Tôi nhớ dạo trước một đứa bạn tôi mượn được cô giáo nó một cuốn sách về tử vi theo ngày tháng năm sinh mà cô bảo rất hay.
Lúc đó tôi háo hức mở ra xem tử vi của mình ra sao. Phần tử vi của tôi nói rất nhiều thứ, trong đó có một câu làm tôi nhớ mãi đến tận giờ, đại ý câu đó là người sinh ngày này là người "nhạy cảm nhưng thiếu tinh tế." Đọc đến đó, tôi tự nhủ "ừ sao mà đúng thế nhỉ? Mình đúng là rất nhạy cảm nhưng mà không tinh tế thật."
Từ trước đến giờ, dù không đến mức anti-social nhưng tôi vẫn luôn có một nỗi sợ nhất định với việc nói chuyện xã giao và tôi nghĩ gọi là socially awkward. Tôi luôn cảm thấy khó nắm bắt ẩn ý của người đối diện, mà giao tiếp của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng lại thường không trực diện và chứa nhiều ẩn ý.
Tôi nhớ hồi cấp hai, có những khi tôi đang vui vẻ cười nói, thì mấy đứa bạn tôi quay sang gắt "Mày chẳng hiểu cái gì cả, mày biết gì mà nói" rồi chúng nó bỏ đi. Một thời gian sau, tôi thấy mình bị cô lập dần ra khỏi nhóm bạn đó, nếu đạp xe đi học cùng nhau thì chúng sẽ cố đạp thật nhanh bỏ tôi lại. Khi chúng nó đang ngồi nói chuyện giờ ra chơi mà tôi chạy đến thì chúng nó tự đứng dậy ra chỗ khác.
Từ đó trở đi, tôi bị ám ảnh rằng tất cả là lỗi tại mình, do mình không đủ tinh tế, không biết cách nói chuyện nên không có bạn chơi. Lớn lên, kể cả khi chuyển sang thành phố khác, thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình khi có người nhắc tôi khi nói hay làm việc gì đó mà không để ý xung quanh. Ví dụ như nói hơi to trên xe buýt hay vô tình để lộ một nickname mà nhóm đồng nghiệp đặt cho một sếp khó tính với 1 đồng nghiệp khác ngoài nhóm.
Những lúc như thế khi bị nhắc, tôi thường chột dạ và cảm thấy rất có lỗi. Tôi thất vọng với chính mình, tại sao có mỗi chuyện để ý lời nói cho cẩn thận mà không làm được, nếu cứ như vậy thì chẳng có ai chịu chơi với mình hết. Tôi lại dày vò bản thân và tự dặn mình tốt nhất là ngậm chặt miệng lại đừng nói gì.
Tôi cũng cho rằng đó là một thiếu sót lớn của mình và mình phải học cách trở nên tinh tế hơn. Nhưng tôi thấy nó thực sự rất khó và chẳng biết học như thế nào. Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ học được cách tinh tế vì bản chất của tôi là vậy.
Nhưng dạo gần đây, khi đọc sách và trải nghiệm nhiều hơn, tôi dần nhận ra trở nên tinh tế không quá khó như tôi vẫn nghĩ và lẽ ra tôi không nên dán nhãn mình là "thiếu tinh tế" ngay từ đầu.
Trước hết, vấn đề là nên hiểu tinh tế như thế nào. Tinh tế thực ra có bao gồm việc nhạy cảm, nhưng đi kèm thêm việc tế nhị và hiểu tâm lý người đối diện và hành xử phù hợp.
Nghĩ lại thì tôi thấy nhiều lúc mình cũng có "tinh tế" đấy chứ. Ví dụ, một sáng tôi thấy đứa bạn người Sài Gòn đăng ảnh nó đi du lịch Malaysia kèm 1 đoạn nhạc ngắn khoảng 5-6s. Mọi người đều bình luận ở dưới là "ui sướng thế, ui ảnh đẹp thế, nhớ mang quà về nhé..." Tôi nhìn kỹ thì nó đăng lúc 2h sáng, tôi liền nhắn tin cho nó "Mày có chuyện gì à?" Nó nhắn lại "Sao mày biết? có một mình mày hỏi tao như vậy thôi."
Thực ra, lúc đó chỉ nhìn lướt qua màu sắc ảnh và nghe giai điệu nhạc, tôi lập tức cảm nhận chắc chắn có chuyện không ổn. Đơn giản vì bản thân tôi sẽ chỉ đăng một bức ảnh và một bài hát như thế lúc 2h sáng nếu tôi gặp chuyện buồn.
Nhờ đó, tôi nhận ra khi tôi quan tâm đủ đến một người một cách chân thành, khi tôi thực sự hiểu họ và đặt mình vào vị trí của họ, tôi sẽ dễ cảm nhận được những suy nghĩ và khó khăn của họ hơn một chút, rồi từ đó sẽ trở nên "tinh tế" hơn một chút.
Gần đây, khi tôi đọc sách về thiền của các sư thầy như thầy Thích Nhất Hạnh, hiểu hơn về chánh niệm và sống tỉnh thức, tôi cũng thấy việc "tinh tế" không còn quá khó khăn nữa.
Thay vì chìm đắm trong dòng suy nghĩ của chính mình, tôi chịu khó để ý xung quanh những gì đang diễn ra hơn, nhờ đó tôi nhìn thấy được nhiều chi tiết mà ngày xưa tôi thường sẽ bỏ qua.
Hôm vừa rồi, tôi cùng bố mẹ về nhà bác - chị gái bố ở quê để gửi lễ Tết và mổ lợn. Tôi thấy bác chạy ra đeo hai chiếc dép lệch đôi. Tôi định nhắc bác, nhưng chợt nghĩ ra chắc sáng bác dậy từ sớm chuẩn bị cho thợ mổ lợn và nấu cỗ nên mới xỏ nhầm dép như vậy, cũng không ai để ý nên tôi không nói gì nữa và chạy vào giúp bác chuẩn bị bữa trưa.
Rồi hôm sau đó, bác tôi đi xe máy sang nhà tôi ăn tất niên. Tôi để ý thấy bác không đi dép lệch đôi nữa, nhưng lại chỉ đi dép tông mà không đeo tất, lại mặc quần áo mỏng trong thời tiết giá lạnh hơn 10 độ. Tôi vội chạy vào nhà pha một ly nước ấm cho bác.
Bác uống nước xong quay sang tôi vui vẻ nói "Cháu cho bác uống nước mà sao ấm hết cả người ngay được này." Rồi tôi cũng dặn đứa em lấy đôi tất của mẹ ra cho bác đeo vào trước khi về. Nhìn bác vui mà tôi cũng thấy vui lây.
Không biết đó có được gọi là sống tỉnh thức không, nhưng khi tôi chịu khó quan sát kỹ hơn người xung quanh, tôi nhận ra những nhu cầu của họ và biết cách quan tâm họ đúng mức hơn. Nhưng tất nhiên với điều kiện đó là những người tôi thực sự yêu thương và quan tâm đến cảm xúc của họ.
Còn với câu chuyện của những người 'bạn' thời cấp 2 đã gạt bỏ tôi, thực ra có lẽ không phải vì tôi thiếu tinh tế, mà vì thực sự chúng tôi không hợp. Họ yêu thích những thứ rất khác tôi, tính cách của họ cũng hoàn toàn trái ngược với tôi. Và họ thực ra cũng không muốn làm bạn với tôi và không quan tâm cảm xúc của tôi. Vì vậy, dù lúc đó rất buồn, nhưng bây giờ tôi không còn đổ lỗi cho chính mình trong câu chuyện đó nữa.
Và giờ tôi cũng đã học được bài học rằng mình hoàn toàn có thể tinh tế hơn nhưng phải tinh tế có chọn lọc, bởi vì không phải ai cũng xứng đáng nhận được sự "tinh tế" đó của mình.
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất