Sự phát triển của công nghệ tự động hóa gây ra cùng lúc hai luồng cảm xúc: Vui mừng và lo sợ. Trong khi nhiều người mừng nghĩ con người được giải phóng khỏi công việc nặng nhọc, thì một số khác lại sợ rằng máy móc cướp mất việc làm của mình.
Nếu bạn thuộc vào phía những người lo sợ, thì có thể đọc bài viết này. Ở đây, tôi sẽ dựa trên những gì mình tìm hiểu được để lý giải vì sao chúng ta không nên sợ máy móc cướp mất việc làm.

Thứ nhất, tự động hóa sẽ làm nhiều ngành nghề “tuyệt chủng”, nhưng cũng đồng thời làm nhiều ngành nghề mới được sinh ra.

Ngày xưa, với trò Bowling, có những người được trả tiền để xếp lại những con ki gỗ thành hàng sau khi chúng đã bị đánh đổ. Nhưng ngày nay, máy móc đã có thể tự động làm thay phần việc đó.
Chính vì vậy mà nghề xếp ki gỗ bowling không còn nữa.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy có hàng loạt nghề nghiệp chịu tình cảnh tương tự. Mỗi khi công nghệ tự động hóa trở nên tân tiến hơn thì hàng loạt công việc cũng bị mất đi.
Nghiên cứu năm 2011 của Mckinsey & Company cho thấy Internet đã làm biến mất 500,000 công việc ở Pháp suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên, đáng nói là cũng chính Internet đã tạo ra 1,2 triệu công việc khác ở quốc gia này.
Tương tự ở Mỹ, có những công việc mới được tạo ra nhờ vào ứng dụng công nghệ mới, những công việc mà trước đó chưa hề có, như chế tạo phần cứng hay phát triển ứng dụng điện thoại.
Và những ngành nghề mới hiển nhiên luôn trong tình trạng khan hiếm lao động. Người ta ước tính ở Mỹ, trong vòng 1 thập niên qua, đã thiếu 250,000 nhà khoa học dữ liệu.
Kinh tế hiển nhiên luôn chuyển dịch, công việc này mất đi công việc mới tạo ra là chuyện thường tình.
Thay vì ngồi than vãn, đổ lỗi cho máy móc, theo tôi cách phản ứng chững chạc hơn cả là học cách thích nghi, tự trang bị những kỹ năng mới để làm những công việc mới.
Có thể sẽ mất đến 3-4 năm trời, nhưng đó là một điều cần thiết.

Thứ hai, máy móc có tiềm năng làm thay con người một số việc, điều đó không có nghĩa là con người sẽ bị thay thế bởi máy móc

Tổ chức MGI Research đã nghiên cứu về tiềm năng ứng dụng tự động hóa của 2000 đầu việc khác nhau trên thế giới và nhận thấy rằng, số lượng công việc mà máy móc có thể làm thay thế con người HOÀN TOÀN chỉ chiếm dưới 5% mà thôi.
Với 95% còn lại, máy móc chỉ có thể dự phần vào một số lượng thao tác nhất định. Còn lại, vẫn phải do con người thực hiện.
Bên cạnh đó, tiềm năng ứng dụng tự động hóa chỉ là một khía cạnh nhỏ, từ tiềm năng đến thực thi là cả một hành trình dài. Người ta phải cân nhắc đến 4 yếu tố khác:
Một là chi phí để phát triển và đưa vào vận hành, cả về phần cứng lẫn phần mềm tự động hóa.
Hai là cung và cầu của thị trường lao động. Nếu lao động với đủ năng lực làm việc đang rất đông đảo và chi phí chi trả cho lao động rẻ hơn đáng kể so với tự động hóa thì quá trình chuyển dịch có thể rất chậm.
Ba là ưu nhược điểm của máy móc so với con người, liệu nó có đủ sức vượt trội con người trong việc đáp ứng yêu cầu công việc hay không.
Và bốn là những vấn đề về quản lý và văn hóa - xã hội, như liệu máy móc có phù hợp để dùng trong một số bối cảnh công việc cụ thể hay không?
Có thể thấy, với nhiều vấn đề phức tạp như vậy, bạn cứ yên tâm là chuyện máy móc cướp mất việc làm của mình, nếu có, thì cũng sẽ trong một tương lai khá xa đấy.

Thứ ba, công nghệ mới giúp người tìm việc và việc tìm người dễ dàng hơn

Nếu có xem chương trình Shark Tank năm nay, bạn sẽ thấy có một start-up làm nền tảng kết nối những nhà tuyển dụng lao động với người tìm việc.
Đó cũng là một trong những xu hướng phát triển của lĩnh vực tuyển dụng và việc làm.
Rất có thể sau này việc tìm việc cũng sẽ nhanh chóng như tìm người yêu trên dating app, chỉ bằng vài thao tác trên màn hình đã có thể thấy nhau.
Công nghệ sẽ đẩy nhanh quá trình tìm việc, làm giảm thời gian thất nghiệp.
Đồng thời, thông qua những thuật toán tìm kiếm sự tương thích giữa yêu cầu nghề nghiệp với năng lực ứng viên, giữa phúc lợi doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động, công nghệ mới sẽ giúp người tìm đúng việc và việc tìm đúng người.
Và đó là tín hiệu cho thấy bạn không phải lo chuyện thất nghiệp trong tương lai.
Tất nhiên tương lai là thứ chúng ta không thể biết chắc, nhưng nếu đã không thể biết chắc, sao không chọn lạc quan vui vẻ thay vì lo sợ?
Chỉ cần không ngừng tò mò, khám phá những điều mới và học tập mỗi ngày, tôi tin chúng ta sẽ không bao giờ sợ bị máy móc cướp mất việc làm, và sẽ tự tin chào đón những thay đổi của cuộc sống.