Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 5]
Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 4] Bài viết gửi bởi Quora Việt Nam trong mục Quan điểm - Tranh luận quoravn.spiderum.com...
Sự phân cực là điều bình thường. Ngờ vực về nền dân chủ tự do cũng bình thường. Và sức quyến rũ của chủ nghĩa chuyên chế là vĩnh cửu.
Nghe Schmidt nói chuyện, tôi bị thuyết phục rằng cái ngày mà bà ta “thay đổi” quan điểm sẽ không bao giờ tới. Bà ta chưa bao giờ quay lưng lại với nền dân chủ tự do, bởi vì bà ta chưa bao giờ đặt lòng tin vào nó, hoặc ít nhất chưa bao giờ bà ta mảy may cho rằng nó quan trọng đến chừng nào. Đối với bà, liều thuốc giải cho chủ nghĩa cộng sản không phải chế độ dân chủ mà là một tầm nhìn tựa như những kẻ chống Dreyfus năm xưa về chủ quyền quốc gia. Và nếu chủ quyền quốc gia tồn tại dưới dạng một nhà nước mà ở đó giới tinh hoa được định hình không phải bằng tài năng mà bằng “lòng yêu nước”—trên thực tế nghĩa là sự sẵn sàng tuân lệnh Orbán—thì bà ta vẫn sẽ chấp nhận nó.
Sự hồ nghi của người đàn bà này rất sâu sắc. Sự ủng hộ của Soros cho người tị nạn Syria không thể xuất phát từ lòng hảo tâm; nó ắt hẳn phải đến từ một tham vọng sâu thẳm muốn hủy diệt Hungary. Chính sách người tị nạn của Angela Merkel cũng không thể phát sinh từ mong muốn giúp đỡ người khác. “Tôi thấy nó nhảm nhí,” Schmidt nói. “Theo tôi bà ta muốn chứng tỏ rằng người Đức, lần này, là người tốt. Và họ có thể lên lớp tất cả mọi người về nhân đạo và luân lí. Người Đức không thèm quan tâm họ có thể lên lớp phần còn lại của thế giới về chủ đề gì; họ chỉ cần được lên lớp ai đó.”
Rõ ràng là lời nói dối cỡ trung đang làm lợi cho Orbán—cũng như nó đã làm lợi cho Donald Trump—chỉ vì nó hướng sự chú ý của thế giới vào lời nói thay vì hành động của ông ta. Schmidt và tôi dành phần lớn cuộc nói chuyện dài hai tiếng đồng hồ không mấy dễ chịu của mình để tranh cãi về những câu hỏi vô nghĩa: Liệu George Soros có sở hữu đảng Dân chủ? Liệu những người nhập cư vốn không tồn tại, mà dù sao họ cũng chẳng thèm sống ở Hungary, có phải là một mối đe dọa đối với đất nước này? Chúng tôi chẳng dành chút thời gian nào cho vấn đề ảnh hưởng của Nga tại Hungary, vốn giờ đây đang vô cùng mạnh mẽ. Chúng tôi cũng không nói về tham nhũng, hoặc về vô số cách thức (được tờ Financial Times và cơ quan báo chí khác ghi lại) mà bạn bè của Orbán đã trục lợi từ các khoảng trợ cấp của châu Âu và những trò mập mờ đánh lận con đen trong nhánh lập pháp. (Một đảng cầm quyền thành công trong việc chính trị hóa tòa án và đàn áp giới truyền thông sẽ dễ dàng bòn rút của công hơn nhiều.)
Và đến cuối cùng, tôi cũng chẳng biết được gì nhiều về con người của Schmidt. Nhiều người khác tại Budapest tin rằng bà ta bị chính tham vọng quyền lực và tiền tài của bản thân thôi thúc. Zsuzsanna Szelényi, một nghị sĩ từng thuộc đảng Fidesz của Orbán nhưng giờ là một nghị sĩ độc lập, là một trong nhiều người từng nói với tôi rằng “không một ai ở Hungary có thể giàu có mà không có chút ít liên hệ với thủ tướng.” Nhờ có Orbán, Schmidt được quyền giám sát viện bảo tàng và một vài viện nghiên cứu lịch sử, qua đó cho bà năng lực hiếm có để định hình cách người Hungary nhớ lại lịch sử dân tộc mình, điều mà bà ta thích thú. Có lẽ Schmidt thật sự tin rằng Hungary đang đối mặt với một mối đe dọa tồn vong nghiêm trọng dưới dạng George Soros và một vài người Syria vô hình. Hoặc cũng có thể bà ta cũng hoài nghi về phe của mình như cách bà ta ngờ vực phe đối lập, và đó là một trò chơi phức tạp.
Những gì diễn ra sau khi tôi phỏng vấn bà ta cho ta một manh mối: Mặc dù chưa được sự đồng ý của tôi, Schmidt đã tung ra một bản chép lại đã qua chỉnh sửa rất nhiều trên blog của mình, cố tình gây hiểu lầm khi giới thiệu rằng bà ta đang phỏng vấn tôi. Bản chép lại đó cũng xuất hiện trên trang web chính thức của chính quyền Hungary, bằng tiếng Anh. (Hãy thử tưởng tượng Nhà Trắng xuất bản một đoạn chép lại cuộc hội thoại giữa, chẳng hạn như, viện trưởng Viện Smithsonian và một người nước ngoài chỉ trích Trump và bạn sẽ thấy nó kì quặc đến mức nào.) Nhưng, tất nhiên, bài phỏng vấn đó không được thực hiện vì lợi ích của tôi. Nó là một màn kịch được dàn đựng để chovới những người Hungary khác thấy Schmidt trung thành với chế độ và sẵn lòng bảo vệ nó. Mà thật sự thì bà ta đúng là như vậy.
CÁCH ĐÂY KHÔNG LÂU, TRONG một nhà hàng hải sản bên một quảng trường xấu xí, vào một buổi tối tuyệt đẹp tại Athens, tôi kể lại bữa tiệc giao thừa năm 1999 cho một nhà khoa học chính trị Hi Lạp. Cậu ta thầm cười vào mặt tôi. Hay đúng hơn là cậu ta cùng cười với tôi; cậu không hề cố tình lỗ mãn. Nhưng cái thứ mà tôi gọi là sự phân cực này chẳng có gì mới mẻ. “Cái khoảnh khắc tự do hậu 1989 đó là một ngoại lệ,” Stathis Kalyvas nói với tôi. Sự phân cực là điều bình thường. Quan trọng hơn nữa, ngờ vực về nền dân chủ tự do cũng bình thường, theo tôi là vậy. Và sức quyến rũ của chủ nghĩa chuyên chế là vĩnh cửu.
Kalyvas, bên cạnh những thành tựu trong nhiều lĩnh vực, còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về các cuộc nội chiến, bao gồm nội chiến Hi Lạp, trong thập niên 1940, một trong nhiều thời điểm trong lịch sử châu Âu khi các phe phái chính trị bất đồng triệt để cầm vũ khí lên và bắt đầu tàn sát lẫn nhau. Nhưng tại Hi Lạp, nội chiến (civil war) và hòa bình dân sự (civil peace) là những khái niệm tương đối ngay cả vào những thời khắc tốt đẹp nhất. Chúng tôi trò chuyện với nhau ngay trong lúc một số trí thức Hi Lạp đang ở trong một khoảnh khắc trung dung. Nhiều người ở Athens nói với tôi rằng bỗng dưng làm “người tự do” trở nên hợp thời, tức không theo cộng sản cũng không ủng hộ độc tài, không cực tả, như đảng Syriza cầm quyền, cũng không cực hữu, như đảng Người Hi Lạp Độc lập, đối tác theo chủ nghĩa dân tộc trong liên minh của đảng Syriza. Thanh niên cấp tiến tự nhận mình là người ủng hộ chủ nghĩa “tân tự do,” chấp nhận một khái niệm mà chỉ mới vài năm trước còn bị xem là một lời nguyền rủa.
Nhưng ngay cả những người ôn hòa lạc quan nhất cũng không tin rằng sự thay đổi này sẽ kéo dài. “Chúng tôi đã tồn tại qua những kẻ dân túy cánh tả,” nhiều người phiền muộn nói với tôi, “và giờ đây chúng tôi lại phải chuẩn bị đối phó với bọn dân túy cánh hữu.” Một cuộc tranh cãi đầy ác ý từ lâu đã âm ỉ về tên gọi và vị thế của Macedonia, nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ giáp biên với Hi Lạp; ngay sau khi tôi rời khỏi Hi Lạp, chính phủ nước này trục xuất một số nhà ngoại giao Nga vì tội tìm cách khuấy động tình cảm bài Macedonia ở miền Bắc đất nước. Dù quốc gia của bạn có đạt đến mức độ cân bằng nào đi chăng nữa thì sẽ luôn luôn có kẻ, ở trong nước hoặc từ nước ngoài, có những lí do để phá hoại sự cân bằng đó.
Lời nhắc này vô cùng hữu ích. Người Mĩ, với câu chuyện lập quốc đầy hào hùng, với lòng tôn kính phi thường dành cho Hiến pháp Mĩ, với vị trí địa lí tương đối biệt lập, và với hai thế kỉ thành công về kinh tế, từ lâu tin rằng nền dân chủ tự do, một khi đã được dựng nên, sẽ không thể bị thay đổi. Ta quen kể về lịch sử Hoa Kì như một câu chuyện về sự tiến bộ, lúc nào cũng tiên tiến và ưu việt, và rằng Cuộc nội chiến Mĩ chỉ là một biến động nhỏ không đáng kể, một trở ngại mà nước Mĩ đã vượt qua. Tại Hi Lạp, người ta không nhìn nhận lịch sử một cách tuyến tính mà là một vòng tuần hoàn. Hết dân chủ tự do lại đến đầu sỏ chính trị. Rồi dân chủ tự do lại quay lại. Rồi sau đó lại đến ngoại bang xâm lược, rồi một âm mưu đảo chính của những người cộng sản, rồi nội chiến, và rồi một nền độc tài. Và cứ như vậy, kể từ thời cộng hòa Athena.
Lịch sử cũng mang một cảm giác tuần hoàn như vậy ở những phần khác của lục địa già. Lằn ranh chia rẽ làm đất nước Ba Lan vụn vỡ cực kì tương đồng với lằn ranh đã chia rẽ nước Pháp theo sau vụ Dreyfus. Cái ngôn ngữ mà phe hữu cấp tiến châu Âu sử dụng—đòi hỏi “cách mạng” chống lại “tầng lớp chóp bu,” giấc mộng về bạo lực “thanh trừng” và một cuộc xung đột văn hóa sống còn—giống thứ ngôn ngữ mà phe tả cấp tiến châu Âu từng dùng một cách đáng sợ. Mà thậm chí sự tồn tại của những trí thức bất mãn và bất bình—những người tin rằng luật lệ không công bằng và rằng sức ảnh hưởng đang nằm trong tay kẻ không xứng đáng—cũng chẳng phải chuyện của riêng châu Âu. Nhà văn Venezuela Moisés Naím ghé thăm Warsawa vài tháng sau khi đảng Luật pháp và Công lí lên nắm quyền. Anh đề nghị tôi miêu tả những lãnh đạo mới của đất nước Ba Lan: Những con người đó, họ ra sao? Tôi nêu ra vài tính từ—giận dữ, thù hằn, phẫn uất. “Nghe giống y đám Chavistas (những người ủng hộ Hugo Chavez),” Naím nói.
Cuộc tranh cãi về việc ai xứng đáng được cai trị thực sự chưa bao giờ kết thúc, nhất là trong một kỉ nguyên mà người ta đã bác bỏ chế độ quý tộc, và không còn tin rằng quyền lãnh đạo được thừa kế thông qua huyến thống hoặc rằng tầng lớp cai trị được chúa trời chống đỡ. Một số trong chúng ta, ở châu Âu và Bắc Mĩ, đã hài lòng với quan niệm rằng các hình thức cạnh tranh kinh tế và dân chủ chính là hình thức thay thế công bằng nhất cho quyền lực thừa kế hoặc tấn phong.
Nhưng chúng ta lẽ ra không nên bất ngờ—Tôi lẽ ra không nên bất ngờ—khi các nguyên tắc cạnh tranh và chế độ trọng dụng nhân tài bị thách thức. Dù sao đi nữa, chế độ dân chủ và thị trường tự do có thể sản sinh ra những thứ không dễ chịu chút nào, nhất là khi không được giám sát chặt chẽ, hoặc khi không còn ai chịu tin vào người giám sát, hoặc khi người ta cạnh tranh từ những khởi đầu quá khác biệt. Trước sau gì kẻ thua cuộc cũng sẽ khước từ giá trị của chính sự cạnh tranh.
Quan trọng hơn, nguyên tắc cạnh tranh, ngay cả khi khuyến khích tài năng và tạo ra cơ hội thăng tiến, không nhất thiết sẽ trả lời được những câu hỏi thẳm sâu hơn về bản sắc dân tộc, hoặc thỏa mãn nhu cầu được thuộc về một cộng đồng tinh thần của con người. Một nhà nước độc tài, hay thậm chí một nhà nước bán độc tài—tức một nhà nước độc đảng, một nhà nước phi tự do—chắc chắn sẽ đưa lựa kết quả này: đất nước sẽ nằm dưới sự cai trị của những con người tài giỏi nhất, xứng đáng nhất, những đảng viên, những người tin vào Lời nói dối cữ vừa. Có thể nền dân chủ phải khuất phục hoặc thương mại bị lũng đoạn hoặc hệ thống tòa án bị phá hoại để xây dựng được nhà nước đó. Nhưng nếu bạn có lòng tin rằng mình là một trong những con người xứng đáng đó, bạn sẽ chấp nhận điều đó.
Bài dịch của Quan Le đăng tại group Quora Việt Nam.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất