Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp là bước đầu tiên trong 7 bước để đạt tới độc lập tài chính theo Dave Ramsey. Nhưng trước khi tìm hiểu về quỹ dự phòng khẩn cấp và các bước xây dựng quỹ dự phòng cho cặp vợ chồng trẻ, hãy cùng chúng mình tìm hiểu một khái niệm. 
LIVE PAYCHECK TO PAYCHECK
“Living paycheck to paycheck” là một cụm từ trong tiếng Anh chỉ việc một người sống nhờ một khoản lương duy nhất và sẽ chi tiêu hết số tiền đó trước khi nhận lương vào tháng sau. Chính vì vậy mà người này không thể tiết kiệm, không thể chuẩn bị cho những kế hoạch hay mục tiêu tài chính trong tương lai. 
Nếu tháng sau mà công ty đột ngột cho nghỉ việc thì anh ta sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn, phải đi vay bạn bè để trang trải chi phí sinh hoạt trong tháng đó, và sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa nếu tình trạng thất nghiệp kéo dài mà không kiếm được việc làm mới. 
Điều này lại càng vô cùng quan trọng khi bạn đã lập gia đình, bởi vì lúc này không chỉ có 2 vợ chồng bạn sống dựa vào nguồn thu nhập đó mà còn có con bạn nữa. Hai vợ chồng có thể chi tiêu dè sẻn, ăn ít đi để chờ đến lương tháng sau nhưng con thì không thể chờ được. Vì vậy nếu cứ tiếp tục sống theo kiểu này thì gia đình bạn sẽ suốt ngày đau đầu vì tiền. 
Chúng mình cũng từng là người như vậy nhưng kể từ khi về ở với nhau, chúng mình đã nhận thức rõ hơn về tài chính cá nhân, và đang dần dần thay đổi thói quen chi tiêu. 
Điều đầu tiên chúng mình nhận ra và cố gắng thực hiện đó là xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp.
quy-du-phong-khan-cap

Quỹ dự phòng khẩn cấp là gì?

Quỹ dự phòng khẩn cấp là một khoản tiền bạn để riêng ra để phòng ngừa cho những trường hợp không lường trước được xảy ra trong tương lai. 
Các trường hợp này có thể kể đến như một ngày bạn đi khám bệnh và phát hiện mình bị một khối u nhỏ ở trong dạ dày, khối u này mặc dù là không gây nguy hiểm nhưng để đề phòng thì bác sĩ khuyên bạn nên mua thuốc về uống và số tiền mua thuốc lên tới cả triệu. Hay như trường hợp của chúng mình đó là công ty Nam phải dừng hoạt động trong 1 tháng vì Covid-19 nên Nam phải nghỉ ở nhà 1 tháng với mức lương giảm còn 30%/ 
Nên nhớ những trường hợp khẩn cấp này là bất khả kháng, và cần thiết phải chi tiền chứ không phải các trường hợp như chiếc điện thoại Iphone XSMax đột nhiên giảm giá 50% vào cuối tuần này và bạn thì rất thích chiếc điện thoại đó. Hay vé máy bay Vietjet giảm giá còn 0đ trong 2 ngày trong khi vợ chồng bạn chưa có kế hoạch đi chơi thì cũng không được lấy tiền từ quỹ dự phòng để mua, nếu muốn mua hãy tiết kiệm và lên kế hoạch từ trước.  

Tại sao quỹ dự phòng khẩn cấp lại quan trọng?

Quỹ dự phòng khẩn cấp giúp bạn xoay xở với các tình huống bất ngờ 
Như các bạn đã thấy, những tình huống khẩn cấp kia thường yêu cầu phải chi một khoản tiền, nếu như khoản tiền đó không nhiều thì bạn có thể bỏ ra được ngay, nhưng với những khoản tiền lớn hơn thì bạn sẽ xoay xở không kịp. Và không ai muốn phải gặp phải tình trạng như vậy cả. 
Quỹ dự phòng khẩn cấp giúp cho những mục tiêu tài chính của bạn không bị ảnh hưởng 
Bạn có thể đang theo đuổi kế hoạch mua nhà và tiết kiệm tiền cho con đi học mẫu giáo, nếu không chuẩn bị một khoản dự phòng khẩn cấp thì khi có những tình huống bất ngờ, bạn phải lấy tiền từ các khoản tiết kiệm kia. Điều đó làm cho kế hoạch của bạn bị chậm lại, thậm chí là tan tành. 
Quỹ dự phòng khẩn cấp như là chiếc vòng bảo vệ cuối cùng, giúp bạn yên tâm thực hiện những kế hoạch tài chính của gia đình mình. 
Nếu bạn thực hiện đúng theo cam kết thì quỹ dự phòng sẽ luôn ở đó và sẽ là chiếc phao cứu sinh cho bạn và gia đình nếu lâm vào tình cảnh khó khăn. Chúng mình từng gặp khó khăn nhưng vẫn quyết tâm không sử dụng đến quỹ dự phòng cuối cùng là một chỉ vàng, bởi vì mỗi khi khó khăn quá thì nghĩ đến chiếc nhẫn như là nguồn sống của chúng mình vậy. Cùng lắm thì bán chiếc nhẫn đi thôi, nhưng chúng mình sẽ không bán. 

Cần tiết kiệm bao nhiêu tiền cho quỹ dự phòng khẩn cấp?

Các chuyên gia về tài chính khuyên chúng ta nên xây dựng một quỹ dự phòng khẩn cấp với số tiền tiết kiệm bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. 
Tại sao lại là 3 – 6 tháng? Theo tính toán, nếu trường hợp xấu nhất bạn bị mất việc, thì sẽ cần khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng để đi tìm việc mới và có thể ổn định trở lại. Số tiền dành cho quỹ dự phòng có thể ít hơn hoặc nhiều hơn tùy vào nhu cầu của mỗi người, nhưng 3 – 6 tháng chi phí là một số tiền phù hợp, không quá lớn để ảnh hưởng đến các mục tiêu khác của gia đình bạn, và cũng không quá ít để giúp cho gia đình bạn trang trải chi phí sinh hoạt khi gặp khó khăn. 
Nếu bạn đang có những khoản nợ thì quỹ dự phòng khẩn cấp được xây dựng qua 2 bước. 
Bước 1, tiết kiệm một phần của quỹ dự phòng khẩn cấp với số tiền bằng 1 tháng chi phí hoặc khoảng 10 triệu. 
Bước 2, sau khi trả hết nợ trừ nợ tiền nhà thì bạn tiếp tục tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp với số tiền bằng 3 – 6 tháng chi phí của gia đình bạn. Rồi, bây giờ hãy liệt kê ra các khoản chi phí của gia đình bạn trong 1 tháng
Ví dụ với nhà mình
Tiền nhà: 3tr 500k Tiền điện nước + phí dịch vụ: 800k Tiền ăn uống: 4 triệu Tiền xăng xe đi lại 1 triệu 
Tổng chi phí = 9tr300k 
Đây là chi phí của một cặp vợ chồng trẻ chưa có con, nếu gia đình bạn đã có con thì hãy liệt kê các chi phí dành cho con nữa, và chắc chắn khi có con rồi thì số tiền sẽ lớn hơn nhiều. 
Như vậy quỹ dự phòng khẩn cấp của gia đình mình cần tiết kiệm đó là 9tr x 6 = 54 triệu. 
Nên giữ khoản dự phòng khẩn cấp này ở đâu?
Vì nó là khoản cần dùng trong những trường hợp không nghĩ đến nên nếu cần phải sử dụng được ngay. 
Bạn không nên đem số tiền này đi đầu tư hay cho vay, bởi vì khi cần dùng rất khó để lấy ra sử dụng ngay. Hãy để ở những nơi có tính thanh khoản cao như tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn hoặc mua vàng. Bạn cũng nên chia số tiền đó ra, ví dụ với 60 triệu thì bạn có thể bỏ 20 triệu vào tài khoản tiết kiệm thời hạn 3 tháng, 20 triệu thời hạn 6 tháng và 20 triệu mua vàng. Mục đích của số tiền này không phải để sinh lời. 
Nhưng một điều cũng cần phải nhớ đó là không nên để số tiền này ở những nơi quá dễ để sử dụng, ví dụ như để tiền mặt ở ngoài hay để trong tài khoản tiêu dùng, bởi vì bạn có thể lấy ra và chi tiêu bất cứ lúc nào. 

Khi nào nên sử dụng quỹ dự phòng khẩn cấp?

Như tên gọi của nó, quỹ dự phòng này chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, tức là khi thỏa mãn 3 câu hỏi sau:
Đây có phải là điều không mong muốn không? 
Đối với gia đình mình, những việc như mua vé máy bay để Tết về quê, hay đóng phí bảo hiểm nhân thọ là những việc chúng mình đã biết trước sẽ xảy ra rồi, và những việc như vậy cần được lên ngân sách để thực hiện.
Những việc không mong muốn
Mất việcCông ty giảm lương do phải giãn cách vì Covid-19Không may bị mất trộm xe máy
Những việc biết chắc sẽ xảy ra
Về quê ăn tếtĐóng tiền bảo hiểm nhân thọĐóng tiền đầu năm cho con
Việc này có thực sự quan trọng? 
Đa số chúng ta đều nói rằng có thể phân biệt được đâu là thứ chúng ta cần và đâu là thứ chúng ta muốn. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân giữa việc được thỏa mãn những sở thích cá nhân và việc chi tiêu tiết kiệm, chúng ta lại dễ dàng đánh mất bản thân mình.
Giờ đây mỗi khi có ý định chi tiền cho một vật dụng hay một việc gì đó, chúng mình sẽ không làm ngay mà sẽ nhìn lại sau 3 ngày, để xem khi đó có thực sự cần phải làm.
Việc này có khẩn cấp không? 
Nên nhớ rằng, quỹ dự phòng khẩn cấp chỉ được dùng cho những trường hợp khẩn cấp, nếu bạn cứ tùy tiện sử dụng thì đến lúc nào đó bạn sẽ thấy hối hận vì đã không để dành được.
quy-du-phong-khan-cap-len-ngan-sach

Làm thế nào để xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp?

Tính toán số tiền cần tiết kiệm 
Bước đầu tiên trong việc xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp đó là tính được số tiền bạn cần phải tiết kiệm. Như ở trên chúng mình đã nói, nếu gia đình bạn đang có nhiều khoản nợ thì hãy bắt đầu dần dần bằng cách tiết kiệm 1 khoản bằng chi phí sinh hoạt của 1 tháng hoặc 10 triệu. Trong hoàn cảnh này không nên đặt mục tiêu tiết kiệm quá cao, như vậy sẽ trở thành rào cản cho bạn và bạn khó có thể thực hiện được. 
Nếu gia đình bạn không có nợ, hãy tiết kiệm số tiền bằng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Một số chi phí có thể liệt kê như: 
Tiền thuê nhàTiền điện nước, wifiTiền ăn uốngTiền mua sữa cho conTiền cho con đi học…
Đặt mục tiêu tiết kiệm hàng tháng
Sau khi đã tính toán được số tiền cần tiết kiệm cho quỹ dự phòng khẩn cấp, việc tiếp theo cần làm đó là chia nhỏ mục tiêu ra để thực hiện. 
Giả sử số tiền bạn cần tiết kiệm là 60 triệu, bạn dự định thực hiện trong vòng 10 tháng, như vậy số tiền bạn cần tiết kiệm mỗi tháng là 6 triệu. 
Hãy ngắm xem số tiền này có phù hợp với bạn hay không, tốt nhất là nó không chiếm quá 30% thu nhập của gia đình bạn, để bạn vẫn có thể tiết kiệm vẫn có thể duy trì sinh hoạt. 
Sai lầm chúng mình đã từng gặp phải và có lẽ nhiều người cũng gặp phải đó là đặt mục tiêu tham vọng quá, như mỗi tháng tiết kiệm 10 triệu, trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ là 20 triệu. Như vậy thì ngay lúc này bạn có thể thấy dễ dàng làm được nhưng những tháng sau đó sẽ rất khó khiến bạn bỏ buộc
Nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm có kỷ luật 
Kỷ luật là sức mạnh, nếu đặt ra mục tiêu mà không thực hiện thì cũng như không. Một mẹo nhỏ để thực hiện bước này dễ dàng hơn đó là hãy bỏ riêng khoản tiền tiết kiệm này ra đầu tiên khi bạn nhận lương. Trước khi nghĩ tới những việc khác thì hãy nghĩ tới bản thân mình trước. 
Lưu ý. Không để đến cuối tháng tiêu hết bao nhiêu còn bao nhiêu mới tiết kiệm. Làm như vậy bạn rất dễ bị chệch mục tiêu. 

Tổng kết

Ở thời kỳ xã hội có nhiều điều biến động như hiện nay, thiên tai, dịch bệnh hay những việc không mong muốn xảy ra đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc chuẩn bị cho một quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp cho bạn và gia đình bạn đứng vững trong những tình huống khó khăn nhất là những gia đình trẻ. Hãy lên kế hoạch và nghiêm túc thực hiện, một ngày nào đó bạn sẽ thấy mình đã đúng và thực sự biết ơn cái quỹ tiết kiệm nhỏ mà có võ này.
Xin chào! Nếu đây là lần đầu tiên các bạn đọc bài viết của chúng mình thì chúng mình là Nam Trang - Cặp Đôi Bảo Hiểm. Hiện tại công việc của chúng mình là hoạch định tài chính và tư vấn bảo hiểm cho các gia đình trẻ. 
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết về tài chính cá nhân, gia đình, bảo hiểm tại website của chúng mình www.capdoibaohiem.net