Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 2]
Lời cảnh tỉnh từ châu Âu: giông tố chưa qua [Phần 1] Bài viết gửi bởi Quora Việt Nam trong mục Quan điểm - Tranh luận spiderum.com...
TRƯỚC KHI TÔI TIẾP TỤC, ĐÂY LÀ MỘT KHOẢNG NGHỈ, và một lời nhắc: Tất cả những thứ này đều đã từng xảy ra rồi. Những thay đổi chính trị sâu sắc—những sự kiện bỗng nhiên chia rẽ gia đình và bè bạn, cắt ngang các giai tầng xã hội, và tái sắp xếp đáng kể các mối liên minh—không diễn ra hằng ngày ở châu Âu, nhưng cũng không phải thứ gì xa lạ. Mấy năm qua gần như chẳng có ai chú ý đến vụ tranh cãi bắt nguồn từ nước Pháp cuối thế kỉ 19 báo hiệu phần nhiều các tranh cãi của thế kỉ 20, và còn vang vọng đến hiện tại.
Vụ Dreyfus được châm ngòi năm 1894, khi một kẻ phản bội bị phát hiện trong quân đội Pháp: Ai đó đã chuyển giao thông tin mật cho nước Đức, quốc gia đánh bại nước Pháp một phần tư thế kỉ trước đó và chiếm đóng vùng Alsace-Lorraine. Tình báo quân sự Pháp điều tra và tuyên bố mình đã tìm ra thủ phạm. Đại úy Alfred Dreyfus là một người Alsace, nói tiếng Pháp với giọng Đức, và là một người Do thái—và vì vậy, trong mắt một số người, không phải một người Pháp thực thụ. Và sau đó, khi mọi chuyện vỡ lẽ, ông cũng vô tội. Nhưng các nhà điều tra của quân đội Pháp đã ngụy tạo bằng chứng và khai man; kết quả là Dreyfus bị đưa ra tòa án binh, kết án, và bị biệt giam trên đảo Quỷ, ngoài khơi Guiana thuộc Pháp.
Cuộc tranh cãi theo sau đó đã chia rẽ xã hội Pháp với những lằn ranh mà ngày nay đã trở nên quen thuộc. Những người khăng khăng buộc tội Dreyfus chính là những người tân hữu khuynh—tức đảng Luật pháp và Công lí, hoặc Mặt trận Quốc gia—của thời đại đó. Họ quảng bá một thuyết âm mưu. Họ được giúp sức bởi những dòng tiêu đề gào thét trên các tờ báo vàng cánh hữu Pháp, phiên bản thế kỉ 19 của một chiến dịch phá hoại cực hữu trên Internet. Lãnh đạo của họ dối trá để giữ gìn danh dự của quân đội; còn những người ủng hộ thì bấu víu vào niềm tin rằng Dreyfus có tội—và lòng trung thành tuyệt đối của bản thân đối với dân tộc Pháp—ngay cả sau khi vụ lừa đảo này bị vạch trần.
Dreyfus không phải gián điệp. Để chứng minh một điều không thể chứng minh, những kẻ chống Dreyfus đã bất chấp chứng cứ, luật pháp, và cả lương tri. Bản thân khoa học cũng bị ngờ vực, bởi vì nó hiện đại và phổ quát và bởi vì nó xung đột với tình cảm tôn sùng nòi giống và quê hương. “Trong mỗi công trình khoa học,” một kẻ chống Dreyfus viết, đều có một chút “tình cờ” và “ngẫu nhiên.”
Những người đứng về phía Dreyfus, trong khi đó, lập luận rằng có những nguyên tắc còn quan trọng hơn cả thể diện quốc gia, và rằng việc Dreyfus có tội hay không là rất quan trọng. Họ cho rằng, trên hết, nước Pháp có nghĩa vụ đối xử bình đẳng với mọi công dân của mình, bất kể tôn giáo của người đó. Những người này cũng yêu nước như ai, nhưng họ chọn cách thể hiện khác. Họ nhận thức về quốc gia không phải dưới dạng một phe cánh sắc tộc mà là hiện thân của một tập hợp các lí tưởng: công lí, lòng trung thực, và sự trung lập của tòa án. Đây là một cách nhìn thiên về trí tuệ hơn, trừu tượng hơn, và khó nắm bắt hơn, nhưng không phải là không có sức hấp dẫn.
Hai cách nhìn nhận về một dân tộc này đã chia đôi nước Pháp. Cơn giận bùng lên. Những cuộc cãi vã nổ ra bên các bàn tiệc khắp Paris. Nhiều thành viên gia đình không còn nói chuyện với nhau, thậm chí có khi trong nhiều hơn một thế hệ. Lằn ranh chia rẽ này tiếp tục được cảm nhận trong chính trị Pháp thế kỉ 20, trong những ý thức hệ khác biệt của chính phủ Vichy và lực lượng kháng chiến. Nó còn tồn tại cho đến tận ngày hôm nay, trong cuộc cạnh tranh giữa chủ nghĩa dân tộc “Nước Pháp cho người Pháp” của Marine Le Pen và tầm nhìn rộng hơn của Emmanuel Macron về một nước Pháp đại diện cho một loạt các giá trị trừu tượng: công lí, lòng trung thực, và sự trung lập của tòa án, cùng với toàn cầu hóa và hội nhập.
Từ quan điểm của tôi, vụ Dreyfus thú vị nhất bởi nó được châm ngòi bởi chỉ một cause célèbre [vụ việc nổi tiếng] duy nhất. Chỉ một vụ án—một phiên tòa còn đang tranh chấp—lại đẩy cả một quốc gia vào một cuộc tranh luận nảy lửa, tạo ra những chia rẽ không thể giải quyết được giữa những con người trước đây chưa từng biết mình bất đồng với đối phương. Nhưng vụ việc này cũng cho thấy rằng những cách hiểu vô cùng khác nhau về “nước Pháp” đã ở sẵn đó và chỉ chực chờ được khám phá ra. Hai thập kỉ trước, những cách hiểu khác nhau về “Ba Lan” chắc hẳn cũng đã hiện diện, và chờ ngày tình cờ được điều kiện thực tế và tham vọng cá nhân thổi bùng lên
Có lẽ điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tất cả những tranh cãi này, dù là ở nước Pháp thập niên 1890 hay ở Ba Lan một trăm năm sau đó đến tận cùng đều chứa đựng một loạt các câu hỏi quan trọng: Ai là người có quyền định nghĩa một dân tộc? Và vậy thì ai là người có quyền đứng đầu một dân tộc? Trong suốt một khoảng thời gian dài, ta vẫn tưởng rằng những câu hỏi này đã được giải quyết ổn thỏa—nhưng tại sao lại phải như vậy?
QUÂN CHỦ, BẠO CHÚA, QUẢ ĐẦU, DÂU CHỦ—tất cả đều quá quen thuộc với Aristotle hơn 2000 năm trước. Nhưng kiểu nhà nước độc đảng phi tự do mà giờ đây hiện hữu khắp thế giới—chẳng hạn như Trung Quốc, Venezuela, Zimbabwe— là do Lenin xây dựng, ở Nga, từ năm 1917. Trong các cuốn sách giáo khoa khoa học chính trị của tương lai, nhà sáng lập của Liên bang Xôviết chắc hẳn sẽ không được nhớ tới bởi lí tưởng Marxist của mình, mà sẽ được nhớ tới với tư cách kẻ đã phát minh ra mô hình tổ chức chính trị bền bỉ này. Nó chính là hình mẫu mà nhiều nhà chuyên chế đang lên của thế giới ngày nay sử dụng.
Không giống như chủ nghĩa Marx, nhà nước độc đảng của Lenin không phải một triết lí. Nó là một cơ chế phục vụ việc nắm giữ quyền lực. Nó hoạt động được bởi nó xác định rõ ràng ai thuộc tầng lớp tinh hoa—tinh hoa chính trị, tinh hoa văn hóa, tinh hoa tài chính. Trong các nền quân chủ chẳng hạn như nước Pháp và nước Nga tiền cách mạng, quyền thống trị được trao cho tầng lớp quý tộc, vốn tự định hình bản thân bằng những quy tắc nghiêm ngặt về lễ nghi và giáo dục. Ở các nền dân chủ Tây phương, quyền thống trị được định đoạt, ít nhất là trên lí thuyết, thông qua nhiều hình thức cạnh tranh khác nhau: vận động và bầu cử, thi đấu công bằng để quyết định quyền tiếp cận với giáo dục đại học và dịch vụ công, cũng như thị trường tự do. Cơ chế phân tầng xã hội cổ điển thường cũng là một phần của hệ thống, nhưng ở Anh, Pháp, Đức, Mĩ, và cho đến gần đây là Ba Lan hiện đại, ta cho rằng cạnh tranh là cách công bằng và hiệu quả nhất để phân bổ quyền lực. Những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhất phải kiếm ra nhiều tiền nhất. Những chính trị gia thu hút nhất và tài năng nhất phải được quyền cai trị. Cuộc cạnh tranh giữa họ phải được diễn ra trên một sân chơi công bằng để đảm bảo một kết quả công bằng.
Nhà nước độc đảng của Lenin dựa trên những giá trị rất khác. Nó lật đổ trật tự cai trị quý tộc. Nhưng nó lại chẳng đưa ra một mô hình cạnh tranh hơn để thế chỗ. Nhà nước độc đảng Bolshevik không chỉ phi dân chủ; mà nó còn phản cạnh tranh và phản tài năng. Các giáo chức trong hệ thống đại học, các chức vụ trong chính quyền và các ngành công nghiệp không được giao cho những cá nhân siêng năng nhất hay tài giỏi nhất. Thay vào đó, chúng lại được dành cho những người trung thành nhất. Người ta thăng tiến vì họ sẵn sàng tuân thủ điều lệ đảng. Mặc dù những điều lệ đó có khác biệt tùy thời điểm, về nhiều phương diện chúng vẫn rất nhất quán. Họ thường loại bỏ tầng lớp tinh hoa cai trị trước đó và cả con cái của những người đó, cũng như các nhóm sắc tộc không đáng tin cậy. Họ ưu tiên con cái của tầng lớp lao động. Trên hết, họ ưu tiên những người lớn tiếng tuyên thệ lòng tin vào giáo điều của đảng, những người tham dự đại hội đảng, những người góp mặt trong các màn trình diễn lòng hăng hái công khai. Khác với chế độ quả đầu thông thường, nhà nước độc đảng cho phép sự thăng tiến: Những tín đồ thực thụ có thể thăng tiến. Như Hannah Arendt viết hồi thập niên 40, thể loại nhà nước độc đảng tệ hại nhất “luôn thay thế những tài năng ưu tú, mặc kệ tình cảm của họ, bằng những kẻ đần độn và dốt nát, bởi sự ngu si và vô tri của chúng vẫn là sự bảo đảm tốt nhất đối với lòng trung thành.”
Hệ thống độc đảng của Lenin cũng phản ánh sự khinh miệt của ông ta đối với ý niệm về một nhà nước trung lập, về những công chức phi chính trị, và về báo giới khách quan. Ông viết rằng quyền tự do báo chí “là trò bịp bợm”. Ông chế nhạo quyền tự do hội họp là một “khái niệm sáo rỗng”. Còn bản thân nền dân chủ đại nghị không gì khác hơn “một cỗ máy đàn áp nhân dân lao động”. Trong tưởng tượng của đảng Bolshevik, báo chí có thể được tự do, và thể chế công có thể được công bằng, chỉ khi chúng được giai cấp công nhân kiểm soát—thông qua đảng.
Phiên bản hữu khuynh của cái trò nhạo báng thể chế cạnh tranh “dân chủ tư sản” và chủ nghĩa tư bản này cũng tồn tại đã lâu. Nước Đức của Hitler là một ví dụ thường được nhắc tới. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khác. Nam Phi dưới thời apartheid trên thực tế là một nhà nước độc đảng lũng đoạn hệ thống báo chí và tư pháp của mình để loại bỏ người da đen khỏi đời sống chính trị và thúc đẩy lợi ích của người Afrikaan, tức người Nam Phi da trắng hậu duệ của những người định cư Hà Lan, vốn không thành công trong nền kinh tế tư bản mà đế quốc Anh xây dựng.
Trên đất châu Âu, hiện đang có hai đảng phái phi tự do như vậy nắm quyền: đảng Luật pháp và Công lí, ở Ba Lan, và đảng Fidesz của Viktor Orbán, ở Hungary. Các đảng khác, ở Áo và Ý, tham gia chính phủ liên minh và được ủng hộ rộng rãi. Các đảng này chấp nhận sự tồn tại của đối thủ chính trị. Nhưng chúng cũng dùng mọi biện pháp có thể, cả hợp pháp lẫn phi pháp, để giảm khả năng hoạt động của đối phương và giảm sự cạnh tranh về kinh tế và chính trị. Chúng căm ghét đầu tư nước ngoài và chỉ trích tư nhân hóa doanh nghiệp, trừ khi việc đó mang lại lợi ích cho những người ủng hộ chúng. Chúng phá hoại chế độ trọng dụng nhân tài. Cũng như Donald Trump, chúng nhạo báng các khái niệm về tính trung lập và chuyên nghiệp, kể cả trong báo giới cũng như trong công chức. Chúng ngăn cản doanh nghiệp quảng cáo trên các phương tiện truyền thông “đối lập”—theo ý chúng nghĩa là “phi pháp”.
Đáng chú ý, một trong những hành động đầu tiên của chính phủ Luật pháp và Công lí, vào đầu năm 2016, là thay đổi luật công vụ, nhằm dễ dàng sa thải công chức chuyên nghiệp và tuyển vào tay chân của đảng. Phái bộ ngoại giao Ba Lan cũng muốn bỏ điều kiện rằng một nhà ngoại giao cần phải biết hai ngoại ngữ mới được tuyển dụng, một rào cản quá cao mà các ứng cử viên được ưu tiên không thể đạt được.* Chính phủ sa thải lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước. Trước kia, những người nắm giữ các vị trí này ít nhất từng có chút kinh nghiệm về mặt chính quyền hoặc kinh tế. Giờ đây những vị trí này phần lớn do đảng viên đảng Luật pháp và Công lí, cùng với bạn bè và người thân của mình, chiếm giữ. Trường hợp điển hình là Janina Goss, một người bạn cũ của Kaczyński, người đã cho vị cựu thủ tướng vay một khoảng tiền lớn, hình như để chi trả viện phí cho mẹ ông ta. Goss, một thợ làm mứt đầy tham vọng, bây giờ nằm trong ban lãnh đạo của Polska Grupa Energetyczna, công ti năng lượng lớn nhất Ba Lan, ông chủ của 40,000 lao động.
Ta có thể gọi loại hành vi này bằng nhiều cái tên: gia đình trị, lũng đoạn quốc gia. Nhưng nếu làm vậy, ta cũng có thể miêu tả nó bằng những từ ngữ tích cực hơn: nó báo hiệu sự kết thúc của những khái niệm bị căm ghét về cạnh tranh và chế độ trọng dụng nhân tài, những nguyên tắc, theo định nghĩa, chưa bao giờ làm lợi cho những người kém thành công. Một hệ thống bị lũng đoạn và thiếu tính cạnh tranh nghe có vẻ tệ nếu bạn muốn sống trong một xã hội do những con người tài giỏi điều hành. Nhưng nếu đó không phải mối bận tâm hàng đầu của bạn, vậy thì gia đình trị có gì xấu?
Nếu bạn tin, cũng như những người bạn cũ của tôi tin, rằng sẽ tốt hơn cho Ba Lan nếu đất nước được cai trị bởi những người xứng đáng được cai trị--bởi vì họ lớn tiếng tuyên bố một dạng ái quốc nào đó, bởi vì họ trung thành với lãnh đạo đảng, hoặc bởi vì họ là, theo lời của chính Kaczyński, một “loại người Ba Lan tốt hơn”—vậy thì một nhà nước độc đảng sẽ công bằng hơn là một nền dân chủ cạnh tranh. Tại sao lại phải cho phép nhiều đảng phái khác nhau cùng cạnh tranh trên một sân chơi công bằng nếu chỉ có một trong số đó đủ tiêu chuẩn đạo đức để thành lập chính phủ? Tại sao lại phải cho phép doanh nghiệp cạnh tranh trong một thị trường tự do nếu chỉ một vài trong số đó trung thành với đảng, và vì vậy xứng đáng được giàu có?
Tình cảm phổ biến rằng các quy tắc cạnh tranh mang đầy thiếu sót, vì các cải cách của thập niên 90 không công bằng, đã càng củng cố thêm cơn bốc đồng này. Cụ thể hơn, những cải cách đó đã cho phép quá nhiều cựu đảng viên cộng sản tái chế quyền lực chính trị của mình thành quyền lực kinh tế.
Nhưng lập luận này, vốn từng rất quan trọng một phần tư thế kỉ trước, giờ đây nghe vô cùng mong manh và nông cạn. Ít nhất là từ năm 2005 đến nay, Ba Lan chỉ nằm dưới sự lãnh đạo của các tổng thống và thủ tướng với sự nghiệp chính trị bắt đầu trong phong trào chống cộng Công đoàn Đoàn kết. Và cũng không có nhà tài phiệt cựu cộng sản đầy quyền lực nào ở Ba Lan--ít nhất ở tầm quốc gia thì không, vì đây là nơi khá nhiều người đã kiếm được tiền mà không cần các quan hệ chính trị đặc biệt. Đắng cay thay, cựu đảng viên cộng sản nổi bật nhất trong chính giới Ba Lan hiện tại chính là Stanisław Piotrowicz, một nghị sĩ thuộc đảng Luật pháp và Công lí, và là, có lẽ chẳng mấy đáng ngạc nhiên, một kẻ thù lớn của tư pháp độc lập.
Dẫu vậy, lập luận về ảnh hưởng kéo dài của chủ nghĩa cộng sản này vẫn giữ được sức hấp dẫn đối với giới trí thức chính trị cánh hữu của thế hệ tôi. Đối với một số bọn họ, nó có vẻ như là lời giải thích cho những thất bại cá nhân, hoặc cho những điều không may của họ. Không phải người bất đồng chính kiến nào vào thập niên 70 cũng đều trở thành thủ tướng, hay một cây bút bán chạy, hay một học giả nổi tiếng, sau năm 1989. Và đối với nhiều người, đây là nguồn cơn của nỗi oán giận cháy bỏng. Nếu bạn tin rằng mình xứng đáng được thống trị, thì động cơ tấn công tầng lớp tinh hoa, chiếm đóng tòa án, và bôi nhọ nhà báo để đạt được tham vọng bản thân của bạn sẽ càng mạnh mẽ. Oán giận, đố kị, và trên hết là niềm tin rằng “hệ thống” bất công--đây là những cảm xúc quan trọng trong thâm tâm giới trí thức cánh hữu Ba Lan.
Ý tôi không phải là nhà nước phi tự do thiếu một sức hút thực sự. Nhưng loại hình nhà nước này cũng hữu ích đối với cá nhân những người ủng hộ nó--đến mức phân biệt được đâu là động cơ chính trị và đâu là động cơ cá nhân là cực kì khó. Đó là những gì tôi học được từ trường hợp của Jacek Kurski, giám đốc đài truyền hình quốc gia Ba Lan và là nhà tư tưởng hàng đầu của nhà nước Ba Lan phi tự do. Jacek bắt đầu từ cùng một vị trí, cùng một thời gian, với anh trai mình, Jarosław Kurski, nhà biên tập của tờ báo ủng hộ chủ nghĩa tự do có sức ảnh hưởng nhất tại Ba Lan. Hai anh em họ cũng như hai mặt của một đồng xu.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất