Ao ước lượm được một hòn đá và biến nó thành viên kim cương, bạn có bao giờ nghĩ tới chưa? Hay cầm trong tay một thỏi sắt và hô biến ngay lập tức thành vàng chưa? Nghe có vẻ rất điên rồ phải không?

Vòng tròn ma thuật

Cách đây rất lâu rồi, người ta đã ước vậy, và họ đã cố làm, rất kiên trì để thực hiện ước nguyện đó. “Thuật giả kim” được coi là một nghệ thuật hay một khoa học nằm biến kim loại căn bản, tức kim loại rẻ tiền như chì, thủy ngân thành vàng, bạc. Và trong nhiều năm người ta kiên trì bién ước muốn này thành sự thật. Tới đây tôi chợt nhớ tới cuốn “Nhà giả kim”, nhớ tới thuật luyện kim được nhắc tới trong cuốn sách này. Cũng nói về những người Ả rập, Hy Lạp, chắc chắn rồi, đây là quê hương của thuật này.

Ở đó, người ta kể rằng phù thủy, các thiên thần đã dạy cho loài người môn giả kim thuật. Những nhà giả kim đầu tiên đến từ Hy Lạp và Ả Rập (Giả kim thuật tiếng Anh là alchemy, gồm al – á và chemy – họ hàng với chemistry – hóa học, ý chỉ sự biến hóa).

Thuật giả kim nở rộ đỉnh cao vào thời Trung cổ, lan rộng khắp Tây Âu. Người ta mong muốn giàu có nên không thiếu kẻ tham lam và ngu dại đã dốc hết tiền bạc theo đuổi thuật giả kim với ham muốn chính Thuật này sẽ làm giàu cho bản thân. Trong hầm tối của lâu đàu, nhiều người cổ quái khi thì thầm, khi hò hét những câu thần chú kỳ cục vào những bình nước sôi và hi vọng tìm được bí quyết. Duy chỉ có một số ít nhà giả kim đã thử chế vàng từ thủy ngân mà thôi, một số khác thì thêm lưu huỳnh, arsenic, muối ammoniac, …

Sau đó, người ta còn tin vào “hòn đá của các hiền triết” (the philosophers’ stone), một chất liệu huyền bí mà được cho là có khả năng chữa bách bệnh, vừa giúp con người ta có thể trường sinh, đồng thời có thể biến kim loại thành vàng, bạc. Đây không phải là khoa học, dĩ nhiên rồi, đây là một ước muốn. Thuật giả kim thậm chí còn đồng hành với hóa học cho đến tận thời kì Phục hưng và dần biến mất vào cuối thế kỉ XVII Mặc dù chưa phải là khoa học, những thí nghiệm này cũng chỉ ra nhiều hiểu biết có giá trị về nhiều chất liệu. Có thể nói, các nhà giả kim thuật đã đi tiên phong trong ngành hóa chất.

Người nổi tiếng nhất trong giới giả kinh thuật sĩ là Nicolas Flamel (tên ông đã được nhắc đến trong một số tác phẩm văn học như Harry Potter của JK Rowling). Không là một học giả tâm linh như những người tiền nhiệm, ông một lòng theo đuổi cách chế tạo hòn đá hiền triết. Ông dành phần lớn thời gian để thí nghiệm những tiến trình và phản ứng thế nhưng vẫn chưa thành công trong việc tìm ra cách biến đổi các chất.


Giả kim thuật ở châu Á

Vào đầu công nguyên (CN) các nước ở phía Đông Á hầu như không có mối quan hệ chính trị và kinh tế với Tây Âu mà phát triển theo con đường riêng của mình. Tại hai trung tâm văn hóa lớn ở châu á lúc này là Trung Quốc và ấn Độ nghề thủ công hóa học tiếp tục triển.Ở Ấn Độ, tuy vào thời Alexandre Macedonie nhờ các cuộc hành quân chinh phục Tây Bắc ấn Độ đã có những mối liên hệ giữa ấn Độ với nền văn hóa Hy Lạp, nhưng tới đầu CN thì mối liên hệ này không còn nữa.

Trong những thế kỷ đầu CN, các ngành sản xuất thủ công ở ấn Độ tiếp tục phát triển. Một số tài liệu, ví dụ cuốn 'Ăckhasatơra" do vị đệ nhất thượng thư Castilia (hay Tranakia) của vương triều Maori (32l - 296 trước CN) viết có nhắc đến kỹ thuật luyện kim và hóa học. Trong sách có nêu các kiến thức về quặng vàng, bạc, đồng, chì, thiếc và sắt; các phương pháp khai quặng và nấu kim loại; các nghề thủ công như nấu rượu...

Nơi đây cũng lưu truyền học thuyết về sự biến đổi các kim loại và học thuyết coi thủy ngân và lưu huỳnh là nguồn gốc của mọi thứ kim loại. Từ mấy chục năm đầu CN ở ấn Độ người ta đã biết đến nhiều hóa phẩm như đồng sulfat và sắt sulfat, trong y học đã dùng các chế phẩm của lưu huỳnh. Ngoài ra người ta cũng dùng các hợp chất của asen (asen sulfua), dấm, kiềm. Từ thế kỷ thứ 4, người ấn Độ đã biết đến asen oxyt (As2O3), biết dùng phèn chua để cầm máu, từ năm 600 đã biết đến diêm tiêu.

Nền giả kim thuật Trung quốc phát triển mạnh từ các thế kỷ đầu CN, gắn liền với ma thuật và chiêm tinh, với cách diễn tả thần bí dưới dạng mật mã, các câu thần chú và những ký hiệu bí ẩn giống như nền giả kim thuật châu Âu sau này. Trong triều đình của các hoàng đế Trung Quốc có các nhà giả kim thuật đồng thời và là đạo sĩ và nhà chiêm tinh. Một trong những nhiệm vụ của họ là chế thuốc "trường sinh bất tử" dâng lên cho hoàng đế. Thành phần của các thứ thuốc này thường có chứa muối thủy ngân rất độc làm cho nhiều vị hoàng đế nhẹ dạ và các vị đại thần tham sống bị bỏ mạng. Vì vậy thường thường các nhà giả kim thuật bắt buộc phải uống thử thuốc "trường sinh" trước khi dâng lên nhà vua. Do đan sa có độc tính cao nên nhiều trường hợp người xưa đã chết khi sử dụng nó. Thời nhà Đường, Đường Thái Tông, Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông trúng độc do uống kim đan. Vì thế, ngoại đan dần dần suy vi chỉ còn luyện đan là khởi thủy của ngành luyện kim ngày nay.

Ở Trung Quốc giả kim thuật phồn thịnh từ thế kỷ 2 trước CN và về sau lan truyền rất mạnh. Một nhà giả kim thuật nổi tiếng là Tôn Tư Mạo (vào khoảng năm 140) còn để lại một số tác phẩm. Trong một cuốn sách, ông đã kê công thức chế tạo "thuốc bất tử" với những câu văn bóng gió, bí hiểm. Một đoạn văn tả lò "luyện đan" như sau: "hình dạng lò như mặt trăng nằm ngửa, một con bạch hổ bị đốt nóng trong lò. Thêm một con rồng xanh, mặt trời thủy ngân hiện ra như viên ngọc cháy, phương Đông và phương Tây cùng biến mất. Thế là "Hùng" và "Bi" đối kháng với nhau. Xích điểu (chim đỏ) là hồn của lửa, nó chia đều cả thắng lẫn bại. Kìa nước dâng lên và lửa bị dấp xuống...".

Trong những đoạn văn rắc rối như vậy ra có thể thấy bóng dáng của một số hóa chất, trong đó thường gặp nhất là thần sa (HgS). Một truyền thuyết kể rằng sau khi chế xong thuốc "trường sinh", Tôn Tư Mạo đã cùng với các học trò uống thử và cho cả con chó uống. Tất cả đều chết, nhưng "rồi họ lại hồi sinh và trở thành bất tử'.

Nhà giả kim thuật kiêm đạo sĩ Cố Hưng sống vào giai đoạn muộn hơn (281 - 361). Tác phẩm của ông gồm 70 cuốn, phần đầu nói về cách chế thuốc trường sinh và các thứ thuốc chữa bệnh khác, sau đó là cách chế vàng nhân tạo, trong đó có đề cập đến cách nung thần sa vàng ngưng tụ hơi thủy ngân theo phản ứng :

HgS + O2 = SO2 + Hg

Cố Hưng cho rằng khi nung nóng mạnh thì thần sa sẽ chuyển thành vàng.

Khi nhận xét về những nét đặc trưng của nền giả kim thuật Trung Quốc và nền giả kim thuật châu Âu sau này, nhiều người cho rằng có một mối liên hệ nào đó, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ con đường thâm nhập các tư tưởng giả kim thuật Trung Quốc sang châu Âu diễn ra như thế nào.

Tới đây, một lần nữa lại nhớ tới câu chuyện Nhà giả kim. Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại mà có lẽ bạn không nên bỏ qua.