Lá thư tình gửi Hà Nội.
Hà Nội, một trong những thành phố lớn nhất cả nước, mà theo cá nhân tôi Hà Nội là thành phố tuyệt với nhất. Có thể các bạn sẽ nói...
Hà Nội, một trong những thành phố lớn nhất cả nước, mà theo cá nhân tôi Hà Nội là thành phố tuyệt với nhất.
Có thể các bạn sẽ nói rằng: Hà Nội giao thông hỗn loạn, hay tắc đường mà vào lúc trời mưa hay thời điểm tháng 6 tháng 7 thì nó lại ối dồi ôi. Rác thải thì nhiều, cũng không được vệ sinh như Đà Nẵng hay Sài Gòn. Nếu so về sự hiện đại thì Sài Gòn hơn nhiều.
Nhưng tại sao ? Tại sao tôi lại yêu Hà Nội nhiều như vậy ?
Có những ngày cuối tuần mùa thu Hà Nội lại hiện lên đẹp một cách lạ thường. Không hiểu sao tôi lại mê mẩn cảm giác được dạo chơi trên những con Phố Cổ của Hà Nội, đặt chân vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ bằng vải, bằng gốm mà đâu đó hiện lên một vài nét xưa cũ trong kiến trúc. Đi dạo quanh Phố Cổ có thể nhìn thấy những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống của Phật giáo, Đạo giáo nằm kế bên những ngôi nhà kiến trúc phương Tây vào giữa thế kỉ XX.
Phố Cổ hiện lên một cách độc đáo, không thể không kể tới những món ăn mà đã trở thành thương hiệu như bún mọc, bún chả, bún đậu,… những quán ăn tồn tại ở trong khu phố này có khi tới hàng nửa thế kỉ, phục vụ những món ăn truyền thống của người Việt trong những con hẻm bé tẹo mà thình thoảng lại có một chiếc xe máy đi qua, nếu xét về tiêu chuẩn các nhà hàng phương Tây thì nói thật nó chẳng đạt được một điểm nào, nhưng sao tôi lại mê mẩn những món ăn ấy đến vậy, mà phải ăn ở quán đó, ngõ đó, thỉnh thoảng phải có một chiếc xe máy đi qua thì nó mới đúng vị.
Hà Nội tuy nhiều người nhập cư từ những vùng khác tới, có thể các bạn sẽ nghe tới những câu chửi, những sự vô văn hóa trong lối sống cũng như cách ăn nói. Nhưng đâu đó thỉnh thoảng, bạn sẽ được gặp những người Hà Nội chính gốc, có thể là một bác bán nước, một bác bán bún, một bác xe ôm,… Có lần tôi cùng đám bạn vào nghỉ chân trong một quán trà chanh, quán cũng không to ( nếu không muốn nói là khá nhỏ, chắc chỉ rộng khoảng 2m50) Chủ quán là một bác gái, bác hỏi chúng tôi uống gì bằng một giọng rất mềm và lịch sự, sau đó bác mời chúng tôi lên trên tầng 2 để nghỉ ngơi chờ nước. Sau khi chúng tôi gọi nước thì anh con trai của bác lên báo với chúng tôi là hiện tại nhà đang hết mất trà đào nên thay vào đó chúng tôi có thể gọi một loại thức uống khác. Dĩ nhiên là con trai của bác cũng rất lịch sự và làm cho tôi cảm thấy rằng đây mới đúng là những con người Hà Nội, họ làm công việc phục vụ này không biết bao nhiêu năm mà dường như họ đều cảm thấy vui vẻ trong tâm hồn mà không hề bất mãn với sự phát triển thần tốc của mọi thứ xung quanh. Bằng chứng là các bạn có thể tới những quán ăn nổi tiếng ở Hà Nội ( google ra thì có mà một đống). Đặc điểm chung của những quán ăn đó đều là việc họ duy trì được chất lượng sản phẩm, họ làm cho thực khách cảm thấy rằng họ sinh ra là để làm công việc này, không một chút chán nản và kêu than. Nếu phân tích sâu một chút thì nó giống với triết lý IKIGAI của người Nhật- Họ tìm thấy sự yên bình và hạnh phúc trong cuộc sống, mỗi ngày lao động là một ngày họ được sống.
Tôi yêu Hà Nội kể cả sự hỗn loạn của nó, từ cảm giác chạy xe vào lúc 21h30 trên đường Nguyễn Trãi tới cảm giác đang ngồi nhậu ở một quán ven đường rồi đột nhiên chủ quán lẫn khách nhậu mang cả bia cả mực cả chiếu chạy vụt đi để tránh trật tự phường.
Tôi yêu cảm giác đứng xếp hàng để được ăn bát phở ở quán Phở 10 Lý Quốc Sư. Tôi yêu cảm giác ngồi trà chanh Nhà thờ trong một ngày chủ nhật mùa đông. Tôi yêu cả sự sôi động nhưng pha chút cổ kính của phố đi bộ Hồ Gươm những ngày cuối tuần. Tôi yêu em – Hà Nội.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất