(Phim ra lâu và cũng có nhiều review rồi, nhưng vẫn đăng vì đam mê :)))
"Who am I in the eyes of most people? A nobody, a non entity, an unpleasant person. Someone who has not, and never will have any position in society. In short, the lowest of the low. Well then even if that were all absolutely true, then one day I will have to show by my work what this nobody, this non entity has in his heart."
Mình nghe thấy con tim lạc nhịp khi xem đến đây – một lời thoại trong bộ phim Loving Vincent kể về cuộc đời và cái chết của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh. Suốt phim, mình cảm động sâu sắc, tìm thấy một chút gì đó giống bản thân mình trong đó, một tâm hồn cô độc, trống trải của những con người “thiên tài.”
Cái cảm giác ám ảnh, day dứt, đặc biệt là một chút đau đớn khi nhận ra mình có điểm khá tương đồng với van Gogh, thật khó chịu. Điều khiến những cảm giác đó khó chịu hơn là bản nhạc nền nhẹ nhàng, đượm chút hoài niệm buồn trầm lắng. “Mình không như vậy, mình khác.” – lòng mình thốt lên. “Chắc đây chỉ là lòng tiếc thương cho những cuộc đời bạc phận mà mình vẫn cảm nhận khi xem phim và đọc sách.”
Nhưng sâu thẳm trong tim, mình vẫn hiểu được sự thật – những con người được trời phú cho tài năng nhưng người đời không công nhận mà khinh miệt, hắt hủi, phải đối mặt với các chứng bệnh tâm thần, trở nên cô đơn, tâm hồn không nhận được sự đồng cảm của ai và vì vậy mà tự vẫn. Van Gogh là con người như thế. Mình cũng khá tương tự như vậy, dù mình không hề công nhận bản thân tài năng hơn bất cứ ai. Van Gogh đã từng đấu tranh để được công nhận, bằng những bức hội họa của mình. Mình cũng từng như thế, bằng cách cố gắng học tập chăm chỉ. Nhưng van Gogh cũng đã phải chịu sự bắt nạt thật bạo lực của những đứa trẻ, những cái nhìn và điều tiếng không hay của dư luận, cái nghèo đói của bản thân phải phụ thuộc vào người em trai. Mình thì mãi bị nói những câu “học cho đã chẳng làm được gì”, “mấy đứa học giỏi quá thì thật lập dị”. Nỗi đau mà van Gogh đã trải qua suốt quãng đời ngắn ngủi, mình không muốn biết nữa và cũng không thể phán xét hay đưa ra lí do cho bất cứ điều gì, vì như trong phim, đến cuối đời trông ông hạnh phúc thế mà vẫn tự sát, vậy nên đừng mạnh dạn nói gì cả, những gì trong đầu và trái tim của ông, chúng ta không ai thực sự hiểu.
Đến cái kết, van Gogh vẫn bí ẩn như hồi mở đầu, ẩn rồi hiện như một ảo ảnh chóng vánh qua cuộc hành trình của nhân vật chính Armand – người được ủy thác nhiệm vụ trao bức thư của van Gogh cho người em trai sau cái chết 2 năm trước của ông. Armand từ miễn cưỡng nhận nhiệm vụ đến tò mò tìm hiểu và tiếc thương cực độ cái chết đó, nhưng cuối cùng, sau hành trình mang tính chất phiêu lưu và trinh thám, chẳng ai thực sự biết van Gogh nghĩ gì trước khi chết, và một số chi tiết trong phim vẫn chưa được làm rõ. Điều đó đã nhấn mạnh rõ ràng nỗi cô độc thật đau buồn mà van Gogh đã trải qua.
Từ mối đồng cảm mình có được với cuộc đời của van Gogh mà mình trở nên yêu thích bộ phim này, xem từ đầu đến cuối vẫn không cảm thấy chán dù cốt truyện rất nhẹ nhàng và không có sự việc cao trào nào. “Loving Vincent là tác phẩm được làm ra để tôn vinh nghệ thuật và con người Vincent” – một bình luận mình đọc ở đâu đó trên mạng. Phim được tạo dựng nên từ 65,000 bức tranh sơn dầu, vẽ tay bởi 125 người họa sĩ và lồng ghép những 200 bức họa của van Gogh, nghe qua thôi cũng đủ để cảm nhận được lòng ngưỡng mộ, kính trọng và tâm huyết của đoàn làm phim dành cho vị họa sĩ người Hà Lan. Họ đã có thể chọn quay những cảnh người thật, nhưng vì ước nguyện đem đến cho người xem trải nghiệm hoàn hảo về phong cách nghệ thuật của ông mà qua phim, họ kể về cuộc đời van Gogh trong chính cái thế giới hội họa trường phái hậu ấn tượng của ông. Dù thể hiện bằng tranh vẽ, nét biểu cảm chân thực trên mặt của các nhân vật, nét sống động rực rỡ của những cánh đồng, đồi núi đã khiến mình mê mẩn, hứng thú khôn nguôi.
Loving Vincent, sau cùng và đơn giản chỉ là một bộ phim tiểu sử về một con người sống cách mình hai thế kỉ, nhưng những trải nghiệm tình cảm-tâm hồn và trải nghiệm thị giác từ phim làm 2 tiếng cuộc đời mình thật có giá trị.