Thực ra mấy nay mình khá phân vân về việc lựa chọn 1 phim hay series nào đó để review và phân tích, mình đã định phân tích về Moonrise Kingdom hoặc Isle of Dogs của Wes Anderson nhân The French Dispatch của ông sắp được ra mắt trong năm nay, hoặc là series mới ra gần đây The Outsiders của HBO dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Stephen King. Đó là cho đến khi mình được xem Little Women của Greta Gerwig, 1 trong những phim được đánh giá là hay nhất của năm 2019 (dù đến tháng 02.2020 mới được ra rạp ở VN), thì sự lưỡng lự đó không còn nữa và mình quyết định sẽ viết 1 review cho phim này.
Sơ lược nhất về phim thì, đây là 1 câu chuyện về 4 chị em nhà March với mỗi người mỗi tính cách khác nhau, mỗi ước mơ, mỗi con đường riêng. Phim kể về cuộc sống của gia đình 4 chị em lúc nhỏ đan xen với giai đoạn trưởng thành khi mỗi người đều phải đối mặt với những khó khăn từ những lựa chọn của mình. Nghe thì có vẻ phim không có gì hấp dẫn, và đúng là phim không hề chứa đựng 1 plot twist hay cao trào, drama gì cả, tuy nhiên đối với mình, đây là 1 trong những bộ phim đem lại cảm xúc rất nhiều, không chỉ là cuối phim, mà trong suốt quá trình của bộ phim.
Ok, đến đây, nếu bạn nào chưa xem phim, thì mình nghĩ nên dừng ở đây và xem phim vì đoạn sắp tới mình sẽ tiết lộ nội dung của phim nhé :D.
Nhân vật
Jo
Phim xoay quanh nhân vật người chị thứ tên là Jo March do Saoirse Ronan thủ vai, là một cô gái có mong muốn trở thành một nhà văn. Chỉ trong vòng 10ph đầu tiên, phim cho ta thấy không chỉ khái quát nhất về tính cách nhân vật này, độc lập, hoài bão, hiện đại, tự do, tháo vát, mà còn cho chúng ta biết về quan niệm của xã hội thời bấy giờ đối với phụ nữ qua chi tiết ông chủ tòa soạn muốn kết thúc của nhân vật nữ chính trong chuyện của Jo một là phải kết hôn, 2 là chết. Dường như trong xã hội lúc này, phụ nữ không có lựa chọn khác cho mình. Trong khoảng đầu phim này, mình cũng có thể dễ dàng nhận ra Jo có cảm tình với anh chàng Friedrich cùng chỗ trọ khi cố tỏ ra thu hút. Đây là 1 chi tiết mà mình thấy khá hay nếu đặt mình vào bối cảnh lúc bấy giờ (tầm 1850) khi mà phụ nữ được cho là phải thùy mị, nết na, nhưng Jo đã không chọn cách tỏ ra thùy mị nết na như những người phụ nữ lúc bấy giờ để thu hút Friedrich mà đã giả vờ dựa vào lò sưởi để đọc sách, từ đó, mình có thể thấy rõ hơn là Jo mang phong cách hiện đại hơn những người phụ nữ đương thời. Tuy nhiên, đến phân cảnh tiếp theo của Jo khi Friedrich nhận xét tác phẩm của Jo một cách hơi khắt khe, Jo đã bộc lộ tính cách tự mãn, thích được ca ngợi của mình. Tuy nhiên, mình cảm nhận Jo đã phản ứng mạnh hơn trong phân cảnh này với Friedrich vì Jo đã có tình cảm với Friedrich nên có chút tan vỡ khi nghe những lời đó, mặc dù nó chỉ là những lời đóng góp của Friedrich cho tác phẩm của Jo. Jo tự cho mình là trụ cột gia đình khi chị cả (Meg) đã lấy chồng, em thứ 3 (Amy) thì ở xa còn em út (Beth) bị bệnh, và hành động của Jo cũng cho thấy điều đó. Từ Jo, mình có thể thấy đây dù là một người độc lập, có hoài bão, tham vọng nhưng cũng là người hi sinh nhất cho gia đình, không phải là chị cả. Có 1 chi tiết làm mình thấy nổi bật nhất tính cách này của Jo là chi tiết Jo bán đi tóc của mình, lấy tiền để mẹ mua vé tàu đi thăm bố bệnh. Ở đoạn này, lúc Jo mới đi bán tóc của mình về, Jo vẫn vui vẻ dù mọi người cảm thấy bất ngờ, nhưng đến lúc mẹ đi rồi, Jo lại khóc 1 mình vì đã mất đi mái tóc của mình. Chi tiết cho thấy, không phải Jo là người phụ nữ hiện đại không quan tâm đến ngoại hình của mình, nó cho thấy tính cách hi sinh của Jo còn lớn hơn cả mối bận tâm về ngoại hình của mình.
Amy
Kế đến, phim đưa ta tới với nhân vật Amy March (được thủ vai bởi Florence Pugh, người trên bức poster của phim Midsommar), em thứ 3 (có ý kiến cho là Amy là em út trong nhà, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến mạch phim nhé, nên mình sẽ coi như Amy là em thứ 3 trong nhà). Trong khung cảnh giới thiệu Meg, trái ngược với khung cảnh lạnh lẽo, đông đúc và có phần lộn xộn ở New York, nơi mà Jo đang sinh sống là khung cảnh xa hoa, quý tộc ở Paris nơi Amy đang cùng dì March thực hiện chuyến đi châu Âu. Ở đoạn này, Amy tình cờ gặp Laurie là 1 người bạn của 4 chị em, và qua cách thể hiện, mình có thể đoán được Amy yêu Laurie nhưng Laurie lại yêu Jo. Tính cách của Amy không được thể hiện rõ ở đoạn giới thiệu nhưng dần dần được hé lộ ở những phân cảnh tiếp theo. Đây là nhân vật mà mình thấy có sự khác biệt rõ nhất giữa lúc còn nhỏ và lúc trưởng thành. Amy còn nhỏ có phần ích kỉ khi đốt hết những tâm huyết của Jo vì Jo không cho đi chơi cùng nhưng sẵn sàng đuổi theo Jo để bị lọt xuống hồ băng để xin Jo tha thứ cho mình. Amy lúc lớn có phần toan tính, thực dụng để đạt được những gì mình muốn như là, phải cưới chồng giàu, đến Paris để trở thành một họa sĩ tài ba. Mình cảm thấy, Amy như là đã lập trình cho mình sẵn 1 con đường trong cuộc đời, bất chấp, cô có lấy được người mình yêu hay không. Tuy nhiên, đến cuối cùng, Amy đã dũng cảm gạt bỏ hết những logic đã được lập trình đó, đến với Laurie, người mà cô yêu.
Meg
Trở lại với nước Mỹ, chúng ta sẽ được giới thiệu về nhân vật chị cả Meg March (thủ vai bởi cô phù thủy nhỏ Emma Watson) của gia đình. Ở nhân vật này, 2 hình ảnh đối lập được thể hiện ngay trong 1 phân cảnh, Meg ăn mặc như một quý cô đến lựa chọn vải để may đồ, chuyển ngay sang đến cảnh Meg về đến nhà, có 2 đứa con, tự phàn nàn về việc tấm vải ‘đến 50 đô’, đáng chú ý, căn nhà không hề giống với căn nhà mà 1 quý cô đang ở, nó chỉ là một căn nhà bình thường, có thể nói là không được khá giả. Chi tiết này cho thấy rằng, Meg là một người luôn bị thu hút bởi những gì có vẻ ngoài hào nhoáng, luôn muốn che đi hoàn cảnh nghèo khó của mình. Meg có mơ ước trở thành một diễn viên, luôn thích những buổi tiệc xa hoa lộng lẫy nhưng có phần an phận và lại bị thu hút bởi sự chân thành của một anh chàng thầy giáo nghèo. Đây là một chi tiết tương đối là đối nghịch theo quan điểm của mình, tuy nhiên, dần về sau, ta có thể thấy tính cách hi sinh và đồng cảm của Meg đã được thể hiện rõ hơn. Dù chồng Meg sẵn sàng mặc áo khoác cũ cho mùa đông để Meg có thể may cho mình bộ đồ mình mong muốn, nhưng Meg cũng đã bán lại cuộn vải, quyết định không may nữa để tiết kiệm cho gia đình. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy, vai trò của Meg trong gia đình 4 chị em vẫn không được thể hiện quá nổi bật, cụ thể là, Meg không thể hiện được vai trò chị cả của mình, mà vai trò đó lại thuộc về Jo, ngay cả khi lúc 4 chị em còn nhỏ.
Beth
Beth là em út trong nhà, là người trầm tính và sống khép kín nhất, nhưng cũng là người tài năng và tốt bụng nhất trong nhà. Giống với tính cách của mình, Beth là người có ít đất diễn nhất trong số 4 chị em, và theo mình cũng là người có số phận bất hạnh nhất trong 4 chị em. Phim giới thiệu Beth bằng cảnh ngồi chơi piano trong căn nhà trống. Với không khí lạnh lẽo trong phân cảnh này, mình có thể thấy được Beth đang cực kì cô đơn và như là đang mong chờ một điều gì đó trở lại. Trở lại những kí ức lúc 4 chị em còn bên nhau, Beth vẫn luôn là người trầm lắng nhất, vâng lời nhất, thể hiện qua chi tiết Beth 1 mình đi đưa đồ cho gia đình nghèo và tặng chiếc giày cho ông Laurence khi các chị của mình vẫn mải ham chơi. Một chi tiết nữa làm nổi bật lên tính cách trầm lắng của Beth là lúc 4 chị em còn nhỏ nói về ước mơ của mình, trong khi chị cả Meg thì ước mình được cưới chồng giàu và không cần phải làm việc nữa, Jo thì ước mình làm 1 nhà văn, Amy ước làm một họa sĩ còn Beth, là người mà tài năng của mình nổi trội nhất trong 4 chị em, thì ước được chơi piano, nhưng chỉ muốn chơi cho gia đình mình nghe. Nếu như trong 4 người, 3 người chị là người sẵn sàng ra đi để tìm con đường riêng thì Beth sẽ là người sẵn sàng ở lại để chờ đợi mọi người trở về. Cái chết của Beth làm mình thấy thực sự tiếc cho nhân vật này, vì sự chờ đợi của Beth mà mình đề cập ở trên, dường như là chờ đợi điều này, sự đoàn tụ của gia đình, quay về những tháng ngày vui vẻ lúc xưa. Cá nhân mình tiếc cho Beth vì kết phim là lúc mọi người quay lại, tụ tập với nhau, ai cũng được thỏa mãn đam mê và mơ ước của mình và ở cùng nhau, thì lúc đó Beth đã không còn nữa.
Người mẹ
Được thủ vai bởi Laura Dern, người cũng đảm nhận vai nữ luật sư máu lạnh trong Marriage Story, tạo cho mình về một mẫu người mẹ ‘trong truyền thuyết’. Là một người luôn hướng các con đến những điều tốt đẹp như chia sẻ bữa sáng cho gia đình nghèo dịp giáng sinh, tha thứ lẫn nhau trong gia đình, dạy Jo về việc kiềm chế cơn giận dữ trong người, khuyến khích các con đi trên con đường của mình, theo đuổi đam mê của mình. Nếu nói không quá thì cuộc sống của 4 chị em lúc nhỏ tươi đẹp và màu sắc là phần lớn nhờ vào người mẹ này.
Laurie
Đây là nhân vật mà mình thấy phim đã làm kém nhất trong khoản thể hiện tính cách và suy nghĩ của nhân vật, vì theo mình, nhân vật này còn nhiều điểm có thể khai thác. Toàn bộ quá trình của Laurie trong phim là, gặp Jo, mến Jo, làm bạn với Jo, tỏ tình với Jo, thất bại, qua châu Âu, gặp Amy, buồn khi nhắc đến việc bị Jo từ chối, cuối cùng cưới Amy... Mình cảm nhận, nếu phim khai thác thêm 1 tí quá trình chuyển biến từ yêu Jo cho đến quyết định từ bỏ và đến với Amy thì phim sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
Thông điệp của phim
Nữ quyền
Theo mình thấy, đây là một trong những phim thể hiện nữ quyền tốt nhất trong vòng vài năm trở lại đây, bên cạnh Wonder Woman, việc thể hiện thông điệp về phái nữ cũng có đam mê, hoài bão, độc lập, tài năng, dám vượt ra ngoài khuôn phép của xã hội lúc bấy giờ nhưng không hề hình tượng hóa nhân vật được thể hiện bằng cách lồng ghép vào những đoạn nói chuyện, những câu nói cùng hành động của các nhân vật trong phim. “Girls have to go into the world”, câu nói được nhân vật người mẹ trả lời khi được hỏi tại sao để con gái mình một mình đến với buổi khiêu vũ ở xa là một trong những câu nói mình thích nhất ở phim về vấn đề nữ quyền. Đối với cá nhân mình, “nữ quyền = bình đẳng”, người phụ nữ được quyền thể hiện bản thân ngang tầm với người nam, nên việc thể hiện nữ quyền trong phim phải thể hiện được rằng người phụ nữ có đầy đủ các quyền như nam giới như được ước mơ, được tự do, không bị định kiến xã hội đàn áp nhưng vẫn có cảm xúc, vẫn có quyền thể thể hiện cảm xúc riêng của mình. Cụ thể là, Jo, dù là một nhân vật được xây dựng với sự mạnh mẽ, độc lập và hoài bão nhưng cuối cùng, vẫn phải công nhận rằng, mình cần một tình yêu. Đây là điều mà phim đã làm rất tốt, mình xin lấy 1 phản ví dụ là Captain Marvel, nữ siêu anh hùng đầu tiên của Marvel, nơi nữ quyền được thể hiện 1 cách thái quá và thiếu tự nhiên, khi nữ chính cố thể hiện mình ngầu lòi như các siêu anh hùng nam giới (lúc đó đạo diễn nghĩ thế là ngầu...) và đoạn cuối còn đánh phản diện (là nam) bầm dập...
Thời gian đẹp nhất là tuổi thơ, nhưng tuổi thơ rồi cũng sẽ kết thúc
Đây là chi tiết mình cảm thấy đồng cảm và thích nhất ở phim. Phim là đan xen của khoảng thời gian quá khứ và hiện tại. Khi các bạn xem phim, nếu để ý sẽ dễ dàng nhận ra, thời gian trong quá khứ, đạo diễn luôn chủ động quay với gam màu ấm nóng, tạo cảm giác ấm cúng, cùng việc bối cảnh phim được diễn ra ở những thời điểm đặc biệt trong năm như giáng sinh, còn hiện tại, khi mỗi người đang đối mặt với những vấn đề riêng của mình, và đặc biệt là, không còn bên nhau nữa. Thời gian quá khứ ở trong phim luôn là những kí ức các chị em ở bên nhau, dù có giận nhau, cãi vã, cuối cùng, mọi người vẫn sẽ ở bên nhau. Đến đoạn cuối phim, là trong thời gian thực tại, màu phim cũng dần chuyển sang màu ấm nóng chứ không còn là màu lạnh, cho thấy sự đoàn tụ của mọi người. Chi tiết này làm mình nhớ đến lúc mình còn nhỏ, cũng 4 anh em, mặc dù là anh em họ, chơi với nhau đủ trò từ câu cá, đá banh, cho đến làm kiếm, làm nỏ từ gỗ, tre, giờ thì mỗi người mỗi nơi đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (chỉ còn hay nói chuyện với thằng út). Thông điệp này của phim theo mình thấy, không chỉ dành cho nữ giới, mà dành cho tất cả ai đã trưởng thành, đã có 1 tuổi thơ đẹp, đó cũng là lý do của tiêu đề cái note này.
"Just because my dreams are different from yours, it doesn't mean they're unimportant"
Dù chỉ là một câu nói của Meg với Jo trước lễ cưới, và phim không hề tập trung quá nhiều vào ý nghĩa này, nhưng mình lại cực kì ấn tượng với nó. Trong xã hội có nhiều định kiến như ở VN, việc trở thành bác sĩ, kĩ sư, giáo sư dường như quan trọng hơn việc trở thành một photographer, một ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ. Mình đã chứng kiến anh họ mình, khăn gói học nhiếp ảnh dưới sự dè bỉu của dòng họ để rồi giờ đây, anh hạnh phúc và vui vẻ với nó. Ngay cả khi còn thời học sinh, những học sinh giỏi toán lý hóa văn anh vẫn được coi trọng hơn những học sinh giỏi sử, địa lý, âm nhạc. Có người có ước mơ có một gia đình nhỏ hạnh phúc, nhưng mình biết, dưới con mắt của xã hội, họ bị coi là những người thua cuộc.