COVID-19 và chuyện giải trình tự gen Omicron
COVID-19 và chuyện giải trình tự gen Omicron
Bước sang năm COVID thứ ba, bất kể ngôn ngữ sắc tộc, bất kể văn hóa và nguồn gốc, chưa bao giờ trong lịch sử loài người, cả cái thế giới này đồng lòng công nhận COVID là từ phổ biến nhất trong cuộc sống. Vậy chúng ta, những người bình thường, sau 2 năm vỡ lòng với virus học, rốt cuộc đã học được gì:

Ai giải được trình tự gen?

Có rất nhiều yếu tố xoay quanh một đại dịch. Xét đến bản thân virus thì có 2 yếu tố bề nổi ta thường ưu tiên cân nhắc: bệnh lý và truyền nhiễm.
Bệnh lý, là về con người. Virus tàn phá cơ thể đến mức nào?Truyền nhiễm, là về bản thân virus. Nó có thể lan nhanh đến mức nào?
Để hiểu thấu đáo được sự tương quan của hai yếu tố này, ta cần đem chuyên môn miễn dịch học vào bàn luận. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào virus xem nó có gây bệnh cho cơ thể con người nghiêm trọng thế nào, thì để phục vụ cho việc minh họa một lý luận rất đơn thuần của tôi, thì đây là một đồ thị đơn giản chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh ở đây:
Rõ ràng hai yếu tố này của vi rút có quyết trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng. Dựa vào đó, tiêu chuẩn để được gọi tên vào nhóm 'quan ngại sâu sắc' của WHO cũng tương tự, dù được diễn giải tập trung vào ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng bằng 3 yếu tố:
Tăng truyền nhiễm hoặc tăng mức dịch bệnh của COVID-19; HOẶCTăng độc lực vi rút hoặc bệnh lý lâm sàng; HOẶCGiảm hiệu xuất của các biện pháp phòng, chống, chữa bệnh hiện có
Bên cạnh đó, bản thân vi rút còn có những yếu tố khác như bản chất sinh học của chính nó thâm nhập vào cơ thể, khả năng phản ứng với các thuốc và vắc xin.

Võ lâm cao thủ gọi tên ai?

Tính 'mới lạ' của Omicron đã được phân tích chi tiết ở Phần 1 (click vào link để xem). Khả năng thay đổi cục diện dịch COVID-19 mới là lý do Omicron tiến thẳng vào vòng đặc biệt. Đối chiếu lại với các mốc thời gian:
Ngày 24/11, Nam Phi báo cáo với WHO về nghi ngại biến chủng mới, lúc này vẫn còn đang có tên gồm chữ, số và ký hiệu, đủ tiêu chuẩn mật khẩu bảo mật cấp cao mà internet đòi bạn chọn.
Ngày 26/11, chỉ trong 2 ngày, biến chủng được WHO xưng vương, nhận tên hiệu omicron, chễm chệ kế vị của delta trong giang hồ.
Đùng một cái, nửa thế giới gọi tên Nam Phi nhưng không phải bằng một giọng điệu thân thương. Dừng chuyến bay, cấm nhập cảnh, Omicron gắn liền với chữ Nam Phi. Vấn đề nằm ở chỗ:
Ngày 30/11, các báo đồng loạt 'quay xe', than thở rằng Omicron đã 'hành tẩu' ở châu Âu cả tuần trước khi được báo cáo lần đầu rồi (phát hiện trên mẫu xét nghiệm thu thập sớm nhất vào ngày 19/11 ).
Đến nay vẫn không ai trả lời được câu hỏi chính xác là Omicron xuất hiện chính xác ở đâu, và khi nào? Điểm cốt yếu của câu chuyện này là SỰ ÂM THẦM của biến chủng cho tới khi các nhà khoa học ở Nam Phi chắc chắn rằng nó khác biệt và đủ mọi tiêu chuẩn 'quan ngại' của WHO. Nhờ đó khoảng thời gian từ 'nghi ngờ' tới 'chắc chắn' gói gọn trong vòng 2 ngày. Nhìn theo quy mô của cả thế giới khi mà ở mỗi thời điểm, giao thương và chống dịch luôn hoạt động không ngừng nghỉ theo vòng xoay của địa cầu, 2 ngày là một thành quả cực kỳ lớn, vì sự phát hiện này đưa ra cảnh báo ngay lập tức cho cả thế giới bắt đầu phản vệ. Tuy nhiên, đáp lại đóng góp to lớn đó, Nam Phi bắt đầu bị 'cách ly'.

Công thần chém trước

Nam Phi đã 'lật mặt' Omicron như thế nào? Nam Phi đã thành công giải trình tự gen và chỉ ra số lượng đột biến hùng hậu, đồng thời cũng định vị được đột biến ở đâu, để suy luận ra được biến chủng này đạt được 'tiêu chuẩn' nào trong barem của WHO. Có thể bạn không biết nhiều lắm về vấn đề kỹ thuật để hiểu được tính gặt hái và sự trách nhiệm của Nam Phi.
Báo cáo sớm. Không phải nước nào cũng có 'nghị lực' để báo cáo một cách nhanh chóng những đột biến mới trong kỳ đại dịch này vì chuyện cấm du lịch là một nguy cơ ai cũng thấy. Đại dịch vẫn đang còn, nhưng mỗi quốc gia vẫn còn phải miệt mài theo đuổi sự nghiệp 'ngoại giao' kéo dài hàng thế kỷ. Vì vậy, tính trách nhiệm của điều này nên là một ví dụ 'làm gương'
Và đáng tuyên dương thực sự là
2. Giải trình tự gen. Là một người làm khoa học đã ở một vài viện nghiên cứu trên vài nước khác nhau, có một sự thật là không phải ở đâu cũng có máy giải trình tự gen, genome sequencing. Đó là câu chuyện xa xỉ, thậm chí với những người nghiên cứu chuyên sâu, đừng nói chi tới những nước đang phát triển. Tuy WHO đưa ra khuyến khích mỗi nước nên cố gắng giải trình tự 5% số mẫu bệnh thu được, sự thật là số lượng máy móc và người được trang bị kỹ năng cho một kỹ thuật chuyên môn cao như vậy là vô cùng hạn chế. Bên cạnh đó với công cuộc chống dịch đang cam go, phần lớn các tài nguyên kỹ thuật được dồn vào những nhiệm vụ 'thực tế một cách trực tiếp' hơn như xét nghiệm qPCR số lượng lớn hay thậm chí nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa, việc một nước vẫn nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của WHO và sắp xếp nguồn lực để đảm bảo việc giải trình tự gen là cực kỳ đáng hoang nghênh.
Lật lại một trường hợp khác, khi các yếu tố ta đã biết rõ của dịch bệnh (bao gồm về vi rút) đã được cân nhắc vào mô hình dự đoán, và làm cơ sở cho các nhà cầm quyền quyết định chính sách chống dịch. Đại dịch vẫn còn đang hoành hành kéo dài và có những diễn biến hoàn toàn 'trật đường ray' của mô hình dự đoán của các nhà dịch tễ học, đó là lúc các nhà khoa học đặt ra câu hỏi: ta đã BỎ LỠ điều gì? Rất có thế, là những biến chủng cũng 'đáng quan ngại' nhưng chưa từng được gọi tên vì một nước nào đó ... thiếu một cái máy.
Chuyện đối ngoại của quả đất như thế nào thì thôi để các nhà lãnh đạo lo. Đến thời điểm này, sau 1 tháng vào ngày 25/12, số lượng các nước gọi tên Omicron đã lan ra hầu như là toàn thế giới. Vương Quốc Anh đã chỉ ra 72% ca bệnh có nguy cơ là Omicron, ở Mỹ là 73%, xác nhận lại những nhận định Nam Phi đóng góp từ rất sớm là chính xác, tiếp kiệm thời gian cho các nước điều chỉnh chính sách chống dịch nhanh chóng. Lợi ích đem lại từ việc tiết kiệm thời gian này không thể đong đếm được qua những con số (vì thú thật chỉ có 1 đại dịch xảy ra, không lấy đâu ra cái thứ 2 để đối chiếu). Ta rút ra được gì?
Sức mạnh của Khoa học, cụ thể là ĐẦU TƯ vào khoa học chính là chìa khóa của câu chuyện này. Không phải tự nhiên vì Omicron xuất hiện mà Nam Phi có 1 cái máy, và người chạy cái máy. Sự thật là NHỜ Nam Phi có cơ sở vật chất nên ta nắm thóp được Omicron. Nếu không, viễn cảnh sẽ là đùng 1 cái, số ca tăng đột biến (chính xác là như hiện nay) và không ai biết vì sao, ta sẽ tiếp tục đi sữa lỗi ở những chỗ không hề đang lỗi: trong chống dịch, đổ tội cho vắc xin kém hiệu quả, thậm chí có khả năng là một luận điểm nặng cân để lật đổ nền tảng vắc xin (Vì thấy chưa! Nó có giúp gì đâu!).
Vậy nên, lời cuối, mình xin góp 1 ý kiến nho nhỏ rằng trong suốt thời gian 2 năm vừa qua sống cùng đại dịch, mình chỉ có một ước mơ nhỏ bé là tiếng nói của khoa học được ghi nhận kịp thời và đúng mực trong từng đường đi nước bước của chính sách. Vì những bằng chứng về đóng góp của khoa học trong thời gian vừa qua là không thể chối cãi. Thật ra trong lịch sử loài người đến nay, khoa học luôn có một vị trí nhất định trong nhận thức, chẳng qua là, khi áp dụng vào hành động, đôi khi lại chưa được trân trọng ở tầm cao cần thiết. Vậy đây chính là lúc ta nên đặt lại ngôi vị cho khoa học thôi.