Xem xong phần 1 của Dune bản điện ảnh, tôi đã không chần chừ mà mua ngay tiểu thuyết này bởi không thể chờ đợi để được biết những diễn biến tiếp theo. Nhưng cũng chính tôi là người đặt cuốn sách dày tới hơn ngàn trang xuống khi hành trình đọc mới chỉ được khoảng 1/4, và quyết định không đọc tiếp nữa. Bởi, tôi tin, nếu mình chỉ đi tiếp thêm vài trang nữa thôi, việc phát triển tâm lý nhân vật trong chuyện sẽ bóp nghẹt hảo cảm của tôi với tác phẩm này.
Xem phim xong rồi thì thôi đừng đọc... xin đấy :"<
Xem phim xong rồi thì thôi đừng đọc... xin đấy :"<
Bộ phim Dune (phần 1) đã làm rất tốt sứ mệnh của mình: Vẽ ra một bối cảnh, xây dựng được hình ảnh nhân vật, đẩy họ đến cùng cực của khổ đau, hé lộ ánh sáng cuối đường hầm. Bằng ấy thứ khiến khán giả như tôi vừa thoả mãn, vừa háo hức chờ đến phần sau để đồng hành cùng nhân vật chính trong hành trình chinh phục những chông gai tiếp tới, trải qua những đau khổ, mất mát và hi sinh để rồi từ đó vươn mình ngân khúc khải hoàn đầy vinh quang. Thực ra, công thức ấy (sinh ra bình thường > gặp biến cố > không khuất phục > vùng lên/trả thù > vượt chông gai, chứng kiến sự hi sinh của thân tín + nhận ra sức mạnh của bản thân > chiến thắng) cũng là một motip quen thuộc của bất kỳ một bộ phim anh hùng nào. Nhưng không phải tự nhiên mà anh hùng nào trong văn học cũng như trong phim ảnh cũng đều đi trên con đường ấy, nó quen thuộc, đơn giản là vì nó hiệu quả. Nó phản ánh chính xác sự trưởng thành của tâm lý nhân vật chính, từ đó mà chạm được vào cảm xúc của độc giả.
Đó cũng là những thứ mà tôi mong cầu được đọc, được biết khi giở từng trang của tiểu thuyết Dune. Và, tôi nhanh chóng bị thất vọng.
Chẳng đau khổ vật vã, chẳng vùng lên trả thù, chẳng vượt chông gai, cũng chẳng cần chứng kiến sự hi sinh của thân tín, nhân vật chính nhận ra mình có hào-quang-nhân-vật-chính ngay từ buổi đầu của những biến cố đã xảy ra. Và thế là, những thứ như kiểu chông gai, khó khăn, tro tàn abcxyz xuất hiện thật thừa thãi, ai muốn chơi với một người mà bản thân họ vốn dĩ xuất hiện hào quang của thánh thần rồi cơ chứ. Tệ hơn nữa, nhân vật chính trong truyện của Frank Herbert từ ngày biết mình là thánh thần, thì cũng bỏ qua việc đau khổ vật vã dằn vặt luôn. Bản thân nhân vật chính còn chẳng biết buồn đau với hoàn cảnh của chính mình người đọc đi theo hành trình ấy lấy gì ra để đồng cảm.
Vậy nên, bỏ qua những yếu tố như thế giới được xây dựng trong truyện, với những khung cảnh ấn tượng và sự tưởng tượng tuyệt hảo, thế giới của các nhân vật trong Dune vỡ vụn từ khi nhân vật chính nhận ra bản thân được "tổ độ"... Nhìn chung là mọi khó khăn và kẻ thù đều không phải là cái nhà, vì không có... cửa.
Từ bỏ hành trình của thánh thần trong bản gốc, mình thà chờ khoảng 2 năm nữa để theo chân cậu trai Paul Atreides trẻ trên hành trình tìm kiếm và khám phá bản thân dưới nghệ thuật kể chuyện của Denis Villeneuve còn hơn.
Viết để tri ân bản thân đã dành nhiều kỳ vọng tới thế và thất vọng nhiều đến thế cho một cuốn sách, rồi gấp sách lại, cho nó mãi ngủ trên giá sách vậy.