Làm thế nào để sinh viên mới tốt nghiệp dễ tìm được việc hơn
Quan sát từ môi trường làm việc ở Đan Mạch và gợi ý áp dụng tại Việt Nam để cải thiện hồ sơ việc làm cho bạn
Khi tìm việc, dễ thấy nhiều vị trí đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 2 năm. Nhưng nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp thì làm thế nào?
Đây là nghịch lý trong thị trường việc làm ở Việt Nam, là trở ngại lớn của các bạn sinh viên mới ra trường.
Qua quá trình làm việc gần chục năm tại Đan Mạch, tôi học được vài điều về cách mà sinh viên tại đây xây dựng sự nghiệp từ rất sớm, đặc biệt là qua cách họ tận dụng thời gian học đại học để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Điều này không chỉ giúp họ tạo nên những hồ sơ ấn tượng trên các nền tảng như LinkedIn, mà còn giúp họ dễ dàng tiếp cận các cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.
Xem thử profile của bạn đồng nghiệp vừa mới xong thạc sĩ gia nhập công ty tôi với vị trí Industrial PhD (một dạng hợp tác giữa trường Đại học và doanh nghiệp), thì thấy bạn đã có hơn chục cái job trong quá trình học đại học và thạc sĩ.
Một ứng viên như thế thì thật sự dễ kiếm việc làm hơn nhiều bạn khác 😀.
Dưới đây là một số bài học tôi học được từ môi trường làm việc tại Đan Mạch và những gợi ý để Việt Nam có thể áp dụng, nhằm giúp sinh viên xây dựng hồ sơ mạnh mẽ hơn và cải thiện cơ hội tìm việc sau khi ra trường.
1. Kết nối chặt chẽ giữa đại học và doanh nghiệp
Tại Đan Mạch, các trường đại học luôn có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua các chương trình thực tập và hợp tác.
Sinh viên thường có cơ hội làm việc trong các dự án thực tế từ rất sớm, giúp họ hiểu được môi trường làm việc chuyên nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Các trường đại học ở Việt Nam nên tích cực xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, không chỉ để tạo ra cơ hội thực tập mà còn để phát triển các dự án hợp tác nghiên cứu. Các trường đại học có thể xuất phát từ các công ty của các cựu sinh viên của mình.
Những chương trình thực tập có định hướng cụ thể và kéo dài trong suốt thời gian học đại học sẽ giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế từ sớm.
Chẳng hạn khoa Toán-Tin học trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên TP. HCM của tôi gần 20 năm trước đã bắt đầu mở môn thực tập tốt nghiệp và kết nối với các công ty của các cựu sinh viên của Khoa.
2. Khuyến khích làm thêm và thực tập sớm
Có thể xem như văn hóa ở Đan Mạch, hầu hết sinh viên làm việc bán thời gian hoặc tham gia thực tập từ những năm đầu đại học, giúp họ tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp từ rất sớm.
Điều này không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn giúp xây dựng kinh nghiệm quý báu trước khi ra trường.
Tại Việt Nam, sinh viên thường chỉ thực tập chuyên môn vào năm cuối. Các trường đại học và doanh nghiệp có thể cùng nhau xây dựng các chương trình thực tập sớm hơn từ năm thứ hai, hoặc khuyến khích sinh viên tham gia làm thêm trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là ngành mình đang học.
Điều này sẽ giúp sinh viên có thêm cơ hội thực hành nhiều kiến thức, kỹ năng khác nhau, và giúp họ xây dựng hồ sơ tốt hơn khi tốt nghiệp.
3. Đào tạo kỹ năng mềm và phát triển cá nhân
Giáo dục Đan Mạch đặc biệt chú trọng đến các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phản biện, và giải quyết vấn đề.
Sinh viên tại đây được khuyến khích tham gia vào các dự án nhóm, hội thảo và các hoạt động ngoại khóa để phát triển các kỹ năng này.
Những kỹ năng mềm không chỉ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao mà còn giúp sinh viên tự tin hơn khi ứng tuyển vào các vị trí quan trọng.
Vài năm gần đây nhiều trường đại học ở Việt Nam đã tích hợp thêm các khóa học về kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy.
Các bạn có thể tham gia thêm các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa và dự án xã hội để rèn luyện khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, và giải quyết vấn đề.
Những kỹ năng này sẽ là điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng.
4. Khuyến khích khởi nghiệp và tham gia vào cộng đồng startup
Đan Mạch có một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, và sinh viên tại đây thường rất năng động trong việc tham gia vào các dự án khởi nghiệp, hoặc tự mình khởi động các ý tưởng kinh doanh.
Những kinh nghiệm này không chỉ giúp họ hiểu sâu hơn về cách vận hành doanh nghiệp mà còn làm phong phú thêm hồ sơ cá nhân.
Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực khởi nghiệp, nhưng các trường đại học cần đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ sinh viên tham gia vào cộng đồng này.
Xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp ngay tại trường, tổ chức các cuộc thi về ý tưởng kinh doanh, và mời các doanh nhân về chia sẻ sẽ giúp sinh viên có động lực thử sức với khởi nghiệp.
5. Mở rộng cơ hội trao đổi quốc tế
Sinh viên Đan Mạch thường có nhiều cơ hội tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, giúp họ tiếp cận với những môi trường làm việc và học tập đa văn hóa.
Những trải nghiệm này không chỉ giúp họ mở mang tầm nhìn mà còn làm nổi bật hồ sơ cá nhân khi ứng tuyển vào các công ty quốc tế.
Hiện tại nhiều trường đại học ở Việt Nam đã có chương trình trao đổi quốc tế với các đối tác trên toàn cầu. Đây có thể xem là một trong những yếu tố thu hút sinh viên nhất khi họ tìm hiểu trường nhân dịp tuyển sinh đại học.
Các trường đại học chúng ta nên tích cực duy trì và đẩy mạnh các chương trình trao đổi quốc tế đó. Đồng thời, cung cấp thêm học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên tham gia các chương trình này.
Việc trải nghiệm học tập và làm việc tại nước ngoài sẽ là một điểm mạnh lớn khi sinh viên Việt Nam ứng tuyển vào các vị trí trong và ngoài nước.
6. Xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội
Sinh viên tại Đan Mạch rất chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng như LinkedIn.
Họ biết cách thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm và thành tựu của mình một cách chuyên nghiệp, giúp họ nổi bật trong mắt các nhà tuyển dụng.
Trong thời đại AI ngày nay, khi profile LinkedIn của bạn đủ đẹp, tự động job sẽ tìm đến bạn 😀. LinkedIn sẽ tự động giới thiệu hồ sơ của bạn cho các nhà tuyển dụng liên quan liên hệ bạn.
Các bạn nên sử dụng LinkedIn để xây dựng thương hiệu cá nhân. Trường đại học có thể tổ chức các buổi hội thảo về kỹ năng viết hồ sơ, xây dựng thương hiệu cá nhân và cách tiếp cận nhà tuyển dụng qua LinkedIn.
Lời kết
Việc cải thiện hồ sơ sinh viên không chỉ là trách nhiệm của bản thân bạn mà còn cần sự hỗ trợ từ các trường đại học và doanh nghiệp.
Với những bài học từ Đan Mạch và những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam, tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể xây dựng được những hồ sơ ấn tượng, cạnh tranh tốt trên thị trường lao động trong và ngoài nước💪.
PS: Tham khảo profile LinkedIn của mình.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất