Lắng nghe lời mách bảo từ trái tim
Mình nhận ra, trái tim mình có sự khôn ngoan sâu sắc mà phần bộ não lý trí của mình không thể theo kịp. Có thực sự tư duy logic...
Mình nhận ra, trái tim mình có sự khôn ngoan sâu sắc mà phần bộ não lý trí của mình không thể theo kịp.
Mình từng là người rất lý trí, rất sách vở, rất khoa học. Bạn bè xung quanh luôn phải "sốc" vì độ lạnh lùng, lý trí của mình - và các quyết định của mình nghe qua cũng có vẻ "logical", dựa trên rất nhiều thông tin mình tìm hiểu từ mọi nơi, lắng nghe kinh nghiệm của người khác đi trước - để đưa ra quyết định "khôn ngoan" nhất cho mình, đặc biệt trong các mối quan hệ tình cảm.
Nhưng rồi một ngày, cách đưa ra quyết định dựa trên "sách vở", kinh nghiệm của người khác không còn áp dụng được cho mình nữa - đặc biệt đối với những vấn đề, những câu hỏi lớn, liên quan đến cả đời người, ví dụ như: tương lai làm nghề gì, nên bỏ việc này sang việc khác không, yêu ai, hành xử thế nào?
Con người là một bộ máy đầy cảm tính - với những suy nghĩ, hành động đầy cảm tính - nhưng chúng ta tự gán cho mình một hình ảnh "con người lý trí", "I think therefore I am" - "Tôi tư duy nên tôi tồn tại". Nhưng thực chất, kẻ giật dây đằng sau mỗi quyết định của chúng ta là bộ não cảm xúc - chỉ là sau cùng, ta tự gán thêm một mớ lý do "nghe có vẻ logic" để bảo vệ cho quyết định của mình. Mình nghĩ, con người logical ngày xưa của mình cũng như thế - cố gắng "logic" nhất có thể khi đưa ra các quyết định liên quan đến việc tình cảm, sự nghiệp của mình, nhưng việc chạy theo những lời khuyên từ người này, người nọ, dường như lại là cách để mình trốn tránh lắng nghe tiếng nói từ cảm xúc sâu thẳm nhất của mình. Như vậy, kẻ giật dây thực sự của các quyết định của mình - không phải là lý trí - mà là một cái tôi nhỏ bé, sợ hãi phải đối diện với "hậu quả" về mặt cảm xúc của những quyết định của mình, nên mình bám víu vào lời khuyên của người khác, của khoa học để thay thế bản thân đưa ra quyết định cho cuộc đời, cuộc sống tình cảm của mình. Như vậy, "nỗi sợ" - hay "ego" (cái tôi xã hội) chính là thứ cảm xúc giật dây đằng sau vẻ ngoài "lý trí, lạnh lùng" của mình.
Sau khá nhiều cú sốc về mặt tình cảm, bắt buộc mình phải đối diện với con người thực sự của mình, và nhìn thấu "ego" - cái tôi yếu ớt, luôn cần đến sự chấp nhận của người khác - mình dần học cách lắng nghe trái tim mình nhiều hơn, và nhận ra nó có những sự thông thái mà bộ não mình không thể theo kịp.
Cách mình lắng nghe trực giác, trái tim của mình? Ngay khi mình ngồi xuống trong tư thế thiền, đặt một câu hỏi mà mình luôn khúc mắc bấy lâu nay, và rồi lặng yên, thì trong màn đêm, trái tim mình, hay trực giác, linh hồn mình, sẽ bật ra ngay câu trả lời mà mình tìm kiếm bấy lâu nay. Như một tiếng nói vọng ra trong đêm đen, lời khuyên từ linh hồn, từ trái tim mình chính xác là câu trả lời làm sáng tỏ mọi khúc mắc cá nhân mà mình đang gặp phải.
Ví dụ nhỏ, sáng nay, khi mình tỉnh dậy, mình tự hỏi bản thân: "Hôm nay mới bỏ việc, sẽ phải làm gì đây?", và bất chợt, những lo lắng, bồn chồn lại bủa vây quanh mình - chẳng biết đi đâu về đâu. Và rồi, một tiếng nói vang lên rất nhẹ nhàng, thinh lặng nhưng rõ ràng, kiên định vang lên: "Be present" - hãy sống trong thực tại. Tất cả mọi bồn chồn, lo lắng của mình tan biến, mình quay về với hơi thở của chính mình, và rồi mọi việc lại như nước chảy mây trôi, mình cứ hoàn thành một ngày của mình một cách trọn vẹn, năng suất, nhẹ nhàng, không chút lo lắng.
"Lời mách bảo từ trái tim" ở đây chính là "intuition" - trực giác của mình. Trực giác là tiếng nói từ linh hồn bạn, nó có sự sâu sắc, khôn ngoan không chỉ từ chính bản thân bạn, những kinh nghiệm bạn từng trải qua, mà còn là sự khôn ngoan của những người đi trước bạn, được "downloaded" từ những trải nghiệm của vô vàn thế hệ đi trước, và của chính "the higher self"- cái tôi cao siêu ("thượng ngã") của bạn. Về trực giác, điều duy nhất mình có thể nói về nó, là "it just knows" - nó cứ thế mà biết thôi. Nó chả dựa theo cái quằn quèo logic gì, hay phải dựa trên trích dẫn của ông này bà kia, nhưng nó hết sức sâu sắc, thấu hiểu bạn và tình huống của bạn, và cách để giải quyết vấn đề sao cho khôn ngoan nhất.
Tại sao mình lắng nghe trái tim, trực giác mách bảo nhiều hơn là phần đầu óc lý trí - khi tìm hướng giải quyết các vấn đề quan trọng của cá nhân mình? Đấy là bởi trái tim, trực giác của mình thấu hiểu mình, hoàn cảnh của mình hơn hẳn phần "lý trí" của mình. Khi mình dùng quan điểm của người khác để áp dụng lên hoàn cảnh của bản thân, mình quên mất rằng trải nghiệm của mình khác họ - dù bề ngoài tình huống có tương tự - thì mình có những cảm xúc khác, tâm trạng khác. Vì vậy, mọi lời khuyên chỉ mang tính chất tham khảo, còn khi tìm câu trả lời cho vấn đề của bản thân, trái tim, trực giác của mình mới có những sự thông thái có thể áp dụng vào đúng hoàn cảnh của mình. Cùng với đó, khi mình chịu lắng nghe trực giác, trái tim và tự mình đưa ra quyết định cho bản thân - mình là người làm chủ quyết định của mình, không phải ai khác - và khi có bất cứ kết quả nào xảy đến, thì đấy cũng là lựa chọn của chính mình, và sự việc diễn ra theo cách cần diễn ra. Mình không còn đóng vai "nạn nhân" từ lời khuyên của người khác, mình làm chủ cuộc sống của mình.
Một câu chuyện nhỏ trong ngày về sự khôn ngoan của Trái tim, của Trực giác. Mong rằng bạn cũng sẽ thử lắng nghe trái tim, trực giác của bản thân nhiều hơn, và cảm nhận sự "kỳ diệu" về độ khôn ngoan, sâu sắc, thấu hiểu của trái tim bạn, trực giác của bạn đối với vấn đề bạn gặp phải.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất