Sorry Terry, for this tardiness.
And the recognition you perpetually deserve, elsewhere.
Terry Jones năm 1974, nguồn: Radio Times/Getty Images
Người sở hữu nhiều câu hài đắt giá nhất thế giới, có tên được đặt cho một hành tinh 9622 Terryjones
Trong câu chuyện thiếu nhi ông, Terry Jones, sáng tác và yêu thích nhất, ông đã bắt đầu như sau: “Đây là câu chuyện về cậu bé phi thường nhất thế gian, đã từng dám thè lưỡi trước ngài thủ tướng. Cậu bé tên là Nicobobinus.” 
Jones là đứa trẻ sinh ra trong thế chiến thứ hai, tại Vịnh Colwyn, bắc Wales, được mẹ Dilys và bà ngoại nuôi dạy, trong lúc cha Alick Jones đồn trú tại Ấn Độ. “Qua từng làm khói ở cuối ke ga, cha xuất hiện – hình ảnh đơn độc trong mũ quân đội tay quải một giỏ quân dụng. Ông chạy đến hôn mẹ, rồi anh trai tôi, rồi cúi người xuống nhấc bổng tôi lên và hôn một cái. Tôi chỉ được hôn bởi đôi môi trơn mịn của phụ nữ tính đến thời điểm đó, do đó hàm ria mép của ông khá khó chịu.”
Terence Graham Parry Jones, gọi tắt là Terry Jones, là một diễn viên, cây viết, diễn viên hài, viết kịch bản, đạo diễn, và sử gia. Terence là tên nam, từ tiếng Latin Terentius, có nghĩa là người canh gác.
“Từ khi lên bảy, tôi luôn muốn làm thơ, và thường chúng rất u ám, buồn rầu. Tôi luôn cảm thấy nhu cầu muốn viết. Tôi đã viết những bài luận dài, những bài thơ dài từ bé, được bà tôi lưu giữ chúng. Lúc nào cũng viết. Thầy Martin, vị thầy tuyệt vời của tôi ở trường, thường đọc những bài luận tôi viết cho cả lớp. Tôi yêu điều này, bởi nó trao cho tôi tự tin. Nhưng sau đó, các thầy cô khác lại tạt gáo nước lạnh, “Làm nhà văn không thể sống được. Nghề khá nhất mà trò có thể hy vọng là trở thành giáo viên.”
Ở Oxford, ông khởi xướng Đoàn sân khấu thể nghiệm cùng bạn cùng thời Michael Rudman, trình diễn tất cả mọi thứ từ kịch phi lý của Brect tới cabaret. Jones từng nói, ông mừng vì đã vào Oxford, vì nếu không, ông “đã không gặp Mike Palin hay Geoffrey Chaucer – nếu không có họ, phần còn lại cuộc đời [tôi] hẳn sẽ hoàn toàn khác.” Michael Palin, chính là Mike, có viết “Jones háo hức tận hưởng trọn vẹn cuộc sống,”
Nhà viết tiểu sử cho nhóm Python George Perry nói về Jones như sau, “Cứ nói với ông ấy về các chủ đề đa dạng như năng lượng hóa thạch, Rupert Bear, hay lính đánh thuê thời Trung Cổ hay Trung Hoa hiện đại, chẳng mấy chốc bạn sẽ hoàn toàn quỵ ngã và choáng ngợp trước kiến thức của ông.” 
Terry Jones là một sử gia nghiệp dư, nhưng trong chữ nghiệp dư – amateur – có gốc Latin từ amar nghĩa là yêu. Trong vai trò này, ông đã làm rất nhiều thứ mà chính những học giả chuyên nghiệp không thể hòng làm thay đổi thái độ của chúng ta về thời phong kiến, Trung Cổ của nước Anh, thời đại của những hiệp sĩ ưu nhã và những thiếu nữ chỉ biết… chờ được cứu vớt.
“Tại làm sao tôi cảm thấy bức bối với những điều ta nghĩ về tiền nhân thời Trung Cổ? Tôi nghĩ đó là vì rất nhiều tiếng nói của họ đang vang vọng trong tai tôi – tiếng nói của Chaucer, của Boccacci, của Henry Knighton, của Thomas Walsingham, của Froissart, của Jean Creton… những nhà văn và sử gia thời bấy giờ với tôi cũng tựa như một cá nhân nào khác, vẫn còn đang sống như chúng ta ngày nay. Chúng ta phải hiểu biết hơn về họ để hiểu biết hơn về chính mình.” Với Terry, “thế giới trung cổ chẳng phải là một thời kỳ đình trệ hay con người ngu muội. Rất nhiều điều chúng ta giả định về sự ngớ ngẩn của thời trung cổ hóa ra chính là sự ngờ nghệch của chính chúng ta về thời kỳ này.”
Neil Gaiman, cây viết nổi danh người Anh đồng hương chia sẻ, “36 năm trước, tôi gặp Terry Jones. Tôi cần phải phỏng vấn ông. Tôi xin dùng trà, thế là ông khui một chai Chablis và chuốc tôi say. Ông dí dỏm, minh mẫn và chân thành. Ông là cả một nguồn cảm hứng.”
Jones viết nhiều quyển sách, kể cả truyện tranh, và các tác phẩm nghiêm túc khác về lịch sử thời phong kiến. Ông viết truyện thiếu nhi Starship Titanic dựa trên trò chơi của Douglas Adams (tác giả huyền thoại của dòng giả tưởng thiếu niên, với tác phẩm Bí quyết quá giang trên dãy ngân hà).
Life of Brian
Jones, trái lại, không muốn bia mộ của mình ghi danh là một thành viên của Python, mà ngạc nhiên thay, cho những ghi chép và tác phẩm về sử học của mình. “Có thể một mô tả tôi là tác giả sách thiếu nhi hay người khôi phục danh tiếng cho Richard Đệ Nhị. Tôi nghĩ đấy là những tác phẩm hay nhất của mình.”
“Những ý nghĩ nực cười… toàn bộ cái cuộc chiến chống khủng bố. Ta có thể gây chiến với một quốc gia, hay một nhóm người trong quốc gia ta đang sống, nhưng làm sao ta có thể gây chiến với một danh từ trừu tượng chứ. Làm sao ta biết khi nào mình đã chiến thắng? Khi từ ấy bị xóa ra khỏi từ điển Oxford tiếng Anh?” Terry Jones chua chát nhận định. 
Thi ca cũng là một tình cảm lâu bền nhưng ít được người khác biết tới nơi ông, nhưng cách chuyển tải tài tình của ông mối quan hệ giữa thi ca và hài kịch năm 2014 thật tuyệt vời: “Nhà thơ thế kỷ 19 Robert Browning, về căn cốt, đã nói rằng ta cứ lấy ra ba ý tưởng rời rạc, từ ba tứ ấy, ta tạo ra chẳng phải tứ thứ tư, mà cả một vì sao. Lúc nào tôi cũng yêu thích cách ví von ấy. Nó cũng giống với lý thuyết hài kịch. Nhưng khác biệt ở đây là với hài kịch, ta lấy những ý tưởng rồi mang chúng lại với nhau, nhưng không phải tạo ra một ngôi sao, mà là một tiếng cười. Ở đó có một cái gì đó thật kỳ diệu.”
Diễn viên hài Eric Idle chia sẻ “lần đầu tiên thấy ông ấy trên sân khấu liên hoan Edinburg năm 1963,” ông đã yêu quý Terry. “Thật buồn nếu như bạn quen Terry, nhưng không quen, bạn sẽ luôn cười trước nhiều giây phút cực kỳ vui nhộn mà ông ấy trao cho chúng ta.”
Terry Gilliam, một nhà làm phim hoạt hình, một đạo diễn lừng danh, lại viết “anh ấy hoàn toàn đắm say cuộc sống. Một con người phi thường, luôn đặt câu hỏi, kiêu bạc, ưa tranh luận đúng đắn và tức tối đúng nơi nhưng vô cùng dí dỏm và rộng lượng… và rất thường xuyên là một cái gai trong mắt.”
“Sự tương đồng thứ hai giữa hài kịch và thi ca, đó là: sự lắng đọng. Cả hai cần phải được lắng đọng. Những từ ngữ, khái niệm cần phải được tinh lọc, và tinh chất là những điều ta muốn nói ra.” Jones nói thêm.
Đạo diễn tài ba… trên bốn bộ phim bị cấm chiếu ở Ireland
Mike Sacks của tờ Vulture cho Terry Jones là Python đầu óc nhất trong nhóm hài có lẽ đầu óc nhất từng xuất hiện – và đây chính là một con quái vật sáu đầu đã viết nên và cho phát sóng tiểu phẩm tên gọi “Cuộc thi tóm tắt tác phẩm Marcel Proust” – một nhà văn không thể đọc nha nhẩn được với mỗi tiểu thuyết ngốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trang, nhưng quan trọng hơn, có lẽ, đó là lần đầu chữ… “thủ dâm” lên sóng truyền hình. 
Ông là một phần sáu của đội ngũ Monty Python huyền thoại, là một nguồn lực sáng tạo chính yếu đứng sau những tác phẩm đầy tính tiên phong của nhóm hài thời bấy giờ, đa dạng trong phong cách, giọng điệu, và ghi danh cùng Monty Python như một trong những tài sản văn hóa ảnh hưởng nhất của nước Anh. Lần lượt, đó là Terry Jones, Michael Palin, Eric Idle, Graham Chapman, John Cleese và Terry Gilliam.
Định nghĩa Monty Pythonesque, tính từ, là một mục từ trong từ điển tiếng Anh Oxford, dù đây là điều khiến Jones không hài lòng. Lối hài dòng ý thức đứt gãy của Monty Python đã ảnh hưởng cả một thế hệ diễn viên hài, với ảnh hưởng có thể sánh với, như từng được gọi, Beatles của hài kịch, vang vọng cả hai bờ Đại Tây Dương – và vô số diễn viên hài và diễn viên nói chung đều nợ một chút gì đó tài năng sáng tạo của Terry Jones. Thập niên 70 và 80 chính là đỉnh cao của dấu ấn Monty Python trên kịch trường và truyền hình thế giới, với hình ảnh bàn chân khổng lồ của thần Cupid đạp thẳng xuống từ trên cao và phần nhạc hiệu… chướng tai.
Ông chính là nòng cốt hình thành nên format chẳng đầu đũa, ma mị, dòng ý thức, mỗi câu hài cứ liên tiếp nhau mà không cần vướng bận bởi câu chốt hạ (punchline) đi trước, trong những bối cảnh diễn xuất có trời mới nghĩ ra nổi – chẳng hạn điệu nhảy tát đối phương bằng cá, con vẹt chết, hay bài ca thợ đốn gỗ (The Lumberjacks’ Song). Ấy vậy mà “[t]hứ duy nhất tất cả chúng tôi (Monty Python) đồng tình với nhau là hoàn toàn không để ai đoán ra được và không bao giờ tự lặp lại chính mình,” Jones nói với tờ New York Times năm 2009. “Chúng tôi không muốn bị lượng hóa. Pythonesque là một tính từ, đồng nghĩa chúng tôi đã hoàn toàn thất bại.” 
Jones từng đem Python so sánh với âm nhạc như sau: “Sáu chúng tôi tạo ra một hòa âm lại là một người khác. Chúng tôi viết cùng nhau, và cùng viết cho giọng nói thứ bảy kia. Gần như luôn có hình ảnh một giọng nói khác hiện diện ở đó. Đó thật ra chính là giọng nói của Python.”
Hay tin BBC cần phải xóa “ổ cứng” (khái niệm chưa tồn tại những năm 70) để dành đất cho những loại hình giải trí “nghiêm túc” hơn như ballet, opera, các thành viên Python buộc phải luồn băng ghi hình và thu hình tại nhà trên dàn Philips VCR. Trong một thời gian dài, đó chính là những bản duy nhất của mùa đầu Flying Circus, và nếu chúng mất đi, mãi mãi hậu sinh chúng ta không bao giờ được chứng kiến phép màu truyền hình và hài kịch của thế kỷ 20. 
“Ông ấy hơn cả vị trí một trong những diễn viên-biên kịch hài hước nhất thế hệ mình, ông ấy là một diễn viên hài Phục Hưng toàn tài – viết, đạo diễn, trình diễn, sử gia, tác giả viết cho thiếu nhi, và người bạn ấm ám, lạ thường nhất mà ta ước ao có được,” Michael Palin ấm áp chia sẻ về Jones. “Tôi cảm thấy vô cùng may mắn đã chia sẻ một phần lớn cuộc đời mình bên Terry.”
Lần đầu tiên công chiếu, Monty Python & Chén thánh bị xem là một thảm họa, khi “khán giả chỉ cười trong năm phút đầu rồi im bặt, chẳng còn động đậy gì thêm. Thế là chúng tôi cắt lại.” Thảm họa này trở thành một trong những bộ phim hài hay nhất lịch sử điện ảnh, chẳng hạn đài ABC năm 2011 xếp bộ phim là phim hài kịch hay thứ nhì mọi thời đại, sau Airplane!
Chưa hết, từ spam mà chúng ta sử dụng ngày nay chỉ tin nhắn rác, đến từ tiểu phẩm cùng tên do chính Jones chắp bút và đóng vai bà chủ cửa hiệu có một menu mà tất cả các món đều có chữ… spam. Đây cũng là dạng vai mà Terry Jones nổi danh: giả phụ nữ trung niên, giọng the thé khó nghe. Điều này vẫn tiếp tục khi Monty Python chuyển sang màn ảnh rộng, cụ thể là vai Mandy Cohen, mẹ Brian Cohen, phim Life of Brian năm 1979, mà John Cleese đánh giá thành tựu lớn nhất của Jones, một tác phẩm “hoàn hảo”.
Câu nói nổi tiếng nhất của Monty Python thốt ra từ miệng Terry Jones – Nó chẳng phải Đấng cứu thế, nó là một thằng nhóc rất ngổ ngáo! – trong Life of Brian. Về bộ phim, Jones đanh thép đáp trả những nhóm tôn giáo tẩy chay Monty Python dám chế nhạo Cơ Đốc giáo bằng lập luận như sau: “Bộ phim không làm về những điều Chúa nói, mà về những tín đồ - những người 2000 năm sau vẫn tra tấn và chém giết nhau vì những điều bất đồng xoay quanh thế nào là hòa bình và lòng yêu thương.”
Năm 1983, Jones lại đạo diễn Meaning of Life, trong vai diễn kinh tởm nhất trong sự nghiệp mình theo nghĩa đen, Ngài Creosote, một thực khách to kềnh càng phàm ăn, kể cả khi không ngừng nôn ra thốc tháo – fan của Ghibli hãy nhớ lại thói phàm ăn Vô diện trong Spirited Away.
Ngài Creosote là kịch bản duy nhất Terry Jones viết riêng với John Cleese, kịch bản có thể xem là quái đản nhất trong chùm tác phẩm bàn về “Ý nghĩa cuộc sống” – đừng bận tâm, có cả một tập khác nói về sự hiếm quý của… tinh trùng, bất chấp bùng nổ dân số và nghèo khổ kéo theo.
“Chúng tôi không bận tâm làm ai khác ngoài chính chúng tôi cười. Điều này thể hiện rất rõ trong tiểu phẩm Ngài Creosote. Ở ngày quay thứ năm, có một đám cưới diễn ra trong sảnh phòng nơi nhóm chúng tôi quay hình. Ngày thứ năm, ta có thể hình dung mùi của nó ra sao, hỗn hợp salad Nga và vài thành phần khác nữa. Chắc chắn đấy chẳng phải là một cách hay ho để khởi đầu đời sống hôn nhân.”
Năm 1987, ông đạo diễn bộ phim Personal Services, về chủ một nhà thổ dành cho đàn ông cao niên, với sự tham gia của Julie Walters. Jones tự hào với thành tích ba trên bốn bộ phim từng bị cấm ở Ireland do mình làm đạo diễn – Life of Brian, Meaning of LifePersonal Services.
Personal Services (1987)
Lần cuối cùng Jones trình diễn cùng với Python là chuỗi 10 ngày tại sân O2, London, tháng 7 năm 2014, với kỷ lục bán sạch vé chỉ sau… 43 giây. 
Tháng 1/2012, Jones tuyên bố đang hợp tác với Jim Steinman, nhà soạn nhạc kiêm sản xuất, cho phiên bản heavy metal của Kẹp hạt dẻ, tác phẩm gốc của Tchaikovsky.
Tháng 10/2016, Jones nhận giải Thành tựu trọn đời cho đóng góp dành cho ngành truyền hình và điện ảnh tại giải BAFTA của xứ Wales. 
Bộ phim Absolutely Anything là tác phẩm điện ảnh cuối cùng của Terry Jones, với sự tham gia góp giọng của bốn Python còn lại. 
Tác phẩm sân khấu cuối cùng ông đạo diễn là vở nhạc kịch Jeepers Creepers về cuộc đời nghệ sĩ hài Marty Feldman, năm 2016.
Diễn viên hài John Cleese viết rằng, “lạ thay, một người quá đa tài và ham mê vô tận dường ấy, nhẽ ra đã nên rời bước trong lặng lẽ… Mất hai, còn bốn.” Cleese nhắc tới cái chết sớm của Graham Chapman năm 1989.
Jones có cuộc hôn nhân mở với Alison Telfer, và cùng nhau họ có Sally sinh 1974 và Bill 1976. Năm 2009, Jones rời Alison để đến bên Anna Söderström, kém ông 41 tuổi và đã bên ông được 5 năm. Cả hai kết hôn năm 2012.
Dòng cáo phó của gia đình có dòng như sau: “Tất cả chúng ta đã mất đi một con người tử tế, dí dỏm, ấm áp, sáng tạo và giàu tình cảm mà cá tính không khoan nhượng, trí tuệ mẫn tiệp, nét hài hước phi thường đã trao niềm vui cho hàng triệu con người suốt sáu thập kỷ qua.”
Stephen Fry, một diễn viên tài ba quý giá của kịch nghệ Anh quốc, chia sẻ như sau: “Giã biệt Terry Jones. Bàn chân khổng lồ đã giẫm lên ông. Trời hỡi, niềm hạnh phúc ông trao, niềm sướng vui ông tặng không gì bì kịp. Quả là một tài năng, con tim và khối óc tuyệt vời.”
Tác phẩm sân khấu Spamalot 2005 do Eric Idle sản xuất chính là nhắc nhở, cũng là giới thiệu Python cho cả một thế hệ fan mới, trẻ trung hơn. 
Di sản Monty Python là trường tồn.
nguồn: Monty Python
Tạm biệt Ngài Cresosote. Tạm biệt tay đánh đàn trần truồng. Tạm biệt mẹ của Brian Cohen, và tất cả các dì các cô giọng chanh chua chúa chát. 
Xin tạm biệt, Terry Jones. 
k.