Quyết định đặt một thuyết âm mưu làm trọng tâm chính sách chính phủ chính là nguồn cơn của những hành động độc đoán theo sau.
Trong khi Trump dùng thuyết âm mưu về tư cách công dân của Obama và thêu dệt nên mối đe dọa từ tội phạm nhập cư để thôi thúc những người ủng hộ chính của mình, Kaczyński đã dùng thảm họa Smolensk để kích động những người ủng hộ, và thuyết phục họ đừng tin vào chính quyền hay các phương tiện truyền thông. Đôi khi ông còn ngụ ý rằng chính phủ Nga đã làm rơi chiếc máy bay. Những lúc khác, ông lại đổ lỗi cho đảng cầm quyền cũ, giờ đây là đảng đối lập lớn nhất, về cái chết của anh trai mình: “Các người hủy diệt anh ấy, các người sát hại anh ấy, các người là một lũ cặn bã!” ông đã từng hét lên như vậy ở nghị viện.
Tuy vậy, không một các buộc nào của ông có thể được kiểm chứng. Có lẽ để bản thân giữ chút khoảng cách với những lời nói dối cần phải nói, ông giao công việc quảng bá thuyết âm mưu của mình cho một trong những đồng chí lâu năm và kì lạ nhất của mình. Antoni Macierewicz là một người đồng trang lứa với Kaczyński, và là một người chống cộng lâu năm, tuy là một người có những người bạn và thói quen kì quái. Cái nhìn kì quặc và những nỗi ám ảnh của ông ta—người này từng nói rằng mình thấy quyển Biên bản của các Nhà Thông thái Do Thái hoàn toàn có thể là thật—thậm chí đã khiến đảng Công lí và Luật pháp phải đưa ra một lời hứa tranh cử hồi năm 2015: Macierewicz chắc chắn sẽ không làm bộ trưởng quốc phòng.
Nhưng ngay khi đảng của mình giành chiến thắng, Kaczyński phá vỡ lời hứa và đề cử Macierewicz. Ngay lập tức, Macierewicz bắt đầu thể chế hóa lời nói dối Smolensk. Ông ta lập ra một ủy ban điều tra mới gồm toàn những con người lập dị, trong đó có một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, một phi công đã giải nghệ, một nhà tâm lí học, một nhà kinh tế Nga, và những người khác không có chút kiến thức nào về tai nạn hàng không. Bản báo cáo chính thức trước đó bị gỡ khỏi một trang web chính phủ. Cảnh sát khám xét nhà riêng của các chuyên gia hàng không từng làm chứng trong cuộc điều tra ban đầu, thẩm vấn, và tịch thu máy tính của họ. Khi Macierewicz đến Washington, D.C., để gặp người đồng cấp Mĩ tại lầu năm góc, việc đầu tiên ông ta làm là hỏi liệu tình báo Mĩ có bất cứ thông tin mật nào về vụ Smolensk không. Người ta nói với tôi rằng câu hỏi đó đã làm nhiều người lo ngại về sức khỏe tâm thần của ông bộ trưởng.
Vài tuần sau cuộc bầu cử, khi các cơ quan châu Âu và các nhóm nhân quyền bắt đầu phản ứng trước các hành động của chính phủ đảng Luật pháp và Công lí, họ đều tập trung vào việc chính phủ này phá hoại hệ thống tòa án và truyền thông đại chúng. Các tổ chức này không hề để ý đến sự thể chế hóa thuyết âm mưu Smolensk vì nó, nói thẳng ra là, quá kì quặc để người ngoài có thể hiểu được. Dẫu vậy, chính quyết định đặt một ảo tưởng vào trọng tâm của chính sách điều hành nhà nước thật sự chính là nguồn cơn của những hành động độc đoán kéo theo sau đó.
Mặc dù ủy ban Macierewicz chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích thay thế đáng tin cậy về vụ tai nạn, lời nói dối Smolensk vẫn đặt nền tảng đạo đức cho những lời nói dối khác. Những người sẵn sàng chấp nhận thuyết âm mưu tinh vi này, mặc kệ sự thiếu vắng các bằng chứng xác thực, sẽ dễ dàng chấp nhận mọi thứ. Chẳng hạn, họ có thể chấp nhận lời hứa suông về việc không đưa Macierewicz vào chính phủ. Họ có thể chấp nhận—mặc dù Công lí và Luật pháp được cho là một đảng “ái quốc” và bài Nga—những quyết định điên rồ của Macierewicz như sa thải nhiều chỉ huy cấp cao của quân đội, hủy các hợp đồng mua vũ khí, nâng đỡ những người có dính líu đến người Nga, và bố ráp một căn cứ NATO ở Warsawa giữa đêm khuya. Lời nói dối đó cũng cho những kẻ hữu khuynh tiên phong một nền tảng ý thức hệ để chấp nhận những sai trái khác. Dù cho đảng có làm sai điều gì, dù cho đảng có làm trái điều luật nào, ít nhất thì “sự thật” về vụ Smolensk cuối cùng cũng sẽ được nói lên.
Thuyết âm mưu Smolensk, cũng như thuyết âm mưu người nhập cư ở Hungary, đều nhằm một mục đích khác nữa: Đối với một thế hệ trẻ hơn không còn nhớ gì về chủ nghĩa cộng sản, và một xã hội nơi những người cộng sản cũ đã gần như biến mất khỏi đời sống chính trị, thuyết âm mưu mang lại một lí do mới để nghi ngờ các những chính trị gia, doanh nhân, và trí thức nổi lên từ cuộc đấu tranh của thập niên 1990 và giờ đây lãnh đạo đất nước. Quan trọng hơn nữa, nó mang lại một phương tiện để định hình một giai cấp tinh hoa mới và tốt hơn. Cạnh tranh, hay thi cử, hay một sơ yếu lí lịch với đầy thành tựu giờ đây không cần thiết nữa. Bất cứ ai tuyên thệ niềm tin của mình vào lời nói dối Smolensk về cơ bản đều là một người yêu nước đúng nghĩa—và, tình cờ thay, đều xứng đáng có chân trong chính quyền.
SỨC HẤP DẪN VỀ CẢM XÚC của một thuyết âm mưu nằm ở sự đơn giản của nó. Nó chối bay các hiện tượng phức tạp, giải thích số phận và tai nạn, và mang đến cho tín đồ của mình một cảm giác dễ chịu vì có được quyền tiếp cận đặc biệt với sự thật. Nhưng—lại một lần nữa—rất khó để phân biệt rạch ròi giữa sức quyến rũ của thuyết âm mưu và cái cách mà nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của những người truyền bá nó. Đối với những người trở thành con chó canh cửa của nhà nước độc đảng, đối với những người lặp lại và truyền bá các thuyết âm mưu chính thống, việc chấp nhận những lời giải thích giản đơn này cũng mang đến một thành quả khác: quyền lực.
Mária Schmidt không có mặt trong buổi tiệc giao thừa của tôi, nhưng tôi đã quen bà ta từ rất lâu. Bà ấy từng mời tôi đến lễ khánh thành Terror Háza—bảo tàng Căn nhà Khủng bố—ở Budapest hồi năm 2002, và tôi gần như vẫn giữ liên lạc với bà ấy kể từ đó. Viện bảo tàng này, dưới sự điều hành của Schmidt, khám phá lịch sử của chủ nghĩa toàn trị ở Hungary và, vào lúc mở cửa, là một trong những bảo tàng mới sáng tạo nhất ở nửa phía Đông của châu Âu.
Ngay từ ngày đầu tiên đi vào hoạt động, nó cũng đã hứng chịu những chỉ trích gay gắt. Rất nhiều khách tham quan không thích gian phòng đầu tiên, nơi có một bức tường với nhiều tivi ghép lại chiếu tài liệu tuyên truyền của Đức Quốc xã, và nhiều chiếc tivi ghép lại trên bức tường đối diện chiếu tài liệu tuyên truyền cộng sản. Vào năm 2002, việc thấy hai chế độ đó bị so sánh với nhau vẫn là một thứ gây sốc, dù có lẽ bây giờ đã đỡ hơn. Những người khác lại cảm thấy bảo tàng này không dành đủ không gian để thể hiện đầy đủ quy mô của tội ác phát xít, mặc dù những người cộng sản điều hành Hungary lâu hơn so với bọn phát xít, và vì vậy có nhiều thứ để trưng bày hơn. Tôi thích việc bảo tàng này trưng ra trước mắt người Hungary bình dân hình ảnh kết hợp của cả hai chế độ, điều đó theo tôi sẽ giúp đất nước Hungary hiểu được trách nhiệm của mình đối với nền chính trị của bản thân, và tránh được khung cửa hẹp dẫn vào cái bẫy dân tộc chủ nghĩa đổ lỗi các vấn đề của mình cho ngoại bang.
Mike McQuade
Ấy vậy mà Hungary giờ đây đã đi qua khung cửa hẹp dẫn vào cái bẫy dân tộc chủ nghĩa đó. Sự nhìn nhận muộn màng của Hungary về quá khứ cộng sản của mình—dựng nên các viện bảo tàng, tổ chức các buổi lễ tưởng niệm, nêu danh kẻ thủ ác—trái với những gì tôi nghĩ, đã không hề giúp củng cố sự trân trọng dành cho pháp quyền, kiềm chế quyền lực nhà nước, hay chủ nghĩa đa nguyên. Ngược lại, 16 năm sau ngày Terror Háza mở cửa, đảng cầm quyền của Hungary không tôn trọng bất cứ sự ràng buộc nào. Nó đã đi xa hơn đảng Luật pháp và Công lí rất nhiều trong việc chính trị hóa truyền thông nhà nước và hủy diệt truyền thông tư nhân, bằng cách đe dọa và ngăn chặn hoạt động quảng cáo. Nhà nước này đã tạo ra một giới tinh hoa kinh doanh mới trung thành với Orbán. Một doanh nhân Hungary dấu tên nói với tôi rằng chẳng bao lâu sau khi Orbán lên nắm quyền, tay chân của chế độ đã yêu cầu doanh nhân này phải bán công ti của mình cho chúng với giá thấp; khi ông từ chối, chúng tổ chức các cuộc “thanh tra thuế” và các hình thức quấy rối khác, cũng như một chiến dịch đe dọa khiến ông buộc phải thuê vệ sĩ. Cuối cùng ông phải bán tài sản của mình ở Hungary và rời bỏ đất nước.
Cũng như chính quyền Ba Lan, nhà nước Hungary truyền bá một lời nói dối cỡ vừa: Nó liên tục tung ra các nội dung tuyên truyền đổ lỗi các vấn đề của Hungary cho những người nhập cư Hồi giáo vốn không hề tồn tại trên đất Hungary, Liên minh châu Âu, và, như đã đề cập ở trên, George Soros. Schmidt—một sử gia, học giả, và người phụ trách bảo tàng—là một trong những tác giả chính của lời nói dối đó. Bà ta thi thoảng lại cho xuất bản những bài blog dài, đầy phẫn uất chống lại Soros; chống lại Trường Đại học Trung Âu Budapest, vốn ban đầu được thành lập bằng tiền tài trợ của ông ta; và chống lại “trí thức tả khuynh,” mà theo đó có vẻ bà ta nhắm đến những người dân chủ tự do, từ trung tả cho đến trung hữu.
Cuộc đời Schmidt đầy những điều mỉa mai và nghịch lí. Bà ta là một trong những người hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chuyển tiếp vốn bị cho là cực kì thiếu minh bạch của Hungary; người chồng quá cố của bà kiếm được rất nhiều tiền trên thị trường bất động sản hậu cộng sản, nhờ số tiền đó mà bà được sống trong một căn nhà tráng lệ trên những ngọn đồi Buda. Mặc dù bà ta dẫn đầu một chiến dịch truyền thông nhằm phá hoại trường Đại học Trung Âu, con trai bà lại tốt nghiệp trường này. Và mặc dù biết rất rõ những điều xảy ra đối với đất nước mình hồi thập niên 1940, Schmidt lại bắt chước chính xác đến từng bước một chiến thuật của Đảng Cộng sản khi bà tiếp quản Figyelő, một tờ tạp chí được kính trọng tại Hungary: bà xua đuổi các phóng viên độc lập và thay thế họ bằng các tay bồi bút ủng hộ chính quyền có thể tin cậy.
Figyelő vẫn thuộc “sở hữu cá nhân.” Nhưng ta có thể dễ dàng nhận ra ai đứng sau nó. Một ấn bản công kích các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Hungary—với trang bìa đánh đồng các tổ chức này với Nhà nước Hồi giáo (IS)—cũng bao gồm vài chục trang quảng cáo do chính phủ trả tiền để quảng bá cho Ngân hàng Trung ương Hungary, cho bộ Tài chính, và cho chiến dịch chống Soros của nhà nước. Đây là một phiên bản hiện đại của báo chí ủng hộ chính quyền trong một nhà nước độc đảng, được hoàn thiện với chính cái luận điệu mỉa mai, cay độc mà các sách báo cộng sản ngày xưa từng sử dụng.
Schmidt đồng ý nói chuyện với tôi—sau khi đã gọi tôi là một kẻ “kiêu ngạo và ngu dốt”—với điều kiện tôi phải nghe bà ta bày tỏ sự bất bình của mình với một bài báo tôi vừa viết cho The Washington Post. Với lời mời này, tôi bay đến Budapest. Chẳng mấy bất ngờ, thứ tôi kì vọng—một cuộc trò chuyện thú vị—rõ ràng là điều không thể. Schmidt nói tiếng Anh cực kì chuẩn, nhưng lại nói với tôi rằng mình cần một thông dịch viên. Bà mang đến một cậu thanh niên khá sợ hãi, và theo những gì tôi ghi lại thì cậu ta đã lượt đi khá nhiều phần trong lời nói của Schmidt. Và mặc dù đã quen biết nhau gần hai thập kỉ, bà ta vẫn quăng một chiếc máy ghi âm lên bàn trong một cử chỉ mà tôi cho là dấu hiệu của sự ngờ vực.
Rồi tiếp theo bà ta lặp lại những lập luận xuất hiện trên những bài blog của mình. Bà dẫn một tập trong show Saturday Night Live làm bằng chứng chính để chứng minh rằng George Soros “sở hữu” đảng Dân chủ Mĩ . Để chứng minh nước Mĩ “về ý thức hệ là một thế lực thực dân cứng đầu”, bà ta lôi ra một bài phát biểu của Barack Obama khi ông nhắc đến việc một tổ chức ở Hungary đề xuất dựng một bức tượng để vinh danh Bálint Hóman, người soạn thảo các điều luật bài Do thái của Hungary hồi thập niên 30 và 40. Bà lặp lại lời tuyên bố của mình rằng nhập cư gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hungary, và trở nên bực mình khi tôi nhiều lần hỏi rằng vậy những người nhập cư đó đang ở đâu. “Họ đang ở Đức,” cuối cùng bà ta cũng đáp lại, nhưng không quên khẳng định rằng người Đức sau cùng rồi sẽ ép Hungary “nhận lại những người đó.”
Schmidt chính là hiện thân của những gì mà nhà văn Bulgari Ivan Krastev gần đây mô tả là khát vọng của nhiều người ở Đông và Trung Âu mong muốn “thoát khỏi sự phụ thuộc mang tính chất thuộc địa tiềm tàng trong chính công cuộc Tây phương hóa,” và giải phóng bản thân khỏi sự nhục nhã khi phải làm kẻ bắt chước, đi theo phương Tây thay vì làm người mở đầu xu hướng. Schmidt khẳng định với tôi rằng truyền thông phương Tây, có lẽ bao gồm cả bản thân tôi, “ra lệnh từ trên xuống cho những người ở dưới như cái cách họ từng làm với các thuộc địa của mình.” Vậy ra việc phương Tây bàn tán về chủ nghĩa bài Do thái, tham nhũng, và chủ nghĩa toàn trị của Hungary chính là biểu hiện của “chủ nghĩa thực dân.” Có điều mặc dù toàn tâm toàn ý tôn thờ sự độc đáo của Hungary và việc truyền bá “chất Hungary,” Schmidt lại vay mượn phần lớn ý thức hệ của mình toàn bộ từ trang Breitbart News, bao gồm cả miêu tả quá lố về các trường đại học Mĩ cùng những trò cợt nhả mất dạy về “toilet cho người chuyển giới.” Bà ta thậm chí còn mời cả Steve Bannon và Milo Yiannopoulos tới Budapest.