. 
Rõ ràng, còn muộn phiền gì hơn bằng chuyện một ai đó... hết tiền. Nhất là hết tiền vào những ngày cuối năm, giai đoạn người ta hay lôi cuộc đời mình ra chơi trò đong đếm. 
Vậy nên, cũng vào dịp kết năm như thế này, nhân khi ngũ uẩn đang tạm hanh thông, The.. tôi xin tranh thủ bày biện, liệt kê một chút các hạng mục nghèo thường thấy nhất của thế nhân, để mang lại giá trị tham khảo cho những ai tự nghĩ mình nghèo, hoặc chưa thấy mình nghèo một giây phút nào trong đời.
xin mời đón đọc
.................................................................................................................................................

Hạng mục 1: Nghèo Nho. Nghèo Triết. Nghèo Tự nguyện

Người ta thường bắt gặp kiểu nghèo này ở các xã hội cũ-nơi thấm nhuần nền văn hóa nho giáo trong hệ tư tưởng, đặc biệt là các tầng lớp văn-nghệ sĩ và học giả. Ở thời đại bây giờ, đây là hình mẫu nghèo... gây hoang mang khó hiểu cho xã hội. Đặc điểm chung của hạng này là luôn luôn nghèo, khó có cuộc đảo pha vì chính họ đã tự tay bế quan sự thịnh vượng vật chất của mình ngay trong tư tưởng. Đây là kiểu người đùa bỡn với nghèo, coi sự thiếu thốn là lẽ hiển nhiên và mặc sức chơi trò hái hoa bắt bướm. Dù vô tình hay cố ý, họ luôn giữ mình có một khoảnh cách nhất định với tiền bạc. Người này thường sở hữu kiểu mẫu gia đình bao gồm: Cha là nhà giáo mang hơi hướm khắc khổ nho gia, mẹ là "nàng tiên làm vỡ chén ngọc" vô tư lự chả màng đếm xỉa chuyện tuế toái nhân tình. Nói thế để hiểu rằng đối với hạng nghèo này, hệ ADN kế thừa đóng vai trò cốt yếu. 
Họ là kiểu người thường hay bị hiểu lầm là "giả vờ thượng đẳng" vì cái vẻ lãnh đạm đúng kiểu khinh nhờn vật chất. Nhưng thiệt ra họ không hề thù nghịch gì đồng tiền. Chỉ là họ không tìm thấy niềm vui, thậm chí là bất lực trong việc kiếm tiền. Họ có thể biết mọi thứ, giỏi mọi điều trừ cách tạo ra tiền bạc. Đối với họ, hành trình để sở hữu tiền trong tay là một hành trình mệt mỏi, cam go và không xứng đáng nhất. Hệ thống lí tưởng, phẩm cách bên trong mà họ gầy dựng cũng sẽ bị xung đột dữ dội nếu chạm vào những vấn đề liên quan đến cách thức kiếm tiền, mà bản thân họ lại không thể chịu đựng được sự căng thẳng bức ép này. Thậm chí với một số ít người, nếu họ sở hữu các tiềm năng để đạt thịnh vượng về mặt vật chất, thì một lối sống chạy quanh tiền bạc cũng sẽ đốt kiệt tinh thần họ. Đây còn được gọi là kiểu nghèo "liêm khiết trung trinh". Họ vẫn mến tiền, nhưng chỉ với những đồng tiền không gây mâu thuẫn nội tâm của chính họ. Họ bồng bềnh trong trải nghiệm về nhân sinh quan vũ trụ các kiểu nhưng việc tỉnh dậy mỗi ngày để đi kiếm tiền lại khiến họ trở nên vỡ vụn. Với kiểu người này, nếu Kiếm tiền không phải là thú vui, thà rằng đừng xài tiền còn hơn.
Tuy khởi đầu bằng rất nhiều lí do, nhưng phần đa sẽ thống nhất trong chuyện tránh né hết sức có thể sự tác động của tiền vào cuộc sống. Thành ra, họ nghèo miết. Đây là kiểu nghèo mà xã hội vô cùng ái ngại, vì lối sống "không ( muốn ) tiếp đất" của họ chính là cản trở của sự phát triển GDP nước nhà. Hạng nghèo này cũng sẽ chịu nhiều thị phi và điều tiếng của người đời, thậm chí là trong chính nội tâm của bản thân vì thường xuyên phải đối mặt với ranh giới mong manh dẫn đến sự ích kỉ, thờ ơ vô trách nhiệm. Nhưng biết làm sao được, vì với họ thì: Đó là sự... an bài của số mệnh. Họ có chọn nghèo đâu. Nghèo...chọn họ...!

Hạng mục 2: Nghèo khởi nghiệp. Nghèo xông pha

Những câu ca dao tục ngữ, hay những châm ngôn sâu sắc nhất trên đời có lẽ được viết riêng cho kiểu người này:
Có chí thì nên
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Trong thử thách là cơ hội.
Bóng đêm chính là nơi sản sinh ra những ngọn đuốc sáng kiên cường
...ect...
Khác với hạng 1 trên, đây là kiểu người thường bị ám ảnh với sự nghèo khó. Cuộc sống họ, ngay từ thuở thiếu thời thường đã rất khắc nghiệt, và dường như tất cả nỗi đau lớn nhỏ, những vết trầy xước trong tâm tư họ đều liên quan đến bạc tiền. Lớn lên từ sự thiếu thốn làm background nên họ nhận thức mãnh liệt giá trị của đồng tiền trong thực tiễn. Và dù vô thức, hay cố tình, họ đều biến việc kiếm tiền trở thành mục tiêu, lí tưởng, thậm chí là toàn bộ động lực trong đời mình. 
Họ là kiểu người sẽ ghét cay ghét đắng các phát ngôn kiểu:
Tiền không mang lại hạnh phúc
Trên đời này, tiền bạc chẳng là gì. Quan trọng là nghĩa tình...! ( câu này hay được các tráng sĩ chém gió trong mấy tụ nhậu nhẹt nè )
Với họ, hạnh phúc nào không đổi được bằng tiền thì chỉ có thể là đổi bằng nhiều tiền hơn mà thôi. Họ cảm thấy những thành phần như trên rất ư là đạo đức giả, và dù che giấu hay thể hiện, cảm xúc của họ cũng chỉ có thể được mô tả bằng hai từ chán ghét. Theo lẽ này, họ gần như cũng không ưa nỗi cái bọn nghèo tự nguyện, chí ít là cảm thấy cái tư duy khó hiểu của bọn này tốt hết là cứ tránh dây dưa vào cho bớt nghiệp.
Với hạng nghèo này, sẽ có rất nhiều cú chuyển dòng ngoạn mục, hay thanh niên bây giờ thường gọi là " pha cua gấp khét rẹt". Có vẻ như, hạng nghèo này thường  là lò đào tạo nhiều triệu phú, tỉ phú tự thân hay con nhà người ta -những người mà luôn biết biến nghèo đói, thiếu thốn thành bàn đạp, sau đó triệu tập sức mạnh của mình thông qua đồng tiền. Với họ, một sự nghiệp hoàn hảo là bản hoan ca với sự hợp tác chặt chẽ của danh vọng và tiền bạc, nhưng nếu cán cân nghiêng về tiền một chút thì lại càng tốt nữa là đằng khác. 
Sở hữu nhiều tâm cơ với tiền bạc, ở khía cạnh tích cực. Hạng nghèo này sôi sục một tinh thần " tony bủi sáng " đầy nhiệt huyết ( bảo đảm không ai thuộc hạng này mà không biết Tony là gì ), họ luôn sẵn sàng tìm mọi cơ hội trong cuộc sống, là hạt giống tiềm năng cho lực lượng nòng cốt phát triển nền kinh tế đất nước (vậy nên kiểu này thường được xã hội thả tim nhiều nhất ).
Dĩ nhiên, khi đối diện với những tầng tiêu cực, họ sẽ cực kì mệt mỏi với phần bóng tối trong tâm hồn. Nếu đã có tỉ phú tự thân, thì cũng không ít những tay tội phạm, lừa đảo  được sản sanh ở hạng mục này. Đây là kiểu người dễ bị nuốt chửng vào tâm cơ của chính mình. Kiểu người ưa dùng khắc nghiệt và sự lãnh đạm làm thành trì, luôn sẵn sàng bày biện cho những trận chiến. Họ chiến đấu với cả thế giới, rồi sau đó quay vào chiến đấu với chính mình. Để bảo vệ nỗi bất lực nằm sâu kín bên trong, thậm chí họ có thể đánh đổi bằng sự sụp đổ của cả hệ thống đạo lí cốt lõi.

Hạng mục 3: Nghèo sa cơ. Tượng thượng cẩu hạ

Đây là hạng nghèo đáng thương nhất trong các hạng, vì độ... bất thình lình của nó, hay còn được gọi là nghèo ngã ngựa. Kiểu người này sẽ có khởi đầu bằng một cuộc đời yên ả (ở nhận thức của họ), một cuộc sống an nhàn chìm trong nhung lụa. Túm lại là thuộc hệ con nhà giàu danh gia bề thế, có tài sản kế thừa, hay chí ít là đủ ăn đủ mặc từ khi sinh ra, chưa nhúng chàm vào sự thiếu thốn bao giờ (khác với bọn "nghèo từ trong trứng" thuộc hai hạng mục trên ). Tuy nhiên theo luật lên voi xuống chó, trong một khoảnh khắc mọi thứ sụp đổ, từ có tất cả chuyển thành trắng tay, ấy là hạng nghèo thứ ba, hạng lỡ vận sa cơ.
Đây là kiểu người sẽ vỡ lẽ được rất nhiều bài học từ cuộc đời. Họ đã từng tưởng mọi thứ họ có trong đời là lẽ hiển nhiên (hầu như ai cũng sẽ nghĩ thế với những điều mở mắt ra đã có): tài sản, tình cảm, gia thế, các mối quan hệ..v..v.. trước khi chúng vỡ tan như bong bóng xà phòng. Nhưng đời quăng bài học là một chuyện, học hành chấm mút được gì không lại là một chuyện khác. Kiểu người này thường sẽ khá thảm vì tinh thần non nớt của họ chưa hề có sự chuẩn bị cho các tình huống tệ hại, dù cho có người đã từng ý thức về nó trước đó nhưng chỉ dừng ở lý thuyết suông thì cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Họ sẽ sớm nhận ra sự mục ruỗng trong mình vì thiếu đi những lớp áo đẹp đẽ để che chắn, nói chung họ sẽ sớm nhận ra mọi thứ, nhưng khó có thể vực dậy được. Một số người thuộc kiểu này sẽ dễ sa lầy vào các tệ nạn xã hội để vớt vát lại phần linh hồn ngơ ngác trong thương tổn của mình. Họ có thể đắm chìm trong bia, rượu, chất gây nghiện với mong muốn quên đi thực tại khắc nghiệt, nhưng dĩ nhiên mọi thứ chỉ càng tệ đi thôi. Một số người thậm chí không còn cơ hội để tận hưởng sự sa lầy nữa.
Lúc bấy giờ, họ sẽ mang đầy sự ghen tị với chất lãnh đạm phớt tỉnh của bọn túc tắc hạng 1, cũng như lòng ngưỡng mộ với ý chí thép của bọn nghèo xông pha . Người ta luôn thèm thuồng cái gì mình cần, cũng như mình thiếu.
 Năng lượng tự thân của kiểu sa cơ thường rất yếu, đa phần đều cần người khác kéo lên hoặc một thời gian ( alongggg time rất lâu....) để có thể vực dậy xử lí vấn đề của mình. Nói chung, với kiểu nghèo không tự nguyện này
một là bạn sẽ có bàn đạp lớn để thay đổi nhân sinh quan về mọi thứ
hai là nó hủy diệt bạn.

Hạng tự phát thứ 4: Nghèo hiệu ứng

(Hạng mục được bổ sung thêm nhân sự quan sát gần đây của tác giả. Đây là kiểu khá phổ biến trong thời đại mới, đặc biệt là ở những đất nước có nền dân số trẻ, mọi người dễ dàng kết nối, tương tác với nhau)
Kiểu nghèo này thường xuất hiện trong các cơ quan, trường lớp, tập thể và hội nhóm. Đây là kiểu nghèo luôn tự thấy mình nghèo dù thực tế là chưa nghèo lắm. Kiểu người luôn cảm thấy mình phải rên rỉ một tí về việc hết tiền, nhất là vào mỗi dịp cuối tháng hoặc cuối năm. Bởi vì sao? Vì tất cả những người xung quanh mình...ai cũng nói như thế cả.
Chị hết tiền rồi, làm sao đây ta
Em cũng cạn nhách ví đây
xì, tao phải chi đủ thứ linh tinh, chẳng còn đồng xu cắc bạc nào từ đầu tháng rồi
sao làm hoài mà nghèo hoài vậy ta?
Lương đang tới nghĩa là lương đang qua....
Ôi iii, bao giờ mới giàu được đâyyyyy...!
Trong một cộng đồng mà ai cũng khẳng định mình hết tiền, và biến nó thành khẩu hiệu thì lẽ dĩ nhiên, chẳng có ai dám mạnh mồm tuyên bố là mình đang ổn và có tiền cả.
Kiểu nghèo này ban đầu vì chỉ muốn hòa hợp với xã hội, nhưng riết dần câu cửa miệng trở thành điều ám thị tự khắc trong tư tưởng mà chính họ cũng chả (thèm) hay biết... Thiếu thốn luôn là vấn đề cộng đồng, không là đặc sản riêng của cá nhân nào.
Với kiểu nghèo hiệu ứng này, cuối tháng sẽ luôn là nỗi buồn, lương sẽ luôn luôn là không đủ. Người kiểu này rất thích trò chơi để xem ai nghèo hơn ai. Họ dùng nghèo để chào hỏi, xã giao, để sinh hoạt và gắn bó. Nói chung với một bộ phận người, nghèo chưa chắc đã là nỗi ám ảnh, nó còn được tận dụng vào mục đích gắn kết cộng đồng sâu sắc
" nghèo như mấy đứa tụi mình ấy thì chơi chung với nhau thôi
nhỉ...!"
...............................................................................................................................................
  Comment hạng nghèo của các bạn và
Xem một bài viết quan trọng khác tại đây nhé!                                                                                                                                                                       27-1-21                                                                                                                                 THE.. 8h15'