Xin chào, mình là Haseo, một HR tập viết.
Dạo này nếu ai chăm theo dõi tin tức chắc sẽ gặp khá nhiều bài viết về sa thải, cho thôi việc, “layoff” nhân viên từ hàng loạt các sự kiện của NovaGroup, Twitter và gần đây nhất là đợt sa thải khoảng 11,000 nhân viên của Meta. Về cá nhân mình, mãi đến lúc người thân của mình cũng bị công ty cho thôi việc với sự chuẩn bị vô cùng đầy đủ về pháp lý (và tâm lý), mình mới nhận ra những kiến thức nghiệp vụ của mình trở nên quan trọng như thế nào.
Nếu bạn quan tâm đến chủ đề “cho thôi việc” nhiều hơn level hóng drama một chút, liệu một trong những câu hỏi sau có từng lướt qua tâm trí bạn?
• Công ty có được buộc bạn nghỉ khi chưa có sự đồng ý của bạn không?
• Theo lý theo tình theo thực tế, bạn nên được đền bù như thế nào nếu bạn bị buộc phải thôi việc?
• Nếu bị cho thôi việc một cách bất công, những giấy tờ nào có thể giúp bạn đàm phán?
• Khi công ty yêu cầu một chữ ký hoặc một email từ bạn để “đúng thủ tục”, cần cân nhắc những gì?
Bài viết sẽ khá dài với những bạn chưa quan tâm lắm đến chủ đề này, và chắc cũng chỉ có những người làm thuê - làm chủ mới cần biết thôi, nhưng mình cũng sẽ cố gắng hết sức để không sử dụng quá nhiều từ ngữ hay câu cú “đao to búa lớn”, “lùng bùng chả hiểu gì”, để những thông tin này có thể bám trụ trong trí nhớ của bạn dễ dàng và bền lâu hơn một chút.
Disclaimer:
• Văn bản luật chưa bao giờ là dễ đọc, và đối với một số vấn đề, chúng ta cần sự liên kết từ nhiều văn bản với nhau. Nếu bạn Google ra được cùng một câu trả lời từ ít nhất 3 website luật sư và 1 nguồn chính phủ với niên đại không quá 2 năm, thì khả năng (rất) cao rằng đó là câu trả lời đúng.
• Nghiệp vụ HR và pháp chế của người viết có giới hạn, luôn mong muốn được học hỏi thêm.
• Người viết muốn giúp, không muốn phá, hứa không xúi dại và cũng không chỉ người đọc làm bậy, sẽ cố gắng hướng đến sự công bằng.
Vào bài nhé!

1. “Layoff” có bao nhiêu kiểu?

Nói thẳng ra thì mình chỉ có duy nhất một định nghĩa cho từ này thôi, layoff là việc công ty muốn một hoặc nhiều nhân viên ngừng làm việc cho mình. Từ nhiều yếu tố mà chúng ta có thêm một vài tên gọi khác:
• Cho thôi việc, Cho nghỉ việc: cách gọi chung chung, không mô tả thêm tính chất nào khác của layoff;
• Sa thải: áp dụng khi nhân viên vi phạm thỏa thuận hoặc quy định của công ty, có quy định cụ thể trong Luật lao động;
• Thỏa thuận kết thúc Hợp đồng: công ty và nhân viên ngồi xuống đàm phán và cùng đồng ý chấm dứt Hợp đồng Lao động (HĐLĐ) với những điều khoản giấy trắng mực đen, ký tên đóng dấu hai bên chặt chẽ;
• Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ: tương tự với hình thức Sa thải nói trên, có quy định pháp lý riêng cho loại hình này trong Luật lao động;
Một số hình thức khác để kết thúc mối quan hệ lao động: nhân viên xin nghỉ, không tái tục HĐLĐ, mất việc vì tình hình kinh doanh (có luật nhé), v.v.
Mỗi hình thức “chia tay” nhau trên đây sẽ dẫn đến nhiều điểm khác nhau trong trách nhiệm cũng như các mức bồi thường liên quan.

2. Bạn nghĩ mình sẽ phản ứng thế nào?

Ở đây mình tạm xếp phản ứng của số đông thành 3 cấp độ từ không kháng cự đến siêu kháng cự nhé.

Cấp độ 1: Không kháng cự với quyết định layoff

Những luồng suy nghĩ trong cấp độ này có thể là:
• Công ty đã không ưa mình rồi, trước sau gì cũng kiếm cớ khác để đuổi thôi, giờ còn nhẹ nhàng thì ừ đại cho xong.
• Đằng nào cũng muốn nghỉ sẵn rồi, tiện dịp này đi luôn ~ ¯\_(ツ)_/¯
• Lỗi do mình làm chưa tốt, để chuyện phải đi tới nước này, giờ họ nói gì thì nghe nấy.
• Công ty bồi thường vậy là thỏa đáng rồi, tạm biệt thôi!
Nói chung, có rất nhiều lý do để bạn không cảm thấy cần phải thương lượng gì thêm cả. Nếu bạn thấy lý do cho sự chấp nhận của bạn là chính đáng, thì nó là chính đáng, đừng lăn tăn gì nhé.
Còn nếu bạn vẫn tò mò với việc “Nếu mình kháng cự được xíu xiu, mình được thêm gì không?” thì mời bạn đọc tiếp Cấp độ 2.

Cấp độ 2: Vẫn đồng ý nghỉ, nhưng còn kháng cự với các điều khoản layoff công ty đưa ra

Công ty yêu cầu bạn nghỉ việc ngay từ ngày mai! Không bồi thường! Không hỗ trợ!
Tức hông? (┛◉Д◉)┛彡┻━┻
Theo mình quan sát, cấp độ 2 là cấp độ hay gặp nhất trên các diễn đàn hỏi đáp hoặc những group Facebook bóc phốt, kêu oan. Mong muốn chung của nhóm nhân viên này là OK nghỉ thì nghỉ, nhưng phải bồi thường cho tôi một cách thỏa đáng vì Quý công ty đang không làm đúng cam kết ban đầu.
Để đạt được điều bạn muốn ở cấp độ này, thông thường bạn cần làm 3 việc:
• Hiểu được Hợp đồng của bạn và Luật pháp đang cho phép bạn (và công ty) làm những gì;
• Thương lượng, thỏa thuận để đạt được những gì mà bạn muốn;
• Đảm bảo cực kỳ cẩn thận với những giấy tờ bạn ký và email bạn gửi đi.
Những lỗi như thiếu kiến thức về luật pháp, thủ tục hành chính, và những thiếu hụt giấy tờ, bằng chứng (ví dụ hợp đồng ký xong không nhớ để đâu, ngày phép đã nghỉ bao nhiêu không nắm, kết quả đánh giá KPI không có screenshot, không có bản cứng v.v.) sẽ bất lợi cho bạn trong quá trình thỏa thuận nếu công ty không hợp tác.

Cấp độ 3: Siêu kháng cự với layoff, không muốn nghỉ

Trường hợp này tuy ít xảy ra hơn với các nhân viên trẻ, nhưng hoàn toàn không phải hiếm. Những lý do thường gặp bao gồm:
• Nếu nghỉ sẽ khó tìm được việc mới ngay với mức lương tương ứng;
• Thời điểm này cần tiền, không thể để mất thu nhập;
• Chưa lấy thưởng, chừng nào qua khỏi tháng nhận thưởng thì nói chuyện tiếp;
• Cần giữ việc để làm đẹp hồ sơ.
Trường hợp này chỉ cần HĐLĐ của bạn vẫn còn hiệu lực, thì về pháp lý, bạn có toàn quyền từ chối quyết định layoff này (đương nhiên có một số trường hợp bất khả kháng, mình sẽ nhắc đến trong những phần sau nhé).