Nguồn hình: Internet (Mình không tìm được nguồn cụ thể)
Bài viết này gồm 3 ý:
1. Vì sao nghe hiểu tiếng Anh lại khó?
2. Vì sao nghe hiểu tiếng Anh lại không quá khó như ta tưởng.
3. Hai chiến lược để nhanh chóng nghe hiểu tiếng Anh.
Vì sao nghe hiểu tiếng Anh lại khó?
Chắc hẳn các bạn cũng từng gặp tình huống một người Việt nói gì đó với mình mà mình nghe không hiểu gì cả phải không? Dù đó cũng là tiếng Việt. Trong bất cứ một ngôn ngữ nào, một từ không phải chỉ được phát âm giống y hệt nhau, mà tùy vùng miền, chủng tộc, hay thậm chí mỗi một người lại có cách phát âm khác nhau.
Nên để nghe hiểu một từ nào đó, không phải là chúng ta nhận diện một âm duy nhất, mà là nhận diện một tập hợp các âm hao hao nhau để xác định từ mà người ta nói. Khi học trên lớp đã nghe cô giáo nói từ “book” rồi, nhưng một anh tây nói từ book thì nghe lại không ra, hay đĩa nghe TOEIC cũng phát âm từ book khác so với anh tây. Nó hao hao nhau, nhưng không giống nhau hoàn toàn.
Chính vì vậy để có thể nghe hiểu tiếng anh, thì chúng ta phải nghe nhiều, và nghe từ nhiều nguồn khác nhau để bộ phận ngôn ngữ trong não mình có thể nhận diện được từ đó cho dù ai nói đi nữa.
Biết nó khó không phải để nản chí, biết nó khó là để mình chuẩn bị tinh thần và lòng quyết tâm ấy.
Vì sao nghe hiểu tiếng Anh lại không quá khó như ta tưởng.
Khó quá nghĩa là khó đạt được. Còn nghe hiểu tiếng anh là hoàn toàn CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC. Chỉ cần chúng ta kiên trì thì ngày đó sẽ đến.
Điều khiến đa số mọi người nản chí trong quá trình học tiếng anh chính là giai đoạn đầu của quá trình, học hoài mà thấy tiến bộ rất ít. Nên dần dà đâm ra nản và tự nói với mình rằng “mình không có khiếu học tiếng anh.”
Những người học tiếng Anh thành công cũng chẳng có khiếu gì đâu. Đơn giản là họ kiên trì hơn. Khi vượt qua được thời gian đầu, khoảng 3–6 tháng, thì sẽ đến khoảng thời gian dễ dàng hơn. Khi đó chúng ta cảm nhận được rõ rệt sự tiến bộ trong mình và có được cảm giác “tiếng anh” đã thân thuộc rồi, không còn là thứ gì lạ lẫm ngoài hành tinh nữa.
Để nghe hiểu tiếng anh, thì chúng ta phải luyện nghe thật nhiều. Nghe thật nhiều và trong một thời gian dài. Đừng chỉ nghe trong 1 tuần rồi nói phương pháp này thật vô dụng. Nó không vô dụng đâu, ta chưa tận dụng được nó thôi. Hãy nghe nó nhiều lần, nghe đi nghe lại, nghe trong nhiều tháng trời. Và bạn sẽ bất ngờ với thành quả nhận được sau đó đấy.
Hai chiến lược để nhanh chóng nghe hiểu tiếng Anh.
Hai chiến lược này nên được áp dụng đồng thời để tạo ra hiệu quả cao nhất.
Chiến lược 1: Nghe hiểu. Phải hiểu những gì đang nghe, tập trung vào bài nghe để nắm rõ hết các ý và nghe được tất cả các từ. Nếu nghe không được thì tìm script của bài đó để đọc qua. Về nguồn để nghe thì rất đa dạng, bạn có thể tìm rất nhiều trên Internet. Mình gợi ý là bạn nên chọn các chủ đề mà bạn có hứng thú, như vậy mình lúc nghe mình sẽ thấy thú vị hơn, có động lực hơn.
Chiến lược 2: Nghe vô thức. Cái này dễ hơn. Là bất cứ khi nào có thể, cứ gắn tai nghe vào rồi bật bài tiếng anh lên. Không cần tập trung vào bài đó nói gì cả. Đơn giản chỉ là nghe thôi. Nghe tai này ra tai khác cũng được. Không cần phải chú tâm gì cả. Lúc đó làm việc gì khác cũng được. Mục đích của nó là để đôi tai và vùng ngôn ngữ trong não thấm nhuần tiếng Anh. Cách này dễ nhưng yêu cầu nhiều thời gian, và hẳn nhiên, sự kiên trì.
Trong một ngày ta có thể áp dụng cả 2 chiến lược này. Sáng sớm dậy gắn tai nghe nghe vô thức trong lúc tập thể dục, chuẩn bị đồ ăn sáng và đi làm. Rồi tối về dành ra 30 phút nghe hiểu. Trước khi đi ngủ nghe vô thức khoảng 30 phút nữa rồi đi ngủ. Trong ngày nếu có một khoảng thời gian nào đó rảnh thì cũng nên tận dụng mở ra nghe vô thức.
Nói chung là nghe càng nhiều càng tốt. Nhưng lưu ý là phải có cả 2. Nếu chỉ có nghe hiểu thì sẽ tiến bộ rất chậm. Còn chỉ có nghe vô thức thì gần như là không học được gì.
Đơn giản vậy thôi, chúc bạn học tiếng anh vui nhé.