Cốt lõi của quân đội

Nói đến chiến tranh và những công nghệ tối tân của nó, phần lớn mọi người sẽ lập tức nghĩ đến những chiếc xe tăng hầm hố, những quả tên lửa xuyên lục địa, những khu trục hạm được coi như pháo đài di động trên biển, hay gần đây là cảnh vòm sắt của Israel chặn hết những đợt tên lửa từ Hamas. Nhưng điều cốt lõi của chiến tranh lại là những người lính: những con người nhỏ bé nhưng phức tạp, khó bảo và đầy những nhu cầu kỳ lạ. 
Qua cuốn sách Lính trơn, tác giả Mary Roach đã giới thiệu những thứ bất thường một cách bình thường và ít ai để ý trong việc quân đội Mỹ trang bị cho những người lính của họ: binh lính mặc gì khi chiến đấu, họ làm thế nào để tránh tiêu chảy, hay là đảm bảo giấc ngủ cho những lính tàu ngầm.

Lên đồ ra trận

Một vài tiêu chí trong trận chiến mà một bộ quân phục cần để ý, theo như tác giả nói, bao gồm tính chống lửa, chịu được tác động của bom mìn, chống đạn, laser, các chất kích ứng da, côn trùng. Ngoài ra, bộ quân phục đó phải thoáng mát vào hè, ấm áp vào đông, mềm mịn với da, có tính thẩm mỹ, bền bỉ, và một yếu tố vô cùng quan trọng là chi phí sản xuất vừa phải (không ai, nhất là chính phủ, muốn hàng triệu người lính ra trận mà mỗi bộ đồ của họ có cái giá như một bộ sưu tập mới ra của Gucci hay Hermes).
Một bộ đồ quân đội cơ bản
Về tính chống lửa, chống laser và chống sức nóng từ một vụ nổ, có thể chung quy lại là tính kháng nhiệt. Những bộ quân phục có một số cơ chế để khi tiếp xúc với một nguồn nhiệt nguy hiểm với con người, tự khắc bộ đồ sẽ bảo vệ được họ khỏi việc bỏng. Ví dụ đầu tiên là khi bị cháy, bộ đồ sẽ tự phồng lên, tách biệt làn da của người lính khỏi lớp quần áo đang cháy. Khi đó không khí sẽ là lớp cách nhiệt tự nhiên. Một cơ chế khác là bộ đồ sẽ giải phóng một số chất hoá học giúp làm chậm ngọn lửa để người lính có thời gian cởi ra, hoặc chất hoá học đấy sẽ dập tắt hẳn ngọn lửa (với điều kiện chất hoá học không gây hại cho con người). 
Cùng là một bộ quân phục, chúng đáp ứng cả sự mát mẻ và ấm áp nhờ kết hợp nhiều loại vật liệu như lông cừu, lụa, len, polyester và màu sơn sáng. Ngoài ra, những bộ đồ đó còn phải dễ giặt sạch, khó rách trước sự tàn phá của cái máy giặt quân đội mà như tác giả nói là “làm hỏng vải nhanh gấp 5 lần máy giặt thường”. Ngoài ra, khoá kéo và khoá nhám dính của quần áo còn phải tạo ra ít tiếng động nhất có thể để tránh việc bị kẻ thù phát hiện.
Khoá nhám mà kêu to thì xong phim :|
Một vấn đề quan trọng trong chiến đấu là việc những người lính có thể giao tiếp hiệu quả với nhau hay không. Sau vài năm chiến đấu, khi đã trải nghiệm vài lần bom nổ hay tiếng động cơ xe Jeep kêu ầm ĩ bên tai, thính lực của những người lính tuổi ngoài 20 có thể chỉ ngang bằng với một cụ ông 80 tuổi. Giải pháp đơn giản nhất: nút bịt tai. Đúng, nút bịt tai có thể giúp họ không bị ù tai khi phải áp má vào và bắn khẩu bazooka, nhưng lại biến một tiểu đội thành một lũ hề vừa câm vừa điếc phải dùng ngôn ngữ ký hiệu với nhau. 
Một bộ TCAPS
Cái họ cần là bị điếc với âm thanh có hại, và nghe rõ âm thanh cần thiết từ đồng đội. Họ được trang bị thứ gọi là TCAPS (Hệ thống Bảo vệ và Liên lạc Chiến thuật). Về cơ bản, âm thanh sẽ được phân tích, âm thanh nhỏ sẽ được khuếch đại (như là tiếng trao đổi của đồng đội) và âm thanh lớn sẽ bị giảm xuống (tiếng lựu đạn).



Nguy cơ mất nước

Có nhiều cách để mất nước: ra mồ hôi, tiêu chảy, hay thậm chí là cam kết chiến đấu kề bên anh em chiến sĩ nhưng lại bỏ chạy vài ngày sau đó. Dù sao thì, mất nước không hạ gục binh lính một cách dữ dội và ồn ào như súng đạn, nhưng nó lại ăn mòn sức khỏe và sĩ khí của họ một cách dịu êm và lặng lẽ.
Về cơ bản, mồ hôi làm mát cơ thể dựa trên sự bay hơi. Khi cơ thể quá nóng, mạch máu dưới da dãn ra, dồn một lượng lớn máu đến đó, và một phần nước được rút từ máu để truyền lên da qua các mao quản dưới da. Nhưng vì sao có nhiều người ngất xỉu hay kiệt sức khi ra nhiều mồ hôi. Vì cơ thể họ đang cần dùng lượng máu mà đang tập trung dưới da cho việc đổ mồ hôi. Không đủ máu đi đến các nơi khác trong cơ thể, cơ bắp sẽ yếu đi, não sẽ dần rơi vào trạng thái bất tỉnh. Trong một nghiên cứu mà các tình nguyện viên đi bộ từ 3 tới 8 tiếng liên tục, rồi sau đó họ được phép uống nước tới khi nào hết khát thì thôi: họ dừng uống khi mới bù được một phần năm lượng nước thất thoát do mồ hôi.
Bao chứa nước
Có một vài cách mà binh lính Mỹ làm để tránh nóng: không ngồi lên cát sa mạc, không dựa người lên xe, mặc quân phục rộng và sáng màu. Có vài người cố uống no một bụng nước trước khi ra trận, nhưng việc đó sẽ chỉ làm họ thấy nặng nề và còn có nguy cơ ngộ độc nước do giảm hàm lượng muối trong cơ thể. Cách đơn giản nhất: hãy mang theo nước, và đừng vì muốn mang thêm một băng đạn mà bỏ bớt nước ra, không đáng đâu.
Tiêu chảy. Đúng, nhiều người sẽ cười và cho vấn đề này qua đầu rất nhanh, vì ai mà chả từng bị tiêu chảy. Nhưng ở thế kỷ trước, số binh lính chết vì tiêu chảy và bệnh lỵ còn nhiều hơn cả số lính chết vì bom đạn. Tác giả giới thiệu khái niệm căn bệnh “Tiêu chảy lữ hành”: với nguyên nhân gây bệnh 80% là từ vi khuẩn, 5-10% từ virus, còn lại là từ ký sinh trùng từ đồ ăn thức uống bẩn. Không giống như mất nước từ việc đổ mồ hôi, tiêu chảy là kết quả của việc ruột không hấp thu được nước mà chúng ta hấp thụ, và lượng nước đó cứ thế trôi tuột qua cửa hậu. Vậy nhiều người sẽ nghĩ rằng: làm vài viên kháng sinh là xong? Việc này phức tạp hơn thế. Kháng sinh sẽ tạo ra các vi khuẩn kháng thuốc, và những vi khuẩn đó sẽ theo những người lính về quê nhà, lây lan ra cộng đồng. 
Ăn bẩn không sống lâu đâu, tin tôi đi
Các tình huống trong quân đội Mỹ, một phần nào đó, cũng tương đồng với các post trên Reddit VN vậy: rất nhiều sự cố về cứt. Những người lính canh gác hay đặc nhiệm đều có thể phải giải quyết nỗi buồn trong khi đang làm nhiệm vụ, và sự xao lãng đó phần lớn không đáng cười cho lắm, mà là vấn đề sinh tử. Vì thế, một trong những tiêu chí trong việc chọn lính đặc nhiệm cho một chiến dịch quan trọng, là người lính phải có một cái bụng khoẻ.

Starbuck dưới đáy biển

Những người lính trong lực lượng tàu ngầm năm 1949 được cho phép ngủ 10 tiếng 1 ngày. Nhưng từ khi tàu ngầm chuyển từ động cơ diesel sang động cơ hạt nhân năm 1954, họ có nhiều thứ hơn phải làm, trong khi số lượng lính trên tàu không đổi quá nhiều, nên họ chỉ còn được ngủ trung bình 4 tiếng 1 ngày. Việc thiếu ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự tập trung và hiệu quả công việc của các thuỷ thủ, và còn tệ hơn nữa là khi họ đang điều khiển một tàu ngầm mang hàng trăm đầu đạn hạt nhân.
Tác giả được một chỉ huy tàu ngầm chia sẻ: ở quán rượu, đám lục quân sẽ khoe khoang về số lượt chống đẩy, đám không quân sẽ kể về mức gia tốc g mà họ chịu được, còn đám thuỷ thủ tàu ngầm sẽ tự hào về số tiếng liên tục mà họ thức trắng. 
Đám thuỷ thủ tàu ngầm là những người nghiện cà phê nặng. Một đoàn thuỷ thủ tàu Tennessee mang gần nửa tấn cà phê cho hành trình của mình. Quân đội còn cho thêm caffeine vào đủ loại thức ăn cho đội thuỷ thủ, như thể nửa tấn cà phê là chưa đủ vậy. Dù sao thì, các thuỷ thủ cố tận dụng tối đa thời gian rảnh họ có cho việc ngủ, và họ có cách luyện tập để có thể rơi vào giấc ngủ chỉ sau vài phút.
Lính Mỹ phải học cách ngủ ở mọi nơi
Các nhà nghiên cứu trong quân đội đã và đang nghiên cứu các giải pháp để mang lại nhịp sinh học bình thường cho đại đội đáy biển này. Một giải pháp được đưa ra là một cặp kính phát ra ánh sáng xanh, thứ đánh lừa bộ não đây là ban ngày. Một giải pháp khác là cải thiện lịch làm việc của các thuỷ thủ bằng các cách chia 24 giờ thành 4 khoảng 6 tiếng cho việc ngủ - làm việc - giải trí - canh gác. Dù sao thì, tới nay, mất ngủ vẫn là một vấn đề, và vẫn là niềm tự hào kỳ lạ, của thuỷ thủ tàu ngầm.

Con cưng của ngân sách và khoa học

Có thể nói rằng, một phần nào đó, lính Mỹ là những đứa trẻ được các nhà khoa học trong quân đội cưng chiều hết mực và đáp ứng mọi nhu cầu. Nhưng đó không phải là điều gì xấu, mà ngược lại nó thể hiện sự tiến bộ trong khoa học quân sự khi họ để ý tới những vấn đề hậu cần nhỏ nhặt đời thường nhưng lại có tác động lớn đến hiệu quả và sức mạnh của quân đội. 

Mình không biết những vấn đề thế này ở quân đội Việt Nam hiện đang được được giải quyết thế nào, nên nếu ai có đang làm trong quân đội thì comment chia sẻ ở dưới nhé <3. 
Peace!