Ở thế giới hoàn hảo, người viết luôn có một giấc ngủ ngon và không bị đánh thức vài lần bởi tiếng gọi của khách hàng hối sửa bài và giục deadline. Ở thế giới đó, họ không bao giờ phải lo lắng về chi phí phát sinh như điện nước, tiền nhà, sinh hoạt... Gia đình luôn tôn trọng công việc của họ. Tất cả mọi thứ họ cần làm là chuyên tâm vào việc viết và tạo ra sản phẩm. Nơi đó, không có điều gì ngăn cản người viết sáng tạo.
Nhưng, chúng ta không sống ở thế giới đó. Cuộc sống của chúng ta muôn màu muôn vẻ, có màu tươi sáng thì cũng không thiếu những màu u tối. Chúng ta phải đối mặt với ti tỉ thứ hằng ngày và khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Chán viết là một trong những thứ chúng ta gặp phải khi làm nghề viết một thời gian.
Nếu rơi vào tình trạng này, bạn dễ trì hoãn công việc. Bạn không thể viết, không có cảm hứng sáng tạo cũng không "nặn" ra được ý tưởng nào hay ho. Nhiều khi bạn chỉ nhìn vào màn hình máy tính hàng giờ đồng hồ nhưng lại không "ra" được chữ nào.
Tôi là một người rất dễ bị cảm xúc chi phối, do đó sự chán viết diễn ra liên tục, đặc biệt vào những lúc có chuyện gì đó không vui xảy ra. Không những chán viết, tôi còn chán làm tất cả mọi thứ. Tôi đã từng trì hoãn tất cả dự định của mình và thậm chí bỏ ngang.
Nhưng thay vì ngồi một góc và than vãn, tôi luôn tìm cách cách giúp mình thoát ra khỏi tình trạng đó. Cứ mỗi lần chán viết, tôi lại áp dụng những cách này và lần nào cũng giúp tôi trở lại guồng công việc rất nhanh.

Tìm kiếm nguyên nhân vì sao bạn chán viết và vượt qua nó

Trước đây, khi tôi còn làm công việc của một QA (Quality Assurance), sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất không có gì lạ và hiếm gặp. Nhưng trước khi tìm cách giải quyết, mọi người luôn tìm hiểu nguyên nhân vì sao sự cố đó lại xảy ra. Chán viết cũng vậy. Bạn cũng cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn lại chán viết vì không tự dưng bạn rơi vào trạng thái này. Có một vài nguyên nhân tôi thu lượm được từ kinh nghiệm bản thân như sau:

Bạn không có nhiều kinh nghiệm hoặc kiến thức ở chủ đề đó

Mỗi người viết đều có thế mạnh trong một lĩnh vực nhất định. Không phải cứ trở thành người viết là bạn có thể viết mọi chủ đề. Có những chủ đề chỉ cần đặt bút xuống, bạn có thể viết 1000 từ trong vòng 20 phút. Nhưng cũng có những chủ đề cho dù cố gắng đến mấy bạn cũng không thể nào viết nổi một từ.
Khi bạn nhận đề tài, bạn nghĩ rằng mình có thể hoàn thành tốt bài viết, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chỉ khi bắt tay vào, bạn mới nhận ra kiến thức mình chưa đủ nhiều để có thể viết tốt bài ấy. Thế là bạn dần thấy chán viết và trì hoãn công việc. Nếu bạn rơi vào trường hợp như thế, hãy ngồi dậy và từ từ tìm kiếm những thông tin liên quan đến chủ đề đó. Hãy lướt qua một vài thông tin và chọn những trang web giúp bạn trả lời những câu hỏi để viết thành bài hoàn chỉnh. Đối với trường hợp này, bạn không thể hối thúc mình phải làm nhanh mà cần thời gian để vừa viết vừa thu nhặt kiến thức. Dần dần bạn sẽ lấp đầy những lỗ hổng kiến thức trong chủ đề đó và tự tin hơn khi cầm bút.

Bạn không thích những chủ đề đó

Đối với tôi, thích viết là một chuyện, viết đúng cái mình thích là chuyện khác. Nếu chọn đúng chủ đề hoặc lĩnh vực yêu thích, bạn không những không rơi vào trạng thái bí ý tưởng mà còn biết cách tạo ra thêm nhiều chủ đề mới lạ. Nhưng không phải ai cũng may mắn được viết thứ mình thích và kiếm ra tiền từ điều đó.
Nếu bạn đang buộc phải viết chủ đề mình không thích vì "cơm áo gạo tiền" thì sẽ khó tránh khỏi cảm giác chán chường. Trong trường hợp này, bạn hãy cân bằng cảm xúc bằng cách dành một khoảng thời gian trong ngày để viết cái mình thích. Đây là cách tôi thường áp dụng khi ban ngày tôi viết cho "người", đêm xuống tôi viết cho "mình". Nhờ đó, tôi có thể duy trì ngọn lửa đam mê mà vẫn kiếm được tiền nuôi sống bản thân.

Cuộc sống quá nhiều áp lực khiến người viết mệt mỏi

Cuộc sống bận rộn với nhiều mối lo toan khiến người viết mệt mỏi, áp lực. Điều này cũng dễ làm cho họ thấy chán viết. Lúc này, bạn nên tự giải phóng mình khỏi mớ hỗn độn trước mắt bằng cách lùi lại một bước, cho phép mình nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài ngày.
Bạn "tắt" hết mọi thứ liên quan đến công việc bao gồm email, tin nhắn, điện thoại; đi du lịch, tham gia một số hoạt động mình yêu thích hoặc làm một cái gì đó mới mẻ như học làm gốm, đi lặn biển ngắm san hô. Chính những trải nghiệm mới mẻ này sẽ làm đầy lại "chiếc giếng sáng tạo" bên trong bạn. Khi tinh thần được thư giãn hoàn toàn, bạn sẽ có thêm năng lượng để đối mặt và vượt qua những áp lực trong cuộc sống và công việc.
Ngoài ra, bạn hãy tập thói quen dành ra một ngày trong tuần để "hẹn hò với chính mình". Không có công việc, không có những tin nhắn hối thúc deadline, không có áp lực phải hoàn thành xong bài blog, không có tiếng gọi í ới của bạn bè, chỉ có mình bạn hẹn hò với đứa trẻ bên trong. Bạn có thể thơ thẩn đi dạo, ghé vào một quán nào đó ven đường, mua một món đồ kỳ quặc, làm mọi thứ một cách tùy hứng mà không theo kế hoạch nào. Đây là một cách rất tốt để bạn luôn làm đầy "chiếc giếng sáng tạo", không rơi vào tình cảnh bí ý tưởng hoặc chán viết.

Bạn thấy thiếu tự tin, nghi ngờ khả năng viết của chính mình

Sự thiếu tự tin là người bạn đồng hành của đa số người viết. Nó thường "núp bóng", chờ chực cơ hội để xuất hiện, bủa vây và nhấn chìm người viết vào sự suy sụp, chán nản.
"Cơ hội" ấy là gì? Là khi bạn so sánh mình với những người viết có cùng vạch xuất phát nhưng đang gặt hái nhiều thành công. Là khi bạn đăng bài công khai rồi nhận được nhiều lời chê bai, phán xét. Là khi bài viết của bạn không có ai đọc, không nhận được tương tác nào. Là khi bạn cảm thấy chính mình dần héo hon, cứ đi vào lối mòn, không còn tạo ra được sản phẩm đáng gọi là "sáng tạo". Những điều này khiến bạn thấy nghi ngờ khả năng viết của mình, rồi dần dần cảm thấy chán viết. Điều này dễ xảy ra ở những bạn đã viết được một thời gian.
Nếu bạn đang ở trong trường hợp này, hãy tạm dừng công việc và nhớ lại những cột mốc/thành tích đáng nhớ trong suốt thời gian qua. Một cây viết nổi tiếng từng chia sẻ, cô ấy tạo một thư mục "Feedback". Trong này tập hợp những lời nhắn, review tích cực từ các bạn đọc hoặc học viên với sách và khóa học của cô ấy. Mỗi khi thấy tinh thần hay tâm trạng thiếu tích cực, cô vào đó đọc lại, thậm chí in ra rồi dán vào tường trước mặt. Chính những điều nhỏ nhặt đó đã giúp cô theo đuổi được công việc tới nay đã sắp sang năm thứ 4, dẫu có những giai đoạn cô rất căng thẳng về mặt tinh thần (trong 1-2 năm đầu tiên).
Bạn cũng hãy thử làm như vậy, tạo ra một folder tập hợp những lời khen ngợi, động viên từ bạn đọc, những dấu mốc thành tích đáng nhớ như lần đầu tiên được đăng bài trên báo, tạp chí. Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là những yếu tố bên ngoài, điều quan trọng là tự bạn phải luôn tin vào chính mình. Cuộc đời mỗi người sẽ không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà có những đoạn gập ghềnh, nhiều ổ gà. Người thành công khác với kẻ thất bại ở chỗ, dù có đi qua đoạn đường gập ghềnh ấy, họ vẫn luôn vững tin, duy trì sự kiên định để vượt qua và tiến đến mục tiêu cuối cùng.

Một số việc tôi hay làm khi cảm thấy chán viết

Thay đổi nơi làm việc

Đối với các bạn làm freelancer full-time như tôi, thay đổi nơi làm việc là cách làm cực kỳ hiệu quả trong khoảng thời gian chán viết. Nếu bạn chỉ có làm việc tại nhà, không ra ngoài và ít tiếp xúc với người khác, điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tâm trạng làm việc của bạn.
Việc ở nhà thường xuyên khiến tôi cảm thấy bản thân thiếu đi sự kết nối giữa người với người. Những lúc đó, tôi thường ra quán cà phê để làm việc. Sự bận rộn và hối hả của mọi người chính là động lực cho tôi quay trở về với thực tại, bỏ qua sự chán nản và tập trung vào viết.
Nếu bạn không thích không gian ồn ào tấp nập ở quán cà phê, bạn có thể tìm đến một số địa điểm như “workplace”. Đó là một không gian mở, và thiết kế gần giống như quán cà phê, mỗi người có một vị trí làm việc riêng. Bạn sẽ có cảm giác làm việc như ở văn phòng nhưng không bị làm phiền bởi những người khác.

Đi dạo

Khi bạn chán viết, bạn thường có xu hướng dẹp bỏ tất cả và ôm điện thoại để xem những thứ linh tinh như Facebook, Instagram... Bạn cố thuyết phục bản thân chỉ dành 15-20 phút để chơi nhưng thực tế có khi kéo dài từ 1 đến 2 tiếng.
Đừng để bản thân dễ dàng bị dụ dỗ như vậy. Thay vào đó, bạn hãy đi ra ngoài vì với tôi, đi dạo là cách tốt nhất giúp bạn tạm thời quên đi sự chán nản. Ngoài ra, đi dạo còn tạo cơ hội vận động cho cơ thể và giúp thoải mái tinh thần. Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, việc tiếp tục tập trung vào điện thoại chỉ làm cơ thể trở nên mệt mỏi và chán nản hơn mà thôi.
Tôi đã áp dụng cách này rất nhiều lần mỗi khi chán viết. Những lúc đó, tôi thường dành thời gian 30 phút đến 1 tiếng chạy bộ. Nhờ vậy, đầu óc tôi như được làm sạch và có thêm không gian để điểm lại những công việc, suy nghĩ của mình. Không hiểu từ đâu, trong đầu tôi nảy ra nhiều ý tưởng và cảm giác chán viết cũng cứ thế đi mất.

Đọc sách

Nếu bạn không thích viết vậy thì hãy đọc sách.
Những lúc chán viết, tôi thường lôi sách ra đọc. Tùy vào tâm trạng lúc đó mà tôi sẽ đọc những thể loại sách khác nhau từ tiểu thuyết, ngôn tình cho đến phi tiểu thuyết. Vì cho dù đọc bất cứ thể loại nào, tôi tin mình vẫn có thể học được ít nhiều về câu văn từ tác giả.
Tôi đọc rất nhiều thể loại trong thời gian chán viết. “Ôm phản lao ra biển” của Tiếu sĩ Ngu Ngu là một trong những cuốn tôi ấn tượng nhất. Đó là một cuốn sách nói về tất cả mọi thứ nhưng cũng có thể không nói về thứ gì. “Đạo chán” là điều tôi thích nhất ở cuốn sách.
Một loại đạo đông dân nhất, ai cũng có thể vào nhưng không ai đứng đầu vì ai cũng chán để làm việc đó. Nhưng cũng nhờ chán mà khiến mọi người mày mò ra nhiều thứ để đẩy nó đi. Nếu chán không xuất hiện, thời gian đọc sách của tôi sẽ ít đi. Nếu không có chán, tôi sẽ không có nhiều thời gian tìm hiểu thêm về những lĩnh vực khác và đăng ký thêm nhiều khóa học bổ sung cho kỹ năng viết của mình. Dù gì đi chăng nữa, nếu suy nghĩ theo hướng tích cực, chán viết cũng giúp tôi rất nhiều thứ chứ không phải mỗi việc tiêu tốn thời gian của tôi.

Mặc kệ việc chán và viết

Tôi cho rằng việc mình cảm thấy chán viết có thể vì lúc đó bản thân đã suy nghĩ quá nhiều. Chúng đều là những suy nghĩ tiêu cực khiến tôi cảm thấy ngại và lười viết. Khi ấy, tôi thường nhắc nhở bản thân rằng: “Kệ bà nó”, ngồi vào bàn và hít một hơi thật sâu, sau đó bắt tay vào viết. Vì dù sớm hay muộn, tôi cũng phải hoàn thành công việc nên cách tốt nhất là dẹp hết tất cả suy nghĩ tiêu cực qua một bên và viết.
Khi đó, tôi nhận thấy rằng, chỉ cần viết được một câu đầu tiên, sự chán viết ngay lập tức biến mất. Viết đến đoạn thứ hai, sự hào hứng bắt đầu trở lại. Cái "đà" viết cứ thế giúp tôi hoàn thành xong bài.
Một cách khác giúp tôi bắt tay ngay vào việc viết đó là nhìn đồng hồ và nghĩ đến những việc sẽ làm sau khi hoàn thành bài viết. Đó sẽ là phần thưởng tôi dành cho chính mình nếu giải quyết công việc đúng thời hạn. Nhờ vậy mà tôi có động lực để làm hơn.

Kết

Bạn nên nhớ rằng bạn không thể nào triệt tiêu được sự chán. Bạn chỉ có thể lựa chọn chơi cùng nó hoặc lơ nó để tiếp tục công việc. Vì một ngày nào đó, cơn chán cũng sẽ quay lại chơi đùa với bạn.
Còn bạn, những lúc chán viết, bạn làm thế nào để có thể nhanh chóng quay trở lại công việc?