Liệu cái đẹp có giúp con người tốt hơn?
Cái đẹp đích thực làm hài lòng đôi mắt và tâm trí, nhưng liệu nó có thể giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và qua đó xây dựng một...
Cái đẹp đích thực làm hài lòng đôi mắt và tâm trí, nhưng liệu nó có thể giúp chúng ta trở thành người tốt hơn và qua đó xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn? Bài viết của triết gia John Armstrong, Đại học Melbourne, cho trang Aeon.
Suy nghĩ phổ biến duy nhất về cái đẹp ngày nay, suy nghĩ được ủng hộ rộng rãi nhất trên thế giới, là ý tưởng cái đẹp nằm trong mắt người nhìn. Đó là một ý tưởng tử tế. Ý tưởng đó là để dàn hòa những người có sở thích về cái đẹp khác nhau. Suy nghĩ đấy cho rằng cái đẹp là chủ quan và đời nên là thế – bởi vậy đừng vất vả để xác định thứ gì mới đáng gọi là đẹp làm chi.
Nhưng thành công của cách tiếp cận độ lượng này khiến chúng ta mất đi sự chú ý với những câu hỏi sâu sắc hơn, quan trọng hơn. Dù đó là một nhà thờ chánh tòa kiến trúc Baroque, một khuôn mặt trẻ thơ, hay bờ biển cắt xẻ của Thụy Điển nhìn từ cửa sổ máy bay, chúng ta đều trải qua trải nghiệm bí ẩn đấy, trải nghiệm của việc thấy thứ gì đó thật đẹp đẽ. Nhưng điều gì đang thực sự diễn ra khi chúng ta nhìn thấy những thứ thật đẹp?
Vào năm 1795, kịch tác gia và nhà thơ người Đức Friedrich Schiller xuất bản một cuốn sách với tựa đề đáng sợ – Về sự giáo dục mỹ học với con người qua những lá thư. Tác phẩm đó chưa bao giờ nổi tiếng, một điều thật đáng tiếc, vì trong đó có một số tri kiến hữu ích về bản chất và giá trị của cái đẹp. Điểm khởi đầu của Schiller là một phân tích về tình trạng của con người. Ông muốn hiểu niềm vui của chúng ta trong những gì chúng ta thấy là đẹp đẽ. Thay vì đặt câu hỏi điều gì là đẹp, Schiller tò mò về việc điều gì đang diễn ra trong chúng ta khi chúng ta đáp lại sự háo hức và rộn ràng đặc biệt, gần gụi khiến chúng ta thốt lên ‘đẹp quá!’ Những thứ khác nhau sẽ kích thích phản ứng ở những người khác nhau. Nhưng tại sao tất cả chúng ta đều trải qua trải nghiệm đó?
Schiller nghĩ rằng bản chất con người là một sân khấu trong đó có hai lực tâm lý hoạt động. Một mặt, có lực ‘tri giác’ của thời điểm hiện tại, vốn tìm kiếm sự hài lòng ngay lập tức. Lực này khát khao sự tiếp xúc và sở hữu. Lực tri giác có thể thô ráp, như khi một người đang khát thèm một ngụm bia thật lạnh; nhưng nó cũng có thể tinh tế hơn. Schiller gắn lực tri giác này với bạn ông Johann Wolfgang von Goethe, người đã từ lâu nhìn mọi thứ chỉ bằng đôi mắt của ông. Goethe là một nhà quan sát trực tiếp, một tông đồ tự nhiên của chủ nghĩa kinh nghiệm chìm đắm trong những chi tiết thực tế.
Lực thứ hai được Schiller xác định là lực ‘định hình’: đòi hỏi nội tâm muốn thấy sự nhất quán qua thời gian, muốn hiểu được những điều trừu tượng và muốn một trật tự duy lý. Schiller nghĩ rằng lực này muốn bỏ lại đằng sau những đặc điểm riêng biệt trong trải nghiệm của một cá nhân để khám phá những nguyên lý mang tính phổ quát. Đó là trọng tâm của công lý – tức không phải là việc có được những gì bạn muốn – và nó có tính nguyên tắc. Theo Schiller, khi chúng ta nghĩ rằng quyền được xét xử công bằng là phổ quát, thì chúng ta đang được thúc đẩy bởi chính lực định hình này. Chúng ta trung thành với một lý tưởng trừu tượng, phổ quát – quá trình tố tụng.
Điều ông gọi là lực tri giác và lực định hình là những thôi thúc rất mạnh mẽ trong chúng ta. Nhưng chúng thường xung đột nhau. Những đòi hỏi ngắn hạn tranh đấu với những hy vọng về một tầm nhìn dài hạn. Sự thoải mái và dễ dàng vật lộn với cảm giác về phận sự và trách nhiệm. Sự quyến rũ của tự do đụng độ với khát khao muốn được vững vàng không dao động và bám lấy những cam kết hiện thời.
Quan điểm của Schiller là bản chất con người bị giằng xé bởi hai kiểu khát vọng phân kỳ này: chúng ta không thể thấy được tại sao cái đẹp là quan trọng với chúng ta nếu chúng ta không chú ý tới cả hai lực đó. Nếu chúng ta muốn hiểu cái đẹp, chúng ta không thể chỉ nói về những thứ chúng ta thấy đẹp. Chúng ta phải nói về chính cuộc đời chúng ta.
Có vẻ Schiller đang cố gắng hồi sinh một chủ đề tôn giáo cũ, cuộc tranh đấu giữa xác thịt và linh hồn. Nhưng ở đây có một sự khác biệt tối quan trọng. Những nhà tư tưởng từ Thánh Paul tới Immanuel Kant đều tin rằng một trong hai khía cạnh đó trong bản chất của chúng ta – mà họ thường gọi là linh hồn hay lý chí – sẽ chiến thắng. Nhưng Schiller không tin là khía cạnh này quan trọng hơn khía cạnh kia. Thay vì thế, hai khía cạnh đó cần nhau. Nếu lực tri giác thống trị, chúng ta sẽ trở nên cục súc và hời hợt. Nếu lực định hình thống trị, chúng ta sẽ trở nên khô khan và chai sạn. Chúng ta cần hai lực đó tương tác với nhau một cách hài hòa thì mới thấy được vai trò của cái đẹp trong cuộc đời chúng ta.
Với Schiller, cái đẹp đích thực là bất kỳ điều gì lên tiếng thật mạnh mẽ cùng lúc với cả hai khía cạnh trong bản chất chúng ta. Khi chúng ta thấy điều gì đó đẹp đẽ, chúng ta được lôi cuốn tới khát khao về sự hoàn hảo hài hòa. Đấy không chỉ là tính chất của một đồ vật, mà là nỗi khát khao mang tính nội tại trong chúng ta.
Lấy ví dụ bức tượng Apollo – còn gọi là Belvedere – vốn cho chúng ta cảm nhận vui thích đầy nhục cảm về một cơ thể ở đỉnh điểm của cả sự phát triển thể chất và sự thoải mái dung dị. Apollo trông mạnh mẽ nhưng không quá cơ bắp, linh lợi nhưng không hề ủy mị hay chông chênh. Chúng ta ngưỡng mộ, và có lẽ cả khát khao nữa, hình thể của bức tượng. Chúng ta tự hỏi, phải chăng vị thần đang sắp phóng đi một mũi tên, hay ông sắp lắp tên vào dây cung? Dẫu thế nào, ông thật hoạt bát, mẫn tiệp và tập trung, và lực tri giác của chúng ta phản ứng lại thật mạnh mẽ với bức tượng.
Cùng lúc, lực định hình lộ rõ qua trải nghiệm bức tượng Belvedere. Chúng ta phản ứng lại với kết cấu mỹ học của nó, bố cục và tính toàn thể của nó. Những đôi tay giang ra khỏi cơ thể, nhưng không quá xa. Vấn đề kỹ thuật của việc thể hiện sự chuyển động ở một vật thể tĩnh tại đã được giải quyết cực kỳ tinh tế. Những vết gấp trên tấm áo choàng quanh cổ và trên cánh tay đã được tạo nếp thành một giai điệu thật du dương. Một vị thần điềm đạm và duyên dáng.
Trong trường hợp này – một ví dụ về cái đẹp thật rõ ràng – cả hai lực đó đều phát tác mạnh mẽ nhất, nhưng chúng không đối lập nhau. Thay vì thế, chúng hợp tác với nhau, và quan điểm của Schiller là việc trải nghiệm bức tượng cùng lúc bằng cả hai lực như thế sẽ là điều giúp ta thấy nó đẹp. Quan trọng hơn, những trải nghiệm về cái đẹp đó dạy chúng ta về việc chúng ta nên là con người thế nào. Không phải là chúng ta nên thử học theo tư thế hay kiểu tóc của Apollo, hay cầm cung tên lên. Thay vì thế, chúng ta muốn cảm nhận đầy đủ trong chúng ta sự pha trộn của hai động lực hiện ra cuồn cuộn khi ngắm nhìn bức tượng.
Schiller bị ám ảnh với việc chúng ta dường như đọc được tính cách của một người qua khuôn mặt người đó. Và ông nghĩ rằng vẻ đẹp của một khuôn mặt – giống như với bức tượng Apollo – phụ thuộc vào mức độ hợp nhất của những lực mà lẽ ra là phân kỳ, các lực tạo nên bản chất cuộc đời và bản ngã của chúng ta.
Chân dung bà Duvaucay, do Jean-Auguste-Dominique Ingres vẽ ở Rome vào năm 1807, là một ví dụ khác của cái đẹp lý tưởng này. Một mặt, bức chân dung được tổ chức cao độ. Mỗi chi tiết đã được tính toán để khớp với mọi chi tiết khác. Phần lưng ghế tròn được tính toán để hướng mắt người xem tới miệng của nhân vật, nhưng đồng thời giúp tạo ra sự cân đối với đường cong vai áo của bà. Đỉnh cằm của người mẫu nằm chính xác ở trung điểm của đỉnh đầu và đường viền cổ áo. Đường ngôi tóc và sống mũi bà gần như tạo thành một đường thẳng phân đôi cặp lông mày cực kỳ cân đối. Nhà họa sĩ đã đảm bảo không có gì là ngẫu nhiên. Một lòng quyết tâm lớn lao kiểm soát bức tranh, đồng nghĩa với lực định hình phát tác hết sức. Sự sáng rõ và tính tổ chức đồng thời bộc lộ qua người mẫu. Bà có vẻ trầm tĩnh, thanh thoát, và mẫn tiệp.
Tuy nhiên đồng thời, lực tri giác cũng tự do lan tỏa. Bà có vẻ chỉ đang ngồi đó thật tự nhiên, như thể chúng ta có thể tình cờ gặp bà ở góc phòng khách. Có thể chốc lát nữa thôi, bà sẽ bật cười hay chỉnh lại vòng cổ. Với tất cả phục sức lộng lẫy của bà, bà vẫn tỏa ra sự ấm áp và hiểu biết – một người bạn hoàn hảo để ta có thể giải bày tâm sự. Vẻ đẹp của bức tranh là cách nó đồng thời khơi gợi mong muốn kiểm soát và khát vọng về sự dịu dàng cũng như gần gụi ở chúng ta.
Schiller không hề phiền lòng nếu có người không thấy xúc động bởi những điều đẹp đẽ làm ông phấn khích. Điều quan trọng là người đó sẽ cảm thấy nỗi xúc động tương tự với một thứ khác, và thứ khác đó chính là những gì chúng ta gọi là cái đẹp. Điều này giải thích tại sao cái đẹp lại nhiều cảm xúc như thế – tại sao nó có thể khiến chúng ta bật khóc. Khi chúng ta nhận ra cái đẹp trong một bản nhạc, trong sự nhân từ bao dung ở hành vi của một người, chúng ta thấy những điều chúng ta biết là chúng ta đã tình cờ quên mất hay bội phản vì sóng gió cuộc đời, và chúng ta cảm thấy một sự kết hợp sửng sốt của cả nỗi đau khổ tột cùng lẫn niềm vui náo nức.
Như nhiều người ngày nay, Schiller cũng lo lắng rằng cái đẹp được gắn quá nhiều với địa vị xã hội. Quả thật, nhiều kẻ xấu xa sở hữu những thứ đẹp đẽ, và việc sở hữu những đồ vật đó không làm họ nhân từ hay độ lượng hơn. Schiller tin rằng coi cái đẹp như một thứ đồ trang trí xa hoa hay chỉ dấu về địa vị xã hội là không thấy được năng lực ẩn tàng thực sự của trải nghiệm đó, vì với ông, cái đẹp là để nâng tâm hồn lên.
Schiller là một nhà cải cách nhiệt thành, ông tuyệt vọng muốn thấy một xã hội mới, công bằng và cao quý. Nhưng ông đã trở nên bi quan về những gì mà các cải cách chính trị có thể đạt được. Trong đời mình, ông chứng kiến cuộc Cách mạng Pháp thoái hóa thành một triều đại khủng bố và những gì mà với ông, có vẻ là sự kết hợp của đám đông vô chính phủ hỗn loạn với chế độ độc tài quan liêu. Ông nhìn thấy những cỗ máy chém kinh hoàng ở thời của ông khi chỉ mỗi mình lực tri giác tung hoành, và Ủy ban An ninh Công cộng của chính quyền Pháp thì giống một lực định hình biến thành một tổ chức thanh trừng điên loạn. Tình hình cách mạng ở Pháp – ở quy mô tổng thể xã hội – có vẻ tiêu biểu cho những gì xảy ra khi các lực cơ bản trong bản chất con người phân kỳ hoàn toàn với nhau.
Chẩn đoán của Schiller với những tật bệnh của xã hội tương đồng với nhận định của ông về những đau khổ của một cuộc đời cá nhân. Ông tranh luận rằng trong cả hai trường hợp, điều còn thiếu là sự nhân bản trọn vẹn, hòa hợp, và ông nghĩ điều đó sẽ mãi không bao giờ đạt được – cả ở những nhà lãnh đạo chính trị và ở con người cá nhân. Và ông trở nên cực kỳ bất an – nhưng có lẽ là ông có lý – với lòng tin rằng những cải cách xã hội và chính trị nhiều tham vọng rốt cuộc sẽ chẳng đi được tới đâu, cho tới khi một lượng đủ lớn quảng đại quần chúng đã đạt được tới một mức độ phát triển nội tâm đủ cao, qua cái đẹp.
Đôi khi, chúng ta tìm hiểu những nhà tư tưởng như Schiller vì tò mò, hay vì để hiểu một xu hướng lớn hơn trong lịch sử tư tưởng. Chúng ta thích thú tìm hiểu về vũ trụ luận trước khi khoa học hiện đại ra đời. Hay cách thời tiền sử được hiểu thế nào trước khi khoa khảo cổ học xuất hiện. Chúng ta gặp gỡ những ý tưởng đó với tư cách người quan sát, có lẽ là với sự thông cảm, nhưng không phải để tin vào chúng. Chúng ta không trông đợi là sẽ bị những ý tưởng đó thuyết phục. Rốt cuộc, chúng ta đã tiến bộ rất nhiều và chúng ta đang sống trong một thế giới mới. Nhưng thi thoảng, chúng ta lại bắt gặp những ý tưởng từ quá khứ mà hiện tại lẽ ra phải học được rất nhiều. Schiller là một trường hợp như thế, những ý tưởng của ông về cái đẹp không chỉ là một ghi chép khô khan về những gì mà một người đàn ông sống ở thị trấn Weimar vào cuối thế kỷ 18 tình cờ tin vào. Thay vì thế, chúng là một sự dẫn đường, để chúng ta tự mình cảm nhận được cái đẹp, rồi qua đó nâng tâm hồn mình lên, và nếu còn chút hy vọng nào, để các chương trình cải cách xã hội không mãi là hết thất bại này tới thất bại khác.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất