Dịch từ quyển Wanderlust: A History of Walking của Rebecca Solnit
---
Bắt đầu từ đâu? Căng cơ. Một chân trụ, giữ cơ thể thẳng thớm giữa trời và đất. Chân kia làm con lắc, đưa từ sau ra trước. Gót chạm đất. Toàn bộ trọng lượng cơ thể rướn về ức bàn chân. Ngón chân cái nhón, và thế là trọng lượng thăng bằng hoàn hảo của cơ thể tiếp tục thay đổi. Chân đảo lại vị trí. Bắt đầu một bước, rồi một bước nữa, và rồi một bước khác dồn nhau như tiếng khua trống theo nhịp, nhịp bước. Sự thể hiển nhiên mà cũng lạ kỳ nhất thế gian: sự đi lại - vốn hiên ngang tiến vào tôn giáo, triết học, quang cảnh, chính sách đô thị, giải phẫu con người, dụ ngôn, và nỗi đau tình.
Lịch sử tiến bước là một lịch sử bất thành văn, ẩn mật, mà các phân mảnh của nó có thể tìm thấy ở hàng ngàn đoạn văn vô cảm, cũng như ở những khúc ca, phố xá, và trong các chuyến phiêu lưu của hầu như mỗi người chúng ta. Lịch sử tiến hóa của loài người là một hành trình tiến hóa đi bằng hai chân và về giải phẫu cơ thể. Phần lớn thời gian, đi chỉ là một phương tiện đầu kéo thuần thực tiễn, tất yếu để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Biến bách bộ thành một cuộc kiểm nghiệm, một nghi thức, một chiêm nghiệm là một tập con của hành vi, tương tự về sinh lý nhưng độc lập về triết lý nếu so với việc bưu tá mang thư và nhân viên văn phòng ra ga đón tàu đi làm. Tức, theo chừng nghĩa nào đó, cũng là nói rằng chủ đề của hành vi bách bộ nằm ở cách chúng ta trao ý nghĩa cụ thể vào các hành vi phổ quát. Cũng như ăn vào hay thở ra, ý nghĩa của hành vi bách bộ có thể được chất vào vô số nét nghĩa văn hóa cực kỳ khác biệt, từ gợi dục tới tâm linh, từ cách mạng tới nghệ thuật. Ở đây lịch sử của bách bộ bắt đầu trở thành một phần lịch sử của trí tưởng tượng và văn hóa, của hình thái khoái lạc tiêu dao, của tự do, và của ý nghĩa nào được chọn ở những thời điểm khác nhau bởi những cách đi khác nhau bởi những hành giả khác nhau. Trí tưởng tượng ấy vừa nhào nặn vừa được nặn nhào bởi những không gian mà nó băng qua trên hai bàn chân. Đi bộ tạo nên những lối, những đường, những chặng giao thương; sản sinh ra các cảm thức bản địa và xuyên-lục về nơi chốn; cấp dáng hình cho thị thành, công viên; tạo ra bản đồ, cẩm nang, dụng cụ, và hơn nữa, cả một thư viện đồ sộ những chuyện kể và thi ca về đi bộ, về các chuyến hành hương, các chặng thám hiểm núi non, các đoạn quanh co uốn lượn, và cả những chuyến nghỉ mát mùa hè. Cảnh quan, đô thị hay nông thôn, tạo sinh ra câu chuyện, và câu chuyện mang chúng ta trở về những di chỉ lịch sử ấy sinh ra.
Lịch sử của bách bộ rất đỗi tài tử, như hành động đi bộ cũng tài tử y hệt. Sử dụng ẩn dụ về đi lại mà nói thì nó "đột nhập" vào lĩnh vực của mọi kẻ khác – thông qua giải phẫu học, nhân loại học, kiến trúc, vườn tược, địa lý, lịch sử chính trị và văn hóa, văn chương, tính dục, khảo cứu tôn giáo – và chẳng hề ghé thăm bất kỳ nơi nào trên suốt chặng đường dài của mình. Bởi nếu một lĩnh vực chuyên môn có thể hình dung ra như một cánh đồng ngoài đời thực – một khoảnh chữ nhật gọn gàng tỉa tót chờ vụ thu hoạch – thế thì chủ đề của hành động bách bộ giống với chính hành động này ở chỗ chẳng có giới hạn. Và dẫu cho lịch sử bách bộ tuyệt nhiên là không giới hạn, như một phần của tất cả các lĩnh vực và trải nghiệm của con người, thứ lịch sử bách bộ mà tôi đang viết ra chỉ là một phần nào đó, một lối đi riêng có lần dõi theo bởi một kẻ độc hành đơn nhất, đầy những lượt lần lại con đường đã qua và nhìn ngó xung quanh. Tiếp theo đó, tôi đã ra sức truy nguyên những lối đi dẫn hầu hết chúng ta trên đất nước này, Mỹ quốc, vào thời khắc hiện tại, một lịch sử cấu thành chủ yếu từ gốc gác Âu châu, nén xô bởi quy mô về không gian vô cùng khác biệt của nước Mỹ, bởi hàng thế kỷ thích nghi và biến hóa, và bởi những truyền thống mới dạo gần đây hội ngộ, đặc biệt là các truyền thống thuộc về Á Đông. Lịch sử bách bộ là lịch sử của mỗi con người, và bất kỳ phiên bản lịch sử được chép ghi ra nào cũng chỉ hy vọng có thể trỏ ra dăm ba lối lắm dấu chân người trong sự hạn hẹp lân cận của người viết – tức, những lối mòn tôi truy dấu chẳng thể là duy nhất. 
Một ngày xuân, tôi ngồi viết về bách bộ nhưng lại bật dậy, bởi bàn viết chẳng phải nơi để ta tư duy về những điều to tát. Ở một vùng địa đầu ngay mạn bắc Cầu Cổng Vàng ăm ắp các cứ điểm phòng thủ bỏ hoang, tôi ra ngoài để trèo lên một thung lũng và dọc theo đường ven biển, rồi tiến trở xuống Thái Bình Dương. Xuân đã về sau một mùa đông ẩm ướt khác thường, và các ngọn đồi đã ngả sang cái sắc xanh dữ dội, sum suê mà mỗi năm tới dịp tôi lại quên mất để rồi thấy lại như mới. Xuyên qua sức sống mới mẻ ấy, cỏ của năm trước tiếp tục trổ, bị mưa bào từ sắc vàng óng ả của mùa hè sang màu xám tro, một màu sắc kém rạng rỡ hơn, cho suốt phần còn lại của năm. Henry David Thoreau, con người thuộc bên kia châu lục đã từng hăng hái hơn tôi gấp bội trong khoản bách bộ, từng viết gửi tờ báo địa phương thế này,
Một kỳ vọng tuyệt đối mới mẻ cũng chính là một niềm hạnh phúc vô song, và tôi vẫn còn cảm nhận được nó hồi chiều này. Hai hay ba giờ dạo bước sẽ mang tôi tới một xứ sở xa lạ tôi hằng mong được chứng kiến. Một nông trang đơn lẻ tôi chưa từng bắt gặp đôi khi lộng lẫy chẳng kém gì vương quốc trù phú của Đức vua Dahomey. Quả thật giữa những biên độ thay đổi khung cảnh chỉ trong vòng tròn bán kính mươi dặm, hay giới hạn của một chuyến dạo chiều, và bảy mươi năm hiện hữu trên đời này luôn tồn tại một vẻ hài hòa nào đó. Nét hài hòa ta tìm thấy sẽ luôn mỗi lúc mỗi khác đi.
Mạng lưới lối mòn và đường đi bộ cùng nhau tạo nên một vòng khép kín đâu chừng mươi cây số, chặng đường mà mười năm trước tôi từng bước đi trên đó để xua đi cơn u uất chứa chất suốt cả một năm chẳng mấy hanh thông. Tôi cứ quay lại con đường này để hồi phục bản thân sau công việc và cũng đồng thời giúp ích cho công việc, bởi lẽ giữa một nền văn hóa vị sản xuất thì tản bộ hay bị ngộ nhận là thảnh thơi rỗi rảnh, và rỗi rảnh thật là khó. Tốt hơn hết là ngụy trang việc ở không bằng cách làm một điều gì đó, và cái gần nhất với điều đó chính là đi bộ. Tự thân bách bộ là một hành vi chủ đích gần gũi nhất với các nhịp điệu miễn cưỡng của cơ thể, với nhịp hô hấp và thịch thình của con tim. Bách bộ mang tới một cân bằng tinh tế giữa lao động và rỗi tay, giữa tồn tại và khẳng định. Chính công sức của thân thể tạo ra chẳng gì khác ngoài những suy tư, trải nghiệm, và đến đích. Sau ngần ấy năm dùng việc đi bộ để giải quyết mọi thứ khác, thì quay trở lại với một công việc gần nhà, theo cách diễn đạt của Thoreau, và ngẫm suy về bách bộ là chuyện hoàn toàn hợp nhẽ. Lý tưởng mà nói, bách bộ là trạng thái khi tâm, thân và thế gian xếp thẳng hàng với nhau, như thể cả ba là ba nhân vật sau rốt cũng chịu chuyện trò với nhau, hay ba nốt nhạc bất thình lình tạo nên một hợp âm. Đi cho ta được ở trong cơ thể và trong thế giới mà vẫn không bị chúng buộc cho bận rộn. Đi cho chúng ta tự do nghĩ ngợi mà vẫn không đắm chìm hoàn toàn trong suy nghĩ. Tôi chẳng rõ liệu chiêm ngưỡng hoa lupine tím dễ khi mọc lên vô cùng ngoạn mục ở chốn địa đầu có phải là quá sớm hay quá muộn hay chăng, nhưng hoa milkmaid đang rộ trên mé đường râm mát dẫn tới đường mòn, và làm tôi nhớ tới những sườn đồi từ thời thơ ấu mỗi dịp đầu năm lại sặc sỡ sắc trắng của loài hoa này. Bướm đen phơ phất quanh tôi, bị gió và cánh bướm lùa đi, và gợi tôi nhớ về một thời kỳ khác trong quá khứ. Đi dường như khiến việc ngược dòng thời gian dễ dàng hơn; tâm trí cứ thong dong từ các kế hoạch sang hồi tưởng rồi từ hồi tưởng chuyển thành các quan sát.
ảnh: Mason Field/Unsplash
ảnh: Mason Field/Unsplash
Nhịp bước tạo ra một nhịp suy tư nhất định, và lối băng qua một vùng phong cảnh hoặc lặp lại hoặc gợi nhắc lại chặng đường băng xuyên các nghĩ suy. Hình dung như thế tạo ra một sự tương thích lạ lùng giữa hành trình nội tâm và hành trình ngoại tại, cho thấy tâm trí cũng là một quang cảnh nào đó và đi bộ là cách dạo bước giữa quang cảnh ấy. Một suy tư mới chừng như một đặc điểm thuộc về quang cảnh kia từ bấy lâu, như thể suy tư ấy cũng đang du hành chứ chẳng đang kiến tạo. Và thế là một đặc điểm trong lịch sử bách bộ chính là lịch sử suy tư được hiện thực hóa – bởi chuyển động bên trong không sao truy dấu, không như chuyển động của bàn chân. Đi còn có thể tưởng tượng giống như một sự quan sát, mỗi lượt đi là một du ngoạn nhàn tản vừa đủ để chứng kiến và ngẫm ngợi trước khung cảnh nhìn thấy, để đồng nhất cái mới mẻ vào cái đã biết qua. Có lẽ đây chính là nguồn cơn cho công dụng đặc thù của việc đi bộ đối với các nhà tư tưởng. Những niềm ngạc nhiên, sự thăng hoa, và sáng tỏ của du hành đôi khi có thể tìm thấy bằng việc dạo quanh dãy nhà cũng như dạo quanh thế gian, và đi có thể vừa gần cũng có thể vừa xa. Hay có lẽ đi nên được gọi là chuyển động, không phải du hành, bởi ta có thể bước theo vòng tròn hay vòng quanh thế giới khi vẫn bất động trên ghế, và một kiểu mỏi gối chồn chân chỉ xua đi được bởi chính chuyển động của cơ thể, chứ chẳng phải chuyển động đến từ xe cộ, tàu thuyền hay máy bay. Chính chuyển động và chính những gì ta nhìn thấy lướt ngang qua mới là điều khiến tâm trí sống động, và khiến cho sự đi vừa lạ lùng lại vừa vô vàn hữu ích: đi vừa là phương tiện vừa là mục đích, vừa là chặng đường lại vừa là đích đến.
Con đường đất đỏ do quân đội xây nên vừa bắt đầu tới khúc quanh co, leo dốc xuyên qua thung lũng. Đôi khi tôi tập trung vào hành động đi, nhưng hầu hết thời gian nó hoàn toàn vô thức, chân cứ tiến tiếp bằng hiểu biết tự nó thế nào mới là thăng bằng, thế nào là né đi những hòn đá và rãnh nứt, hay tăng tốc, để yên cho tôi thỏa sức ngắm nhìn những dải đồi san sát phía xa và vô vàn hoa cỏ ngay chung quanh: huệ chùm, những bồ hoa tím mỏng tôi chẳng đời nào rõ tên; um tùm me chua giống hình dáng cỏ ba lá vàng ươm; và ở khúc nửa còn lại dọc theo khúc quanh cuối cùng là thủy tiên trắng màu giấy. Sau 20 phút leo dốc, tôi dừng chân để ngửi mùi hương. Thung lũng trước đây từng có đàn gia súc, và nền móng một nông trang cùng dăm ba loài cây ăn quả lâu năm vẫn còn rải rác đâu đó dưới kia, ở mặt còn lại của đáy thung liễu rủ ẩm ướt. Đó là một chốn để lao động hơn là để giải khuây: trước tiên là thổ dân Miwok, tới các nhà nông học, bị nhổ đi một thế kỷ sau bởi một căn cứ quân sự, tới lượt nó đóng cửa vào thập niên 1970, khi bờ biển không còn phù hợp làm nơi phòng thủ cho thứ chiến cuộc hết sức trừu tượng và diễn ra nhiều hơn trên không trung. Từ đó tới nay, nơi đây được sung công cho Cục Công viên quốc gia và cho những con người giống như tôi nhận kế thừa di sản văn hóa bách bộ giữa thiên nhiên để tìm khuây khỏa. Các bệ súng bê tông khổng lồ, các lô cốt, hầm trú sẽ không bao giờ biệt tăm như cách các tòa nhà chăn nuôi biến mất, nhưng ắt hẳn chính các gia đình làm nghề chăn nuôi mới là người để lại gia tài sống động đủ thứ hoa trồng vườn sinh sôi bên cạnh thực vật bản địa.
Đi tức rảo quanh, và tôi rảo quanh từ khóm thủy tiên ở đoạn cong lên của con đường đất đỏ trước hết từ trong tâm trí và rồi bằng đôi bàn chân. Con đường của quân đội vươn ra mỏm đất và băng qua lối mòn sẽ đưa tôi qua mỏm đồi, cắt ngang cơn gió và thấp dần xuống trước khi dâng dần trở lại vào mé Tây chỏm đá. Ở đỉnh vực ngay trên đường này, đối mặt thung lũng kế tiếp phía Bắc, là một trạm vô tuyến cũ có rào quây thành tám cạnh. Tập hợp lạ lùng các vật dụng và lô cốt xi măng trên lối trải nhựa này thuộc một phần một hệ thống điều hướng tên lửa của Nike, dùng để dẫn đường tên lửa hạt nhân bay từ căn cứ dưới thung lũng sang các lục địa khác, cho dù chẳng có quả nào được phóng ra từ nơi này thời chiến. Hãy nghĩ tới đống phế tích như món quà lưu niệm một cuộc tận thế bất thành đã trao tặng. Chính vũ khí hạt nhân dẫn tôi về lịch sử của bách bộ, trong một chiều hướng đáng kinh ngạc như bất kỳ con đường mòn hay đoàn tàu suy tưởng nào. Tôi trở thành một nhà hoạt động phản đối vũ khí hạt nhân hồi thập niên 1980, tham gia các cuộc biểu tình mùa xuân ở Địa điểm thử nghiệm vũ khí Nevada, trực thuộc Bộ Năng lượng, có kích thước của toàn bộ Rhode Island nằm ở miền nam Nevada, nơi nước Mỹ từ đó đến nay vẫn cho nổ thử nghiệm bom hạt nhân – hơn 1000 quả - tính từ 1951. Đôi khi vũ khí hạt nhân dường như chẳng gì hơn là những số liệu ngân sách vô hình dạng, là số liệu xử lý phế liệu, tổn thất sinh mạng ước tính mà thông qua cổ động, xuất bản, và vận động hành lang sẽ bị mọi người phản đối. Sự trừu tượng quan liêu cả trong cuộc chạy đua vũ khí và sự kháng cự đối lại chỉ làm việc thấu hiểu đâu mới đối tượng đích thực và đâu mới là sự hủy diệt trên người thật và nơi chốn thật trở nên khó khăn. Tại địa điểm thử nghiệm, mọi thứ hoàn toàn khác. Vũ khí hủy diệt hàng loạt được đánh nổ tung giữa một khung cảnh tương phản tuyệt đẹp gần nơi chúng tôi đóng trại chừng một hay hai tuần để tham gia biểu tình (sau năm 1963 nổ xảy ra dưới lòng đất, mặc dù vẫn thường gây rò rỉ phóng xạ vào khí quyển và lúc nào cũng run bật mặt đất). Chúng tôi – không chỉ là thành viên của phong trào phản văn hóa Mỹ lếch thếch lôi thôi, mà còn cả những nạn nhân còn sống sót sau hai quả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, các thầy tu cùng các cha và sơ dòng Phan Sinh, các cựu binh chuyển sang ủng hộ hòa bình, các nhà vật lý phản ngành, các nhà hoạt động Kazakh, Đức và Polynesia sinh sống dưới bóng thử bom, là thổ dân Tây Shoshone, cư dân sở tại của điểm thử nghiệm – đã đối mặt với những thứ hiện hữu thật sự. Phía bên kia họ là thực tại có thật của nơi chốn, của cảnh tượng, của hành động, của cảm giác – của còng tay, gai nhọn, bụi, cái nóng, cái khát, nguy cơ nhiễm xạ, chứng cứ hùng hồn của nạn nhân nhiễm xạ - mà còn cả ánh sáng sa mạc kiêu sa, nét tự do của không gian mở, cảnh tượng phấn khích của hàng ngàn con người sẻ chia quan điểm cho rằng bom hạt nhân là thứ công cụ sai trái để biên lại lịch sử thế giới. Chúng tôi có cùng một nhân chứng bằng xương thịt cho những điều mình tin tưởng, cho vẻ đẹp kinh hoàng của sa mạc, và cho các cuộc tận thế đang được trù bị sát bên. Hình thái chúng tôi chọn để biểu tình là tuần hành: ban đầu diễn ra ở vùng đất công bên đây hàng rào, một đám đông reo mừng trở thành một hành vi đột nhập buộc chính quyền phải bắt bớ ở bên kia hàng rào cấm xâm nhập. Chúng tôi tham gia một bất tuân dân sự hay phản kháng dân sự, ở một quy mô chưa từng có trước đây, một truyền thống Mỹ nêu ra lần đầu tiên bởi Thoreau.
Chính Thoreau cũng vừa là một thi sĩ về thiên nhiên vừa là một người phê bình xã hội. Hành vi bất tuân dân sự trứ danh của ông mang tính thụ động – từ chối đóng thuế vì không muốn góp tiền chiến phí và duy trì chế độ nô lệ nên đã chấp nhận một đêm trong tù – và hành vi này không hề chen lấn trực tiếp vào quá trình khám phá, diễn giải thiên nhiên trong vùng, cho dù quả tình Thoreau có dẫn đầu một đoàn người hái dâu dại ngay hôm vừa ra tù. Trong hành động của tập thể chúng tôi tại điểm thử nghiệm vũ khí, thi tính nơi tự nhiên và chỉ trích đối với xã hội hợp thành một khi chúng tôi cùng nhau cắm trại, tuần hành, và đột nhập vào khu vực, mặc dù chúng tôi cũng hình dung được một toán hái dâu dại hoàn toàn có thể là tập thể ủng hộ cách mạng. Với tôi, cái hành vi bước đi giữa sa mạc và rào chắn tiến vào cấm địa có thể diễn tả một thông điệp chính trị, đó là cả một sự đốn ngộ. Và trong lần tiến vào khung cảnh biểu tình phản đối kia, tôi mới bắt đầu nhận ra những khung cảnh phương Tây khác nằm ngoài vùng bờ biển và khám phá chúng, khám phá cả lịch sử phía sau đã mang tôi tới đó - lịch sử không chỉ của sự tiến triển của phương Tây mà còn là thứ khẩu vị của Trào lưu Lãng mạn dành cho việc bộ hành và cho khung cảnh tự nhiên, cái truyền thống dân chủ của phản kháng và cách mạng, cái lịch sử hành hương và việc đi để đạt thỏa các mục đích tâm linh từ ngàn xưa. Tôi tìm thấy giọng văn của mình ở các mô tả toàn thể các lớp lang lịch sử cấu thành trải nghiệm của chính tôi tại điểm thử vũ khí. Tôi bắt đầu nghĩ và viết về bộ hành từ quãng thời gian viết về các nơi chốn và lịch sử của chúng.
Đương nhiên, bộ hành, như bất cứ độc giả nào từng đọc tiểu luận Bộ hành của Thoreau đều tỏ, sẽ dẫn dắt tới các chủ đề khác. Bách bộ là một chủ đề lúc nào cũng rẽ ngang tẻ dọc. Chẳng hạn, rẽ vào các đóa cúc sao băng bên dưới trạm hướng dẫn tên lửa ở vùng địa đầu phía bắc Cầu Cổng Vàng. Đó là loài hoa dại tôi yêu thích, các đầu hình nón màu hồng sẫm bé xíu với những tua đen dường như có hình dáng khí động học sẵn chờ một chuyến bay chẳng bao giờ xảy ra, như thể chúng đã tiến hóa để trở nên quên bẵng đi rằng hoa có thân và thân có rễ. Các quần hợp gai ở hai bên đường mòn, tắm tưới bởi sương biển đọng ban sớm trong những tháng khô hạn và rợp mát bởi chỗ dôi phía bắc của con dốc, hết sức sum suê. Khi mà trạm điều hướng tên lửa ở mép vực lúc nào cũng khiến tôi nghĩ về sa mạc và về chiến tranh, các giậu cây kia lúc nào cũng gợi tôi nhớ về các dải rào Anh quốc, những ranh giới trang trại ứ hự cỏ cây, chim chóc và cái kiểu thôn dã bình lặng Ăng Lê điển hình. Có cả dương xỉ ở đó, dâu dại, và, nép bên dưới bụi su su là một chùm hoa diên vĩ trắng tinh nở rộ. Mặc dù tới đây để nghĩ về sự đi, tôi chẳng thể ngưng nghĩ tới đủ mọi thứ khác, về những lá thư nhẽ ra đã nên viết từ lâu, về những cuộc chuyện trò tôi đang có. Chí ít khi tâm trí tôi lạc trở vào cuộc trao đổi qua điện thoại với bạn tôi Sono sáng hôm đó, tôi vẫn còn không chệch hướng. Xe của Sono đã bị cuỗm ở xưởng sáng tác của cô ở West Oakland, và cô ấy bảo tôi ai cũng coi đó như một thảm họa, vậy mà cô chẳng lấy gì làm tiếc nuối, hay ráo riết muốn tìm một chiếc khác thay thế. Có một niềm vui nào đó, cô chia sẻ, khi phát hiện ra cơ thể không thôi cũng đã đủ đầy để mang cô tới nơi cô muốn tới, và để tạo dựng một mối quan hệ hữu hình, vững chãi hơn với lối xóm cùng những người sinh sống ở đó là cả một thứ năng khiếu cần được trau dồi. Chúng tôi nói với nhau về cái cảm giác ngăn nắp của thời gian mỗi khi ta tham gia vào vận tải công cộng, lúc mọi thứ đều được trù tính và lên kế hoạch từ trước, thay vì cập rập giờ chót, cũng như cái cảm nhận về không gian chỉ có được khi ta đi bộ. Nhiều người ngày nay sinh sống bên trong hàng loạt các không gian khép kín - nhà, xe, phòng gym, văn phòng, cửa hàng – và họ mất kết nối với nhau. Khi đi bộ mọi thứ vẫn cứ kết nối, bởi khi đi ta chiếm lấy các không gian nằm chính giữa các không gian khép kín hệt như cách chúng ta chiếm cứ chính các không gian khép kín vậy. Người ta sống trong một thế giới trọn vẹn, chứ nào phải những không gian khép kín chất chồng lên nhau.
Con đường mòn hẹp mà tôi mải theo giờ đã kết thúc, là lúc nó dâng lên gặp một con đường nhựa xám cũ dẫn lên trạm điều hướng tên lửa. Chuyển từ đường đất sang đường nhựa nghĩa là tiếp tục bước đi để thưởng lãm toàn bộ thảm biển, trải liền mạch sang tới tận Nhật. Tôi có cùng một cảm giác phấn chấn tương tự mỗi lần băng qua biên cương này để một lần nữa khám phá đại dương, một đại dương lấp lánh như bạc được gò vào những ngày trời sáng nhất, xanh lục những hôm nhiều mây, ngả nâu ở những đợt bùn sông và suối đổ ra biển cuốn xa ra khơi trong lũ mùa đông, những sắc xanh mờ loang lổ những ngày mây thớt thưa, biến mất tăm chỉ trong những ngày sương mù dày đặc, khi chỉ vị muối biển cũng đủ để báo hiệu sự thay đổi. Hôm nay biển cả có một màu xanh đồng nhất chạy dài tới chân trời xa xăm nơi sương trắng làm nhòe đi khúc biển nhập vào bầu trời vắng mây. Từ đây trở đi, chặng đi của tôi chỉ còn đổ dốc. Tôi kể với Sono về mẩu quảng cáo tình cờ nhìn thấy trên tờ Thời báo Los Angeles ít tháng trước cứ mãi canh cánh trong tôi tới tận bây giờ. Mẩu quảng cáo dành cho một bách khoa toàn thư bằng CD-ROM, và đoạn văn chiếm trọn một trang giấy viết như sau, “Ngày trước bạn từng băng qua thị trấn dưới cơn mưa rào để sử dụng bách khoa toàn thư. Chúng tôi rất tự tin rằng nay bạn có thể giúp lũ trẻ nhà mình sử dụng bách khoa bằng cách bấm và rê.” Tôi nghĩ chính sự thể lũ trẻ bước trong mưa mới làm nên thứ giáo dục đích thực, chí ít về giác quan và trí tưởng tượng. Có lẽ đứa trẻ có bách khoa CD-ROM sẽ bị xao nhãng trước bài học, nhưng việc lang thang bên trong một quyển sách hay trên một máy tính diễn ra ở các điều kiện vừa hạn chế vừa bớt đi cảm giác tiếp xúc. Chính những sự thể không lường được trước giữa các mốc cuộc sống mới là cái cấu thành cuộc sống, những thứ không thể toan tính mới mang lại giá trị. Bách bộ giữa thị thành hay giữa nông thôn trong suốt hai thế kỷ chính là những cách thiết thực giúp cho chúng ta khám phá những điều không sao đoán định và những thứ chẳng thể tính toán, nhưng giờ đây việc ấy lại bị tấn công trên nhiều mặt trận.Sự gia tăng của công nghệ dưới mỹ danh hiệu dụng kỳ thực đang xóa sổ thời gian rỗi của chúng ta bằng cách trao khả năng tối đa hóa thời gian và nơi chốn sản xuất nhưng tối thiểu thời gian trống để dịch chuyển vô tư giữa chúng. Các công nghệ tiết kiệm thời gian mới khiến cho đa số người lao động trở nên giàu năng suất, nhưng nghèo tự do, giữa một thế giới dường như đang tăng tốc xung quanh họ. Chưa hết, cái lập luận về hiệu dụng xoay quanh các công nghệ kia như muốn khẳng định những gì không thể định lượng cũng không thể định giá - rằng vô số những khoái lạc rơi vào tiểu loại chẳng làm gì cụ thể cả, như cuộn len, nhìn mây trôi, dạo bước, mua sắm bằng mắt – chúng chẳng gì khác ngoài những khoảng trống cần được lấp đầy bằng những thứ chắc chắn, hiệu quả, hay mau chóng hơn. Ngay tới cái doi đất chẳng dẫn tới đâu ra trò này, con đường chỉ chọn cốt để tiêu khiển, người ta cũng băng tắt qua những đoạn cùi chỏ, như thể hiệu dụng là một thói quen chẳng thể nào gột bỏ. Sự mơ hồ bất định của một chuyến dạo chơi, khi có thể khám phá ra rất nhiều điều hay ho, đang bị thay thế bởi con đường ngắn nhất, cụ thể nhất, có thể di chuyển ở mọi tốc độ khác nhau, cũng như bởi những tín hiệu điện tử làm cho du lịch đúng nghĩa càng trở nên kém thiết thực hơn. Là một cá thể thuộc những người không làm công ăn lương người khác, thời gian tiết kiệm nhờ vào công nghệ có thể hoang phí vào giấc mơ ngày và đường quanh ngã quẹo, tôi biết những thứ kia cũng có công dụng riêng, và tự tôi sử dụng các công dụng ấy - một chiếc xe tải, một máy tính, một modem – một mình, nhưng vẫn e sợ nỗi riết róng hững hờ, đòi hỏi về tốc độ, hay cách chúng nhất nhất rằng hành trình chẳng quan trọng bằng nơi đến. Tôi thích đi vì sự chậm rãi, và tôi ngờ rằng tâm trí, giống như chân ta, cũng hoạt động ở vận tốc 5km/h. Nếu quả thật là vậy, thì cuộc sống hiện đại đang chuyển động nhanh hơn vận tốc suy tư, hơn vận tốc trầm tư.
Đi tức là ở ra khỏi nhà hay không gian kín, là ở giữa không gian công cộng, và không gian công cộng cũng đang bị rời bỏ và héo mòn ở các thành phố cao tuổi hơn, lu mờ bởi công nghệ và dịch vụ chẳng bắt chúng ta rời khỏi nhà, và ở nhiều nơi còn bị che phủ bởi nỗi sợ (và những nơi xa lạ lúc nào cũng đáng sợ hơn chốn thân quen, do đó càng ít khám phá, thành phố ta sống càng kém an toàn hơn, và càng ít kẻ ra bên ngoài chỉ khiến ngao du thêm cô đơn và nguy hiểm). Cùng lúc đó, ở nhiều nơi, không gian công cộng còn không tồn tại trên bản thiết kế: nơi trước đây từng là không gian công cộng nay dùng để đáp ứng sự riêng tư của ô tô; các tòa thị chính mất đi quảng trường; đường phố mất lề; các công trình có thể vào được ngay từ bãi xe; và mọi thứ đều có tường chắn, thanh chắn, cổng chắn. Nỗi sợ đã tạo ra hẳn cả một phong cách kiến trúc và thiết kế đô thị, đặc biệt như ở Nam California, nơi mà chọn cách bộ hành là tự rước về nghi hoặc tại vô số các không gian xen cắt và “cộng đồng” cao tường kín cổng. Đồng thời, đất nông nghiệp và các vùng ngoại vi xưa kia quyến luyến du khách biết bao nay đang bị ngốn ngấu bởi các phân chia người đi bộ và phương tiện, hoặc cô lập hoàn toàn. Ở một số nơi người ta thậm chí còn không ra ngoài đường, một cơn khủng hoảng dành cho những tỉnh thức riêng tư của kẻ độc hành lẫn các chức năng dân chủ của không gian công cộng dành cho tất cả mọi người. Chúng tôi ngày trước phản đối, chính là phản đối cái sự tán nhỏ cuộc sống và quang cảnh này đây, ngay giữa các không gian mênh mông của sa mạc nhất thời trở thành một quãng trường công cộng dùng cho các cuộc biểu tình.
Và khi không gian công biến mất, thì cái cơ thể, theo cách diễn đạt chính xác của Sono, phù hợp cho việc di chuyển cũng biến mất. Hai chúng tôi kể với nhau nghe tự khám phá của mỗi chúng tôi rằng khu phố chúng tôi đang sống - hai trong số những nơi đáng sợ nhất ở vùng Bay Area - hóa ra chẳng đáng sợ đến vậy (dẫu vẫn chưa đủ an toàn để bọn tôi quên bẵng đi thế nào là an toàn). Tôi từng bị dọa và cướp trên đường, cũng đã lâu, nhưng tôi lại có hàng ngàn lần gặp gỡ bạn bè lướt qua, một quyển sách ao ước bày trước cửa sổ hiệu sách, những lời khen tặng và chào hỏi từ những hàng xóm rôm rả, những nét đẹp kiến trúc, các poster trình diễn âm nhạc và bình luận chính trị mai mỉa dán tường và trụ điện thoại, các thầy bói, trăng mọc giữa những tòa nhà, những nhác quan sát đời sống và tư gia kẻ khác, những gốc cây dọc đường giòn giã tiếng chim. Sự ngẫu nhiên, mắt thấy tai nghe, cho ta tìm thấy những cái chính ta còn chưa biết mình đang tìm kiếm, và ta chẳng hề hay biết về một nơi tới khi nơi ấy khiến ta thấy kinh ngạc. Đi bộ là một cách để duy trì một tấm chắn cản đi sự xói mòn của tâm trí, thân thể, cảnh vật, và cả thị thành, và mỗi khách bộ hành cũng chính là một viên canh tuần bảo vệ những thứ không diễn được bằng lời.
Đâu chừng một phần ba chặng đường đi xuống dẫn ra bãi biển, có một tấm lưới màu cam được trải ra. Nó trông giống một tấm lưới quần vợt, nhưng khi tới gần tôi thấy hóa ra nó phủ lên một hố lớn còn mới toanh trên con đường. Đoạn đường này từ lúc tôi bắt đầu đi từ mười năm trước tới nay đã xuống cấp không ngừng. Nó từng uốn lượn một mạch từ đại dương lên đỉnh đá. Dọc theo mép biển bỗng có một đoạn nứt mẻ hồi năm 1989 ai đi qua cũng có thể tránh, và dần có một lối mòn nhỏ đánh quanh cái hố đang ngày một toác thêm ra. Sau mỗi đợt mưa đông, đất đỏ và mặt đường càng lúc càng nát hơn, sụp xuống thành một đống đất đá ở đáy con dốc sâu mà con đường từng cắt ngang. Thoạt tiên đó là một cảnh tượng lý thú, con đường rơi dần vào không trung, khi mà ta thường nghĩ đường và lối lúc nào cũng liền mạch. Mỗi năm chỗ khuyết kia sụp lún nhiều hơn. Và tôi đã đi trên chặng này nhiều tới nỗi mỗi đoạn đường của nó đều gợi ra các liên tưởng trong đầu. Tôi nhớ hết mọi giai đoạn xảy ra sạt lở và con người hoàn toàn khác của tôi khi đó, lúc con đường hoàn thành. Tôi nhớ có từng giải thích cho một người bạn gần ba năm về con đường này và vì sao tôi cứ thích đi lại đúng một chặng đường như thế. Tôi đùa, một cải biên dở tệ tuyên ngôn trứ danh của Heraclitus về sông nước, rằng ta chẳng bao giờ bước hai lần trên cùng một lối mòn; và chẳng bao lâu sau chúng tôi bắt gặp một lần thang mới tinh dẫn thẳng xuống dốc đồi bên dưới, dựng đủ sâu vào phần đất liền để nhiều năm nữa vẫn không bị ảnh hưởng công cuộc xói mòn vẫn diễn ra. Nếu như có một lịch sử về hành trình đi bộ, cũng phải có một nơi mà con đường rơi mất, một nơi chẳng tồn tại không gian công cộng, còn cảnh quang bị vá chắp vào, nơi sự vui thú thu hẹp và giã nhừ bởi nỗi âu lo phải tạo ra sản phẩm, nơi thân thể không nằm ngoài hoang dã mà chỉ bên trong các không gian khép kín cửa như xe cộ hay tòa nhà, và sự thần thánh hóa tốc độ khiến các cơ thể kia dường như trở nên lỗi thời hoặc kém cỏi. Trong ngữ cảnh này, đi bộ là một rẽ ngoặt mang tính xung kích, một chặng đường hào nhoáng băng qua cảnh tượng các tư tưởng và trải nghiệm dần hoang phế.
Tôi buộc lòng phải đánh vòng một lối mới bên phải để băng qua chỗ đất bị táp khỏi cảnh tượng này. Luôn có một chốc nào đó trên chặng đường này khi đó nhiệt độ tỏa ra khi leo dốc và đoạn đồi chắn khuất gió sẽ nhường cho chỗ không khí đại dương ùa xuống, và lần này nó xảy ra tại cầu thang vừa băng qua sườn đá nhỏ mới vừa cắt vào tảng đá ngoằn ngoèo xanh mướt trên đồi. Từ đó cho tới đoạn cùi chỏ dẫn tới nửa còn lại của con đường cũng không quá xa, vốn sẽ mỗi lúc mỗi uốn khúc tới gần vách vực sát đại dương, nơi sóng tan thành bọt trắng bên trên những tảng đá sẫm vang rền. Chẳng bao lâu tôi đã tới bãi biển, nơi dân lướt ván bóng nhẫy như hải cẩu trong trang phục lướt ván đen ướt đầm đang đón đoạn sóng trào ở mỏm Bắc của vịnh, chó chạy theo cây, người người thư giãn trong khăn tắm, và sóng đánh, rồi hối hả ùa lên đồi để nằm ngay giữa đôi chân của những kẻ chúng tôi khó nhọc bước qua cát đặc của thủy triều dâng cao. Chỉ còn lại một dải sau cùng, trên mép cát và dọc suốt chiều dài của eo biển lầy đầy ắp chim biển.
Một con rắn xuất hiện, rắn nịt tất, bởi các sọc thoảng sắc vàng dọc theo bộ thân sẫm màu, một con rắn bé xíu đẹp đẽ khi cong mình như một gợn sóng dọc theo con đường vào bãi cỏ nằm ven, khiến tôi ngạc nhiên. Bất chợt tôi nảy ra ý nghĩ phải một lần nữa để ý hết tất cả xung quanh - hoa đuôi sóc trên cây liễu, tiếng nước vỗ bờ, những dáng bóng râm thớt thưa dọc đường. Và rồi vào chính tôi, kẻ đã đi trong cái dáng bộ chỉ có được sau khi dăm ba dặm đường, cái nhịp chéo tay sau đồng bộ với đôi chân gắn bên dưới một cơ thể cảm tưởng đủ dài và choãi, xiên xẹo gần như cơ thể con rắn kia. Chặng đi của tôi sắp kết thúc, và ở cuối chặng tôi đã biết chủ đề tôi muốn viết là gì và diễn đạt bằng một cách mà sáu dặm bộ trước lúc này tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi ngộ ra chẳng phải trong một phút thần hứng nào đó, mà trong sự cam đoan dần một chắc chắn hơn, một nhận thức về ý nghĩa tựa như cảm giác về nơi chốn. Khi ta trao hết cho nơi chốn, chúng cũng trao hết lại cho ta; càng hiểu thêm về chúng, ta càng gieo vào nơi chốn vụ mùa ký ức vô hình và những liên tưởng sẽ đợi chờ khi ta trở lại, khi nơi chốn mới lại trao tiếp những ý tưởng mới, những triển vọng mới. Khám phá thế gian là một trong những cách hữu hiệu nhất để khám phá tâm trí, và đi bộ là khi ta khám phá cả hai miền đất ấy đồng thời.
k.