LÒNG TRẮC ẨN TRONG DẠY HỌC
Quyển ‘The elements of teaching’ của nhóm tác giả James M. Banner và Harold C. Cannon có bàn đến một phẩm chất rất quan trọng trong...
Quyển ‘The elements of teaching’ của nhóm tác giả James M. Banner và Harold C. Cannon có bàn đến một phẩm chất rất quan trọng trong nghề dạy học: Lòng trắc ẩn (Compassion). James và Harold nhấn mạnh “Những người thấy khó khăn trong việc chấp nhận chỗ đứng của lòng trắc ẩn trong lớp học, những người không chấp nhận những cảm xúc đồng cảm, hay những người thích công việc kiếm sống của mình thuần tuý là về lý trí nên dứt khoát tránh xa nghề daỵ học.” Từ “compassion” có nguồn gốc từ tiếng Latin “pati”, nghĩa là “trải qua sự đau khổ” (suffer), và tiền tố “com-”, nghĩa là “cùng với” (with). Vậy “Compassion”, xuất phát từ “compati”, mang nghĩa “cùng trải sự đau khổ với ai đó.”
Hôm trước mình có chia sẻ về việc một cô giáo nọ “tế” một bạn sinh viên lên trang cá nhân vì cho rằng bạn này viết email với ngôn từ và cách hành văn không phù hợp và doạ sẽ “xử” bạn ấy sau đó. Khoan nói đến ai đúng/ai sai vì vấn đề đúng sai trong câu chuyện này rất cảm tính, mình cho rằng đây là một hành động thiếu lòng trắc ẩn vì cô giáo đã phơi bày sự ngu dốt của em sinh viên kia (theo đánh giá chủ quan của cô), đáng lẽ ra chỉ được thấy bởi cô, trước mắt rất nhiều người bạn khác và một vài người trong số họ đã có những lời lẽ mà mình tin chắc đã khiến em ấy tổn thương hơn rất nhiều lần so với những lời góp ý thẳng thắn từ cô (nếu có). Câu chuyện này làm mình nhớ tới một câu khác cũng trong quyển “The elements of teaching”: Lòng trắc ẩn là cơ sở cho sự kiên nhẫn cần thiết của giáo viên; dù học sinh có ngớ ngẩn và luộm thuộm như thế nào thì lòng trắc ẩn đảm bảo rằng giáo viên, thay vì miệt thị hay khinh rẻ, sẽ tỏ ra lượng thứ và hiểu biết. Đúng thật vậy, thay vì trao đổi/góp ý, cô đã lựa chọn tước đi quyền được giải thích của bạn sinh viên kia và đồng thời giao quyền phân xử đúng/sai cho cộng đồng mạng và hẳn nhiên cô đã mong muốn tìm kiếm sự đồng tình rằng bạn sinh viên kia có vấn đề trong giao tiếp ứng xử. Vậy nếu phải so sánh hành động này của cô với định nghĩa về “compassion” ở trên thì rõ ràng cô đã hoàn toàn đứng ngoài “sự đau khổ” (suffering) của bạn sinh viên kia.
Vì giáo viên cũng là con người, việc thỉnh thoảng vì một lý do nào đó phải nổi đoá với học trò của mình là chuyện hết sức dễ hiểu. Mình không tin có bất kỳ một ai mong đợi rằng giáo viên không được phép có cảm xúc tức giận, vì đó là chuyện bất khả. Việc nổi giận hay không trong hầu hết các trường hợp không do người dạy quyết định nhưng cách ứng xử ra sao cho phù hợp, có đạo đức và thể hiện được lòng trắc ẩn thì lại là một lựa chọn của họ, mặc dù để có thể đưa ra được một lựa chọn thông minh đòi hỏi sự luyện tập trong dài hạn.
Vậy, giáo viên cần làm gì để trở nên dễ cảm thông hơn với học trò của mình?
(1) Mỗi người học có cho mình một câu chuyện
Những cuộc nói chuyện nhỏ nhưng thường xuyên có thể giúp giáo viên phần nào trong việc hiểu người học của mình không chỉ về nhu cầu học tập mà cả các vấn đề khác trong cuộc sống. Đằng sau cánh cửa lớp học là rất nhiều câu chuyện đời thường mà mỗi người học mang đến lớp. Chính những cảm xúc đó đã và đang định hình cách học và thái độ học tập của các bạn. Đôi khi không phải vì bạn quên làm bài tập về nhà mà có thể tối qua bố mẹ bạn cãi nhau rất to khiến bạn mất ngủ cả đêm. Đôi khi không phải vì bạn không thích môn học nên hay nằm dài trên bàn mà vì những trải nghiệm với môn học được mang lại bởi những giáo viên trước đó không được mấy tốt đẹp. Nếu giáo viên có thể nhìn thấy được những điều này, hẳn họ sẽ có ít lý do hơn để nổi nóng và nhiều lý do hơn để kiên nhẫn. Tuy nhiên, không phải mô hình lớp học nào cũng cho phép giáo viên hiểu rõ câu chuyện đằng sau mỗi người học của mình. Sẽ rất khó để giáo viên làm được điều này nếu lớp học quá đông hoặc thời gian lên lớp của họ quá ít.
(2) Người dạy cũng từng là người học
“Giáo viên nào quên rằng để đạt được trình độ thông thạo hiện nay là một điều rất khó khăn và phải khép mình vào kỷ luật thì giáo viên đó sẽ không bao giờ là những giáo viên thành công và hạnh phúc.” Những hồi tưởng về khoảng thời gian khó khăn mà mình đã phải trải qua với môn học trước khi trở thành người truyền đạt kiến thức như bây giờ cộng với sự nhắc nhở thường trực rằng các em ngồi ở đây vì các em chưa giỏi sẽ giúp giáo viên kiên nhẫn hơn với những sai lầm ngờ nghệch của người học và giúp họ trở nên bao dung và dễ cảm thông hơn.
(3) Chấp nhận mỗi người học là một cá thể riêng biệt
Việc nhận định tất cả người học là giống nhau về mặt trí tuệ và cảm xúc sẽ giết chết sự bao của người dạy và làm cho người học không thể học. Giáo viên có thể hiểu biết nhiều hơn về người học của mình thông qua việc nói chuyện trước và sau giờ học như đã đề cập ở (1). Việc chấp nhận sự khác biệt to lớn ở mỗi người học và một tinh thần cởi mở để nhận ra và bỏ đi các định kiến sẵn có của bản thân sẽ giúp người học nhận ra rằng giáo viên của họ có vai trò nhiều hơn chỉ là người truyền tải kiến thức.
(4) Nhận thức rằng một câu nói của giáo viên trong ba giây có thể đi theo người học cả đời
Có không ít những câu chuyện về những lời nói của giáo viên làm tổn thương sâu sắc người học và đi theo họ trong suốt quãng đời còn lại. Việc dán nhãn hay đùa cợt thái quá khi gọi học sinh bằng một cái tên khác mà không có sự đồng tình của họ đôi khi lại là nguyên nhân khiến học sinh thôi đến trường. Giáo viên cần ý thức được sức mạnh của từng lời nói mà họ thốt ra, những lời nói đó có thể chắp thêm đôi cánh cho một chú rùa chậm chạp nhưng cũng có thể bẻ gãy đôi chân của một chú ngựa chiến.
Chúc chúng ta sẽ ngày càng bao dung với nhau hơn
24/4/2023
han.fearless
Giáo dục
/giao-duc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất