Là bạn hay là bè?
Hôm nay ngồi nghe lại "Vợ ơi anh đã sai rồi" của Quái vật tí hon mà thấy chạnh lòng. Là bạn hay là bè, mình cùng nhau lè nhè, cho...
Hôm nay ngồi nghe lại "Vợ ơi anh đã sai rồi" của Quái vật tí hon mà thấy chạnh lòng.
Là bạn hay là bè, mình cùng nhau lè nhè, cho nhau câu vè câu đối, bạn ơi tôi đã say rồi.
Không phải theo hướng vì men rượu say quên bát cơm đầy theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa bóng với "men rượu say" là sự giả tạo đầy toxic và "quên bát cơm đầy" chính là bản thân của mình. Sự say ở đây là để chỉ những ảo giác trong một mối quan hệ, mà bạn cho rằng mình "được" nhiều thứ, mình trở nên tuyệt vời hơn, tốt đẹp hơn.
Mối quan hệ Toxic
_Cô A không giỏi giang, nhưng cô nhất quyết phải chơi với cậu B, cô C nào đó giỏi giang hơn cô, để cô được cậy, được nhờ, được mở mang và học hỏi._Cậu B, cô C tuy giỏi giang trong mắt cô A, nhưng lại cực kì kém cạnh so với D, với E nào đó và thế nên họ lại cậy nhờ ở D, E để học hỏi mở mang rồi sau đấy quay lại với A để cảm thấy mình không phải ở tầng đáy của xã hội.
Các mối quan hệ kể trên, dù cho các bạn định nghĩa nó là cái gì, thì trong mắt của tôi mãi mãi nó chỉ là những mối quan hệ toxic không hơn không kém, khi mà mỗi cá thể tụ hợp lại với nhau trong một vòng xoay để tự tôn cái đẹp của mình lên, và lấy niềm vui từ cái xấu của kẻ khác.
Cụ thể giữa A,B và C là một vòng tròn khép kín; B và C giấu kín sự tồn tại của D và E trong mắt A để họ luôn là kẻ xuất chúng, hoặc họ chỉ trích D và E như những kẻ trịch thượng bề trên chẳng hạn. Còn khi ở cùng với D và E thì cô cậu B, C lại ngoan như cún, lại xỉ vả A như tầng đáy của xã hội, như một ví dụ cho sự thất bại trong cuộc sống.
Có một lần, có một cô bạn cũ cấp 3 của tôi post một câu status trên Facebook, và ngay từ lúc tôi thấy câu ấy, tôi bấm nút unfriend chỉ trong 1 giây không đắn đo suy nghĩ.
A friend in need is a friend indeedNgười xuất hiện giúp đỡ ta lúc hoạn nạn là bạn bè thật sự
Đọc thêm:
Về mặt ngữ nghĩa thì câu nói này không có vấn đề gì, nhưng vấn đề là nó xuất phát ra từ miệng của kẻ nào, với cách đối nhân xử thế và sử dụng các mối quan hệ để vượt lên trên trong cuộc sống như thế nào. Và dĩ nhiên cũng phải xem "người bạn" xuất hiện ở đây với mục đích và động cơ như thế nào. Thế nên tôi mạn phép sửa lại câu nói trên thành:
A person in need is either:_A person who helps to get a favor back later._Or a friend who appears to help and wouldn't even mention about it.Một người xuất hiện lúc hoạn nạn thì hoặc là:_Một người giúp ta để được trợ giúp lại sau này._Hoặc một người bạn xuất hiện để giúp đỡ và sau này chả buồn nhắc về việc đó lần nào nữa.
Đối với tôi thì một mối quan hệ đầy ân huệ chỉ là mối quan hệ cộng sinh, hợp tác, giống như đối tác kinh doanh, giống như đối tác trong cuộc sống, giống như một cộng đồng bảo vệ lẫn nhau để cùng lớn mạnh và bảo vệ cho lợi ích đôi bên với tiên chỉ rằng lợi ích đấy không mang lại bất lợi cho bản thân mình. Sự thể hiện rõ ràng nhất trong mối quan hệ cộng sinh này, các bạn có thể nhìn thấy trong cuộc sống hàng ngày, hoặc rõ nhất là trong tác phẩm kinh điển "Bố Già" với nhân vật Don Vito Corleone. Một ân huệ được ban ra, thì phải có một sự báo đáp tương đương hoàn trả lại, nó khác việc kinh doanh ở chỗ đôi lúc sự báo dáp không phải là tiền bạc.
Vậy như thế nào mới là tình bạn?
Tôi xin phép dựa vào định nghĩa của tình bạn trên Wikipedia:
Tình bạn là mối quan hệ tình cảm hai chiều giữa con người với nhau.
Tức là ngoài tình cảm ra, thì tất cả những khía cạnh như:
_Để thấy mình đẹp hơn, thông minh hơn, giỏi giang hơn._Để bản thân khỏi thấy mình nằm chót sổ._Để bản thân khỏi cô đơn, để có bạn mà chơi cùng._Để cậy nhờ học hỏi, đặng thăng tiến trong cuộc sống.
đều là dấu hiệu của một mối quan hệ cộng sinh, khi mỗi bên đều lấy của bên kia một ít để bản thân có thể tiếp tục tồn tại, nếu không phải là về mặt vật chất, thể xác thì là về mặt tinh thần.
Thứ duy nhất dành cho bản thân mình mà tôi chấp nhận trong một mối quan hệ tình bạn đó chính là tình cảm ấm áp, sự an tâm và chắc chắn mà mình có được qua mỗi lần tiếp xúc với họ. Hết! Ngoài ra tôi không "cần" họ cho bất cứ điều gì trong cuộc sống, không cần phải bốc điện thoại mỗi lúc tôi cần gọi, không cần bắt buộc phải có mặt trong đám cưới, cũng không cần phải tiễn nhau đi trong đám tang. Chỉ cần họ xuất hiện trong cuộc sống này và mang lại sự ấm áp cho tôi, như thế là đủ!
Đọc thêm:
Quy tắc 3 lần của tôi
Bản tính con người vốn phức tạp, nên chỉ với một lần đánh giá, tôi sợ bỏ sót đi nhiều khía cạnh tốt của họ, hoặc chỉ vì một lý do nào đó mà họ phải hành xử như thế. Và sau 3 lần thì chính tay tôi tiễn họ khỏi cuộc sống của mình. Quy tắc này được đặt ra từ lúc tôi quyết định hạn chế số lượng người trong friendlist Facebook của mình từ khoảng 1000 xuống còn hiện tại là 170 người.
Về lịch sử xuất hiện của cái quy tắc 3 lần này thì đơn giản vì tôi đã từng ở trong một mối quan hệ bạn bè toxic, nơi mà tôi thành cái thùng rác khi họ buồn rầu, cơ khổ, sa ngã, đăm chiêu và thu về thành cái bóng đen khi họ đã lấy được sự tự tin trở lại. Một mối quan hệ như vậy để làm gì khi mỗi ngày trôi qua đều phải nhìn vào phản ứng của họ, mong họ cũng xem mình quan trọng đối với họ giống như họ cực quan trọng đối với mình, phải nghĩ xem liệu mình có làm gì đó sai sót, có phải thay đổi điều gì ở bản thân nữa hay không.
Cuối cùng không phải vấn đề nằm ở tôi, mà vấn đề nằm ở chỗ ngay từ đầu họ đã chẳng coi tôi là bạn, đã chẳng coi tôi là một phần trong cuộc sống, trong cái vòng tròn khép kín của họ. Thế nên kể từ đó về sau nếu có ai đó nói với tôi rằng:
Chào mừng đến với hội abcxyz bla bla bla! Hãy cảm thấy vinh dự.
là tôi lại thấy rùng mình nổi da gà. Tôi không muốn thuộc về bất cứ một hội nhóm hay vòng tròn khép kín nào, được mời đến vì những giá trị của bản thân, phải chứng minh được mình có gì đó để được gia nhập, và sẽ bị cho vào quên lãng khi những giá trị của mình không phải là thứ mà họ cần nữa.
Tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao các bạn trẻ bây giờ cứ phải bám vào một hội nhóm nào đó, để rồi ôm một mớ toxic ấy về mình, sau đấy lại đi rải rác cái sự toxic đấy trong một hội nhóm khác, để rồi cứ mãi than vãn rằng cái lũ này là bè chứ không phải bạn. Chính các bạn tạo điều kiện nuôi dưỡng con quỷ trong họ, tạo điều kiện để họ cảm thấy mình xuất chúng hơn, tạo điều kiện để họ hé nửa con mắt ngó xuống mình co quắp phía dưới cơ mà? Chính sự ham muốn được công nhận, được "chào mừng gia nhập hội" của bạn đã khiến bạn phải soi bản thân mình trong đáy mắt kẻ khác, những kẻ mãi mãi chỉ nhìn vào bạn với tư thế bề trên, hoặc với tư thế xun xoe nhờ cậy, bợ đỡ xu nịnh.
Nếu bạn biết mình là ai, bạn sẽ tìm được bạn. Nếu bạn không biết bản thân mình muốn gì, có thế mạnh nào, điểm yếu ở đâu, thì phản ứng đầu tiên sẽ là cố gắng soi qua một cái gương để nhìn thấy. Và cái gương ở đây như tôi nhiều năm trước đã làm: trong đáy mắt của kẻ khác, ấy là lúc bạn nhìn thấy cái tôi của mình méo mó, vặn vẹo và vô nghĩa đến đáng thương.
Tôi tự tách bản thân mình ra khỏi các "hội nhóm" kể từ lúc mình nhận ra rằng giá trị của bản thân không thể nào được phản ánh qua các mối quan hệ được. Rằng tôi thà đứng một mình, mạnh mẽ và kiên cường, còn hơn là một kẻ yếu đuối phải đứng trong một đám bè để "cậy nhờ", để bản thân cảm thấy xuất chúng hơn.
Tại sao con người không thể cứ sống với nhau bằng tình và nghĩa nhỉ?
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất