Lầm tưởng!
Trên chặng đường “dám đi, dám làm, dám nghĩ” của tuổi trẻ, chúng ta có đang đi sai đường? Trong không khí của một Hà Nội đang đằm...
Trên chặng đường “dám đi, dám làm, dám nghĩ” của tuổi trẻ, chúng ta có đang đi sai đường?
Trong không khí của một Hà Nội đang đằm mình giữa mùa Đông, giữa những cơn gió bấc hanh khô, giữa những sợi vàng của dư âm chiến thắng, tôi lững thững bước vào một góc quán cafe nhỏ nằm khuất dưới đê Nguyễn Khoái để chờ đợi một cuộc hẹn. Đón chào tôi là một góc không gian nhỏ được phân thành 2 gian, gian trên bày biện một vài bộ bàn ghế gỗ mộc mạc cùng 2 ông chú đang ngồi hàn huyên, trên bàn là bao thuốc còn non nửa và chén trà sánh màu mận chín. Gian bên dưới thấp hơn rất nhiều, chỉ 4 bộ bàn ghế nằm sát tường, một quầy pha chế nhỏ, không gian tối tối mờ mờ. Không nhìn thấy ai có vẻ là chủ quán, chỉ có hai thanh niên nam đang đắm mình trong trận game và chẳng hề quan tâm đến "bà thím già" lạ hơ lạ hoắc. Tôi ngơ ngác chừng 5 giây mới thấy có một bác gái đầu tóc điểm bạc, liền vội đến chào hỏi và gọi cho mình một cốc chanh tươi theo thói quen. Tôi tìm đến một góc nhỏ ngay sát với đường đi, ở gian cao, sáng sủa nhưng ồn ã. Một nơi không quá lý tưởng để tiếp tục với cuốn sách còn dang dở, nhưng cũng tạm ổn để ngấu nghiến từng câu chữ mà Paul đang kể với tôi, và nhiều người khác nữa.
Trong cái không gian chật hẹp ấy, khi bên cạnh có quá nhiều thứ hữu hình, cố giảm sự tồn tại của mình xuống 0 và coi như hai ông chú bên cạnh, cũng như cuộc nói chuyện của họ, đám vỏ hướng dương bề bộn dưới chân, tiếng còi xe ồn ã ngoài đường, chỉ là những hình ảnh và âm thanh vô hình. Tôi cố gắng để mình và tâm trí chìm nghỉm vào trang sách trong một trạng thái vô hình, để những mong khi cuốn truyện kết thúc, cũng là lúc mà cuộc hẹn đã đến giờ.
- Ơ, con này làm mình cứ tưởng con bé Nhung, lại đang nghĩ thầm nó gặp mình mà không thèm chào.
Đó là câu mắng đầu tiên, mà là mắng oan của ông chú bên cạnh dành tặng cho tôi, một kẻ xa lạ. Tôi cười nụ cười xã giao và chân chất rồi đáp lại rằng có lẽ do mình có gương mặt phổ biến nên chú nhầm với một Nhung nào đó cũng là chuyện thường tình mà thôi. Trong khi nói như vậy, tôi cũng kịp nhìn ông chú và đánh giá, chú tầm ngoài 50, đôi mắt đượm màu trí thức và phong cách chẳng khác nào một ông nhà văn đã về hưu với mái đầu hai màu tóc và chiếc áo jacket của những nhà văn, tôi chợt nảy ra ý nghĩ như vậy. Với cái ấn tượng được coi là thiện cảm đó, đã giúp tôi cùng chú có một cuộc trò chuyện về cách sống, về cách nhìn vô cùng sâu sắc và đáng suy ngẫm.
- Không, nhìn kĩ ra thì mỗi người có một nét riêng. Con bé kia cũng gần 40 tuổi rồi, nhìn m ban đầu có vẻ giống nhưng nhìn kỹ ra thì không phải. Nhưng tuổi m vẫn còn trẻ lắm đúng không con?
Chú tiếp nối câu chuyện với một đánh giá cơ bản về tôi.
Dạ :'(
- Trông con già đến thế ạ? Là do kiểu tóc, trang phục hay nét mặt ạ?
- Không, trông mày bên ngoài thì khá già đấy con ạ. Cách ngồi và ăn mặc rất chững chạc, nhưng nhìn kĩ nét mặt thì cũng không phải già như vậy, nhưng là đứa cũng từng trải.
Ôi! thế rốt cuộc là trong cái nhìn của ánh mắt mà tôi coi là đượm màu trí thức ấy, tôi rốt cuộc già hay trẻ, đó cũng là một vấn đề khá băn khoăn của một cô gái như tôi. Nhưng không xoáy sâu thêm về chủ đề già hay trẻ, chúng tôi, hai người xa lạ, một đại diện cho thế hệ trước, một đại diện hình ảnh cho thế hệ sau (tôi nói đại diện hình ảnh, vì tôi thấy tuổi + bản thân mình chỉ có thể đại diện về mặt hình ảnh cho thế hệ sau chú, còn về mặt tâm tưởng và cách suy nghĩ, tôi vốn là một đứa có suy nghĩ khá già, nhưng không phải già dặn).
Sau những câu tán gẫu về mặt già, trẻ gì đó, chúng tôi lại bàn đến chủ đề về công việc và lối sống. Trong trí nhớ của mình, tôi không nhớ rõ cuộc nói chuyện ấy diễn ra theo trình tự như thế nào, tôi chỉ nhớ được một vài câu “mắng” mà chú để lại sau những cuộc bàn luận về già - trẻ giữa chúng tôi, nó làm tôi vỡ lẽ, làm tôi thấm thía và suy ngẫm rất nhiều. Có thể nó cũng có ích cho bạn, những người đã chịu khó đọc đến những dòng này trong câu chuyện bâng quơ của tôi.
Khi tôi đề cập đến việc "ở hiền gặp lành, mình cứ sống đời tử tế thì sẽ nhận lại những điều tốt đẹp, tử tế, duyên đến là sẽ đến".
Còn chú lại cho tôi nhìn thầy được sự thật trần trụi. Và rằng đó vốn không phải là một suy nghĩ sai, hay xấu. Nó khá lạc quan và tốt đẹp, nhưng đôi khi con phải sống khác đi, phải mưu mô hơn, và áp dụng trong những trường hợp nhất định, nó mới mang lại hiệu quả.
Còn khi tôi kể về những lần tôi thất bại khi mang một trái tim nhiệt thành và tâm hồn thẳng thắn để kiếm tìm tình yêu và người yêu.
Chú bảo rằng, cái hành trình cọc đi tìm trâu ấy là cái tốt. Nhưng sự chân thành thôi thì chưa đủ. Chân thành không phải là tất cả, đôi khi con cần "làm hàng", cần thả thính, cần một chút thủ đoạn... hoặc con phải làm khác đi, để nó hiệu quả.
Khi tôi đề cập đến những giá trị xưa tốt đẹp, đến sự ghen tỵ của bản thân với thế hệ của chú, đến sự kì thị và dị ứng của mình với sự phát triển kinh tế, thị trường, công nghệ.
Chú nói với tôi rằng: Không phải đâu con ơi, ngày xưa mình có những giá trị tốt đẹp, nhưng mình cũng có nhiều cái xấu. Sự ghen tỵ và nghi kị của mình, của dân tộc Việt Nam, nó tồn tại thâm căn cố đế, mà cái ngày xưa thì có rất nhiều người đã bị vùi dập trong sự ghen tỵ ấy. Còn ngày nay, sự ghen tỵ ấy vẫn còn, nhưng nó đã không còn mạnh mẽ như xưa. Con đừng đổ lỗi cho sự phát triển đã làm mai một văn hóa hay tình người. Như thế là oan cho sự phát triển quá. Tất cả là do con người, con người đã sai, đã sống lệch lạc trong sự phát triển và văn minh ấy.
Tôi gật gù, và thấy được một điểm gì đó lóe sáng.
Khi tôi đề cập đến việc học và thời gian
Chú nói về vấn đề hạn hữu thời gian của tuổi trẻ, chúng tôi, những đứa cho mình còn trẻ vốn cho rằng quỹ thời gian của chúng tôi là màu mỡ, nhưng chú lắc đầu nói đó là sự hoang tưởng. Thời gian của ai cũng hạn hữu, chính vì vậy con phải chọn lọc cho mình như thứ nào cần thiết để đầu tư vào đó. Có thể chú chẳng diễn đạt như vậy, nhưng câu nói của chú làm tôi nghĩ đến điều đó.
Khi tôi nói về động lực, ý chí và sự phấn đấu
chú đã hùng hổ hỏi lại tôi. Thế theo con ý chí là gì? động lực là gì? con nói chú xem.
Tôi á khẩu, ừ, ý chí là gì, động lực là gì mà bấy lâu nay tôi vẫn kiếm tìm. Tôi bối rối, những từ ngữ xoay vòng, rời rạc không thể làm tôi trả lời trọn vẹn câu hỏi ấy.
Con nên xác định một mục tiêu rõ ràng, ngày hôm qua của con phải hơn được ngày hôm nay, năm sau của con phải hơn được năm nay. Con đừng nói hay nghĩ đến những khái niệm sáo rỗng mang đậm chất đoàn thể kiểu Ý chí, động lực. Con chỉ cần một thứ thôi, đó là mục tiêu rõ ràng. Năm nay lương con phải lên được từng này, con phải kiếm được từng này. Sự phấn đấu của con người không nên ngừng nghỉ, ngay cả khi chú bây giờ, chú cũng phải không ngừng phấn đấu.
Tôi nói về sở thích, hay đam mê gì gì đó của tôi, là những chuyến đi dài
Chú nói đó là sự hưởng thụ, con đã làm được gì chưa mà đã đòi hỏi sự hưởng thụ như vậy
Tôi nói về cuộ c sống không bon chen, về cuộc sống chậm
Chú hỏi tôi rằng, con đã sống chưa đã, hoặc con đã sống nhanh chưa mà đã đòi sống chậm.
Tôi tự hỏi lại rằng, liệu đó có phải là tôi, hay rất nhiều khác đang khoác lên cho sự trốn tránh, sự nhụt chí của mình một tấm áo khi nói về cuộc sống không bon chen với đời.
Tôi nói về những người làm việc theo đam mê, sở thích và những người không như vậy
Chú chỉ cho tôi rằng, có những đam mê không kiếm được tiền, có những sở thích chỉ tốn tiền mà thôi. Nhưng con người không bao giờ được từ bỏ đam mê hay sở thích, như thế là con người sẽ chết. Con hãy kiếm tiền để phục vụ cho đam mê hay sở thích ấy, chỉ với những người may mắn và thực sự phấn đấu, họ mới có thể kiếm tiền bằng đam mê, bằng sở thích. Còn nếu chúng ta chưa đủ phấn đấu, chúng ta vẫn có thể theo đuổi đam mê hay sở thích, nuôi dưỡng nó thông qua một việc khác. Chỉ cần chúng ta không từ bỏ.
Tôi nói, tôi còn nói gì nữa nhỉ, tôi nhớ là tôi đã nói rất nhiều, chú cũng mắng tôi rất nhiều, cuộc nói chuyện của tôi và chú ngốn hết thời gian chờ đợi đằng đẵng của tôi. Hơn một tiếng đồng hồ. Rồi chú phải đi, chúng tôi tạm biệt nhau, tôi ngỏ lời cảm ơn chú, tôi rất biết ơn với những điều mà chú đã chia sẻ. Tôi thấy tôi sáng ra nhiều lắm!, tôi thấy mình đã lầm tưởng nhiều lắm, và bây giờ, những sự thật trần trụi qua lời nói của chú, phơi bày trước mắt tôi. Tôi quay cuồng trong những thông tin mới mẻ mình tiếp nhận, và nhìn ra được nhiều thứ mình cần phải làm, phải nghĩ.
Bạn cũng vậy phải không? Bạn đã nhìn ra sự lầm tưởng của bản thân mình chưa?

Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất