LÀM SAO ĐỂ BIẾT MỘT NGÀNH HỌC CÓ TRIỂN VỌNG KHÔNG?
- Ngành Thương mại điện tử có tương lai hông? ...
- Ngành Thương mại điện tử có tương lai hông?
- Có nên học ngành Marketing hông?
- Học Quản trị kinh doanh ra trường có dễ tìm việc làm hông?
- Giờ học Kế toán thì đến khi ra trường thì công việc này có bị máy móc thay thế hông?
- Học XXX thì ra trường YYY?
Đây là dạng câu hỏi thường hay gặp nhất khi chúng ta chuẩn bị đưa ra quyết định chọn ngành học. Thật sự, đây là một câu hỏi rất rất khó. Khoảng 10 năm trước khi chuẩn bị chọn ngành học thì mình cũng hỏi câu tương tự vậy thôi vì thật sự là không thể tưởng tượng ra được cảnh sau này đi tìm việc thực tế sẽ như thế nào. Thế nên mình cũng hiểu được phần nào những băn khoăn mà nhiều bạn đang gặp phải.
Và kể cả các bạn sinh viên, đang ngồi trên giảng đường và học các kiến thức về ngành, đôi khi cũng không rõ quyết định của mình là đúng hay sai, dù là rất thích ngành học nhưng cũng hông biết là học thế này thì ra trường có tìm được việc làm tốt đúng trong ngành hông hay lại phải nhảy ngành.
Bài viết này sẽ dành cho các bạn có những trăn trở tương tự để các bạn có thể tự mình biết được là ngành học mình định chọn hay đã chọn nó có tương lai hay không. Và tất cả đều là từ kinh nghiệm thực tế mình có được sau khoảng thời gian học đại học và thêm mấy năm dấn thân vào thị trường lao động.
1. Xác định chính xác đầu ra của ngành học
Vấn đề đầu tiên và cơ bản nhất là phải xác định được đầu ra của ngành mà mình định học là gồm những công việc gì, hay dễ hiểu hơn là đi trả lời câu hỏi "Học ngành này thì ra trường làm được những nghề nào?" vì đôi khi tên của một ngành học có thể không thể hiện hết được các vị trí công việc mà các bạn sẽ được làm khi ra trường đâu.
Ví dụ thế này nhé: 1 ngành học rất phổ biến và có rất nhiều bạn chọn - QUẢN TRỊ KINH DOANH. Có phải học QTKD thì ra sẽ làm giám đốc như nhiều người vẫn nghĩ? Thực tế QTKD, như các bạn cũng biết, là một ngành khá rộng nên kiến thức sẽ liên quan đến nhiều lĩnh vực, cũng vì vậy nên đầu ra khá đa dạng, có thể kể đến các vị trí cụ thể như:
- Chuyên viên kinh doanh (hay gọi là làm sales)
- Chuyên viên nghiên cứu thị trường
- Chuyên viên chăm sóc khách hàng
- Chuyên viên marketing
- Chuyên viên tuyển dụng...
Hoặc học một ngành không quá rộng như Kế toán thì đầu ra vẫn khá nhiều, như:
- Chuyên viên kế toán (đương nhiên)
- "Công nhân" kiểm toán
- Chuyên viên phân tích tài chính
- Chuyên viên kiểm soát nội bộ
- Chuyên viên marketing (tại sao không?)...
Đối với các ngành khối kinh tế là vậy, đầu ra khá đa dạng. Nhưng có một số ngành khác khi các bạn học thì đầu ra ko có nhiều sự lựa chọn, ví dụ như học các ngành an ninh, công an hay học dược, bác sĩ.
Ý chính mình muốn nói tới ở đây là gì? Để biết được một ngành học có triển vọng hay không thì trước tiên các bạn phải biết được các vị trí công việc của ngành học đó sau khi ra trường là gì và trong đó thì bạn muốn làm chính xác vị trí nào? Vì có thể trong cùng một ngành thì vị trí công việc này sẽ có triển vọng phát triển, còn vị trí khác thì đã dư thừa không còn cần nữa. Nên chúng ta không thể tìm hiểu về tổng thể ngành một cách chung chung mà phải đi vào chính xác vị trí công việc là như vậy.
Từ đó chúng ta sẽ xác định vị trí công việc đó trong tương lai có còn cơ hội hay không? Tương lai công việc đó có lỗi thời hay không? Có khả năng bị máy móc thay thế hay không?
Vậy thì làm sao để biết được vị trí công việc của một ngành học? Rất đơn giản, có 2 cách:
- Thứ nhất, hỏi người quen, những người đã học các ngành đó và đã ra trường đi làm hoặc cũng có thể hỏi trực tiếp các bạn sinh viên năm 3 hay năm cuối của ngành đó, các bạn này đã được học chuyên ngành và cũng có thể đã đi thực tập rồi nên có thể biết được phần nào về công việc thực tế của ngành. Nếu không có mối quan hệ trực tiếp thì có thể lên group facebook của các trường đại học hoặc group của các nghề đó để tìm, ví dụ học IT thì vào group Cộng đồng sinh viên IT, học Marketing thì vào group Cộng đồng Marketing & Advertising, v.v.
- Thứ hai, lên google và search với từ khóa “Học ngành marketing ra trường làm công việc gì?” - cái này thì thường là các bài nói lý thuyết thôi, cũng ít khi có bài chia sẻ nên các bạn có thể search kiểu này “Tuyển dụng ngành marketing” thì nó sẽ ra hàng loạt các vị trí tuyển dụng thực tế liên quan đến ngành học, xem ở các nguồn tuyển dụng uy tín như CareerBuilder, Vietnamwork, v.v.
2. Phân tích triển vọng của nghề
Cách để phân tích triển vọng của nghề thì cơ bản là các bạn cần phải tìm đọc các bài báo, các báo cáo phân tích về nghề, về nhu cầu nhân lực của nghề. Ví dụ, bạn thích ngành công nghệ thông tin và vị trí công việc mà bạn muốn làm sau khi tìm hiểu về ngành là vị trí kỹ sư lập trình thì các bạn sẽ tìm đọc các bài báo về nghề kỹ sư lập trình.
Ví dụ với từ khóa “triển vọng nghề kỹ sư lập trình” bạn sẽ thấy một số bài báo viết “nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin tăng 56% trong năm 2019, cung nhân lực hiện tại không đủ cầu, Việt Nam đang đầu tư mạnh về hạ tầng công nghệ, nhiều công ty phần mềm ra đời....”
Khi tiếp nhận những thông tin này bạn cũng sẽ tự đánh giá xem có hợp lý hay không dựa trên những hiểu biết và quan sát của mình. Rõ ràng hiện nay chúng ta đều thấy công nghệ phát triển, các ứng dụng di động ngày càng đa dạng, game mobile ra mắt ngày càng nhiều. Vì thế, những phân tích của bài báo kia có thể là hợp lý hoặc nếu chưa thỏa mãn các bạn sẽ tiếp tục tìm đọc ở các nguồn khác.
Sau đó, các bạn tiếp tục tìm hiểu thêm một vấn đề nữa là con đường sự nghiệp của nghề (Career Path). Con đường sự nghiệp là gì? Đó là từng bậc thang thăng tiến của nghề. Ví dụ nghề lập trình, khi mới bước chân vào nghề chưa có gì trong tay các bạn sẽ ở vị trí Junior developer, sau một vài năm khi có kinh nghiệm các bạn sẽ lên vị trí senior developer hoặc team lead, trưởng nhóm. Sau đó thì bước lên một bậc nữa là technical developer hay project lead, trưởng dự án. Sau đó nữa là Project manager, ví dụ vậy. Tùy công ty sẽ có những cách gọi tên khác nhau của những vị trí này nhưng nhìn chung thì con đường sự nghiệp là như vậy.
Tìm hiểu về con đường sự nghiệp để mình biết được khả năng thăng tiến của nghề, để biết được trong tương lai mình sẽ được đảm nhận những vị trí nào, có phù hợp với mình hay không? Hoặc ở từng level như vậy mình muốn rẽ hướng thì có thể rẽ được hay không? Ví dụ vậy.
Cơ bản là vậy, một bài viết ngắn này chưa nói được hết những vấn đề mà các bạn muốn biết, nên có thắc mắc gì các bạn cứ để lại comment hoặc xem thêm những video về ngành nghề trên kênh youtube Superteo nhé.
Một vài bài viết khác của mình:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất