Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe đến nguyên lý ''Điện cực trái dấu thì hút nhau'', dựa trên nền tảng đó, có lẽ không ít người giữ trong mình suy nghĩ rằng con người cũng sẽ có xu hướng bị thu hút bởi những người có những đặc điểm khác với mình. Khác ở đây có thể là về phong cách ngoại hình, sở thích, hay tính cách...
Người trẻ và người già, những cặp đôi hạnh phúc và đau khổ, những người độc thân và những người đã kết hôn – tất cả dường như đều tin vào câu ngạn ngữ cổ điển về tình yêu ''các mặt đối lập đều thu hút''. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ đã sáng tác nhiều cuốn sách xoay quanh giả định này. Quan điểm này thậm chí còn ''ăn sâu'' vào trong tiềm thức của một số cá nhân đang tìm kiếm bạn đời, một nghiên cứu từng chỉ ra 86% những người đang tìm kiếm tình yêu nói rằng họ đang tìm kiếm một người có những đặc điểm trái ngược với bản thân họ.
Ngoài ra, nhận định ấy còn được khắc họa rõ nét trong các sản phẩm truyền thông hiện nay như sách báo, đặc biệt là các bộ phim truyền hình. Hình tượng một nam chính lạnh lùng, trầm tính bị thu hút bởi cô nữ chính hoạt bát, hòa đồng; hay hình tượng các cô nàng good girl say đắm những chàng bad boy, tất cả có lẽ không còn quá xa lạ với chúng ta. Và rồi việc tiêu thụ những sản phẩm như thế lại càng củng cố hơn niềm tin trong một số cá nhân rằng cần phải luôn tìm kiếm những điều khác biệt ở một người bạn đời lý tưởng.
Tuy nhiên, sự thật liệu có phải là con người chúng ta có xu hướng bị hấp dẫn bởi những người khác mình hay không?
Rất tiếc, trên thực tế, những kết quả chứng minh của khoa học lại đi theo hướng ngược lại, các thí nghiệm được thiết lập mang đến kết quả rằng con người chúng ta có xu hướng bị thu hút nhiều hơn bởi những cá nhân giống mình. Gần như tất cả các bằng chứng đều cho thấy rằng các mặt đối lập rất hiếm khi thu hút nhau. Dù vô thức hay có ý thức thì đa phần chúng ta luôn bị thu hút bởi những người trông giống mình ở một số đặc điểm nào đó. Bất chấp toàn bộ những quan niệm về việc tính đối lập mang đến sự thu hút, đây không phải là lần đầu tiên khoa học phát hiện ra rằng chúng ta hầu như chỉ muốn hẹn hò với chính mình.
Nhà thống kê Emma Pierson, người đã nghiên cứu về 1 triệu lượt match được thực hiện bằng thuật toán trên trang web hẹn hò eHarmony, đã phát hiện ra rằng mọi người quan tâm nhiều hơn đến những người giống họ. Dựa trên các nghiên cứu của Pierson, phụ nữ đặc biệt thích những người đàn ông không chỉ giống họ về thể chất sức, sự hấp dẫn, sự tự nhận thức hay sáng tạo... Trên thực tế, trong tất cả 102 đặc điểm mà Pierson đã đánh giá, phụ nữ có nhiều khả năng tiếp xúc với những người giống họ hơn. Phụ nữ cũng tỏ ra thích những người sử dụng cùng một tính từ để mô tả bản thân, chẳng hạn như ''hài hước'', ''thông minh''.
Pierson cùng các đồng nghiệp cũng đã tiến hành một thí nghiệm khác để kiểm chứng về việc liệu những người giống nhau có thường kết đôi với nhau hay không. Cô thực hiện bằng cách sử dụng DNA từ các mẫu nước bọt của các cặp đôi và cung cấp những câu hỏi khảo sát cho những người tham gia. Cô phát hiện ra rằng các cặp đôi tham gia thí nghiệm có rất nhiều điểm tương đồng với nhau, chỉ số tương thích ấy đạt đến 97%. Những đặc điểm này bao gồm nhiều thứ từ tuổi tác đến sự đúng giờ và sở thích cá nhân. Các vận động viên có xu hướng kết đôi với các vận động viên khác, những người ăn chay có xu hướng kết đôi với những người không ăn thịt, và thậm chí cả những người thường hay đứng ra nhận lỗi có xu hướng gắn kết với những người thường hay nói "Tôi xin lỗi".
Vậy thì cụ thể, chúng ta sẽ có xu hướng tìm kiếm những sự tương đồng nào ở một nửa kia?
<i>Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash</i>
Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash

1. Ngoại hình

Chúng ta có nhiều khả năng phải lòng một người trông giống cha mẹ khác giới của mình (Ví dụ, người con trai bị thu hút bởi các cô gái có những đặc điểm ngoại hình giống với người mẹ của mình). Điều này có thể nói lên một điều rằng những điều cấm kỵ loạn luân là những nguyên tắc xã hội được thiết lập một phần nhằm để ngăn chặn con người làm theo bản năng, hoặc theo dòng chảy của những cảm xúc vô thức không thể kiểm soát.
Việc bị thu hút bởi những người có những nét giống cha hoặc mẹ của mình hóa ra không phải là một bất thường mà thực tế, nó xảy ra cực kỳ phổ biến. Việc này xảy ra ở một số loài động vật như cá, chim và các động vật có vú khác. Các nhà khoa học đặt tên cho hiện tượng đó là: positive sexual imprinting (Mình tạm thời vẫn giữ nguyên thuật ngữ trong Tiếng Anh vì mình chưa tìm thấy tài liệu dịch cụm từ này sang Tiếng Việt).
Hiểu đơn giản đó là việc cá thể sử dụng kiểu hình của cha mẹ khác giới của chúng làm khuôn mẫu để có được bạn tình, trong trường hợp này cha mẹ đóng vai trò là hình mẫu về những gì cần tìm kiếm ở một người bạn đời. Điều này cũng có thể được xem là một lời lý giải cho việc một số người thực sự bị thu hút trong tiềm thức bởi những người giống cha mẹ khác giới với mình.
Ngoài ra, một báo cáo năm 2010 được công bố cho thấy rằng chúng ta không chỉ bị thu hút bởi những người giống các thành viên trong gia đình, mà còn bị ấn tượng nhiều hơn với những người có ngoại hình giống với chính mình. Trong một nghiên cứu, các đối tượng tham gia được cho xem ảnh của những người lạ và ảnh của chính họ được biến đổi thành những người khác, họ lại bị thu hút nhiều hơn bởi những bức ảnh mà chính khuôn mặt của họ đã được biến đổi.
Một nghiên cứu khác năm 2013 được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One cũng chứng minh điều này. Cụ thể, những người tham gia được cho xem hình ảnh khuôn mặt người bạn đời của họ đã được biến đổi theo 2 cách. Thứ nhất, là kết hợp những đặc điểm vốn có của người bạn đời với một số đặc điểm từ khuôn mặt của một người lạ ngẫu nhiên. Trường hợp thứ hai là kết hợp với chính những đặc điểm của người tham gia. Kết quả là, đa phần cả đối tượng nam và nữ đều đánh giá gương mặt chứa đựng sự pha trộn ngoại hình của bạn đời họ và họ có sự hấp dẫn hơn.
<i>Photo by Harry Quan on Unsplash</i>
Photo by Harry Quan on Unsplash
Có lẽ ai cũng một lần trải qua trường hợp khi bất giác nhìn một người và đột nhiên có cảm tình dành cho họ, dẫu cho người đấy không quá xinh, không quá đặc biệt nhưng lại có điều gì đấy ở ngoại hình họ khiến ta ấn tượng và thấy dễ mến. Khi đấy, có lẽ người đó có thể sở hữu những đặc điểm nào đó giống với một người thân của chúng ta, hoặc chính bản thân mình, chỉ là lúc đó, chính bản thân bạn cũng không hề nhận ra những điểm tương đồng đó.
Thực tế, không dễ dàng để nhận ra những nét tương đồng về mặt ngoại hình. Bởi lẽ, thật khó để phát hiện một đặc điểm ngoại hình nào đó của bản thân được thể hiện dưới hình hài của một người khác giới tính, hay thậm chí là cùng giới. Dẫu cho chúng ta là những sinh vật ưa thích việc chau chuốt và ngắm nhìn bản thân, nhưng cũng không đơn giản để nhận ra những đường nét tương đồng giữa bản thân ở một người lạ chỉ mới gặp vài lần.
Sự tương đồng ở ngoại hình này còn có thể được sử dụng để giải thích cho những trường hợp các cặp đôi nhận được những lời khen khi có ''tướng phu thế'' sau một khoảng thời gian chung sống với nhau. Có lẽ ngay từ đầu, bản thân họ đã có những nét giống nhau ở ngoại hình, chẳng qua là có thể họ đã vô thức không nhận ra điều đó. Và rồi khi thời gian chung sống cùng nhau được kéo dài hơn, khi họ cùng tiêu thụ những thực phẩm giống nhau, cùng trải qua một đồng hồ sinh học với những hoạt động tương đồng, khi đấy những đường nét tương tự lại dần được thể hiện rõ rệt hơn trước đó.

2. Hệ giá trị cơ bản trong cuộc sống

Con người là một cá thể luôn mong muốn được chấp nhận, dù mong muốn ấy được thể hiện rõ hay bị che giấu thì nỗi sợ hãi bị từ chối, bị phản đối là một cảm giác mà bất kỳ ai cũng không muốn phải trải qua. Vậy nên, dẫu trong bất kỳ mối quan hệ nào, đa phần chúng ta đều luôn tìm kiếm sự chấp thuận. Đồng ý rằng điều này là rất khó, bởi lẽ sống cho một xã hội với một tập hợp những cá thể khác nhau, việc tồn tại những sự khác biệt trong quan điểm là một điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, đối với những cá nhân đang đi tìm một nửa để gắn bó hay đi đường dài cùng nhau, thì việc tìm được ở một nửa có những sự tương đồng trong cách nhìn nhận về cuộc sống, hay các hệ giá trị cơ bản là điều vô cùng quan trọng mà nhiều cá nhân luôn mong muốn. Không nhất thiết phải tìm kiếm một người luôn 100% đồng ý với ta trong mọi vấn đề, chỉ đơn giản rằng những hệ nguyên tắc, triết lý, quan niệm trong cuộc sống sẽ có những điểm tương đồng. Bởi lẽ, đấy dường như là kim chỉ nam, cũng như là ''cần gạc'' điều khiển cho những quyết định, hành vi của một người, Cách chúng ta nhìn nhận về cuộc sống là yếu tố quan trọng để quyết định đến tính cách, cách ta xử lý hay giải quyết những vấn đề trong đời sống. Nếu những giá trị lớn đấy ngay từ đầu đã mâu thuẫn và đối lập hoàn toàn thì sẽ kéo theo nhiều bất đồng trong những vấn đề nhỏ nhặt hằng ngày.
Lấy ví dụ một người có quan niệm sống cứ tiêu sài, tận hưởng thoải mái trong cuộc đời thì sẽ rất khó hòa hợp với một người cho rằng cần phải luôn tính toán cẩn thận để chuẩn bị và lường trước cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai.
<i>Photo by Lina Trochez on Unsplash</i>
Photo by Lina Trochez on Unsplash
Nhà tâm lý học Donn Byrne là một trong những người đầu tiên nghiên cứu tác động của sự giống nhau đối với giai đoạn đầu của các mối quan hệ. Để làm như vậy, ông ấy đã phát triển một phương pháp được gọi là "kỹ thuật người lạ ma".
Quy trình bắt đầu với việc những người tham gia hoàn thành việc trả lời bảng câu hỏi đối với nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tiếp theo, họ tham gia vào giai đoạn đánh giá một người dựa trên câu trả lời của người đó, đối với cùng một câu hỏi (Thật chất người này không tồn tại).
Byrne đã thao túng mức độ giống nhau giữa câu trả lời của người tham gia và ''bóng ma lạ mặt''. Kết quả của ông cho thấy những người tham gia báo cáo cảm thấy bị thu hút hơn bởi những người có thái độ tương tự với câu trả lời họ đã đưa ra. Điều đó cho thấy, mức độ giống nhau trong quan điểm, suy nghĩ càng lớn thì sự hấp dẫn và yêu thích càng lớn.
Để giải thích cho những phát hiện của mình, Byrne lập luận rằng hầu hết chúng ta đều cần có một cái nhìn hợp lý và nhất quán về thế giới. Chúng ta có xu hướng ủng hộ những ý tưởng và niềm tin hỗ trợ để củng cố tính nhất quán đó. Những người đồng ý với ta thể hiện thái độ xác nhận, điều đó đáp ứng nhu cầu được chấp nhận của con người, trong khi những người không đồng ý với chúng ta có xu hướng kích thích cảm giác tiêu cực - lo lắng, bối rối và thậm chí có thể tức giận.
Nghiên cứu ban đầu của Byrne chỉ giới hạn ở sự giống nhau về góc nhìn, quan điểm nhưng nghiên cứu khác của ông cũng chỉ ra rằng vẫn có thể có sức hấp dẫn lớn hơn đối với người có sự giống nhau trong các khía cạnh khác trong xã hội. Ví dụ: sự tương đồng về dân tộc, độ tuổi hay nền tảng giáo dục.

3. Nền tảng giáo dục

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không còn quá xa lạ với câu ''Gió tầng nào gặp mây tầng đó''. Điều này không chỉ đơn thuần nhắm đến sự giống nhau về địa vị xã hội, kinh tế, chính trị mà mở rộng hơn cả là muốn hướng đến những điểm tương đồng trong nền tảng giáo dục.
Con người chúng ta có xu hướng tìm kiếm hay bị thu hút bởi những cá nhân có sự tương đồng trong nền tảng giáo dục với họ. Tuy nhiên, nền tảng giáo dục ở đây được hiểu như thế nào?
Trong phần này, mình không chỉ đơn thuần muốn bàn đến trình độ học vấn tức là bậc học hay bằng cấp của một người, bởi lẽ những yếu tố đấy không hoàn toàn quyết định đến việc đánh giá một cá nhân. Không thể căn cứ vào những tấm bằng, học vị để kết luận về nền tảng giáo dục của một cá nhân. Mà điều đó được thể hiện nhiều hơn ở cách cá nhân đó hành xử trong các tình huống xã hội, cách họ giải quyết các vấn đề và việc họ kiểm soát cảm xúc, điều khiển tư duy khi đương đầu với các vấn đề khó khăn như thế nào. Khi đó, chúng ta sẽ căn cứ vào những biểu hiện đó để hiểu hơn về nền tảng giáo dục của một cá nhân, cũng như dựa vào đó để có thể tìm kiếm những nét tương đồng với bản thân mình.
Ví dụ: một người biết cách quản trị cảm xúc tốt và biết cách vực dậy bản thân trong các tình huống tiêu cực hiếm khi có sự thu hút với những người luôn dễ dàng nói lời từ bỏ khi đương đầu với các vấn đề khó khăn.
<i>Photo by RetroSupply on Unsplash</i>
Photo by RetroSupply on Unsplash
Việc một người trong mối quan hệ đã tốt nghiệp Đại học còn người kia thậm chí chưa bao giờ học Đại học không nói lên được rằng mối quan hệ của họ sẽ không thành. Hay ngược lại, việc cả 2 cùng mang trên mình những học vị cao cũng không đảm bảo họ sẽ "cơm lành, canh ngọt'' với nhau mãi mãi. Nhiều người coi giáo dục là biểu tượng của địa vị xã hội. Và rồi việc nhìn nhận giáo dục dựa trên yếu tố bằng cấp trong tình yêu sẽ là một nhận định sai. Các mối quan hệ và trình độ học vấn không bao gồm lẫn nhau nhưng cũng không loại trừ lẫn nhau.
Cho dù cả hai bạn đều có bằng tiến sĩ hay một người chỉ mới tốt nghiệp cấp 3, thì cả 2 vẫn nắm giữ những ý kiến riêng của mình. Những ý kiến thuộc về quan điểm cá nhân nên có thể tương đồng, hoặc trái ngược nhau. Mỗi người sẽ luôn giữ một luồng quan điểm và góc nhìn riêng cho cho một vấn đề nào đó. Vậy nên, những bằng cấp, hay học vị sẽ không phải là thứ đảm bảo mọi sự khác biệt sẽ luôn được giải tỏa. Mà quan trọng, cách các bạn cùng có những điểm chung trong tư duy, cách nhìn nhận giải quyết các vấn đề như thế nào sẽ là yếu tố quyết định. Song, những thứ này không nhất thiết buộc phải học ở trường, chúng có thể tự học từ những trải nghiệm cá nhân thực tế, từ việc tự đọc sách hay tự mình gặt hái các nguồn kiến thức bằng chính những kinh nghiệm tự bản thân góp nhặt trong cuộc sống.

4. Sự tương đồng về gen

Trong các yếu tố thì có lẽ đây là yếu tố chúng ta khó có thể chủ động tìm kiếm ở một cá nhân khác, bởi lẽ nó không hiện diện trực tiếp như ngoại hình, hay có thể được bộc lộ qua lời nói, hành vi hay cảm xúc. Tuy nhiên theo một nghiên cứu đã từng chỉ ra rằng, các cặp đôi gắn bó bó với nhau có sự tương đồng với nhau liên quan đến gen.
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Colorado đã phát hiện ra rằng khi chúng ta tìm kiếm một đối tượng gắn bó lâu dài, chúng ta thường tìm kiếm những người có DNA rất giống với DNA của chúng ta. Điều này được gọi là "Giao phối lựa chọn". Theo nghiên cứu, các cặp vợ chồng đã kết hôn có DNA giống nhau hơn nhiều so với việc lựa chọn DNA ngẫu nhiên của 2 người lạ trên phố.
<i>Photo by Brano on Unsplash</i>
Photo by Brano on Unsplash
Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Giáo sư Benjamin Domingue, cùng các cộng tác viên của Viện Khoa học Hành vi cũng đã chứng minh quan điểm trên trong bài nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS), nhóm đã đánh giá sự tương đồng giữa các cặp đôi trên toàn bộ bộ gen.
Để cố gắng chứng minh vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phân tích bộ gen của 825 cặp vợ chồng người Mỹ tham gia Nghiên cứu về Sức khỏe và Hưu trí của Đại học Michigan - một nghiên cứu theo chiều dọc khảo sát hơn 26.000 người từ 50 tuổi trở lên cứ sau 2 năm. Trong quá trình phân tích, họ chỉ tập trung vào đa hình đơn nucleotide (SNP) của các cặp đôi. Đây là những khu vực của DNA thường khác nhau giữa mỗi cá nhân. Họ so sánh 1,7 triệu SNP giữa các cặp vợ chồng với các cặp không kết đôi trong dân số nói chung. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhìn chung, các cặp vợ chồng đã kết hôn có ít khác biệt hơn về DNA của họ so với các cặp không gắn bó với nhau.

5. Tính cách

Vào giữa những năm 1950, nhà xã hội học Robert Francis Winch lập luận rằng, khi nói đến tính cách con người, điều quan trọng không phải là sự tương đồng mà là sự bổ sung. Dựa trên những nghiên cứu về vợ chồng, ông cho rằng các cá nhân sẽ bị thu hút bởi những người sở hữu những đặc điểm tính cách mà họ không có. Ví dụ, một người phụ nữ quyết đoán sẽ bị thu hút bởi một người đàn ông phục tùng trong khi một người đàn ông hướng ngoại sẽ bị thu hút bởi một người phụ nữ hướng nội.
Tuy nhiên, hầu như không có bằng chứng nào ủng hộ giả thuyết này. Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Wellesley ở Massachusetts và Đại học Kansas, khi nói đến các mối quan hệ lãng mạn và tình bạn, mọi người bị thu hút bởi những người có tính cách rất giống nhau.
Điều này không quá ngạc nhiên, bởi lẽ nếu phân tích kỹ thì dễ dàng nhận thấy tính cách suy cho cũng được hình thành từ sự kết hợp của các yếu tố như gen di truyền, nền tảng giáo dục, những hệ giá trị, lý tưởng sống... Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tính cách của một cá nhân, cách chúng ta bộc lộ và thể hiện bản thân như thế nào. Vậy nên, mặc dù xét tính cách dưới góc độ một khía cạnh lớn của một con người, tuy nhiên vì sự hình thành, định hình của tính cách cũng bị ảnh hưởng bởi những nhân tố phía trên mình đã phân tích. Vậy nên, có thể kết luận, con người chúng ta vẫn có xu hướng tìm kiếm những nét tương đồng trong tính cách ở một bạn đời lý tưởng.
<i>Photo by Dipqi Ghozali on Unsplash</i>
Photo by Dipqi Ghozali on Unsplash
Song, có nhiều cặp đôi vẫn có những nét tính cách khác nhau. Trong thực tế, bạn có thể dễ dàng nhận thấy trong một số cặp đôi rằng, đôi khi có những người sẽ rất cởi mở, nhưng người bạn cặp của họ lại có thể khép kín hơn. Sở dĩ điều này xảy ra là vì chắc chắn không thể tìm kiếm một cá nhân khác có sự tương đồng trong tính cách với mình 100%, tính cách là một tập hợp với nhiều biến số vô cùng lớn vậy nên không thể đạt đến được sự giống nhau hoàn toàn. Bên cạnh đó, không phải mọi sự khác biệt trong tính cách đều có thể tác động đến việc duy trì một mối quan, nếu như những nét tính cách khác biệt ấy không thật sự ảnh hưởng hay có xâm phạm đến hệ giá trị, những chuẩn mực sống của người kia thì những sự khác biệt chắc chắn không tác động đến mối quan hệ đó. Nếu ở một chừng mực nào đó, họ vẫn có thể chấp nhận được thì một vài sự khác biệt chẳng là vấn đề gì cả.
Lấy ví dụ nếu cả 2 cá nhân đều có những tính cách chín chắn, suy nghĩ vấn đề thấu đáo, thì dẫu cho một bên có là người hướng nội, và một bên là một người hướng ngoại thì họ sẽ vẫn luôn có thể tìm ra những cách để giải quyết vấn đề khi có những mâu thuẫn. Những khác biệt lúc này sẽ không quá lớn để tác động đến mối quan hệ của 2 người.

Vậy tại sao vẫn tồn tại sức hút với những điểm khác biệt?

Những điều mình đã đề cập ở trên không nhằm mục đích phủ nhận hoàn toàn sự thu hút của những mặt đối lập. Bởi lẽ, việc này vẫn xảy ra và thậm chí khá phổ biến. Vậy thì tại sao những điểm khác biệt đôi khi lại có sức hút lớn như vậy?
Lúc đầu, những người đối lập có thể thu hút người kia vì ở đối phương có những điều mới mẻ và thú vị. Có thể đối tượng bạn chú ý là một vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp từng đoạt huy chương và bạn là một kế toán viên. Hoặc có lẽ người kia đại diện cho điều gì đó bị cấm. Chẳng hạn, người ấy có thể đến từ một tầng lớp, chủng tộc hoặc hoàn cảnh kinh tế xã hội khác với kiểu người bạn đời mà gia đình bạn mong muốn bạn gắn bó.
Cũng trong lần gặp đầu tiên, những sự tương phản luôn có xu hướng nổi bật, khi đó phản ứng hóa học có thể trổi dậy một cách mất kiểm soát. Đây có thể là bằng chứng của ham muốn. Bản thân những ham muốn trong tình cảm có thể là những cảm xúc lành mạnh. Nó có thể giữ ngọn lửa đam mê cháy bỏng trong một mối quan hệ lâu dài. Nhưng chỉ ham muốn thôi mà không có cảm xúc chân thành, sự tin tưởng hay sẻ chia thì không thể tạo nên một mối quan hệ lành mạnh.
Mặt khác, đôi khi những thu hút, đam mê ấy lại xuất phát từ những yếu tố khác chứ không đến từ tình cảm chân thành. Đó có thể từ những ấn tượng bạn tự suy diễn về con người của đối phương (trong khi có thể thực tế bản chất của người đó không giống như bạn nghĩ), và rồi bạn đem lòng thầm thương những tính cách, những đặc điểm mà bạn đã tự suy đoán chứ không thật sự yêu thương con người của họ. Ngoài ra, những ấn tượng chớp nhoáng với sự khác biệt, có thể xuất phát từ việc ta bị khao khát với một yếu tố nào đó ở đối phương, đó có thể là thứ bản thân ta đã luôn mong muốn có được, những điều ta muốn nhưng không làm được (Ví dụ một người muốn xăm mình nhưng vì những quy chuẩn khắc khe của gia đình, họ không được phép làm điều đó và rồi khi bắt gặp 1 đối tượng xăm mình, họ có sự thu hút với điểm khác biệt đó).
Ngoài ra, việc bản thân thấy thu hút với những điều khác biệt cũng có thể vì mang trong mình tâm lý muốn chinh phục, đặc biệt với những điều mới lạ. Dẫu là trai hay gái, một khi tín hiệu não đã phát tín hiệu đó là cá thể bạn muốn chinh phục, bạn có thể giữ trong mình khát khao muốn thay đổi, muốn có được người đó. Bạn thấy người đó thật đặc biệt và khác lạ, do đó bản tính ham thích cái lạ sẽ dấy lên trong bạn. Tuy nhiên, đừng vội lầm tưởng những điều này là tình yêu.
<i>Photo by Kelly Sikkema on Unsplash</i>
Photo by Kelly Sikkema on Unsplash
Một nghiên cứu năm 2013 về Hệ thống Kết hợp Khả năng Tương thích của eHarmony đã phát hiện ra rằng mặc dù ban đầu những người có tính cách trái ngược nhau có thể bị thu hút bởi nhau, nhưng chìa khóa cho một mối quan hệ lâu dài vẫn là sự tương đồng. Nghiên cứu đã xem xét khuôn mẫu của hàng nghìn cặp đôi để tìm ra điều gì khiến mối quan hệ của họ thành công hay không. Mặc dù ban đầu các mặt đối lập có thể thu hút nhau, nhưng theo thời gian, sự khác biệt của họ có thể khiến họ tấn công lẫn nhau. Như nghiên cứu cho thấy, một người thích phục tùng có thể bị thu hút bởi một người thống trị, nhưng cuối cùng, sẽ tốt hơn nếu cả hai người thống trị ở bên nhau. Khi hai người thống trị xung đột, họ sẽ cố gắng xử lý vấn đề một cách bình đẳng và cuối cùng mối quan hệ sẽ lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các sinh viên đại học thích những mô tả về bạn đời có tiểu sử giống với họ hoặc con người lý tưởng của họ hơn những mô tả có sự bổ sung cho chính họ. Các nghiên cứu khác đã hỗ trợ phát hiện này. Ví dụ, những người hướng nội không chắc chắn sẽ bị thu hút bởi những người hướng ngoại hơn bất kỳ đối tượng khác.
<i>Photo by Aaron Blanco on Unsplash</i>
Photo by Aaron Blanco on Unsplash
Nhà tâm lý học Arthur Aron tin rằng, mặc dù sự giống nhau là quan trọng, nhưng có thể có một số tình huống mà nó thực sự có thể làm suy yếu sự hấp dẫn. Ông lập luận rằng mọi người cũng có nhu cầu phát triển và mở rộng bản thân – và đó lý do tại sao chúng ta hình thành mối quan hệ với người khác là vì chúng ta có thể học hỏi một số phẩm chất khác của đối tác.
Điều này ngụ ý rằng chúng ta sẽ bị thu hút bởi những người có tiềm năng phát triển bản thân lớn nhất – và những người giống nhau về giá trị và đặc điểm sẽ mang lại ít tiềm năng phát triển hơn nhiều so với những người khác biệt. Vì vậy, ông đưa ra dự đoán rằng sự khác biệt đôi khi có thể hấp dẫn, đặc biệt nếu bạn tin rằng đối phương có thể mang đến cho bạn sự phát triển bản thân.
Tuy nhiên, việc học từ những điểm khác biệt của đối phương để cải thiện bản thân chắc chắn không phải cách duy nhất để tìm kiếm sự phát triển trong một mối quan hệ. Đôi khi nếu những mâu thuẫn quá đối lập khiến ta sẽ khó mở lòng và chấp nhận những giới trị mới. Vậy nên, không thể loại bỏ trường hợp, nếu cả 2 cá thể tương đồng cùng chung những mong muốn được thay đổi thì sẽ luôn biết cách để trau dồi và thay đổi chính mình. Do đó, việc cải thiện bản thân vẫn có thể xảy ra ở những cặp đôi giống nhau.

Kết

Vậy tóm lại là nên tìm kiếm một người người giống hay khác với mình? Sẽ không có một câu trả lời chính xác nào cả cho câu hỏi này. Chắc chắn sẽ chẳng có một bản quy tắc hay tiêu chuẩn buộc bạn phải tìm kiếm người giống mình điểm này, hay khác mình điểm kia thì mới xác định đó chính là the right person của cuộc đời. Việc tìm kiếm người phù hợp phụ thuộc rất lớn vào việc bạn nhìn nhận thế nào về tình yêu, việc bạn tìm kiếm những điều gì trong tình yêu, và việc bạn mong muốn có một tình yêu như thế nào.
Nếu bạn là người không thoải mái với sự không chắc chắn, luôn lo ngại những sự thay đổi. Thì chí ít sự giống nhau cho phép bạn có một mức độ dự đoán nhất định, đa phần bạn thường có thể dự đoán đối tác của mình sẽ phản ứng như thế nào. Những người theo trường phái này hiểu rằng khả năng tương thích lâu dài sẽ cao hơn khi đồng hành với những người giống mình. Niềm tin cho rằng khi đấy ta có thể hiểu được cảm xúc của người khác mang lại cảm giác được thấu hiểu và kết nối, từ đó làm tăng mức độ thu hút đối với đối phương.
Song nếu bạn muốn tìm kiếm những sự khác biệt, bạn luôn bị thu hút và muốn gắn bó với những con người khác bản thân để được thử thách, bổ sung, hoàn thiện chính mình thì cũng là lựa chọn của bạn.
Nếu bây giờ bạn không thể quyết định bản thân nên theo trường phái nào thì cũng đừng vội vàng. Đôi khi những chuyện tình cảm phức tạp lại cần nhiều hơn những phản hồi đến từ trái tim thay vì là sự mách bảo của lý trí. Mình chỉ muốn nói là dù người đó giống hay khác bạn, thì họ cũng cần phải tôn trọng, và lắng nghe chính bạn, không phán xét hay không tìm cách hạ bệ cái tôi của bạn.
Mong rằng bạn sẽ tìm được một người yêu thương bạn như cách bạn xứng đáng nhận được tình yêu trên cuộc đời này.
Cảm ơn mọi người đã đọc ạ ^^!