[Lại chuyện nhân sinh quan COVID] - P1. Thành viên mới Omicron có đáng ngạc nhiên như ta tưởng?
Ôi Omicron! Nhưng 3 năm rồi, chúng ta còn đi ngạc nhiên về cái gì nữa? Chuyện biến thể thật ra nghiêm trọng tới mức nào? Bài viết nằm trong chuỗi 3 vấn đề nhân sinh quan về COVID.
▲
Bước sang năm COVID thứ ba, bất kể ngôn ngữ sắc tộc, bất kể văn hóa và nguồn gốc, chưa bao giờ trong lịch sử loài người, cả cái thế giới này đồng lòng công nhận COVID là từ phổ biến nhất trong cuộc sống. Vậy chúng ta, những người bình thường, sau 2 năm vỡ lòng với virus học, rốt cuộc đã học được gì:
Omicron là chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp
Ủa chúng ta thật sự đã đếm tới 15 sao? Người ta có một câu đùa trên Twitter là, trước khi COVID kịp giết chết nhân loại, thì ít nhất nhân loại đã đạt được 1 thành tựu mới: người người học thuộc bảng chữ cái Hy Lạp! Nếu mà xếp chữ to với nhỏ lại với nhau, theo kiểu Wikipedia, thì ta được cái hình này
Quả nhiên miêu tả được tâm trạng của mỗi chúng ta khi giật mình nhận ra chúng ta đã đi bao xa trên chặng đường Covid phải không nào. O.o --> ngạc nhiên, hốt hoảng, hết hồn!
Đã tới số 15 (thật ra là chỉ có 13 chủng), đã không còn đếm trên 2 bàn tay, giờ ta vận dụng cả ... bàn chân mới đếm được, vậy ta còn gì mà phải ngạc nhiên? Muôn lần như một, cái ngày mai của ngày phát hiện ra biến chủng mới, báo chí lại tiếp tục 'lo lắng rằng có lẽ' vâng vâng và mây mây. Trong khi đó, những người có hiểu biết khoa học đều đã hiểu được, quá sớm để thu thập thông tin trong 1 ngày để dự đoán tương lai.
Chúng ta còn ngạc nhiên cái gì?
Thành thật mà nói, trong 13 chủng phát hiện, có 5 chủng được liệt vào loại 'lo ngại' theo danh sách của WHO(1). Và đó là lý do Omicron được réo tên ồn ã, sau 1 thời gian dài im ắng từ màn 'chào sân' của Delta từ tận tháng 5 năm 2021. Tuy nhiên, khi nhìn rộng ra vấn đề thì 'quân số' của các chủng COVID là trên 10. Vậy phải thành thật mà chấp nhận rằng, 'biến chủng' không phải là một điều quá siêu nhiên. Dù việc một biến chủng được tạo ra là do 'đột biến', nhưng ta đang nói về một vật thể bé xíu, không phải tập đoàn X-men. (Nhắc nhỏ, bản thân virus không mang sự sống và không thể tự sống, nên không được gọi là sinh vật!) Vậy, đột biến có nên làm ta bất ngờ?
Độ dài của gen SARS-CoV2 được xác định trong năm 2019 là dài 29,811 nucleotide (2). Điều đó có nghĩa là theo lý thuyết, ta có tới 29,811 'cơ hội' để đột biến, và (đây là phần sinh học nên bạn có thể nhảy qua tới thẳng kết quả) vì có tới 3 lựa chọn để đột biến thành, nhưng lại trừ ngược lại tính 'trừ hao' đã được thiết kế sẵn trong hình thành gen, thì thôi để dễ hiểu, ta cứ coi như có cả chục nghìn khả năng đột biến có thể xảy ra nếu biến thể chỉ khác có 1 điểm so với gen ban đầu. Trong sinh học, vật thể càng nhỏ thì tốc độ nhân đôi càng nhanh, mỗi lần gen của virus nhân đôi thì nó lại có chừng đó 'cơ hội' để sai, là đột biến. Vì vậy, đột biến là một phần tự nhiên, virus luôn đột biến! (và cây thông Noel cũng vậy, chỉ chậm hơn!)
Tuy nhiên, tự nhiên không hề bất công với bất kỳ sinh vật hoạt ký sinh vật nào. Tương tự như đột biến trên động vật có thể gây hại, tương tự hàng trăm triệu đột biến có thể gây hại cho virus và những trường hợp sống sót là những trường hợp 'gây lợi'. Nhất là trong thời điểm này, khi mà 55% dân số thế giới đã được chích mũi vắc xin đầu tiên(3). Cơ thể con người đã được tăng cường miễn dịch bằng vắc xin, và cũng vì thế nên đã quét được một số lượng lớn các đột biến 'yếu' ra khỏi hệ thống. Bằng chứng là có những biến chủng khác thuộc dạng 'đang quan sát xem lợi hại đến đâu' trong danh sách của WHO, và có những biến chủng lẻ tẻ được đăng ký tham dự cuộc chơi và rồi bị loại ở vòng ... gửi xe. Vì nó không đủ sức vượt 'kỷ lục' ban đầu của chủng đầu tiên!
Ví dụ nhỏ: Khi tôi học đại học, bài thí nghiệm vỡ lòng cho môn Vi sinh chính là dùng kháng sinh ampicilin (giết được vi khuẩn) để kiếm tra xem sau 1 ngày 1 đêm thì bao nhiêu con vi khuẩn sẽ biến hình để sống sót sau kháng sinh. Tất nhiên với một dân số vi khuẩn vài triệu con ban đầu, chỉ có khoảng 1 trăm con sống sót. Sau khi bở hơi tai đếm được đúng chính xác tới hàng đơn vị của hơn 1 trăm con đó, chúng tôi hồ hởi thấy thí nghiệm khá thành công, vì chứng minh được kháng sinh giết vi khuẩn (phần lớn!), nhìn sang thấy giáo sư đang cầm đĩa nuôi cấy mà thở dài: mấy con này đáng lẽ phải chết, tốc độ đột biến như vậy là quá nhanh!
Mấy con vi khuẩn của chúng tôi chỉ may mắn vô tình có đúng đoạn gen thường bị kháng sinh tấn công mà đột biến, vậy là thoát. Bản thân Omicron, chỉ làm ví dụ, cùng 1 lúc có 30 đột biến trên chỉ khu vực 'gai' của virus. Điều này làm nó trở nên hung hăn và nhanh nhẹn hơn trong việc xâm lấn cơ thể. Omicron, hay trước đó là Delta, đều có những tiêu chí của WHO để xếp vào dạng: Đáng lo ngại. Những tiêu chí này là gì sẽ được bàn vào Phần 2 của series này (Click vào link để xem). Và đó cũng chỉ ra điều mấu chốt: không phải là có đột biến hay không mà là đột biến ở đâu!
Vậy đâu là nguyên nhân?
Tôi đã tránh nói thẳng ra vấn đề này trong suốt quá trình nói chuyện về COVID từ năm 2021. Nhưng soi xét lại bản chất Sinh học và Toán học của vấn đề, và vì giờ đã qua năm thứ 3 rồi, tính tới mức độ 'quen thuộc' của chúng ta với COVID, tôi đã bớt ngần ngại hơn để đưa ra nhận định mà bản thân tôi sẽ cảm thấy mình hơi vô trách nhiệm nếu nói ... năm ngoái:
'CHÚNG TA ĐÃ CHO COVID QUÁ NHIỀU CƠ HỘI'
Thật vậy, cứ thêm một người nhiễm COVID là ta đã cho con virus thêm một chỗ chứa để có thời gian và cơ hội để 'biến hóa'. Những tác nhân để kéo dài 'cuộc dạo chơi' không hề vui vẻ này của COVID có thể chỉ mặt đặt tên là tiêm vắc xin chậm và tiếp xúc giữa người với người.
Vì vậy, đây là một 'cuộc chơi' của tất cả những sinh vật có cùng chủng 'loài người' trên Trái đất, miễn là lây được cho nhau. Câu chuyện tôi sống ở châu Âu hay anh sống ở châu Phi không còn đủ để vạch ra khoảng cách an toàn nữa, đây không phải là chuyện khí hậu, hay ẩm thực! Vì mỗi một con người là một cơ hội cho virus, vậy nên mỗi sáng thức dậy, thay vì bàng hoàng về một cái tên mới, ta hẳn nên bàng hoàng là chúng ta vẫn còn phải nghe tên!
(1) https://www.who.int/en/activities/tracking-SARS-CoV-2-variants/
(2) https://journals.asm.org/doi/10.1128/MRA.00169-20
(3) Mathieu, E., Ritchie, H., Ortiz-Ospina, E. et al. A global database of COVID-19 vaccinations. Nat Hum Behav (2021). Số liệu ngày 06 tháng 12 năm 2021
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất