Lão Hạc ở Tân An: câu chuyện viết dở giữa người và vật
Cụ Nam Cao viết câu chuyện này vào năm 1943. Cái tao đoạn ấy, "tam giặc" hoành hành, làng Vũ Đại chống chọi khổ sở. Sự vất vả hồi đó,...
- À không! À không! Không giết cậu Vàng đâu nhỉ!... Cậu Vàng của ông ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi...
Tại sao lại là "Lão Hạc"?
Cụ Nam Cao viết câu chuyện này vào năm 1943. Cái tao đoạn ấy, "tam giặc" hoành hành, làng Vũ Đại chống chọi khổ sở. Sự vất vả hồi đó, thế hệ trẻ của tôi không bao giờ thấu hiểu được. Nhưng hiện tại, khi cả nước "cộng khổ đồng cam" vì COVID-19, tôi tin rằng thời cụ Hạc với thập niên 2020s ít nhiều có sự tương đồng. Ông giáo, lão Hạc, tôi, chúng ta cần giúp đỡ, chia sẻ và cảm thông.
Có điều, bài viết này không đào sâu về sự túng quẫn hay tình người; tôi nghĩ đến "Lão Hạc" khi đang suy ngẫm về mối quan hệ giữa người và vật.
Lão Hạc bị đẩy vào đường cùng. Số phận đay nghiến hỏi: Nào, chọn đi, hoặc sống cùng bạn khuyển của lão đến khi cạn tiền, xén đất của thằng con lão mà ăn tiêu; hoặc làm thịt hay bán quách con chó đi, giữ đất cho con, sau nó về có đất, có tiền cưới vợ.
- Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được? Mà cho cậu ấy ăn ít thì cậu ấy gày đi, bán hụt tiền, có phải hoài không? Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích...
Rồi lão phải chọn.
- Thôi thì bán phắt đi! Đỡ được đồng nào, hay đồng ấy. Bây giờ tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu. Tiêu lắm chỉ chết nó. Tôi bây giờ có làm gì được đâu?
Thế là lão giữ được của, lão ưu ái con lão, lão đành để cậu Vàng thế thân. Loài chó có bị đánh chết vẫn theo chủ, còn con người bị dồn vào đường cùng sẽ chọn hi sinh loài vật thay mình. Xưa nay, động vật quyền luôn theo lẽ đó mà xếp sau nhân quyền.
Nhưng trứng không phải lúc nào cũng kém khôn hơn vịt; một lối đi đã mòn không phải bao giờ cũng là đường tốt. Thế hệ sau thấy bậc đi trước ăn thịt, bắt trộm vật nuôi rồi học theo, đấy là sự sỉ nhục. Nhiều thanh niên khoe cách họ thuyết phục bạn bè quốc tế ăn thịt chó, thịt mèo như một ''chiến công đồng hóa''. "Quốc hồn quốc túy" ư? Không hề. Đó là phản cảm, là lệch lạc, là kém văn minh. Hi sinh mạng vật thay người có thể BẮT BUỘC PHẢI CHẤP NHẬN trong thời ''một chín mấy mươi ngày xưa", không phải bây giờ.
Vụ xử phạt cô gái nhỏ đưa mèo nhà đi thú y là ngòi nổ cho cuộc tranh cãi lớn giữa người yêu động vật với những người sẵn sàng hi sinh mạng vật. Các bạn có thể tìm hiểu vụ việc ở bài viết dưới đây:
Hàng tá câu "Giá như..." được thốt ra khi video này được đăng lên MXH TikTok. Ngập tràn newsfeed, các Facebooker khẩu chiến căng thẳng. Tôi thấy mình như lạc vào một phiên tòa, nơi người công an thi hành án phạt kia là bị cáo và cô gái trẻ lẫn chú mèo trắng là bị hại. Vô vàn lời biện hộ được đưa ra. Tuy là người yêu động vật, nhà nuôi cả chó lẫn mèo, đứng về phía bị hại, tôi vẫn tìm được vài lời dẫn khá thuyết phục từ phía luật sự bị cáo. Rằng ta cần hi sinh ít vì cộng đồng chung rộng lớn. Huống hồ, mạng vật vốn chẳng được quý bằng mạng người. Người ta chuyển hướng cuộc tranh cãi bằng nhận định: đây là vấn đề cách cư xử giữa người với người.
Hi sinh thiểu số vì lợi ích đa số
Ta cùng xem xét một giả thuyết cũ mang tên "Giết 1 người cứu 5 người".
Một toa tàu điện mất kiểm soát đang ầm ầm lao tới một nhóm 5 người. Bạn đang đứng trên chiếc cầu gần một người đàn ông to béo. Nếu đẩy người đàn ông xuống đường ray để chặn con tàu, nó sẽ dừng lại. Người đàn ông sẽ chết, nhưng đổi lại là nhóm 5 người được sống. Bạn sẽ đẩy hay không đẩy?
Nếu tôi thay nhân vật đại diện thiểu số là một bà mẹ đang mang thai thay vì người đàn ông to béo, liệu bạn có dám đẩy? Nếu tôi nói khả năng hãm tốc cho tàu của thân hình người mẹ và người đàn ông là như nhau... bạn có dám cản con "tàu điên" theo cách các nhà khoa học đã gợi ý?
Bài toán trên không có đáp án chính xác. Ta thử nghĩ, khi chúng ta đặt tính mạng loài vật ngang hàng với tính mạng con người, liệu ta có dám bán đi sinh mạng ấy vì một giá trị khác có tầm ảnh hưởng lớn hơn?
Khám chữa thú y có phải là hoạt động thiết yếu? Việc xử phạt có phải là cứng nhắc, thiếu nhân đạo? Ta không thể biết. Một hành vi khi đặt vào hệ quy chiếu Đạo đức, có thể cho ra kết quả khác nhau ở thời điểm khác nhau. Hàng nghìn năm trước, việc mua bán và sở hữu nô lệ hoàn toàn công khau và hợp pháp đấy thôi.
Cư dân mạng đã có những topic mới để bàn bạc, xuýt xoa, tò mò và tranh cãi. Vụ xử phạt ở Tân An dần chìm vào quên lãng của những tài năng trẻ trong lĩnh vực hùng biện online. Nhưng chúng tôi, những người yêu động vật, sẽ luôn nhớ cách người ta mỉa mai gọi mình là nhà "gâu quyền", "meo quyền". Nhớ cả những lời lẽ châm biếm mà phe Thượng đẳng thốt ra với đức tin mãnh liệt rằng: họ đang thức tỉnh cộng đồng vốn còn mơ ngủ trong trò hề đạo đức giả dối.
"Sống thật với bản chất con người đi, ham rượu thịt cả thôi".
"Thương chó mèo theo cân chứ gì".
"Chúng mày thương chó mèo hơn người, thế chúng chết cũng lập bàn thờ như người hả?"
"Sống thật" là tuyên ngôn của Con Người thượng đẳng nhắm đến Con Người đạo đức. Kẻ "sống thật" vẽ ra hình tượng kẻ đạo đức như những lớp người giả tạo, ra vẻ chối bỏ thói ăn uống phàm tục và hướng đến sự thanh cao, nhân đạo nhằm che giấu inner world tầm thường như mọi Homo Sapien khác. Họ tin rằng chối bỏ Con Người đạo đức để sống với bản chất, đó mới là chân lý; còn đám đạo lý kia chỉ rặt "miệng nam mô bụng bồ dao găm".
Nhầm, nhầm rồi. Coi rẻ mạng thú cưng, hay tệ hơn, bắt trộm, giết thịt động vật không thể là bản chất và chưa từng là bản chất của con người. Theo thuyết tiến hóa của Darwyn, Homo Sapien là hậu duệ của loài vượn cổ - giống loài ưu ái quả mọng và lá cây hơn thịt cá. Giải phẫu học cho thấy, bộ nhai của chúng ta hoàn toàn lép vế trước hàm răng của loài hổ, báo, chó sói, mèo rừng... Chúng ta không bị ép phải ăn chay, nhưng cộng đồng những người tình nguyện ăn chay ngày một đông. Lý do của họ có thể là tôn giáo, sức khoẻ hay một nỗi ám ảnh cá nhân. Họ không giống nhau, nhưng họ cùng chứng minh rằng: việc từ bỏ thịt động vật không phải làm khủng hoảng con người bên của họ. Thú cưng lại càng đặc biệt hơn, không chỉ không đáng bị sát hại, chúng còn không đáng nhận đòn roi, tra tấn hoặc bất kỳ cách hành hạ nào trong vô số những cách đối xử tồi tệ mà con người từng thực hiện.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và khó lường hơn bao giờ hết. Số người nhiễm, số người tử vong hiện chưa được phản ánh chính xác qua những số liệu mà truyền thông cập nhật hằng ngày. Rất nhiều gia quyến chấp nhận "thấy chết mà không thể cứu", không thể khâm liệm tử tế. Lý do? Nhân lực ngành y thiếu thốn, sức người cũng đến hồi cạn kiệt, bệnh viện, lò hoả thiêu quá tải, chi phí hậu sự đắt đỏ.... Riêng TPHCM, toàn cảnh khiến người dân hoang mang, "liệu có phải đã đến hồi tận thế?". Quyết định xử phạt của người thi hành công vụ, trong trường hợp này, đã đúng. Và những mâu thuẫn nảy sinh từ vụ việc này, giờ chỉ là một hạt sạn rất nhỏ trong trận chiến cam go giữa con người và dịch bệnh.
Nhưng ta phải tin, phải hi vọng về một viễn cảnh tương lai - khi con người dẹp yên giặc Covid. Còn mối quan hệ giữa người và vật, nó sẽ tồn tại lâu bền, đầy mâu thuẫn mãi về sau dù cho đại dịch có được giải quyết ổn thỏa.
Ngày xưa, vua Quang Trung phải bỏ lại voi chiến để hành quân tiếp. Con voi quý rưng rưng nước mắt, bất lực mắc kẹt nơi vũng lầy. Ngày xưa, lão Hạc phải bán chó vì gia cảnh, cậu Vàng ư ử oán trách. Nhưng bất luận có chuyện gì, loài vật cũng không bỏ rơi người chủ đã gắn bó bao năm với mình. Tôi xin khép lại mấy dòng suy nghĩ lộn xộn của mình bằng bài viết của tác giả Tony buổi sáng mà tôi khá yêu thích:
Hot boy, hot girl và hot dog – Cà phê cùng Tony
Năm 2005, Tony đi Anh có gặp bà Iris, người Hà Lan. Lúc đó mình tranh thủ tiếp thị đất nước, gặp ai cũng líu lo “welcome to Vietnam”. Về email qua lại, rồi thân thiết. Một hôm, bà Iris rủ thêm bà Catherine đi qua Việt Nam chơi. Tony đưa đi Mê Công Đéo Tà (Mekong Delta) chèo thuyền ăn mận, hai bà say mê lắm.
Trên đường về Sài Gòn, một bà nhác thấy bên đường là cửa hàng bán các con chó quay đang bị móc họng treo lủng lẳng, mới hỏi bán thịt gì vậy, thằng tài xế tài lanh tài lọt nói dog dog rồi cười ha hả. Hai bà tự nhiên im lặng, một lúc sau thì khóc. Tối đến hai bà không ăn gì. Tony mời ăn đồ ăn Việt, hai bà kiên quyết không ăn, mặc dù hôm trước là khen ngon và ăn khí thế, chỉ mua bánh mì rồi về khách sạn.
Sáng hôm sau bà Iris viết cái mail, nói là tối qua không ngủ được, và nói thôi đổi vé máy bay về nước sớm vì không có tinh thần đi tham quan nữa. Và cũng không muốn nói chuyện với người Việt, vì cứ nhìn thấy những cái miệng xinh đẹp kia từng cắn xé từng miếng thịt chó là hai bà bị ám ảnh. Vì đối với người phương Tây, chó mèo là bạn bè. Không ai ăn thịt bạn. Thôi thì chiều ý, Tony đặt vé cho bà đi Angkor Wat rồi nối tuyến bay về Amsterdam, dù sao đến Đông Nam Á thì cũng nên đi Angkor, chứ già rồi sợ không có dịp quay lại.
Một tuần sau về nước, bà Irish mới gửi một cái mail khoe hình và nói ở Angkor, hai bà đã có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhắc đến Việt Nam, bà nói về có kể lại cho bạn bè ở Hà Lan nghe, ai cũng ngạc nhiên sao người Việt lại ăn thịt thú nuôi?. Chó và mèo là thú nuôi, thú cưng chứ đâu phải động vật được sinh sản nhân tạo như heo bò gà, cá sấu, ba ba, đà điểu…nếu được nuôi trong nông trại vẫn có thể xem là thực phẩm. Bà nói, con gì thật ra cũng ăn được cả, thịt người nếu ướp gia vị vào thì vẫn ngon, nhưng phải tự đưa chuẩn mực đạo đức vào. Không ăn thú nuôi vì tình cảm, không ăn thú hoang quý hiếm vì bảo vệ cân bằng sinh học cho con cháu muôn đời sau.
Bà kể truyện ngụ ngôn kể rằng ngày xưa, khi muôn loài được sinh ra, chó mèo vẫn còn ở trong rừng. Loài người mới kêu về ở chung, loài chó sẽ trung thành tuyệt đối, là loài thú duy nhất tôn thờ con người, ăn chất thải của con người. Dù có giàu có hay nghèo khổ, nó vẫn vẫy đuôi mừng, nên mình có quyền định đoạt, tức có thể đánh, nó sẽ nằm im cho đánh chết, nhưng có ra điều kiện là không được ăn thịt nó. Loài người hứa rồi quên. Người châu Âu cũng từng ăn thịt chó mấy thế kỷ trước, dẫn đến hành vi báo oán, tai họa dịch bệnh liên miên, có dịch chết mấy triệu người. Bà nói, tao 75 tuổi rồi, tao biết gì đúng gì sai Tony à. Ai ăn thịt chó thì nó thấy là nó sủa dữ dội, và trước sau gì cũng bị tai ương vì lời nguyền ngày xưa. Nên bà nói, mày nói người ta ai nghe thì nghe, còn ai không nghe thì ăn kệ họ, nhưng mày đừng ăn.
Tony từng lê la từ khu cầu Thị Nghè, khu cư xá Bắc Hải, khu K26 Gò Vấp, Hải xồm Hải không xồm,Tú béo Tú gầy Tú thật Tú giả gì cũng ghé qua, nên nghe bà nói vậy, dù biết là truyền thuyết nhưng thấy đây là văn minh, cần phải học tập. Không phải vì sính Tây hay áp đặt văn minh phương Tây gì cả, mà đó là văn minh của nhân loại. Nên sau đó thấy thịt chó thịt mèo, tự nhiên bị ớn óc liền.
Lên mạng tìm kiếm thông tin bằng tiếng Hoa, thì mới biết thế giới hiện giờ chỉ còn người Triều Tiên (Nam Bắc Hàn), Trung Quốc và Việt Nam là còn thói quen ăn thịt thú nuôi. Và đây là cái rơi rớt lại của văn hoá Trung Hoa, “cái gì có chân đều ăn được trừ cái bàn” một cách không tình không nghĩa. Văn hóa ăn thịt chó mèo khởi nguồn từ khu vực Động Đình Hồ trước công nguyên năm trăm năm, bắt đầu từ các thầy cúng, các pháp sư luyện bùa ngãi và sau đó lan ra dân thường, cứ thèm đạm là thấy có con gì là đập chết ăn con đó. Văn hóa bạc bẽo của chị Hoa này, em Nam em Hàn cứ tưởng là của mình, gọi là bản sắc và bảo vệ khí thế.
Qua Hàn Quốc, mấy đệ tử bên đó nói bây giờ chỉ có thế hệ cha chú gốc gác nông thôn, lúc đó còn đói nên mới ăn, giờ tụi trẻ không ai ăn nữa. Ở Hàn Quốc, có nông trại nuôi chó để lấy thịt, giống chó ăn rồi nằm, không biết sủa. Cách đây mấy chục năm, báo chí Hàn Quốc cũng tranh cãi ăn hay không ăn, thậm chí Olympic Seoul 1988, tất cả các cửa hàng thịt chó đều phải đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra đại hội, vì họ sợ rắc rối với các tổ chức bảo vệ động vật. Và thằng Khan còn bảo, em nghe nói các nhà khoa học giải mã ADN của chó, nó là một trong những động vật giống con người nhất, ¾ gene của nó y chang gene người, nên đạm của chó vào cơ thể sẽ được hấp thụ cực nhanh. Nhưng cũng có nhiều phản ứng như co giật, sùi bọt mép sau khi ăn thịt chó do có sự tương hợp khi ăn thịt đồng loại.
Ở Việt Nam, chó thịt bán ở chợ hay quán chủ yếu từ nguồn bắt trộm, vì phần lớn người nuôi quý chó, ít bán. Do nhu cầu quá cao, dẫn đến có một cái nghề trộm chó. Mà không giống như việc bị mất gà, mất bò, mất xe máy, chỉ là mất tài sản, mất chó thuộc về phạm vi tinh thần. Vì ai nuôi chó đều xem nó là thành viên trong gia đình, nên khi phát hiện ai đó giết hại thành viên trong gia đình họ, họ sẵn sàng đánh trả quyết liệt. Và bọn trộm chó phải trang bị hàng nóng, để nếu bị phát hiện, thì ra tay luôn với cả chủ nhà. Nên trộm chó đi đôi với giết người.
Rồi gần đây, chó từ Thái, Lào và Cambuchia ùn ùn kéo sang, từng đoàn xe chở chó, ánh mắt con nào con nấy thống thiết nhìn lại cố hương lần cuối. Khổ thay phận chó Miên chó Lào, tưởng được êm ấm trên những thửa ruộng bậc thang, được vui đùa mỗi chiều trên bên dòng Mê Công, tung tăng bên nương rẫy với các bạn có cái tên nghe na ná Ôm Chảo Bay Ra Biển, thì…Trong cái chiều định mệnh, đang lang thang vui đùa trên đường quê, hai tên đi xe máy dùng dây thong lọng thít cổ một phát lôi lên xe, rồi tập kết hết lên xe có song sắt phía sau, thành hàng hóa xuất khẩu. Chúng chỉ biết kêu rên ăng ẳng, ánh mắt buồn xa xăm trên con đường đồi núi gập ghềnh. Để lại sau lưng là những nhà sàn với khói bếp lam chiều, những đứa trẻ đứng khóc mếu máo vì nhớ bạn Vằn bạn Vện, những ông cha bà mẹ đi khắp núi rừng để tìm về, cứ ngỡ chúng hôm nay mãi săn chuột mà đi lạc ở nơi đâu.
Rồi tin trộm chó bị dân làng đánh chết, cũng bỏ vào bao tải đập chết rên ư ử, nói cho mày chừa. Có chừa được không khi nhu cầu thịt chó vẫn cao chất ngất? Có cầu thì ắt có cung. Có chừa được không khi hàng quán thịt chó vẫn đông khách thâu đêm, cô em xinh xinh Tony gặp một lần vẫn có thói quen dùng tay cầm đầu chó gặm từng miếng và khen không biết chó vùng nào ngọt thịt quá, từng sợi thịt chó vẫn giắt vào kẽ răng khi em cười. Có ông ngồi bên cũng bị giắt răng, bèn lấy tăm xỉa ra rồi nuốt lại.
Lâu lâu lại nghe tin một mạng người đã ra đi để phục vụ cho nhu cầu nướng riềng sả lá mơ, xáo măng rựa mận, hấp hành cho những hot boy hot girl ở thành phố. Khác với thịt gà, thịt bò có xuất xứ rõ ràng, phần lớn thịt chó mèo là hàng ăn trộm nên nếu tiêu dùng, mình gián tiếp tiêu thụ hàng gian, và gây ra nỗi đau của bao người. Bọn trộm dùng bã độc Cyanua để đánh bã, chất độc này ngấm vào thịt chó, nên mình ăn vào sẽ bị tích tụ, lâu ngày sẽ bị ngây ngây dại dại, u u mê mê nói gì cũng cãi. Bây giờ, chẳng làng quê Việt Nam nào còn bình yên. Thay vì nuôi chó để giữ nhà, người ta bây giờ phải canh giữ chó.
Có khi nào bên miếng dồi chó thơm phức và ly rượu cay nồng, chợt nhớ ai đó vì miếng ăn này mà phải bỏ mình. Thôi không thương chó thì hãy thương người. Cùng là người Việt, cùng con cháu Lạc Hồng, cùng màu da giọng nói với nhau, ai nỡ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất